Tin thế giới sáng thứ ba

Anh sửa vương miện cho lễ đăng quang của Vua Charles III

Điện Buckingham ngày 3/12 cho biết, vương miện Thánh Edward đã được di dời khỏi Tháp London để sửa chữa, chuẩn bị cho lễ đăng quang của Vua Charles vào tháng 5/2023. Địa điểm hiện tại của vương miện chưa được tiết lộ.

Vương miện Thánh Edward đã được sử dụng kể từ lễ đăng quang của Vua Charles II vào năm 1661. Vương miện này được chế tác thay thế một phiên bản thời trung cổ có từ thế kỷ XI bị nấu chảy năm 1649.

Vương miện được chế tạo từ khung bằng vàng nguyên khối đính hồng ngọc, thạch anh tím, ngọc bích, hồng ngọc, đá topaz và đá tourmaline với phần mũ  nhung và viền lông.

Thông thường, vương miện được trưng bày tại Tháp London và là tâm điểm trong các lễ đăng quang của quốc vương Anh hàng trăm năm qua.

Theo kế hoạch, Vua Charles III sẽ đăng quang tại một buổi lễ tổ chức long trọng ở Tu viện Westminster vào ngày 6/5/2023. Vua Charles III kế vị ngai vàng sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời hôm 8/9.

Sau khi Vua Charles lên ngôi, con trai cả của ông, Hoàng tử William, công tước xứ Wales, trở thành người đầu tiên trong danh sách kế vị. Sau Hoàng tử William, vương miện sẽ được truyền lại lần lượt cho ba người con là Hoàng tử George, tiếp theo là Công chúa Charlotte và Hoàng tử Louis.

Lực lượng Vũ trang Ukraine giương cao quốc kỳ đầu tiên ở tả ngạn vùng Kherson bị Nga chiếm đóng

Theo radiosvoboda.org, đơn vị đặc biệt “Karlson” đưa tin trên Facebook rằng, các binh sĩ của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã giương cao lá cờ đầu tiên của Ukraine ở tả ngạn vùng Kherson.

Thông điệp viết: “Lá cờ này được giương cao bởi các chiến binh của “Karlson” – đơn vị sẽ trở thành lực lượng tiên phong cho việc giải phóng tả ngạn vùng Kherson. Chiến dịch đã thành công nhờ sự phối hợp chính xác và kỹ năng tấn công tuyệt vời của các chàng trai. Mọi thứ sẽ lại thuộc về Ukraine!”.

Trong đoạn video công bố, quốc kỳ Ukraine được cắm trên một cần cẩu tại một cảng sông và từ khắp nơi có thể nhìn thấy lá cờ tung bay phấp phới.

Các diễn biến đáng chú ý khác về cuộc chiến:

Theo số liệu do Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine công bố ngày 3/12, Mátxcơva đã mất thêm 510 binh sĩ trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lính Nga thiệt mạng kể từ đầu chiến sự lên 90.600 người. Các lực lượng Kyiv cũng tuyên bố bắn hạ thêm 8 máy bay không người lái và loại bỏ một xe tăng Nga trong ngày.

Bộ Quốc phòng Anh đánh giá, quân Nga đang tập trung hầu hết sức mạnh để chiếm thị trấn Bakhmut ở Donetsk, miền đông Ukraine. Điện Kremlin chưa lên tiếng bình luận về nhận định này.

Lầu Năm Góc : Đối đầu Mỹ và Trung Quốc trước thời điểm “then chốt”

Hơn bao giờ hết Washington cần tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ những giá trị của Hoa Kỳ. Giữa hai cường quốc hạt nhân là Nga và Trung Quốc thì Bắc Kinh là « mối đe dọa lớn hơn cả ». Kết thúc Diễn Đàn Quốc Phòng Quốc Gia Reagan, tại Simi Valley, California, hôm 03/12/2022, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin tuyên bố như trên.

