Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị rà soát bất động sản
Ông Tô Anh Dũng hồi tháng 4 bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra về tội “Nhận hối lộ” liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu.
Ngày 11/12, báo chí nhà nước dẫn thông tin từ Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa, cho biết theo yêu cầu từ Bộ Công an, Sở này đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc “khẩn trương rà soát và cung cấp thông tin liên quan đến việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” đối với ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Ngoài ông Dũng, 2 người khác cũng bị rà soát bất động sản, gồm: Vũ Anh Tuấn (SN 1979, ở Lạc Long Quân, phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) – cựu Cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an); Phạm Trung Kiên (SN 1981, ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) – Chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế).
Trên cơ sở rà soát bất động sản, Bộ Công an đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp tạm dừng toàn bộ các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho tặng, cầm cố, thế chấp đối với các bất động sản này.
Sở TN-MT Thanh Hóa đề nghị các đơn vị liên quan gửi tài liệu về Sở trước ngày 15/12.
Trước đó, hôm 14/4, 3 người trên đã bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Nhận hối lộ” liên quan đến sai phạm trong vụ các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam về nước trong đợt bùng phát dịch COVID-19.
Vụ án được cơ quan an ninh điều tra khởi tố từ cuối tháng 1. Đến nay, có khoảng 30 người bị khởi tố, bắt tạm giam, gồm nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, cựu lãnh đạo và cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Ngoài ông Dũng, một số cán bộ khác tại Bộ Ngoại giao cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự); Đỗ Hoàng Tùng (Phó cục trưởng); Lê Tuấn Anh (Chánh văn phòng); Lưu Tuấn Dũng (Phó phòng bảo hộ công dân); Nguyễn Hồng Hà (Cựu cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản) và Nguyễn Lê Ngọc Anh (Cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia).
Các cựu lãnh đạo, cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh bị bắt gồm: Trần Văn Dự (Cựu phó cục trưởng); Vũ Sỹ Cường và Vũ Anh Tuấn – cùng là Cựu cán bộ Cục này.
Ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, cũng bị bắt…
Tại cuộc họp báo hồi cuối tháng 6, lãnh đạo cơ quan an ninh điều tra cho biết kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng từng cho biết có gần 2.000 “chuyến bay giải cứu” người Việt từ nước ngoài về trong các đợt COVID-19 vừa qua. Có chuyến bay sau khi trừ chi phí, lợi nhuận vài tỷ đồng.
Minh Long
‘Hơn 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với từng ấy gia đình lao đao’
Ngoài 42.000 lao động bị mất việc hiện tại, Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) dự báo trong 3 tháng tới, thị trường sẽ tiếp tục giảm khoảng 75.000 lao động, trong đó nhiều nhất là ngành dệt may-da giầy (chiếm 41,8%), điện-điện tử (chiếm 40,8%).
Hơn 42.000 lao động mất việc – hơn 100.000 người khốn khó
Tại tọa đàm “Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng – thực trạng và giải pháp” do Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) tổ chức chiều 8/12, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn cho biết theo thống kê chưa đầy đủ từ 44 Liên đoàn lao động tỉnh, có 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có hơn 42.000 lao động mất việc.
Nhiều lao động đã trả phòng về quê – ông Tiến cho hay. Hơn 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với từng ấy gia đình lao đao. Bình quân mỗi gia đình 2-3 người, nhân lên hơn 100.000 người chịu ảnh hưởng. Trong số đó, có 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi; 10.000 lao động nữ đang mang bầu, nuôi con nhỏ.
Nhiều công nhân “không một đồng tích lũy” khi đột nhiên mất việc. Theo khảo sát do Viện Công nhân và công đoàn thực hiện trong tháng 11 với trên 6.200 công nhân ở cả ba miền, nếu mất việc thì gần 59% công nhân không có khoản tích lũy, 11,7% công nhân có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được từ 1-3 tháng và 12,7% được trên 3 tháng.
38% công nhân tham gia khảo sát cho biết đang nợ nần; trong số đó, 14% khó trả nợ đúng hạn, dễ sa vào tín dụng đen.
