Tin thế giới sáng thứ bảy: Tổng thống Mỹ và Pháp ra tuyên bố chung lên án chiến tranh của Nga

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một tuyên bố chung sau cuộc gặp song phương của họ tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Năm ngày 1/12, trong đó lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraina.

Hai nhà lãnh đạo cho biết họ “lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp của Nga chống lại Ukraina và nhấn mạnh rằng việc cố ý nhắm mục tiêu vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự sẽ cấu thành tội ác chiến tranh mà thủ phạm phải chịu trách nhiệm”.

Tuyên bố chung có đoạn: “Mỹ và Pháp lấy làm tiếc về các bước leo thang có chủ ý của Nga, đáng chú ý là giọng điệu hạt nhân vô trách nhiệm và thông tin sai lệch của nước này liên quan đến cáo buộc tấn công hóa học, cũng như các chương trình vũ khí hạt nhân và sinh học. Mỹ và Pháp tái khẳng định sự hỗ trợ liên tục đối với việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, bao gồm cả việc cung cấp hỗ trợ chính trị, an ninh, nhân đạo và kinh tế cho Ukraina trong thời gian dài nhất”. 

Tổng Thống Biden và người đồng cấp Macron cũng “vạch ra một tầm nhìn chung nhằm củng cố an ninh và tăng cường thịnh vượng trên toàn thế giới, chống biến đổi khí hậu, xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn trước những tác động của nó và thúc đẩy các giá trị dân chủ.”

Mùa đông đã đến: Thử thách an ninh năng lượng của châu Âu

image.png

Mùa đông đến, kho dự trữ khí đốt bắt đầu sụt giảm, giá năng lượng tăng, và dự báo thời tiết lạnh hơn bình thường vào tháng 12 ở phía bắc châu Âu và Anh sẽ là thử thách thực sự đầu tiên đối với hệ thống năng lượng châu lục này.

Dự trữ khí đốt tại Đức và các quốc gia khác ở châu Âu đã bắt đầu sụt giảm khi nhu cầu sử dụng năng lượng bùng nổ với thời tiết chuyển lạnh.

Châu Âu đã lấp đầy các kho dự trữ khí đốt trước thời hạn nhờ thời tiết ấm hơn vào mùa thu vừa qua và nhờ việc huy động các nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Ví dụ, Đức vừa trải qua một mùa thu có nhiệt độ ấm thứ ba trong lịch sử ghi nhận từ năm 1881, theo cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Deutscher Wetterdienst cho biết.

Tuy nhiên, khi mùa đông vừa chớm đến, lượng khí đốt rút khỏi kho dự trữ của Đức đã bắt đầu tăng vào ngày 18/11/2022 và tăng vọt từ ngày 28/11, làm mức dự trữ đã bắt đầu sụt giảm. Tương tự, tại Liên minh Châu Âu (EU) nói chung, nhu cầu bắt đầu tăng vào khoảng ngày 14/11 và tăng mạnh từ ngày 28/11, khiến lượng dự trữ khí đốt giảm với mức tương ứng.

Giá khí đốt tự nhiên tại nền tảng giao dịch TTF — trung tâm giá khí đốt tiêu chuẩn cho châu Âu — đã tăng vọt vào đầu tuần này khi thời tiết lạnh giá bắt đầu, với giá đạt mức cao nhất trong sáu tuần vào ngày 30/11.

Giá khí đốt tiêu chuẩn của Vương quốc Anh cũng đã tăng khi nhu cầu tăng vọt, trong khi tốc độ gió thấp đồng nghĩa với việc sản lượng điện gió giảm mạnh cần được bù đắp bằng điện sản xuất từ khí đốt.

Kể từ ngày 27/11, sản lượng điện từ gió ở Anh đã giảm. Ví dụ, vào ngày 30/11, khí đốt chiếm 59,7% nguồn điện năng của Anh, trong khi gió chỉ chiếm 9,3%, theo Tập đoàn lưới điện quốc gia (National Grid) cho biết. Trước đó, vào ngày 26/11, gió chiếm 48% nguồn điện năng của Anh, còn khí đốt chỉ chiếm 33%.

“Châu Âu đang thiếu hụt dòng khí đốt tự nhiên và do đó giá phản ứng nhanh với nhu cầu tăng đột biến vào cuối tháng 11 và trong khi mùa đông vẫn còn ở phía trước”, theo Alexander Stahel — nhà sáng lập và giám đốc đầu tư của hãng đầu tư hàng hóa có trụ sở tại Thụy Sĩ Burggraben Holding AG — cho biết.