Theo hãng tin Mỹ AP, một lần nữa Trung Quốc là trọng tâm bài diễn văn của lãnh đạo Lầu Năm Góc. Tướng Austin nhấn mạnh : Hoa Kỳ đang ở vào thời điểm « then chốt » trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Mỹ cần tăng cường sức mạnh quân sự vào lúc mà Bắc Kinh đang muốn áp đặt những chuẩn mực của Trung Quốc cho thế kỷ 21. Trung Quốc là quốc gia « duy nhất có quyết tâm và khả năng càng lúc càng lớn để thiết lập một trật tự mới trong khu vực và với toàn thế giới » theo những giá trị của nước này. Nhưng Washington « sẽ không để điều đó xảy ra ».

Đành rằng điểm nóng hiện nay là chiến tranh Ukraina, nhưng Mỹ sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc chiến mà ông Vladimir Putin đã tiến hành. Washington ý thức được rằng « những năm sắp tới đây mang tính quyết định trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ». Theo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, an ninh của châu Âu, thế giới sẽ được sống trong tự do và rộng mở hay dưới áp lực của « sức mạnh và nỗi sợ hãi », điều đó « tùy thuộc » vào cuộc đọ sức này. Do vậy, tướng Lloyd Austin cho rằng, Mỹ cần tăng cường ngân sách quân sự để đối mặt với thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra. Trong một thế giới không hoàn hảo, « sức mạnh là một khả năng răn đe ».

AP nhắc lại, báo cáo của Lầu Năm Góc công bố hôm 28/11/2022 thẩm định Trung Quốc nắm giữ khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân từ nay cho đến khoảng năm 2035. Cách nay hai ngày, Washington cho ra mắt công chúng B-21 Raider, máy bay ném bom chiến lược tàng hình thế hệ mới nhất với dụng ý răn đe các đối thủ của Hoa Kỳ, đứng đầu là Nga và Trung Quốc.

Pháp tăng viện trợ vũ khí cho Ukraina

Trả lời đài truyền hình tư nhân của Pháp TF1 trong chương trình được trình chiếu hôm 03/12/2022, tổng thống Emmanuel Macron cho biết Paris và Washington cùng theo đuổi một mục tiêu : đòi Nga đàm phán, chấm dứt chiến tranh Ukraina. Để đạt được mục tiêu này, Pháp cho rằng phương Tây cần đề xuất với Nga một số « bảo đảm » về mặt an ninh.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần vừa tránh để chiến tranh Ukraina « leo thang » vừa cần hỗ trợ Kiev về mặt quận sự để Ukraina « kháng cự » trong cuộc xung đột đang diễn ra trên lãnh thổ nước này.

Khi được hỏi về quyết tâm của Pháp hỗ trợ Ukraina, không đi sâu vào chi tiết, tổng thống Macron thông báo trong một vài tuần lễ nữa Pháp viện trợ thêm trang thiết bị quân sự cho Ukraina, tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa các khoản trợ giúp chính quyền Kiev nhưng sẽ « tránh vượt qua các lằn ranh đỏ ». Paris « không bao giờ cung cấp vũ khí để có thể đẩy nước Pháp vào tình thế của một bên tham chiến ».

Song bên cạnh đó, Emmanuel Macron nói thêm : trong trường hợp tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận đàm phán để chấm dứt chiến tranh thì phương Tây cũng cần đề xuất một số « bảo đảm cho cơ chế an ninh quốc tế trong tương lai ». Matxcơva luôn lo ngại Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tiến đến gần sát biên giới Nga và triển khai vũ khí ngay sát quốc gia này.

Nhìn từ Washington, một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ bà Victoria Nuland trong cuộc tiếp xúc với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm 03/12/2022 đánh giá Vladimir Putin « không thành thật » và « chưa sẵn sàng » khi tuyên bố về ý định đàm phán với Kiev. Bằng chứng là Matxcơva chỉ đồng ý ngồi vào bàn thương thuyết với điều kiện Washington « công nhận tuyên bố về chủ quyền của nước Nga tại bốn vùng đất trên lãnh thổ Ukraina vừa sáp nhập vào Liên Bang Nga ».