Thời gian làm việc bình thường của công nhân giảm còn 7,25 tiếng/ngày thay vì 8 tiếng như quy định và không có tăng ca. Thu nhập từ đó giảm xuống 5,9 thay vì 6,7 triệu đồng trong quý 3 như Tổng cục Thống kê công bố.
Tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8,74 triệu mỗi tháng, nhưng mức chi tiêu khoảng 10,3 triệu đồng. Thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu nên 18% công nhân được khảo sát nói rằng từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần nếu mất việc.
Khó khăn có thể kéo dài tới giữa năm 2023
Lý giải về tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, lao động phải nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động đang diễn ra dồn dập, Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cho hay do một số ngành giảm đơn hàng.
Những lao động bị cắt giảm tập trung ở các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ, dệt may, da giày, điện-điện tử. Theo giới chức thị trường lao động, thực tế cho thấy khi có biến động thì lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng.
Dự báo trong 3 tháng tới, thị trường lao động sẽ giảm khoảng 75.000 lao động, với 92,9% là lao động phổ thông, trong đó nhiều nhất là ngành dệt may-da giầy (chiếm 41,8%), điện-điện tử (chiếm 40,8%).
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách-pháp luật (Liên đoàn lao động TP.HCM) cho biết TP.HCM có khoảng 108.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó, khoảng 6.000 người bị mất việc, khoảng 102.000 lao động bị giảm giờ làm.
Con số thống kê tại Bình Dương là 30.000 lao động đang tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương và trên 240.000 người bị giảm giờ làm, theo ông Đặng Tiến Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương. Từ đầu năm đến nay hơn 140.000 người làm hồ sơ lĩnh trợ cấp thất nghiệp.
Ông Đạt nhận định dự báo khó khăn kéo dài tới giữa năm 2023, số lao động tạm hoãn hợp đồng sẽ còn tăng nhiều. Trong khi mức hỗ trợ 500.000 đồng từ công đoàn không thể giúp họ cầm cự thì phía doanh nghiệp còn đơn hàng chỉ nhận người chấm dứt hẳn hợp đồng. Công nhân rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi đang là lao động thâm niên, có tay nghề, hưởng lương 7- 8 triệu đồng, nếu chấm dứt hẳn hợp đồng vào làm việc ở nơi mới sẽ nhận lương như lao động mới vào nghề, chỉ 3-4 triệu đồng.
Ông Kiều Minh Sinh, Trưởng Ban Chính sách – pháp luật (Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai) cho biết qua khảo sát nhanh, đến nay các doanh nghiệp dệt may, giày da, gỗ thiếu đơn hàng nhiều nhất. Hiện có 187 doanh nghiệp giảm giờ làm với gần 63.000 lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, 5.000 lao động bị hoãn hợp đồng lao động.
Muốn vực lại thị trường lao động, sản xuất, cần hỗ trợ cả doanh nghiệp và người lao động
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo từ nay đến hết quý 2/2023, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 15.000 lao động, 271.700 người bị giảm giờ làm. Tức ra Tết có thêm hàng ngàn công nhân bị mất việc, giảm giờ làm. Ngoài tình trạng lao động thất nghiệp, sụt giảm lương, cơ quan này dự báo sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác.
Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Liên đoàn lao động TP.HCM – ông Nguyễn Thành Đô cho rằng ngay lúc này, cần có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để họ có điều kiện tái cơ cấu sản xuất. Cùng với đó, trước Tết phải có gói hỗ trợ cấp thiết cho người lao động bị mất việc, hoãn hợp đồng lao động.
Đại diện công đoàn TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp thiếu đơn hàng ngoài gói 2% hiện hành. Chính sách cho lao động mất hoặc cắt giảm việc làm cần bỏ đi các thủ tục rườm rà. Trước mắt, công đoàn thành phố tích cực kết nối giới thiệu việc làm thời vụ cho lao động để cầm cự qua Tết.
Ông Đặng Tiến Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ miễn, giảm, giãn thuế; giãn đóng BHXH và giãn trả nợ vay ngân hàng; người lao động đề xuất có gói hỗ trợ của Chính phủ như Nghị quyết 42. Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương kiến nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hỗ trợ giãn đóng kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp, miễn đóng đoàn phí công đoàn cho người lao động có thu nhập thấp. Theo ông này, các gói hỗ trợ người lao động cũng chỉ là giải pháp trước mắt, tạm thời chứ không phải là giải pháp căn cơ.
