Trung Quốc bỏ “Zero Covid” để trấn an công luận, thúc đẩy tăng trưởng

Thu Hằng

Trung Quốc sang trang chính sách « Zero Covid ». AP – Ng Han Guan

Cho đến kỳ Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình vẫn khẳng định ưu tiên « nhân dân, mạng sống của người dân ». Nhưng chỉ trong vài ngày, Bắc Kinh quay ngoắt chiến lược « Zero Covid » được áp dụng nghiêm ngặt suốt ba năm qua trong sự ngỡ ngàng của đông đảo người dân. Trong báo cáo tình hình dịch bệnh ngày 07/12, cụm từ « Zero Covid » đã được thay thế bằng « kiểm soát dịch bệnh với sự phát triển kinh tế, xã hội ».

Quyết định đột ngột này được cơ quan dịch tễ Trung Quốc giải thích là để « thích ứng với thời cuộc biến chuyển ». Tuy nhiên, đằng sau lý do chính thức còn có rất nhiều yếu tố. Nguyên nhân đầu tiên, được đề cập nhiều trong thời gian gần đây, là sự mất kiên nhẫn của người dân, mà cao trào là làn sóng biểu tình vào cuối tháng 11, thậm chí đòi ông Tập Cận Bình từ chức. Một số chuyên gia, được AFP trích dẫn, cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc ý thức được « sự bất bình gia tăng một cách nguy hiểm » và « thách đố  quyền lực của ông Tập và của đảng Cộng sản ».

Trung Quốc cạn lực chống dịch
Điều này giải thích cho « cách đáp trả nhanh và mạnh đến vậy », không phải là vì làn sóng bất bình, mà thể hiện rằng chính quyền « khởi xướng đường lối mới ». Thông tin về Covid-19 cũng được Bắc Kinh trau chuốt để trấn an một bộ phận người dân, trong suốt ba năm, bị « dọa » về mối nguy hiểm của virus corona và hoang mang vì chính quyền dỡ bỏ phong tỏa quá đột ngột.

Dấu hiệu mới nhất là việc đổi tên virus corona gây bệnh Covid-19. Thay vì gọi « virus gây bệnh viêm phổi nặng », từ giờ sẽ là « virus truyền nhiễm ». Cơ quan dịch tễ Trung Quốc giải thích là từ giờ « chuyển từ phát hiện sang phòng ngừa », đồng thời cho đóng cửa các trung tâm cách ly tập trung, ngừng bắt buộc xét nghiệm.

Thực ra, dường như Trung Quốc không còn gánh được khoản kinh phí khổng lồ phục vụ phòng dịch tập thể. Báo Le Monde của Pháp ngày 09/12 trích thẩm định của nhiều ngân hàng phương Tây, cho biết chi phí cho xét nghiệm gần như hàng ngày chiếm khoảng 2% GDP, ngang với ngân sách quốc phòng Trung Quốc. Ngoài ra, số ca nhiễm liên tục tăng từ 4 tháng qua đã khiến các trung tâm cách ly tập trung quá tải. Chiến lược cách ly triệt để không còn phù hợp, buộc chính quyền cho phép người nhiễm virus corona nhưng không có triệu chứng được cách ly ở nhà.

Kinh tế sụt giảm vì phong tỏa
Yếu tố thứ hai giải thích Bắc Kinh bất ngờ chuyển hướng là nền kinh tế sụt giảm mạnh. Tăng trưởng và đời sống ổn định, khá giả của người dân là hai trụ cột chính cho « giấc mộng » Trung Hoa mà chủ tịch Tập Cận Bình vẫn ca ngợi. Thế nhưng, Covid-19 đã quật ngã cả hai điểm này. Số liệu thống kê xuất khẩu tháng 11 được công bố ngày 07/12 như tạt gáo nước lạnh cho chính quyền trung ương. Kim ngạch xuất khẩu, nhân tố chính cho tăng trưởng Trung Quốc, đã giảm 8,7% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm 2021, trong khi tháng 10 và 11 thường là giai đoạn năng động nhất để xuất hàng dịp lễ cuối năm. Tương tự, tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc dự kiến chỉ ở mức 3%, so với 8% trong năm 2021. Tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao. Kinh tế khó trụ thêm được lâu nếu tiếp tục đóng cửa.

Ông Allen Wu, giáo sư Trường Y thuộc Đại học Nam Kinh, nguyên cố vấn cho tổ chức Y Tế Thế Giới, nhận định : « Thông thường, chính phủ Trung Quốc luôn rất thận trọng và có xu hướng từ từ đưa ra quyết định hoặc thay đổi chính sách ». Việc quay ngoắt một sớm một chiều cho thấy phần nào mức độ nghiêm trọng từ những hệ quả kinh tế, kết hợp với tâm lý bất bình trong dân, hiện mới chỉ dừng ở việc phản đối các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, nhưng cũng có nguy cơ bùng lên nếu đời sống của họ bị tác động vì nền kinh tế trì trệ.

Phong trào phản đối buộc các nhà lãnh đạo, nhưng cũng có thể là cơ hội thoát khỏi ngõ cụt phong tỏa từ ba năm qua, trong khi hầu hết thế giới sống chung với Covid. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh chọn thời điểm không phù hợp và « có thể tác động tiêu cực đến uy tín của ông Tập Cận Bình » nếu chính quyền không kiểm soát được việc nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Ngoài ra, việc chính quyền thay đổi chính sách sau làn sóng biểu tình cũng có thể tạo thành tiền lệ trong tương lai. Theo nhà phân tích chính trị Dan Macklin tại Thượng Hải, « người dân coi điều đó là sự đầu hàng của chính quyền trước công luận, điều đó có thể cổ vũ người dân biểu tình nhiều hơn trong tương lai ». Và dĩ nhiên, đó là « một nguy cơ cho Đảng ». Tuy nhiên, ông Allen Wu lại cho rằng « chính quyền thực lòng tìm cách đáp ứng sự thay đổi của công luận » và « việc đó tạo niềm tin cho chính phủ và cho người dân rằng Trung Quốc có khả năng chống virus ».

Related posts