Tin thế giới sáng chủ nhật

TT Macron đến New Orleans quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Pháp trên đất Mỹ


image.png
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm New Orleans (bang Louisiana – Hoa Kỳ) ngày 02/12//2022, chặng cuối cùng trong chuyến công du Hoa Kỳ. AP – Gerald Herbert
Thanh Hà
Kết thúc chuyến công du Mỹ hôm 02/12/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron chọn đến thăm New Orleans, bang Lousiana. Đây là nơi từng được đặt dưới quyền quản lý của Pháp cho đến đầu thế kỷ 19. Tại New Orleans tổng thống Macron thông báo quỹ hỗ trợ để phổ biến văn hóa và ngôn ngữ Pháp và đã có một cuộc trao đổi với tỷ phú Elon Musk chủ nhân Twitter.

Viếng thăm bảo tàng nghệ thuật thành phố, Emmanuel Macron thông báo chương trình French for All nhằm hỗ trợ những ai muốn học tiếng Pháp. Nguyên thủ Pháp quan niệm « ngôn ngữ của Molière mở ra những cơ hội cả về văn hóa lẫn kinh tế » không chỉ dành riêng cho một số những thành phần ưu tú. Trao đổi với tân chủ nhân Twitter ông Macron nhắc nhở Elon Musk tuân thủ các quy định của Liên Âu về việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Song tại New Orleans, tổng thống Pháp đã tổng kết thành quả chuyến công du Hoa Kỳ của ông lần này.

Đặc phái viên Valérie Gas tường thuật :

Sau những nghi lễ chính thức chặt chẽ trong chuyến công du cấp Nhà Nước ở Washington, bầu không khí đã thay đổi hẳn khi Emmanuel Macron đến New Orleans. Vừa ra khỏi máy bay ông đã tham quan khu phố Pháp của thành phố này, một chặng dừng thoải mái nhưng vẫn có ý nghĩa về mặt chính trị.

Ông nói : “Đây là dịp để vinh danh liên hệ về mặt lịch sử, là cách để quảng bá văn hóa và tiếng Pháp tại một vùng đất luôn và vẫn tiếp tục bảo vệ ngôn ngữ Pháp”. Trước khi trở lại Paris, tổng thống Macron tổng kết chuyến đi mà ông đánh giá là “rất tích cực” bởi đã thu hút được chú ý của Mỹ về “những hậu quả đối với châu Âu từ kế hoạch của Mỹ hỗ trợ kinh tế”.

Emmanuel Macron nói ông đã đề cập thẳng đến vấn đề này để “Pháp – và cùng với Pháp là Liên Hiệp Châu Âu – trở thành trọng tâm trong lịch trình làm việc của Mỹ. Đây là điều tốt đối với Pháp và cả châu lục. Giờ đây các bên cần xây dựng một mối quan hệ về lâu về dài. Trước mắt thì mọi người đã đồng ý lộ trình các kế hoạch đầu tư chung. Chúng ta cần tiếp tục tiến lên ».

Tiến lên và tiến nhanh để gặt hái được những thành quả từ này cho đến quý đầu năm tới. Emmanuel Macron cho biết ông đã có lời mời tổng thống Joe Biden công du nước Pháp và đây cũng là mong muốn của lãnh đạo Hoa Kỳ, thế nhưng ai cũng có lịch làm việc chật kín, và thời gian gần đây thì các nguyên thủ không phải lúc nào cũng làm chủ được những sự kiện ập đến. 

Tội ác chiến tranh: LHQ điều tra về các vụ Nga oanh kích mạng lưới điện Ukraina
image.png
Ảnh minh họa: Lực lượng cứu hỏa Ukraina dập lửa sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào một trạm điện ở Kharkiv, Ukraina, ngày 11/09/2022. AP – Kostiantyn Liberov
Thùy Dương
Một ủy ban điều tra đã được Liên Hiệp Quốc chỉ định để xác định xem liệu các vụ oanh kích của quân Nga, đặc biệt nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina, có cấu thành tội ác chiến tranh hay không.