Ông Kiều Minh Sinh, Trưởng Ban Chính sách – pháp luật (Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai) kiến nghị Chính phủ xem xét có gói hỗ trợ người lao động nghỉ việc mà không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp bởi dự kiến năm 2023 sẽ có khoảng 20.000 lao động tạm hoãn hợp đồng. Ngoài ra, đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để doanh nghiệp bớt khó khăn, khi hiện có những doanh nghiệp không có tiền trả lương cho công nhân.
Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội – ông Nguyễn Đình Thắng đề xuất cần tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao. “Thống kê công bố CPI tăng chỉ 4% nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng tăng rất cao, cứ theo chân công nhân ra chợ thì biết”, ông Thắng nói.
TP Hà Nội cần tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân, lao động dịp cuối năm. Các cơ quan tăng thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng nợ, trì hoãn đóng bảo hiểm cho người lao động. Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Nguyễn Quân
Ngân hàng Sacombank rao bán khoản nợ với giá khởi điểm hơn 7.930 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) rao bán 18 khoản nợ không tách rời của Công ty Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú với giá hơn 7.930 tỷ đồng, giảm 700 tỷ đồng so với lần thông báo đấu giá trước đó. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng trị giá gốc khoản nợ (Vốn + Lãi tồn đọng) lên tới gần 16.200 tỷ đồng. Do đó, mức giá khởi điểm lần này chỉ gần 50% giá trị ban đầu của khoản nợ.
Theo thông báo của ngân hàng Sacombank, tài sản bảo đảm của khoản nợ nêu trên là toàn bộ quyền tài sản tại Dự án KCN Phong Phú theo nguyên trạng.
Đồng nghĩa với việc chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ của chủ nợ liên quan đến các khoản nợ và quyền, nghĩa vụ của bên nhận bảo đảm đôi với các tài sản bảo đảm của khoản nợ này.
Tổng giá trị khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là gần 16.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng.
Giá khởi điểm của lần đấu giá này được đưa ra là 7.934 tỷ đồng, tương đương khoảng 49% giá trị khoản nợ vào ngày 31/12/2021.
Bước giá mỗi lần đấu giá là 200 triệu đồng và người tham dự phải nộp số tiền đặt trước là 793,4 tỷ đồng.
Thời gian đấu giá là vào ngày 22/12/2022 tại địa chỉ 266 – 268 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TP.HCM.
Được biết, Dự án KCN Phong Phú tọa lạc tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đây cũng là các khoản nợ phát sinh tại Sacombank và đã được bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Sau đó, VAMC ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định và Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group thay mặt đấu giá khoản nợ.
Về KCN Phong Phú, dự án này do CTCP Khu Công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư, có quy mô 134 ha, trong đó có 67 ha đất KCN, 67 ha dành cho khu dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện,…). Dự án nằm mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, liền kề với khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Năm 2018, Sacombank rao bán đấu giá quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù tại KCN Phong Phú với giá khởi điểm gần 6.651 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, phần diện tích 120,2 ha của dự án đã được đền bù, phần còn lại chưa hoàn thành thanh toán đền bù và chưa hoàn thành tái định cư cho 201 hộ dân.
Bên cạnh 18 khoản nợ liên quan đến KCN Phong Phú, Sacombank cũng đấu giá nhiều tài sản đảm bảo khác có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo trang Vietnambiz, Sacombank còn rao bán khoản nợ của CTCP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát với tổng dư nợ tính đến 27/4/2021 hơn 596 tỷ đồng, trong đó nợ vốn là hơn 188,3 tỷ đồng và nợ lãi tồn đọng hơn 407,7 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 40 triệu cổ phần của CTCP Bất động sản Đô Thành (DTR), phát sinh theo hợp đồng cầm cố chứng khoán chưa niêm yết ngày 23/11/2012. Giá rao bán khởi điểm ngân hàng đưa ra là 189 tỷ đồng.
