Ngân hàng trung ương Pakistan tăng lãi suất lên cao nhất kể từ năm 1999
Ngân hàng trung ương Pakistan hôm 25/11 đã tăng lãi suất chính sách thêm 100 điểm cơ bản lên 16% — mức cao nhất kể từ năm 1999 — trong bối cảnh các tác động tiêu cực đến nguồn cung trong nước và toàn cầu kéo dài đã đẩy lạm phát lên cao hơn.
Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của quốc gia này cho biết quyết định trên được đưa ra để ngăn chặn lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát khi áp lực lạm phát trở nên “mạnh mẽ và dai dẳng hơn dự kiến.”
MPC cho biết trong một tuyên bố: “Điều này nhằm mục đích bảo đảm rằng lạm phát tăng cao không trở nên nghiêm trọng và ngăn chặn các rủi ro đối với sự ổn định tài chính, từ đó mở đường cho tăng trưởng cao hơn trên cơ sở bền vững hơn.”
“Những tác động tiêu cực này đang ảnh hưởng lan ra giá cả và tiền lương nói chung, điều này có thể phá vỡ kỳ vọng lạm phát và làm suy yếu tăng trưởng trung hạn. Do đó, không thể bỏ qua sự gia tăng lạm phát do chi phí đẩy và cần phải có phản ứng về chính sách tiền tệ.”
Hành động này đưa mức tăng lãi suất năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước Pakistan lên 625 điểm cơ bản. Ngân hàng trung ương đã giữ nguyên tỷ giá trong hai cuộc họp cuối cùng vào tháng Mười và tháng Chín.
Theo MPC, lạm phát toàn phần (headline inflation) của Pakistan đã tăng lên 26.6% trong tháng Mười, do giá năng lượng và lương thực tăng lần lượt là 35.2% và 35.7%.
Lạm phát cơ bản (core inflation) lần lượt tăng lên 18.2% và 14.9% ở khu vực nông thôn và thành thị. Giá lương thực đã tăng đáng kể do thiệt hại mùa màng từ các trận lũ lụt gần đây vốn đã ảnh hưởng đến hơn 30 triệu người.
MPC tuyên bố: “Lũ lụt có thể gây khó khăn cho việc đạt được mục tiêu củng cố tài khóa mạnh mẽ như dự kiến trong năm nay, nhưng điều quan trọng là phải giảm thiểu trượt giá bằng cách đáp ứng nhu cầu chi tiêu bổ sung chủ yếu thông qua tái phân bổ chi tiêu và các khoản trợ cấp ngoại quốc, đồng thời chỉ hạn chế chuyển khoản cho những người dễ bị tổn thương nhất.”
“Việc duy trì kỷ luật tài khóa là cần thiết để đi kèm với việc thắt chặt tiền tệ, hai điều này sẽ cùng nhau giúp ngăn chặn lạm phát gia tăng và giảm bớt các tổn thương bên ngoài.”
Ông Martin Raiser, phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Nam Á, tháng trước đã kêu gọi chính phủ Pakistan thực hiện các biện pháp nội bộ để vực dậy nền kinh tế, và chỉ ra những người dân vốn đã phải chịu gánh nặng chi phí năng lượng cao.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình địa phương Geo TV: “Đây là lý do tại sao [các nhà chức trách] đang phải đối mặt với tổn thất trong phân phối và giá cả cao.” Ông Raiser khuyến nghị Pakistan áp dụng các cải cách trong lĩnh vực năng lượng của mình.
Aldgra Fredly
Vân Du biên dịch
Nhật Bản cảnh báo tỷ lệ sinh giảm mạnh
Số liệu mới nhất do Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản công bố chỉ ra rằng trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ có gần 600.000 trẻ được sinh tại quốc gia này – thấp hơn 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu các cuộc khảo sát về dân số hàng năm, theo tờ ABC News.
Cụ thể, số trẻ được sinh ra từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay tại Nhật Bản là 599.636 em, trong đó có cả trẻ người nước ngoài, giảm 30.933 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tốc độ này duy trì, nhiều khả năng năm 2022 Nhật Bản sẽ ghi nhận lần đầu tiên số trẻ được sinh hằng năm ở mức dưới 800.000 trẻ, thấp nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu khảo sát về dân số và thấp hơn khoảng 10.000 trẻ so với năm 2021.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu dân số và an ninh xã hội quốc gia Nhật Bản, cơ quan tư vấn chính sách cho chính phủ quốc gia này, số trẻ em được sinh ra trong năm 2022 chỉ ở mức 770.000 trẻ. Nếu ước tính trên là đúng, thì năm 2022 Nhật Bản ghi nhận tốc độ giảm sinh tương ứng mức được viện này dự báo sau 8 năm nữa.
