Đội bóng Marocco tạo cơn địa chấn World Cup khi hạ gục Bồ Đào Nha với tỷ số 1-0. Tuy nhiên, người Marocco lại khá thân thiết với người Việt, hiện ở Việt nam còn có di tích của người Marocco: Cổng Ma-rốc
Hiện tượng Morocco
Hạ gục Bồ Đào Nha 1-0 trong trận tứ kết tối 10/12, Morocco đã tạo lên cơn địa chấn ở World Cup lần này, và là đại diện châu Phi đầu tiên vào bán kết một kỳ World Cup.
Phóng viên Mahmoud Abdelwahed của hãng tin Al Jazeera tường thuật: “Họ nói rằng chiến thắng này mang ý nghĩa biểu tượng, không chỉ với Morocco mà với cả châu Phi, với cả thế giới Arab và với cả Trung Đông”.
Adnane Bennis, giám đốc của trang tin Morocco World News, bày tỏ rằng, không lời nào có thể diễn tả ý nghĩa của chiến thắng của Morocco hôm 10/12: “Đây là chiến thắng tuyệt vời, chiến thắng lịch sử cho Morocco. Chiến thắng này không tự nhiên mà đến. Chúng tôi tin vào bản thân mình, tin vào đội hình của mình. Giấc mơ chưa kết thúc, hành trình vẫn tiếp tục. Chúng tôi chỉ cần hai chiến thắng nữa để vô địch World Cup”.
Chúng ta cùng điểm lại con đường gian nan và vinh quang mà đội tuyển quốc gia Marocco đã trải qua:
- Ngày 23/11: Marocco hòa Croatia 0-0;
- Ngày 27/11: Marocco thắng Bỉ 2-0;
- Ngày 1/12: Marocco thắng Canada 2-1;
- Ngày 6/12: Marocco hòa Tây Ban Nha 0-0, sau đó thắng ở sút luân lưu 3-0;
- Ngày 10/12: Marocco thắng Bồ Đào Nha 1-0;
- Ngày 15/12 tới, Marocco sẽ phải chạm trán gã khổng lồ Pháp.
Cổng Ma-rốc ở Ba Vì
Có lẽ với nhiều người Việt, cái tên Marocco có vẻ xa lạ. Thực tế, mối quan hệ giữa người dân Marocco và Việt Nam đã hình thành từ cách đây gần 100 năm. Người Việt thường quen với tên gọi Ma-rốc hơn là cái tên tiếng Anh Morocco. Hiện nay, tại Ba Vì có một chiếc cổng có tên là “Cổng Ma-rốc”. Đằng sau chiếc cổng độc đáo này là những câu chuyện lịch sử thú vị.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, hơn 300 hàng binh người Ma-rốc trong quân đội Lê dương Pháp, cùng hơn 100 người Việt lên Ba Vì khai hoang, nuôi bò sữa. Rất nhiều người Ma-rốc đã kết hôn với người Việt, và sinh con ở Việt Nam.
Năm 1963, những hàng binh người Ma-rốc này đã xây dựng nhiều công trình, trong đó có Cổng Ma-rốc để gửi gắm tấm lòng nhớ nhung quê hương ở châu Phi xa xôi. Năm 1972, chính phủ Ma-rốc đã hồi hương những hàng binh này cùng với vợ con của họ.
Trải qua thời gian, các công trình của người Ma-rốc ở Ba Vì đã bị phá hủy, chỉ còn lại Cổng Ma-rốc vẫn còn nguyên vẹn, như dấu ấn ghi lại dấu tích của những người lính Ma-rốc năm xưa. Năm 2018, Đại sứ quán Maroc tài trợ kinh phí trùng tu Cổng Ma-rốc.
Tháng 11/2008, nhân chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Ma Rốc Abaddi Nejaned đã đến thăm Cổng Ma-rốc, và dựng một tấm bia ghi lại lịch sử của di sản này với lời kết: “Cánh cổng này đã nhiều năm chống chọi lại với sự tàn phá của thời gian, là tài sản chung, biểu tượng cho tình đoàn kết giữa con người với con người”.
Ngày 15/12, đội tuyển quốc gia Marocco sẽ đối đầu với đương kim vô địch World Cup – đội tuyển quốc gia Pháp. Điều thú vị là, có rất nhiều người Marocco đang sinh sống ở Pháp, ít nhất trên 35.000 Marocco người có giấy phép lao động chính thức ở Pháp. Ngoài ra, cũng có nhiều cầu thủ Marocco thi đấu ở Pháp, do đó những chú Sư tử Atlas – biệt hiệu của đội tuyển quốc gia Marocco sẽ có lợi thế lớn trong cuộc đối đầu với gã khổng lồ Pháp.
Chúng ta cùng mong đợi một trận cầu đẹp mắt, hấp dẫn, và hy vọng những chú Sư tử Atlas tiếp tục tạo ra cơn địa chấn mới.
Thanh Hà