Hay khoản nợ của CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 và Công ty TNHH Kinh doanh Địa ốc và VLXD An Pha với tổng dư nợ tính đến ngày 30/9/2020 là hơn 670 tỷ đồng, trong đó vốn là 289,2 tỷ và lãi tồn đọng hơn 380,8 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại quân Tân Phú, TP.HCM có diện tích 4.663,8 m2, thời hạn sử dụng 50 năm. Ngoài ra còn có 418 căn hộ hình thành trong tương lai thuộc Dự án Khu căn hộ thu nhập thấp và tái định cư Trịnh Đình Trọng với tổng diện tích 24.621 m2. Giá rao bán khởi điểm là 211,5 tỷ đồng.
Đức Minh
Bạc Liêu: Thủ quỹ chiếm đoạt hơn 6,5 tỷ đồng, nguyên GĐ Sở Xây dựng bị truy tố
Nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Bạc Liêu cùng 2 kế toán tại ban này bị cáo buộc chịu trách nhiệm liên đới trong vụ nữ thủ quỹ lập “khống”, sửa chữa chứng từ… chiếm đoạt hơn 6,5 tỷ đồng.
Ngày 11/12, Viện KSND tỉnh Bạc Liêu hoàn tất cáo trạng truy tố đối với 3 bị can về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 .
Các bị cáo bị truy tố gồm:
– Ông Nguyễn Văn Thăm (SN 1965) – nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Bạc Liêu (sau đây gọi là BQL dự án);
– Ông Châu Hoàng Đỉnh (SN 1978) – nguyên Kế toán trưởng BQL dự án;
– Bà Hứa Thị Hằng Mơ (SN 1977) – nguyên Kế toán thanh toán BQL dự án
Theo cáo trạng truy tố, trong thời gian từ năm 2006 – 2012, bà Bạch Thu Loan là thủ quỹ BQL dự án đã lập “khống”, sửa chữa chứng từ trên sổ sách và phần mềm kế toán, không nhập sổ theo dõi quỹ tiền mặt, không nộp tiền hoàn tạm ứng và tiền quỹ, từ đó, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định ông Thăm với cương vị Giám đốc BQL dự án đã buông lỏng trong việc quản lý tài chính, kế toán, không quản lý chặt chẽ các nguồn kinh phí thanh quyết toán các phương án bồi hoàn giải tỏa, tái định cư; thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động kế toán của đơn vị.
Định kỳ, ông Thăm không chỉ đạo bộ phận kế toán đối chiếu số liệu trên sổ sách kế toán với chứng từ thực tế, tồn quỹ tiền mặt trên sổ sách với tồn quỹ tiền mặt thực tế của đơn vị theo quy định của Luật Kế toán. Từ đó, ông Thăm bị cho là đã tạo điều kiện cho bà Loan chiếm đoạt số tiền nói trên.
Ông Đỉnh – Kế toán trưởng BQL dự án bị cáo buộc đã quản lý lỏng lẻo các nguồn kinh phí, như không kiểm tra việc đối chiếu định kỳ kế toán chứng từ thu, chi với số liệu, sổ sách kế toán của BQL dự án tỉnh; không kiểm tra việc đối chiếu số liệu trên sổ chi tiết tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bạc Liêu với sổ sách, chứng từ thu, chi của BQL dự án tỉnh…
Bà Mơ – Kế toán thanh toán BQL dự án bị cáo buộc đã quản lý lỏng lẻo đối với các phương án bồi hoàn giải tỏa, tái định cư từ năm 2006 đến tháng 7/2012.
Định kỳ kế toán, bà Mơ không đối chiếu chứng từ thu, chi với sổ sách kế toán của BQL dự án và đối chiếu số liệu với bà Loan; không đối chiếu số liệu trên sổ chi tiết tài khoản tại Kho bạc Nhà nước Bạc Liêu với sổ sách, chứng từ thu, chi tại BQL dự án nên trong thời gian dài không phát hiện bà Loan chiếm đoạt số tiền hơn 6,5 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, gần 4 tháng trước, ngày 15/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định khởi tố bị can, cho tại ngoại để điều tra đối với ông Thăm về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, cơ quan tố tụng tiến hành khám xét nơi làm việc và nơi ở của ông Thăm.
Tại phiên tòa ngày 16/11/2021, bị cáo Bạch Thu Loan bị TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên phạt mức án chung thân về tội Tham ô tài sản. Lúc này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định tách hành vi của ông Thăm và cấp dưới để xử lý riêng.
Khánh Vy