Ấn Độ đề cao cảnh giác hoạt động của tầu quân sự và khảo cứu Trung Quốc

Ngày 03/12/2022, tư lệnh Hải Quân Ấn Độ, đô đốc R. Hari Kumar, cho biết Trung Quốc điều rất nhiều chiến hạm và tầu khảo cứu đến vùng Ấn Độ Dương từ năm 2008. Chính quyền New Delhi phải « theo dõi sát sao hoạt động của những tầu này vì lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương ».

Phát biểu tại buổi họp báo trước ngày thành lập Hải Quân Ấn Độ, đô đốc Kumar cho biết hải quân Trung Quốc viện cớ « chống hải tặc » để thường xuyên điều rất nhiều tầu xâm nhập Ấn Độ Dương từ năm 2008. New Delhi buộc phải nâng cao cảnh giác để những hoạt động đó không gây tổn hại lợi ích của Ấn Độ, nhất là trong bối cảnh « hải quân Trung Quốc có lập trường quyết đoán ở Biển Đông và đang thách thức sự thống trị của Ấn Độ trong khu vực », theo đô đốc Kumar.

Bắc Kinh luôn khẳng định tầu ngầm Trung Quốc chỉ được điều đến khu vực trong khuôn khổ các chiến dịch chống hải tặc. Tuy nhiên, đối với New Delhi, đây là một mối đe dọa rõ ràng ở Ấn Độ Dương, cho nên Hải quân Ấn Độ « phải đánh giá thường xuyên mối đe dọa từ tầu ngầm » Trung Quốc.

Tháng 07/2022, Hải quân Ấn Độ được bàn giao tầu sân bay INS Vikran. Đây là tầu sân bay đầu tiên được sản xuất ở trong nước theo thiết kế của bộ Quốc Phòng Ấn Độ. « Một sự kiện mang tính bước ngoặt » được đô đốc Kumar đánh giá sẽ giúp « Hải quân Ấn Độ tự chủ từ nay đến năm 2047 ».

Trang The Telegraphe của Ấn Độ nhắc lại là quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh vẫn căng thẳng do xung đột ở Ladakh, thuộc bang Jammu và Kashmir, từ tháng 05/2020. Trung Quốc bị cáo buộc chiếm gần 1.000 km2 lãnh thổ mà Ấn Độ đòi chủ quyền.

Iran giải thể cảnh sát đạo đức và sửa đổi luật trùm khăn Hồi Giáo

Chính quyền Iran đã phải nhân nhượng phong trào phản kháng đường phố kéo dài suốt ba tháng. Ngày 04/12/2022, Teheran thông báo giải thể lực lượng cảnh sát đạo đức, được thành lập để « truyền bá văn hóa đoan trang và choàng khăn ». Mọi phụ nữ ở Iran bị bắt buộc trùm khăn che mặt theo một đạo luật có hiệu lực từ năm 1983.

Thông tín viên Siavosh Ghazi tại Teheran tường trình :

« Tổng chưởng lý Iran Mohammad Jafar Montazari thông báo ngắn gọn thông tin : « Chính những người lập ra cảnh sát đạo đức đã dỡ bỏ lực lượng đó ».

Các cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng 9 để phản đối việc thiếu nữ Mahsa Amini bị chết khi đang bị cảnh sát đạo đức giam giữ vì không trùm khăn Hồi giáo theo đúng luật. Sau đó, phong trào phản đối chuyển sang hướng chính trị với những khẩu hiệu ngày càng cứng rắn hơn chống các nhà lãnh đạo Iran và khiến vài trăm người chết. Những năm gần đây, hành động của cảnh sát đạo đức (thành lập năm 2005) đã bị lên án sau hàng loạt vụ bắt giữ bạo lực nhiều phụ nữ trẻ không trùm khăn đúng cách.

Cùng lúc, tổng chưởng lý Iran cũng thông báo Quốc Hội và một cơ quan khác do tổng thống Ebrahim Raisi lãnh đạo đang xem xét sửa đổi luật về việc bắt buộc trùm khăn nhưng không nêu rõ văn bản sẽ được sửa đổi theo hướng nào. Kết quả sẽ được thông báo từ nay đến 15 ngày tới.