Vào nửa cuối tháng 12, Vương quốc Anh được dự báo sẽ có nhiệt độ thấp dưới mức bình thường, theo cơ quan dự báo thời tiết quốc gia (Met Office) cho biết. Nhìn chung, dự báo thời tiết hiện tại cho thấy mùa đông năm nay tại châu Âu có thể lạnh hơn bình thường, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc.

Các chính phủ từ Phần Lan đến Pháp đã cảnh báo về khả năng mất điện luân phiên vào mùa đông do nhu cầu sẽ gia tăng. Tương tự, Đức cho biết có thể phải thực hiện các biện pháp quyết liệt như hạn chế phân phối khí đốt nếu mức khí đốt trong kho dự trữ giảm xuống dưới 40% vào thời điểm ngày 1/2/2023, theo Klaus Müller — chủ tịch cơ quan quản lý của Đức về thị trường năng lượng (Bundesnetzagentur) — cho hay.

Thống đốc Florida DeSantis: Apple hành xử như bề tôi của Bắc Kinh

Giữa làn sóng biểu tình dữ dội nổ ra từ giữa tuần trước nhằm phản đối chính sách Zero-COVID hà khắc ở Trung Quốc, công ty Apple có trụ sở tại California (Mỹ) đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì đã khiến công dân Trung Quốc khó có thể sử dụng một số ứng dụng của Apple để nói chuyện, nhắn tin và chia sẻ thông tin.

Ông Ron DeSantis – Thống đốc tiểu bang Florida, nói với Fox News hôm thứ 3 (29/11) rằng, chính sách của Apple nhằm hạn chế việc sử dụng ứng dụng AirDrop trên iPhone ở Trung Quốc mang lại nhiều lợi ích cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nó khiến các cuộc biểu tình của người dân trở nên kém hiệu quả.

AirDrop cho phép trao đổi nhanh các tệp tin như hình ảnh, video, hay văn bản giữa các thiết bị của Apple.

“Nếu quý vị nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc hiện tại, ĐCSTQ vẫn đang áp đặt các chính sách phong tỏa zero-COVID. Họ liên tục sử dụng chính sách này trong 3 năm qua. Người dân ở Trung Quốc đang thực sự tham gia một nỗ lực cao cả để phản đối những gì về cơ bản là sự cai trị của chủ nghĩa Lê-nin”, ông DeSantis nói được foxnews đưa tin.

“Vì vậy, [Apple] về cơ bản đang phục vụ như một bề tôi của ĐCSTQ”.

Thống đốc DeSantis dường như rất lưu ý về thời điểm đáng ngờ khi Apple công bố phiên bản mới của hệ điều hành di động iOS 16.1.1 – ngày 09/11. 

Apple phát hành bản cập nhật hệ điều hành iOS 16.1.1 đến người dùng trên toàn thế giới vào ngày 09/11. Riêng với các thiết bị mua tại Trung Quốc, hãng này đã âm thầm thêm giới hạn thời gian 10 phút khi người dùng bật chức năng AirDrop để nhận dữ liệu từ “Tất cả mọi người” (chứ không chỉ từ những người trong danh bạ). Kết thúc 10 phút, tính năng chia sẻ các tệp tin qua AirDrop giữa các thiết bị mua tại Trung Quốc sẽ chuyển về chế độ chỉ cho phép nhận dữ liệu từ “Những người trong danh bạ”. 

Việc áp đặt quy tắc này rõ ràng đã làm giảm khả năng phối hợp và chia sẻ thông tin khẩn giữa những người biểu tình với nhau về địa điểm biểu tình và hoạt động của họ, cũng như về lực lượng an ninh đang vây bắt người biểu tình.

Weibo Đại sứ quán Đức ở Trung Quốc bị tấn công vì nghi ủng hộ ‘Phong trào Giấy trắng’

Weibo của Đại sứ quán Đức tại Trung Quốc đã bị đội quân mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tấn công vì đã đăng tải một thông điệp được cho là ủng hộ “Phong trào Giấy trắng”.

“Phong trào Giấy trắng” khởi đầu từ Đại học Truyền thông Nam Kinh – Trung Quốc gần đây để tưởng nhớ các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Tân Cương, đã lây lan thành làn sóng biểu tình quy mô lớn khắp Trung Quốc.