Le Monde ngày 02/12/2022 trích dẫn ông Pablo de Greiff, một trong các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc, theo đó nếu các vụ oanh kích của quân Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraina cấu thành tội ác chiến tranh, thì Nga chắc chắn sẽ bị trừng phạt. Phát biểu của điều tra viên Pablo de Greiff được đưa ra trong một cuộc họp báo từ Kiev.

Trong khi đó, Jasminka Dzumhur, một thành viên khác của ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc, khẳng định :« Các cơ sở hạ tầng dân sự được bảo vệ bởi các đạo luật nhân đạo quốc tế. Ủy ban sẽ xem xét vụ thể vấn đề này ». Bà Jasminka Dzumhur tỏ ý lo ngại là tình hình hiện nay sẽ tác động đến các quyền và cuộc sống của trẻ em Ukraina. Theo bà, các vụ oanh kích phá hủy mạng lưới điện của Ukraina cũng tác động đến việc di chuyển của người bệnh và gián tiếp khiến người dân mất quyền được chăm sóc y tế, đặc biệt đối với người bị bệnh mãn tính hoặc cần được cấp cứu.

Putin: Oanh kích cơ sở hạ tầng Ukraina là « không thể tránh khỏi »

Cũng trong ngày hôm qua 02/12, trong cuộc điện đàm đầu tiên với thủ tướng Đức Olaf Scholz kể từ giữa tháng 09, tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các lực lượng vũ trang Nga trong một thời gian dài đã tránh dùng tên lửa có độ chính xác cao để oanh kích một số mục tiêu của Ukraina, thế nhưng những biện pháp đó đã trở nên « cần thiết và không thể tránh khỏi » để đối phó với các hành động « khiêu khích » của Kiev.

Về phát biểu của tổng thống Mỹ Joe Biden là ông sẵn sàng nói chuyện với Putin với điều kiện Putin phải rút quân Nga khỏi Ukraina, theo AFP, điện Kremlin hôm qua đã bác bỏ các « điều kiện » của Biden. Trong khi đó, John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia, trực thuộc Nhà Trắng, tuyên bố tổng thống Biden « hiện giờ không hề có ý định » thảo luận với Putin về hồ sơ Ukraina.Tổ Chức Y Tế Thế Giới khen ngợi việc Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero Covid
image.png
Ảnh minh họa: Việc đi lại tại Quảng Châu (Trung Quốc) trở lại bình thường ngày 30/11/2022 sau khi các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 được nới lỏng. © AFP
Thùy Dương
Nhiều thành phố tại Trung Quốc tiếp tục giảm nhẹ các quy định phòng chống dịch khắc nghiệt mà chính phủ Trung Quốc đã duy trì suốt gần 3 năm qua. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định do Omicron, biến chủng đang lây lan nhanh ở Trung Quốc, ít gây chết chóc hơn, Bắc Kinh có thể “mềm dẻo hơn” trong chính sách Zero Covid.

AFP hôm 02/12/2022 trích dẫn một quan chức Liên Âu, theo đó khi tiếp đón chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại Bắc Kinh hôm 01/12, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giải thích các cuộc biểu tình trong những ngày gần đây đòi chấm dứt các biện pháp chống dịch cho thấy 3 năm dịch bệnh đã khiến người dân Trung Quốc bực tức. Lãnh đạo Trung Quốc khẳng định là virus corona đang lây lan tại nước này chủ yếu là biến thể Omicron, ít gây tử vong hơn, nên các biện pháp hạn chế của Trung Quốc cũng « mềm dẻo hơn ».

Reuters cho biết hôm nay 03/12/2022 đến lượt Bắc Kinh và Thẩm Quyến giảm nhẹ các biện pháp hạn chế, đặc biệt là về các quy định xét nghiệm và phong tỏa, cách ly, cho dù số ca nhiễm thường nhật đang ở mức rất cao. Theo sau Thành Đô và Thiên Tân, chính quyền Thẩm Quyến thông báo người dân không cần kết quả xét nghiệm âm tính mới được sử dụng phương tiện giao thông công cộng và công viên. Tại thủ đô Bắc Kinh, nhiều trung tâm xét nghiệm lưu động đã đóng cửa.

