Tin thế giới trưa thứ Tư 14/12/22: Sinh viên Trung Quốc tiếp tục gia tăng biểu tình

Sinh viên Trung Quốc tiếp tục gia tăng biểu tình

Sinh viên Đại học Quảng Tây Trung Quốc đã biểu tình vào ngày 12/12 để phản đối sự coi thường của nhà trường đối với các yêu cầu của sinh viên (ảnh từ twitter).

Tiếp nối cuộc biểu tình ở Đại học Tứ Xuyên ngày 11/12, sinh viên Đại học Quảng Tây Trung Quốc đã biểu tình vào ngày 12/12 để phản đối sự coi thường của nhà trường đối với các yêu cầu của sinh viên.

Mặc dù chính quyền Trung Quốc gần đây đã nới lỏng chính sách phong tỏa, nhưng tình hình hiện tại ở nhiều nơi khá hỗn loạn.

Nickname Thầy Lý không phải là giáo viên của bạn đã đăng trên Twitter vào ngày 12/12 rằng khuôn viên của Đại học Quảng Tây, Trung Quốc đã đóng cửa trong nhiều ngày vì trong trường có nhiều ca dương tính.

Một sinh viên đã đăng trên Weibo kêu gọi sinh viên tập trung tại phòng tập thể dục của trường vào buổi tối để “ôn lại chuyện xưa”, bài viết này đã thu hút sự chú ý của nhiều người trên mạng, sau đó một giáo viên phụ trách của trường đã gia nhập nhóm trò chuyện, dẫn đến nhóm trò chuyện bị giải tán.

Mặc dù các sinh viên không tụ tập nhưng một số cư dân mạng đã chụp ảnh và đăng tải rằng tất cả các điểm tụ tập trong khuôn viên trường đều bị cảnh sát bao vây, ngoài cổng trường có rất nhiều xe cảnh sát.

Cùng ngày, do sự bùng phát của dịch bệnh, Đại học Phúc Châu đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học, nhưng kế hoạch cho sinh viên về quê trong đêm đã bị thay đổi, khiến sinh viên tập trung tại sân thể thao trong khuôn viên trường để phản đối.

Theo ảnh chụp màn hình nhóm thông báo của trường Đại học Quảng Tây, ban đầu nhà trường đã thông báo với học sinh rằng các lớp học sẽ bị đình chỉ vào ngày 12/12 và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Nhưng 7 phút sau, thông báo thay đổi thành “Kế hoạch giảng dạy tạm thời sẽ không được điều chỉnh”, điều này đã trở thành ngòi nổ cho cuộc phản đối của sinh viên.

Một số sinh viên cho biết: “Đây là vấn đề không nhỏ chút nào, nó thể hiện sự coi thường yêu cầu của sinh viên”.

Bá Long

Xã hội đen người Hoa hoành hành ở Thái Lan

Khu phố Tàu ở Bangkok Thái Lan. (Nguồn: Sompob Kesornkhachornthip/ Shutterstock)

Tình trạng các băng nhóm Trung Quốc ở Thái Lan tham gia buôn bán ma túy và rửa tiền, hơn nữa có thể mua chuộc quan chức địa phương, đã khiến cho các thành viên Quốc hội Thái Lan gần như ngày nào cũng tổ chức họp báo để công bố, đồng thời bày tỏ sự tức giận trước dòng tiền bất hợp pháp từ Trung Quốc. Hiện nay sự phản cảm của Thái Lan đối với Trung Quốc đã đạt đến một mức cao mới.

Theo South China Morning Post (SCMP), vụ bê bối liên quan bắt đầu vào cuối tháng 10, khi cảnh sát Thái Lan đột kích vào hộp đêm bất hợp pháp “Jinling International” ở khu thương mại Sathorn của Bangkok, chuyên phục vụ khách hàng Trung Quốc. Do phát hiện phòng karaoke có cung cấp ma túy, và để cho khách hàng hút thâu đêm, nếu không dùng hết thì có để cất đi để lần sau sử dụng, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ tại chỗ 273 người Trung Quốc vì nghi ngờ lạm dụng ma túy, đánh bạc và rửa tiền.

Trong vài tuần tới, cảnh sát Thái Lan sẽ triển khai các chiến dịch chống ma túy ở nhiều nơi, kết quả là một danh sách tài sản đáng kinh ngạc đã được dọn sạch khỏi những hộp đêm bất hợp pháp này, trong đó có một biệt thự trị giá 5,7 triệu USD, siêu xe, hàng triệu đô la tiền mặt và một lượng lớn ma túy cất giấu trong biệt thự, dường như được dự trữ để bán tại các câu lạc bộ.

Theo báo cáo, cảnh sát Thái Lan đã tìm kiếm các đường dây và bắt giữ 5 tên xã hội đen người Trung Quốc, bị tình nghi sử dụng thị thực sinh viên và thẻ căn cước Thái Lan để điều hành các doanh nghiệp tội phạm; có một người đã bị bắt vào đầu tháng 11, còn sở hữu một chiếc xe hơi giả của Đại sứ quán Trung Quốc và xe máy cảnh sát.

Tuy nhiên, Chainat Kornchayanan, một người đàn ông được biết đến với cái tên Tuhao, mới là tâm điểm thực sự của vụ bê bối. Người đàn ông Thái gốc Hoa này phủ nhận cáo buộc buôn bán ma túy và rửa tiền khi ra đầu thú vào cuối tháng trước. Vợ của Tuhao cũng là cháu gái của cảnh sát trưởng Thái Lan Pracha Promnok. Tính đến nay, tài sản bị tịch thu của người này đã vượt quá 5 tỷ baht, bao gồm một máy bay phản lực, đất đai và 3 căn nhà sang trọng.