Weibo của Đại sứ quán Đức tại Trung Quốc gần đây đã nhân kỷ niệm “50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Trung Quốc”, đưa ra đánh giá triển vọng của một loạt các sự kiện. Ngày 1/12, Đại sứ quán đã ra thông điệp có nội dung: “Có những năm chúng ta có thể dễ dàng đưa ra lựa chọn; có những năm chúng ta phải do dự rất lâu. Khoảnh khắc nào khiến bạn ấn tượng nhất? Tương lai sẽ mang lại cho chúng ta điều gì?”

Đại sứ quán Đức tại Trung Quốc tiếp tục: “Trong tiếng Đức, người ta thường so sánh tương lai với một tờ giấy trắng chưa được viết lên. Tờ giấy trắng này hiện đang nằm trong tay bạn và sẽ do bạn và tôi cùng nhau vẽ ra”. Hình ảnh đính kèm của Đại sứ quán là một người đang cầm tờ giấy trắng có ghi “2023…”.

Trong bối cảnh làn sóng biểu tình trong khuôn viên các trường đại học Trung Quốc lan rộng khắp cả nước, bài đăng của Đại sứ quán Đức đã thu hút sự chú ý và suy đoán của cư dân mạng, nhiều người cho rằng đây là Đại sứ quán Đức hưởng ứng “Phong trào Giấy trắng” nhằm đoàn kết với người dân Trung Quốc. Tuy nhiên nội dung đăng đã kéo theo hoạt động tấn công từ đội quân mạng của ĐCSTQ.

Máy bay vận tải Nga ‘bí mật’ nhiều lần bay vào Trung Quốc

Theo trang web Defense Express của Ukraina, chiếc máy bay vận tải An-124 Ruslan của Nga đã bay tới Trung Quốc ít nhất 10 lần trong tuần qua và quay trở lại Mát-xcơ-va cùng ngày. 

Để tránh bị theo dõi, máy bay vận tại của Nga thường xuyên tắt máy phát đáp để bảo mật vật liệu vận chuyển. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, liệu máy bay của Nga có đang vận chuyển vật tư quân sự hay không? 

Có ý kiến cho rằng, nếu Nga mang về các vật liệu như áo giáp, mũ bảo hiểm và quần áo, thì đó không được coi là viện trợ quân sự và là một trao đổi thương mại bình thường. 

Một số cư dân mạng trực tiếp chỉ ra rằng, Trung Quốc có thể đang bí mật viện trợ chip điện tử cho Nga.

Theo dữ liệu từ ứng dụng Radarbox, trong 7 ngày qua, máy bay vận tải An-124 của Nga đã thực hiện 9 chuyến bay tới Trung Quốc, nhưng chỉ có 3 chuyến bay trở về Nga. Sự chênh lệch trong chuyến bay cho thấy máy bay của Nga có thể đã tắt máy phát đáp để tránh bị theo dõi.

Được biết, một số máy bay vận tải của Nga đã hạ cánh xuống sân bay Trịnh Châu, sự kiện này đã thu hút sự chú ý của mạng xã hội Trung Quốc. 

Trên mạng có đăng tải một đoạn video nói rằng, máy bay Nga có thể đã đến lấy áo giáp, mũ bảo hiểm và quần áo. Tuy nhiên, hiện chưa thể xác nhận được tính chân thực của thông tin này.

Theo các báo cáo tổng hợp của các phương tiện truyền thông đất liền, Nga đã khẩn trương vận chuyển áo chống đạn, mũ bảo hiểm và quần áo từ Trung Quốc. 

Đây không phải là những vật tư bí mật, cũng không phải là viện trợ quân sự, mà đơn giản chỉ là một giao dịch thương mại thông thường.

Thế giới bên ngoài lo ngại về việc liệu Trung Quốc có hỗ trợ quân sự như tên lửa cho Nga hay không, về vấn đề này, Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, Trung Quốc luôn giữ quan điểm trung lập, dưới góc độ khách quan và công bằng, họ sẽ không bao giờ cung cấp sự hỗ trợ như vậy cho Nga. 

Theo một thông tin khác, nhân viên sân bay Trịnh Châu đã mất rất nhiều thời gian để đưa hàng trăm tấn hàng lên khoang máy bay để trở về Mat-xcơ-va. 

Với khối lượng nặng như vậy, chúng được cho là hàng hóa thương mại điện tử thay vì các vật dụng quân sự được đồn đại như áo giáp và mũ bảo hiểm.

Ngoài ra, trên các diễn đàn trực tuyến của Trung Quốc ở nước ngoài, một số cư dân mạng suy đoán rằng, vật tư mà Trung Quốc bí mật viện trợ cho Nga có thể là chip điện tử.

Related posts