Bác sĩ Michael Ryan, phụ trách về tình hình khẩn cấp của WHO, ngay lập tức phát biểu : « Chúng tôi vui mừng khi biết nhà chức trách Trung Quốc sửa đổi chiến lược hiện tại và thực sự đang cố gắng điều chỉnh các biện pháp kiểm soát virus này ». Quan chức Tổ Chức Y Tế Thế Giới lưu ý chính phủ các nước thực sự cần lắng nghe người dân phản ánh những gì họ phải chịu đựng.

90% dân số thế giới có kháng thể chống SARS-Cov-2

Hôm 02/12, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, thông báo 90% dân số thế giới đã có kháng thể chống dịch virus SARS-Cov-2, thủ phạm gây dịch Covid-19. Phát biểu trong một cuộc họp báo, lãnh đạo WHO lưu ý đó là do mọi người đã từng nhiễm virus hoặc nhờ được tiêm chủng. Tuy nhiên, tổng giám đốc WHO kêu gọi cộng đồng không lơ là cảnh giác.

Tổng cộng, theo báo cáo của các nước gửi đến WHO, đã có 6,6 triệu người chết vì Covid-19 và gần 640 triệu ca nhiễm. Còn theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, số nạn nhân trên thực tế cao hơn rất nhiều.
Dầu hỏa Nga: Phương Tây đồng ý về mức giá trần, chặn nguồn thu nhập của Matxcơva
image.png
Ảnh minh họa: Cờ Liên Hiệp Châu Âu trước trụ sở EU tại Bruxelles (Bỉ), ngày 09/09/2022. AP – Olivier Matthys
Thanh Hà
Sau nhiều đợt đàm phán để vượt lên trên những bất đồng nội bộ, ngày 02/12/2022 Liên Hiệp Châu Âu thống nhất về mức giá trần 60 đô la/thùng dầu khi mua dầu hỏa Nga. Đây là một sáng kiến của khối G7 mà Anh, Mỹ và cả Úc đã đóng vai trò đầu tàu. Biện pháp chính thức có hiệu lực kể từ ngày 05/12/2022, cùng lúc với việc Bruxelles bắt dầu cấm nhập khẩu dầu hỏa của Nga vào thị trường 27 nước thành viên.

Bộ trưởng Tài Chính 27 nước Liên Âu sau phiên họp hôm qua chính thức loan báo đồng ý về mức giá trần 60 đô la một thùng dầu của Nga xuất khẩu sang một nước ngoài Liên Âu bằng đường biển. Để đạt tới kết quả này, Liên Âu đã phải vượt qua 2 trở ngại : một số thành viên như Hy Lạp, hay Malta cho đến tháng 10/2022 bác bỏ nguyên tắc áp dụng giá trần để trừng phạt Nga. Trái lại một số khác, đứng đầu là Ba Lan, chủ trương mạnh tay hơn nữa trong việc trừng phạt Nga : dầu hỏa của quốc gia này chỉ có thể bán ra với giá 30 đô la một thùng, tức chưa bằng phân nửa so với thời giá hiện tại.

G7 cùng với Úc và Liên Âu nhất trí về một công cụ mới cắt nguồn thu nhập của Nga nhằm nuôi dưỡng cỗ máy chiến tranh. Từ đầu chiến tranh Ukraina, nhờ dầu hỏa tăng giá, Nga thu vào 67 tỷ euro. Để so sánh, ngân sách quốc phòng của Matxcơva một năm là khoảng 60 tỷ, như Nguyễn Phúc Vinh, chuyên gia về năng lượng tại Viện Jacques Delors ghi nhận. Trước mắt Matxcơva chưa phản ứng về bước ngoặt nói trên.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet giải thích thêm về cơ chế mới mà trên nguyên tắc sẽ được áp dụng từ đầu tuần tới, gần như cùng lúc với việc Liên Hiệp Châu Âu cấm nhập khẩu dầu hỏa của Nga :

« Với ngưỡng 60 đô la một thùng dầu, biện pháp Liên Âu đưa ra còn nghiêm ngặt hơn cả so với đề xuất ban đầu của G7. Bảy nền công nghiệp phát triển nhất đề nghị mức giá trần ở ngưỡng 67-70 đô la một thùng.