Theo một nghị sĩ, có thể là cảnh sát sẽ ngừng bắt giữ và áp dụng hình thức phạt đối với việc không tôn trọng trùm khăn. Trên thực tế, từ vài tuần nay, người ta thấy nhiều phụ nữ Iran, đặc biệt là thanh niên, không trùm khăn nhưng không bị lực lượng an ninh can thiệp.

Những thông báo này được đưa ra vào lúc có nhiều lời kêu gọi biểu tình và đình công thêm ba ngày, kể từ thứ Hai (05/11) ».


Iran tiếp tục cáo buộc các thế lực thù nghịch nước ngoài kích động nổi dậy

Ngày 03/12, bộ Nội Vụ Iran cho biết kể từ khi phong trào biểu tình nổ ra vào tháng 09, có hơn 200 người chết, kể cả cảnh sát, người biểu tình và thành viên của những nhóm vũ trang bị cáo buộc phản cách mạng. Theo AFP, con số này thậm chí còn thấp hơn số liệu khoảng 300 người được lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đưa ra trước đó. Tổ chức Quan sát Nhân quyền Iran (IHR), trụ sở tại Na Uy, thống kê khoảng 448 người chết. Liên Hiệp Quốc đưa ra con số hơn 300 người, trong đó có hơn 40 trẻ em.

Dù vậy, tổng thống Ebrahim Raisi vẫn khẳng định Iran là nước bảo đảm cho các quyền và quyền tự do và « có hiến pháp tiến bộ nhất trên thế giới ». Chính quyền Teheran cáo buộc các thế lực thù nghịch nước ngoài, trong đó có Mỹ, Ả Rập Xê Út, Israel, là nguồn gốc của các cuộc nổi loạn.

Covid-19 : Chủ tịch Trung Quốc không muốn chấp nhận vac-xin phương Tây

Ngày 03/12/2022, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines cho biết chủ tịch Tập Cận Bình không muốn chấp nhận vac-xin của phương Tây dù Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức vì Covid-19. Ngoài ra, việc chấm dứt chiến lược Zero Covid vẫn chưa được quyết định rõ ràng dù nhiều thành phố lớn nới lỏng biện pháp phòng dịch.

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng thường niên Reagan ở California, bà Avril Haines nhận định các cuộc biểu tình gần đây không phải là « mối đe dọa cho sự ổn định hoặc thay đổi chế độ » ở Trung Quốc, nhưng có thể tác động đến « danh tiếng của ông Tập ». Bà cũng khẳng định hiện giờ, ông Tập Cận Bình « không muốn sử dụng một loại vac-xin hiệu quả hơn của phương Tây và vẫn trông cậy vào vac-xin Trung Quốc dù không hiệu quả lắm đối với biến thể Omicron ».

Reuters nhắc lại Trung Quốc không công nhận bất kỳ vac-xin ngừa Covid nào của phương Tây và chỉ sử dụng hai loại vac-xin nội địa, kém hiệu quả hơn. Do đó, theo giới chuyên gia, nới lỏng các biện pháp phòng ngừa virus có thể sẽ dẫn đến những rủi ro lớn cho chính quyền Bắc Kinh. Dù hiện giờ số ca nhiễm thường nhật vẫn ở mức cao, chính quyền trung ương buộc phải nới lỏng một số biện pháp chống dịch do phong trào biểu tình phản đối gần đây.

Ngày 04/12, đến lượt Thượng Hải, có hơn 23 triệu dân, thông báo sẽ bỏ một số yêu cầu xét nghiệm kể từ thứ Hai 05/12. Cũng từ đầu tuần tới, người dân Bắc Kinh không cần trình xét nghiệm khi đi tầu điện ngầm hoặc vào một số cửa hàng, như siêu thị, nhưng nhân viên vẫn phải có xét nghiệm âm tính để đến văn phòng. Rất nhiều điểm xét nghiệm di động đã bị đóng cửa ở thủ đô. Tương tự, các thành phố Thâm Quyến, Thành Đô và Thiên Tân không yêu cầu người dân trình xét nghiệp Covid khi sử dụng phương tiện công cộng hoặc vào công viên.

