Cát Duyên
Trong bối cảnh Foxconn Trịnh Châu đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, chính quyền đang phải huy động tới các cựu quân nhân cũng như cán bộ cấp thấp tới hỗ trợ. Giới chức địa phương đang rất lo sợ Foxconn sẽ rời đi, điều gần như có thể khiến kinh tế tỉnh Hà Nam sụp đổ. Nhưng Foxconn có lẽ không phải là công ty Đài Loan duy nhất đang nghĩ tới việc rời khỏi Trung Quốc.
Cựu quân nhân có khắc phục được vấn đề của Foxconn?
Chính quyền thành phố Trịnh Châu ở trung tâm tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, nơi công ty Đài Loan Foxconn đặt nhà máy lớn nhất, đang huy động các cựu quân nhân để bù đắp cho sự thiếu hụt lao động do chính sách zero-COVID gây ra.
Đầu tháng này, nhiều công chức ở tỉnh Hà Nam được thông báo về việc điều động cán bộ cấp thấp và quân nhân đã nghỉ hưu đến làm việc tại Foxconn. Chính phủ địa phương cho biết hôm 16/11: “Cán bộ bắt buộc phải đi đầu và thời gian làm việc ít nhất là một tháng”, theo cổng thông tin Trung Quốc Sina.
Tỉnh đã phân phối nhiệm vụ tuyển dụng cho các thành phố cấp địa khu cụ thể như Tiêu Tác, Tân Hương, Trú Mã Điếm, Tín Dương và Tháp Hà, cũng như các văn phòng thị trấn và khu phố khác nhau. Một thị trấn ở thành phố Chu Khẩu có thể tuyển dụng được 150 công nhân, trong khi thị trấn ở các thành phố đông dân có thể tuyển dụng được hơn 200 người.
Hôm 15/11, Cục Cựu chiến binh tại Thành phố Trường Cát của Hà Nam đã kêu gọi các cựu chiến binh chủ động đăng ký tham gia đợt tuyển dụng của Foxconn Trịnh Châu, nói rằng các cơ sở an toàn và an ninh của Foxconn đã được cải tạo đồng thời nhà máy, nhà hàng và ký túc xá đều được khử trùng, hãng truyền thông tài chính Yicai đưa tin hôm 17/11.
Thông báo chính thức cũng nhắc nhở các quân nhân đã nghỉ hưu “hãy ghi nhớ danh tính quân nhân và sứ mệnh ‘Khi có chiến tranh, chúng ta sẽ trở lại’ và ‘Nơi nào cần thì sẽ có bóng dáng người lính đã nghỉ hưu'”.
Kể từ cuối tháng 10, Foxconn Trịnh Châu, cơ sở lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới, nơi sản xuất một nửa nguồn cung iPhone cho toàn thế giới, đã phải hứng chịu một đợt rời đi ồ ạt của lao động và tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng do lệnh phong tỏa COVID-19 kéo dài và các mối nguy hiểm kéo theo, những điều khiến người lao động phải bỏ nhà máy.
Hôm 22/11, công nhân Foxconn ở Trịnh Châu đã tập trung tại cổng vì muốn bỏ trốn hàng loạt khỏi công ty. Các nhà chức trách đã triển khai hàng trăm cảnh sát để trấn áp họ bằng hơi cay và vòi rồng áp suất cao. Thông tin trên Twitter vào ngày 23/11 cho thấy hàng chục nghìn người lao ra khỏi nhà máy Foxconn và đụng độ với cảnh sát mặc quần áo bảo hộ. Một số sĩ quan cảnh sát được trang bị dụng cụ và đánh đập những người biểu tình đang đứng một mình. Một số bị đánh và chảy máu, trong khi những người khác hét lên: “Cảnh sát đang đánh”.
Chính quyền địa phương lo sợ Foxconn rời đi
Rất hiếm khi chính phủ địa phương giúp một doanh nghiệp tư nhân tuyển dụng lao động, đặc biệt là một doanh nghiệp tư nhân từ Đài Loan.
“Chính quyền tỉnh Hà Nam hẳn đã rất lo lắng và lo ngại rằng Foxconn sẽ bỏ chạy”, nhà bình luận thời sự Yang Si cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 23/11, chỉ ra rằng tỉnh này không có ngành công nghiệp lớn nào khác và chủ yếu dựa vào Foxconn.
Nhà bình luận Yang nói, “Nếu Foxconn bỏ chạy, nền kinh tế của Hà Nam sẽ gần như sụp đổ”.
Theo truyền thông Trung Quốc, vào năm 2020, Foxconn Trịnh Châu là công ty thương mại xuất khẩu lớn nhất tại Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu hàng năm là 31,6 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố và 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Hà Nam.
Foxconn có khoảng 200.000 đến 300.000 nhân viên tại nhà máy Trịnh Châu, gián tiếp cung cấp việc làm cho hàng triệu người khác khi tính đến thực phẩm, quần áo và phương tiện đi lại của những người này. Nhà bình luận Yang nói rằng do đó, Foxconn có tầm quan trọng khá lớn đối với thành phố Trịnh Châu với 12 triệu dân và thậm chí cả tỉnh Hà Nam.
Hôm 11/11, Reuters đưa tin rằng Foxconn đang mở rộng hoạt động tại Ấn Độ và nhà máy Foxconn Ấn Độ có kế hoạch thuê 53.000 người trong vòng hai năm, nâng tổng số nhân sự lên gấp bốn lần so với mức hiện tại.