Liên Âu mạnh tay hơn trong việc trừng phạt nước Nga, cho dù mức này vẫn còn cao hơn so với giá thành. Đây là cách để Liên Âu tránh bị mang tiếng là gây thêm thiếu hụt về năng lượng trên thị trường. Bruxelles muốn rằng Nga vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu dầu hỏa vì vẫn có lợi nhưng đồng thời giới hạn thu nhập của Matxcơva.

Giải pháp 30 đô la một thùng dầu như Ba Lan đề xuất đã bị gạt bỏ bởi vì giải pháp đó tạo ra tình trạng thiếu hụt dầu trên thế giới. Đổi lại Vacxava được nhượng bộ trên một điểm: trong trường hợp giá dầu trên thị trường thấp hơn so với mức giá trần 60 đô la một thùng, thì giá trần sẽ được điều chỉnh. Và mức giá trần mới sẽ thấp hơn 5% so với giá thị trường.

Một khi có hiệu lực, các quốc gia ngoài khối Liên Âu muốn mua vào dầu hỏa của Nga phải chứng minh được là dầu nhập khẩu không vượt ngưỡng 60 đô la một thùng. Nếu không chứng minh được điều đó, các tập đoàn chuyên chở dầu của châu Âu và các hãng bảo hiểm hàng hải của châu lục này sẽ bắt buộc phải từ chối dịch vụ vận chuyển »
Miến Điện: Tập đoàn quân sự tuyên án tử hình 7 sinh viên
image.png
Ảnh minh họa: Ông Volker Turk, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 16/11/2022. AP – Marwan Ali
Thanh Hà
Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk tiết lộ: Có thêm 7 sinh viên Miến Điện bị kết án tử hình. Thứ Tư vừa qua, ngày 30/11/2022 một tòa án quân sự Miến Điện tuyên bản án nặng nhất nắm vào « tối thiểu 7 sinh viên ». Trên toàn quốc hiện có 139 tù nhân đang đợi thi hành án. Hãng tin Pháp AFP hiện chưa liên lạc được với phát ngôn viên của tập đoàn quân sự đặc trách về truyền thông ở hải ngoại để kiểm chứng tin trên.

Trong cuộc họp báo hôm nay 03/12/2022 Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk tố cáo Naypyidaw « sử dụng án tử hình như một công cụ chính trị để tiêu diệt đối lập ». Giới tướng lĩnh Miến Điện « coi nhẹ những nỗ lực của ASEAN và cộng đồng quốc tế để chấm dứt bạo lực và tạo điều kiện để nối lại đối thoại chính trị » tại quốc gia Đông Nam Á này.

Vẫn Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho rằng quân đội Miến Điện « tiếp tục bí mật lập ra những phiên tòa xét xử » những tiếng nói bất đồng và đó là những phiên tòa « hoàn toàn vi phạm những nguyên tắc cơ bản của một cuộc xét xử công bằng ». Ông Volker Türk nói rõ hơn : đây thường là những phiên xử chớp nhoáng được gói gọn trong một vài phút và phần lớn, các bị cáo không có luật sự bảo vệ và cũng không được tiếp xúc với gia đình.

Truyền thông địa phương cho biết thêm, những sinh viên vừa bị kết án tử hình trong tuần này là những người đang sống tại Rangoon. Họ đã bị bắt hồi tháng 04/2022 và bị cáo buộc liên quan đến một vụ nổ súng nhắm vào một ngân hàng tại Miến Điện. Công đoàn bảo vệ sinh viên thuộc đại học Dagon trong một thông cáo lên án quân đội Miến Điện « trả thù » giới sinh viên không chấp nhận cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021 lật đổ chế độ dân sự.

Tháng 07/2022 bốn người đã bị hành quyết trong đó có cựu nghị sĩ Phyo Zeya Thă và nhà đấu tranh dân chủ Kyaw Min Yu. Đây là vụ hành quyết đầu tiên diễn ra tại Miến Điện từ ba thập niên qua.

Related posts