Từng là niềm tự hào của chủ tịch Tập Cận Bình, chính sách Zero Covid, được áp dụng từ 3 năm nay, đã chạm đến giới hạn : kinh tế trì trệ, người dân mệt mỏi trong khi phần còn lại của thế giới đang ít nhiều sống chung với virus.

Kim Jong-un xử tử công khai 3 học sinh vì xem chương trình Làn sóng Hàn Quốc

Đài Á châu Tự do ngày 3/12 đưa tin, ba học sinh cấp hai ở thành phố Huệ Giang, tỉnh Ryanggang, Triều Tiên đã bị hành quyết công khai vào tháng 10 vì tội xem và phát tán các chương trình Làn sóng Hàn Quốc.

Các quan chức Mỹ cho biết, địa điểm hành quyết các em học sinh là tại sân bay của Bộ Tư lệnh Liên hợp Quân đội Nhân dân Triều Tiên số 82, một đám đông đã được triệu tập trước khi vụ hành quyết xảy ra. Ba em học sinh được xử với tội danh phát tán các chương trình Làn sóng Hàn Quốc, một trong những hành động chống lại chủ nghĩa xã hội.

Các quan chức Mỹ chỉ ra rằng, “buổi trình diễn tàn bạo” này là một trong những chiến thuật khủng bố quần chúng thông thường của ông Kim Jong-un.

Số liệu của Intermedia, một nhóm nghiên cứu sự phát triển toàn cầu cho biết có khoảng một nửa những người chạy trốn từ Triều Tiên được phỏng vấn năm 2010 nói rằng họ Triều Tiêni khi còn ở trong nước, và khoảng 25% từng dò sóng xem các kênh truyền thông nước ngoài trên tivi hoặc đài.

Mặc dù là một quốc gia có chế độ kiểm duyệt vào hàng khắt khe nhất nhì thế giới, nhưng người dân Triều Tiên vẫn có thể dễ dàng mua một chiếc đài dò sóng hay một đầu đĩa DVD Trung Quốc rẻ tiền. Máy nghe nhạc Mp3 rất phổ biến với giới trẻ tại đây, và họ hay trao đổi các bài hát K-Pop của Hàn Quốc với nhau tại trường học.

Bất ổn ở Trịnh Châu khiến Apple chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc

Tờ ‘Wall Street Journal’ hôm 4 tháng 12 đưa tin, gã khổng lồ công nghệ Apple, đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sau khi xảy ra bất ổn ở Trịnh Châu.

Tin cho biết, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lên kế hoạch lắp ráp các sản phẩm của Apple ở những nơi khác châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhà lắp ráp Foxconn của Đài Loan.

Trịnh Châu, được mệnh danh là ‘Thành phố iPhone’. Nơi đây từng có tới 300.000 công nhân làm việc tại nhà máy Foxconn, nơi lắp ráp iPhone và các sản phẩm khác của Apple. Nhà máy sản xuất các thiết bị của Apple bao gồm iPhone 14 Pro và Pro Max, chiếm 70% lượng iPhone xuất xưởng trên toàn cầu.

Vào cuối tháng 11, nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu đã bị chấn động bởi các cuộc biểu tình. Trong các video được đăng trực tuyến, người ta có thể thấy các công nhân bức xúc về tiền lương và các hạn chế của COVID-19 của chính phủ, họ ném đồ vật và hét lên “Hãy đứng lên bảo vệ quyền lợi của bạn!” Cảnh sát chống bạo động sau đó đã có mặt dập tắt biểu tình. Các báo cáo sau đó cho biết nhiều công nhân đã bỏ trốn khỏi nhà máy vì không chịu đựng được các hạn chế nghiêm ngặt, thiếu thực phẩm.

Các nhà phân tích và những người liên quan đến chuỗi cung ứng của Apple chỉ ra rằng nhiều tình huống xảy ra trong năm qua đã làm suy yếu vị thế trung tâm sản xuất ổn định của Trung Quốc. Và giờ đây Apple buộc phải suy nghĩ lại chiến lược của họ để tránh bị phụ thuộc.

Related posts