Hôm 28/11 vừa qua, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho hay rằng con số trên cho thấy tỷ lệ sinh tại Nhật Bản đang giảm với tốc độ đáng báo động và chính phủ nước này sẽ nỗ lực hết sức để triển khai các biện pháp ứng phó toàn diện với vấn đề này.
Giáo sư Yu Shibata tại Viện Nghiên cứu nhân chủng học và môi trường, thuộc Đại học Tokyo, cho biết để cải thiện tình trạng này là không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu nói chung và tại Nhật Bản nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến kế hoạch sinh con của các gia đình. Điều quan trọng là Chính phủ Nhật Bản phải cố gắng giảm bớt gánh nặng tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ liên quan đến sinh nở, chăm sóc con và học phí.
Phan Anh (Trí Thức VN)
Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ tại Trung Quốc chuẩn bị cho khả năng xấu nhất
Trong khi các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Trung Quốc, vào sáng ngày 28/11 Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã có tuyên bố bất ngờ khuyến cáo công dân Mỹ tại Trung Quốc “chuẩn bị cho bản thân và gia đình 14 ngày thuốc men, nước đóng chai và nguồn cung cấp thực phẩm”.
Liên quan về tình hình Trung Quốc hiện tại, ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu) người Mỹ gốc Hoa, thành viên cấp cao và Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson bày tỏ lo ngại.
“Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở rộng các biện pháp hạn chế và kiểm soát phòng ngừa COVID-19. Các biện pháp này có thể bao gồm cách ly khu dân cư, xét nghiệm hàng loạt, đóng cửa, gián đoạn giao thông, phong tỏa và có thể chia tách các gia đình. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns và các quan chức phái đoàn khác đã thường xuyên nêu quan ngại của chúng tôi về nhiều vấn đề này trực tiếp với các quan chức cấp cao của Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”, tuyên bố viết.
Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ David Tafuri thì chia sẻ rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đang cố gắng đi trước một bước và ngăn người dân bị lôi kéo vào căng thẳng ở Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng đó là một thông điệp gửi tới công dân Mỹ ở Trung Quốc rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận thấy các biện pháp chống dịch tăng cường chặt chẽ đi cùng khả năng đàn áp người biểu tình của ĐCSTQ có thể dẫn đến việc tiếp tục phong tỏa và cấm đi lại, nếu công dân Mỹ rời khỏi nhà của họ thì có thể gặp nguy cơ bị bắt giữ”, ông Tafuri nói thêm.
3 năm qua, người dân Trung Quốc quá thất vọng, thậm chí tuyệt vọng trước các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt làm cuộc sống bình thường bị đảo lộn, nền kinh tế ngừng hoạt động, người dân dường như không còn hy vọng. Cuối cùng, một vụ cháy chung cư cao tầng ở Urumqi – Tân Cương đã châm ngòi cho nỗi tức giận của người dân khiến các cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước Trung Quốc. Mọi người đổ xô ra đường, mạo hiểm bị bắt và bị đánh đập, hét lên “Không tự do thì thà chết” và “Cần tự do chứ không cần phong tỏa”, “Chúng tôi cần phải sống”, “Chúng tôi muốn làm việc”, “Hạ bệ Đảng Cộng sản”…
Trả lời phỏng vấn của Fox News vào thứ Hai, ông Dư Mậu Xuân tại Viện Hudson (Mỹ) đã phân tích rằng vụ việc này khác với những vụ việc trước đây vì có nền tảng rộng lớn hơn về mặt [giai tầng] xã hội: “Các [cuộc biểu tình] trước đây chủ yếu xuất phát từ tầng lớp dưới cùng của xã hội, những người lao động nhập cư bị bóc lột. Lần này chủ yếu do tầng lớp trung lưu sở hữu tài sản lãnh đạo”.
Ông David Tafuri cũng nói: “Có rất ít cuộc biểu tình nhân quyền ở Trung Quốc đại lục, vì vậy rất đáng để theo dõi xem liệu biến cố này có tiếp tục sinh sôi nảy nở và dẫn đến tình trạng bất tuân dân sự kéo dài cũng như kêu gọi chính quyền cải thiện nhân quyền hay không”.
Nhiều video được đăng trực tuyến cho thấy cảnh sát đột kích và bắt đi một số người biểu tình, nhưng dường như không thấy lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình hoặc chính quyền Trung Quốc có phản ứng gì ngay lập tức.