Nhà bình luận Yang nói, đây chính là điều mà chính quyền Hà Nam đang lo lắng. “Hà Nam cần Foxconn hơn nhiều so với Foxconn cần Hà Nam”.
Theo quảng cáo tuyển dụng của Foxconn Trịnh Châu, người lao động không cần phải có kỹ năng kỹ thuật cao và chỉ cần đào tạo 7 ngày đi kèm với trợ cấp.
Nhà bình luận Yang nói thêm: “Bộ phận R&D [nghiên cứu và phát triển] và công nghệ của Foxconn nằm ở Đài Loan. Nếu Foxconn chuyển đến Ấn Độ, nhiều nhất họ sẽ mất một số nhà máy và thiết bị, điều này sẽ không làm tổn hại đến cốt lõi [của doanh nghiệp]”.
Hôm 06/11, Apple đã thông báo rằng do các hạn chế liên quan đến COVID-19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), công suất hoạt động tại nhà máy lắp ráp Trịnh Châu của họ đã giảm đáng kể. Bất chấp nhu cầu đang cao đối với các mẫu iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max, công ty cảnh báo rằng lô hàng của những điện thoại này sẽ ít hơn dự kiến và khách hàng nên chuẩn bị phải đợi lâu hơn để nhận được sản phẩm mới.
Nhiều công ty Đài Loan tìm cách rời khỏi Trung Quốc
Trong những năm gần đây sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều công ty Đài Loan đang cân nhắc ngừng kinh doanh tại Trung Quốc.
Hôm 04/10, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Mỹ, đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Đây là thời điểm di chuyển”. Theo báo cáo, các công ty Đài Loan dường như đang chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc “với số lượng cao hơn nhiều so với trước đây”.
Báo cáo được viết bởi ông Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc có mối quan tâm lâu dài đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như thương mại xuyên eo biển, đã khảo sát 525 công ty Đài Loan vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, trong đó hơn 60% đang hoạt động tại Trung Quốc.
Theo cuộc điều tra, 25,7% các công ty Đài Loan đó cho biết họ đã chuyển một số hoạt động sản xuất hoặc tìm nguồn cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc, trong khi 33,2% cho biết họ đang xem xét lựa chọn đó nhưng vẫn chưa thực hiện – hai con số này tổng cộng đạt gần 60%. .
Về quan hệ giữa hai bờ eo biển, 76,3% đồng ý với tuyên bố “Đài Loan cần giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc” và 67% đồng ý với tuyên bố “Đài Loan nên mở rộng các hạn chế đối với thương mại và đầu tư công nghệ cao với Trung Quốc”.
Lý do của việc rời đi
Ông Kennedy chỉ ra rằng những lý do khiến các công ty Đài Loan rời Trung Quốc rất phức tạp, và một số lý do là các rủi ro địa chính trị: quan hệ xuyên eo biển và Mỹ-Trung đã đạt mức xấu gần như lịch sử trong năm nay.
Ông Liao Chin-Chang, một doanh nhân Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 16/11 rằng ngoài chính sách zero-COVID của ĐCSTQ và chiến tranh lạnh về công nghệ Mỹ-Trung, một lý do khác tạo nên xu hướng rời bỏ Trung Quốc là “cảm giác không phù hợp với môi trường xã hội Trung Quốc”.
Ông Liao có ba nhà máy ở Trung Quốc, hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất giày, đồ thể thao và công nghiệp hóa chất. Ông quay trở lại Đài Loan sau gần 30 năm hoạt động ở Trung Quốc và đã từ bỏ các nhà máy đặt tại Trung Quốc.
Ông Liao nói: “Thông thường, khi người Đài Loan chúng tôi kinh doanh, đối thủ cạnh tranh của chúng tôi đều là người Đài Loan và chúng tôi biết điểm mấu chốt nằm ở đâu, nhưng khi cạnh tranh với người Trung Quốc, chúng tôi thấy rằng họ không có điểm mấu chốt”.
Ông Liao nói: “Chiến tranh về giá là mô hình phổ biến nhất để các doanh nhân Trung Quốc giành thị phần, nhưng nó không có tính khả thi, có thể dẫn đến việc chỉ một hoặc hai đối thủ sống sót mặc dù thị trường có thể nuôi sống 10 nhà sản xuất”.
Ông Liao tin rằng đây là một loại văn hóa bắt nguồn từ hệ tư tưởng của ĐCSTQ, thứ khiến mọi người tin rằng “bạn chết và tôi sống”. Đặc biệt là khi mọi người gặp nhau, điều họ nghĩ là, “Bạn quỳ gối trước tôi, hoặc tôi quỳ gối trước bạn”.
Ông Liao nói: “Đó là một lý thuyết về đấu tranh tà ác, rất khác với khái niệm dân chủ và cơ hội bình đẳng được thúc đẩy bởi một xã hội tự do”.
Ông Liao trong một cuộc phỏng vấn trước đây với The Epoch Times đã cảnh báo các doanh nhân Đài Loan muốn vào Trung Quốc: “Nếu bạn vẫn băng qua eo biển (đến Trung Quốc đại lục) một cách liều lĩnh, bạn sẽ đi vào ngõ cụt”.
Cát Duyên