Ông Tafuri dự đoán rằng các cuộc biểu tình có thể dẫn đến một số nhượng bộ nhỏ từ ĐCSTQ, nhưng “dù thế nào thì Trung Quốc đã là một quốc gia cảnh sát với các phương tiện và nguồn lực hùng hậu đủ sức để đàn áp các cuộc biểu tình này. Tôi đoán rằng trước khi thúc đẩy trấn áp, họ sẽ tạm thời ngồi quan sát tình hình”.
Về vấn đề này Dư Mậu Xuân cảnh báo: “Như vậy có thể nguy hiểm vì nhất thời cho người biểu tình cảm giác chiến thắng giả tạo, [tuy nhiên tình hình có thể] dẫn đến việc ĐCSTQ tập trung quyền lực và huy động nguồn lực [mạnh mẽ hơn]”.
Tiêu Nhiên, Vision Times
Chính quyền Biden tuyên bố ủng hộ quyền biểu tình của người dân Trung Quốc
Chính quyền Biden hôm thứ Hai (28/11) nói rằng họ ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa của người dân Trung Quốc chống lại các chính sách COVID của chế độ cộng sản. Tuyên bố này được đưa ra sau khi bất ổn dân sự lan rộng làm rung chuyển Trung Quốc từ cuối tuần qua.
“Người dân nên được trao… quyền tụ tập và biểu tình ôn hòa chống lại các chính sách, luật pháp hay chỉ thị… mà họ không đồng tình”, phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với báo giới trong cuộc họp báo thường nhật hôm thứ Hai (28/11). “Nhà Trắng ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa”, ông John Kirby nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông John Kirby đã từ chối trực tiếp lên tiếng ủng hộ những lời kêu gọi của người biểu tình về tự do nhiều hơn tại Trung Quốc.
Khi được hỏi phản ứng của Tổng thống Biden là gì với yêu cầu về giành lại quyền tự do cá nhân của người biểu tình Trung Quốc và đòi hỏi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phải “rút lui”, ông Kirby đáp: “Tổng thống sẽ không nói thay cho người biểu tình”.
“Những người biểu tình đang nói cho chính họ. Những gì chúng tôi làm là đang làm rõ rằng chúng tôi ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa”, ông Kirby nói thêm khi được phóng viên hỏi kỹ hơn.
Ông Kirby cũng cho biết Tổng thống Biden đã được báo cáo về các cuộc biểu tình tại Trung Quốc và nói thêm rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục “quan sát chặt chẽ và chúng tôi sẽ xem mọi thứ đi đến đâu”.
Một số chính trị gia tại Mỹ cho rằng phản ứng của Nhà Trắng đối với tình hình Trung Quốc là chưa đủ. Thượng nghị sĩ Josh Hawley bình luận về đoạn video ông Kirby phát biểu trong họp báo rằng: “Nói cách khác, Nhà Trắng không dám làm phật ý Bắc Kinh”.
Cả Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đều chưa công khai tuyên bố về các cuộc biểu tình tại Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn đã lên tiếng kêu gọi ông Biden phải bày tỏ sự ủng hộ người biểu tình mạnh mẽ hơn.
“Công dân Trung Quốc đang làm cho tiếng nói của họ được để ý đến và đang lên tiếng phản đối chủ nghĩa cộng sản”, bà Blackburn viết trên Twitter hôm 28/11. Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Tennessee nói thêm rằng ông Biden cần can ngăn giới chức Trung Quốc sử dụng bạo lực với người biểu tình. “Mỹ phải ủng hộ những chiến binh tự do này”, bà Blackburn bày tỏ.
Một số chính trị gia khác của Đảng Cộng hòa cũng chỉ trích phản ứng của chính quyền Biden, trong đó có Thượng nghị sĩ Ted Cruz. Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Texas gọi phản ứng của chính phủ Mỹ là “tồi tệ hơn mong đợi”.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc nên biết rằng bằng cách này hay cách khác, trong những tháng tới hoặc trong những năm tới, Mỹ sẽ buộc mỗi và mọi quan chức Đảng Cộng sản phải chịu trách nhiệm cho những hành động tàn bạo chống lại người biểu tình”, ông Ted Cruz tuyên bố trên Twitter hôm 28/11.
Tuyên bố của Nhà Trắng về các cuộc biểu tình tại Trung Quốc tương phản với lập trường công khai của họ về cách chính quyền Iran hành xử với người biểu tình từ tháng Chín.
Cũng trong buổi họp báo hôm 28/11, khi phát biểu về tình hình bất ổn dân sự tại Iran hiện nay, ông Kirby nói rằng Mỹ sẽ “làm mọi việc chúng tôi có thể để không chỉ ủng hộ quyền của người biểu tình mà còn buộc chế độ [Iran] phải chịu trách nhiệm về cách họ đang hành xử với chính người dân nước họ”.
Trong vài ngày qua, biểu tình quần chúng đã bùng nổ ở ít nhất 10 thành phố lớn khắp Trung Quốc từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, tạo thành vụ bất tuân dân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua tại đất nước do Đảng Cộng sản kiểm soát hà khắc.
Người biểu tình kêu gọi chấm dứt “Zero-COVID”, chính sách ngăn chặn dịch bệnh cực đoan với phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt và xét nghiệm trên diện rộng; đồng thời người dân cũng yêu cầu lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phải từ bỏ quyền lực.
Xuân Thành
Ford Motor thu hồi hơn 634,000 xe SUV do rò rỉ nhiên liệu, nguy cơ hỏa hoạn
Ford Motor đang tiến hành thu hồi hơn 634,000 chiếc SUV trên toàn cầu sau khi có thông tin cho rằng những chiếc xe này có nguy cơ bị nứt kim phun nhiên liệu, có thể gây rò rỉ hơi hoặc tràn nhiên liệu vào động cơ đang nóng, có khả năng gây cháy.
Đợt thu hồi dành cho các mẫu SUV Escape và Bronco Sport cho tất cả các mẫu xe từ năm 2020 đến 2023. Các xe này có động cơ 3 xi-lanh, dung tích 1.5 lít. Tại Hoa Kỳ, đợt thu hồi này ảnh hưởng đến 518,993 xe. Công ty cho biết trong tuyên bố thu hồi: “Nếu chiếc SUV của quý vị bị nứt kim phun nhiên liệu, mùi xăng nồng nặc là một trong những dấu hiệu đầu tiên. Nếu quý vị ngửi thấy mùi xăng hoặc khói, hoặc nhìn thấy khói, hãy đỗ chiếc SUV của quý vị và liên hệ với Đại lý Ford để kiểm tra xe của quý vị.”
Theo Ford, một kỹ thuật viên liên kết với công ty sẽ tiến hành Cập nhật Nhu liệu (Software Update) để phát hiện bất kỳ sự sụt giảm áp suất nhiên liệu nào và tự động giảm công suất động cơ. Ngoài ra, một ống sẽ được lắp đặt để thoát nhiên liệu ra khỏi các bề mặt nóng.
Khách hàng có thể mang chiếc SUV của mình đến trung tâm dịch vụ hoặc có thể để cho xe được giao, sửa chữa, và trả lại khi nào thuận tiện. Các dịch vụ là miễn phí. Chủ sở hữu cũng có thể sử dụng một chiếc xe cho mượn miễn phí trong khi chiếc xe bị thu hồi đang được sửa chữa.
Ford thừa nhận rằng công ty không biết nguyên nhân của vấn đề và vấn đề vẫn đang được điều tra. Tại Hoa Kỳ, nhà cung cấp liên quan đến việc thu hồi là Vitesco. Tuyên bố thu hồi không bao gồm bất kỳ hướng dẫn nào cho việc dừng lái xe.
Theo thông cáo báo chí hôm 24/11, ông Jim Azzouz, Giám đốc Điều hành tại bộ phận Sản phẩm CX Toàn cầu và Quan hệ Khách hàng, cho biết: “Việc chăm sóc những khách hàng bị ảnh hưởng bởi vấn đề tiềm ẩn này là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.”
Tai nạn và bảo hành
Công ty xe hơi này đã nhận được 20 báo cáo về hỏa hoạn, với ba trong số các sự cố dẫn đến thiệt hại cho các công trình lân cận. Theo AP, vấn đề này có 43 khiếu nại pháp lý được quy cho công ty cũng như 4 khiếu nại về thương tích không liên quan đến bất kỳ vết bỏng nào.
Ford đang mở rộng bảo hành để các kim phun nhiên liệu bị nứt được bảo hành lên đến 15 năm. Công ty không có kế hoạch thay thế các kim phun vì tỷ lệ hỏng hóc gây ra rò rỉ là rất thấp.
Ford đã phát hiện ra vấn đề này khi kiểm tra các báo cáo về hỏa hoạn liên quan đến đợt thu hồi trước đó. Công ty đã phát hiện ra hai sự cố cháy dưới mui xe ở Bronco Sport 2022 và Escape 2022.
Mặc dù các báo cáo rối cuộc không đi đến kết luận cuối cùng, nhưng Ford đã quyết định rằng có thể có một nguyên nhân nữa góp phần gây ra hỏa hoạn. Nhóm kỹ sư sau đó đã xác định được một kim phun nhiên liệu bị nứt đang tạo ra nguy cơ hỏa hoạn. Các đại lý đã được thông báo về vấn đề này hôm 23/11.
Naveen Athrappully
Nhật Thăng biên dịch