Đồng thời, cảnh sát cũng mở cuộc điều tra 50 căn nhà sang trọng thuộc sở hữu của người Trung Quốc tại Bangkok, để làm rõ mối quan hệ với Tuhao. Đảng cầm quyền của Thái Lan, Đảng Quyền lực Công dân, thừa nhận vào cuối tháng 10 rằng họ đã nhận được 100.000 USD tài trợ chính trị từ Tuhao.

Nghị sĩ Thái Lan Chuwit Kamolwisit nói với các phóng viên rằng xã hội hãy cùng đặt câu hỏi, làm thế nào những người như Tuhao có thể tích lũy tài sản hơn 5 tỷ baht chỉ trong 10 năm? Hầu như ngày nào ông cũng tổ chức họp báo để vạch trần “mật mã tài sản” của giới xã hội đen Trung Quốc.

Ông nói, trong đại dịch COVID-19, các băng nhóm xã hội đen cũng đã mua chuộc các quan chức nhập cư để thành lập các quỹ không có thật, qua đó để đảm bảo thị thực tình nguyện viên, để họ có thể ở lại Thái Lan và đưa người Trung Quốc vào. Ít nhất 3.000 người Trung Quốc đã vào Thái Lan thông qua kênh này, nhiều người trong số họ đã tham gia trong các giao dịch bất hợp pháp và rửa tiền. Ông Chuwit Kamolwisit nói, “Làm thế nào bạn có thể cho phép những mối làm ăn bẩn thỉu này của Trung Quốc vào Thái Lan”?

Một luật gần đây của Chính phủ Thái Lan cho phép người nước ngoài sở hữu tới 1 rai đất (xấp xỉ 1.600 m2) đã bị rút lại trong bối cảnh dư luận phẫn nộ, khi tội phạm kinh hoàng tiếp tục nổi lên và mối lo ngại về nguồn tiền Trung Quốc ngày càng tăng. Nhiều người Thái Lan lo lắng rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đẩy giá đất lên cao, khiến người Thái không thể mua được.

Thẻ bắt đầu bằng “#ChineseGreyBusinessMoney” đã lan truyền trên Twitter Thái Lan trong nhiều tuần. Một người dùng Twitter nói: “Làm thế nào những người này có thể mua hàng chục ngôi nhà mà không làm dấy lên nghi ngờ?”. Dòng tweet này đã được chuyển tiếp hơn 5.000 lần.

Vương Quân, Vision Times

Binh lính Trung Quốc và Ấn Độ lại đánh nhau tay đôi thô sơ tại biên giới

Hôm 12/12, phía Ấn Độ tuyên bố rằng quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra xung đột ở khu vực biên giới tại huyện Tawang bang Arunachal Pradesh vào ngày 9/12, binh lính của cả hai bên đều bị thương. Đến nay, phía nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ thông tin liên quan.

Ngày 13/12, ông cựu Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu của phía Trung Quốc là ông Hồ Tích Tiến tiết lộ rằng phía Ấn Độ có 6 người bị thương, nhưng phía Ấn Độ cho rằng có nhiều binh sĩ Trung Quốc bị thương hơn, đến nay chưa rõ trong xung đột này có nổ súng không. Trước đó vài xung đột giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đều không nổ súng.

Theo Reuters, quân đội Ấn Độ tuyên bố rằng sau vụ việc hai bên đã ngay lập tức rút khỏi khu vực, đồng thời chỉ huy của hai phía tại khu vực liên quan lập tức tổ chức họp gặp để thảo luận.

Hiện người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters, người phát ngôn Bộ Quốc phòng cũng từ chối bình luận về thương vong của binh lính Ấn Độ hay Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

Nhiều phương tiện truyền thông Ấn Độ đã đưa tin về vụ việc. India Today dẫn các nguồn tin cho biết vào ngày 9/12, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ trên Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở biên giới Trung-Ấn tại khu vực Yangste thuộc huyện Tawang, hai bên đều có binh sĩ bị thương nhẹ. Các nguồn tin cho biết hơn 300 binh sĩ Trung Quốc đã cố gắng lên tới đỉnh cao 17.000 foot nhưng không thành công, khu vực này đầy tuyết bao phủ.

Truyền thông Ấn Độ dẫn các nguồn tin cho biết, xung đột có sự tham gia của khoảng 300 quân nhân Trung Quốc và phía Trung Quốc là bên bị thương nặng nề hơn nhiều. Một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ biết về vụ việc đã xác nhận vụ việc xảy ra, nhưng không tiết lộ chi tiết cụ thể. Quan chức này nói rằng số người bị thương của quân đội Trung Quốc cao hơn nhiều so với phía Ấn Độ. Theo một nguồn tin khác, một số ít binh sĩ Ấn Độ bị gãy tay chân trong cuộc giao tranh và hiện đang điều trị tại một bệnh viện ở Guwahati.

Quốc hội Ấn Độ hy vọng rằng Chính phủ nên có hành động nghiêm khắc về việc này, và phải từ bỏ thái độ dao động, phải nghiêm khắc giải thích với Trung Quốc rằng hành động của họ sẽ không được dung thứ.
Vũ khí trong xung đột biên giới Trung-Ấn: chùy

Thực tế, lần xung đột giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới Trung-Ấn này không phải là lần đầu tiên, lý do chủ yếu là vì biên giới chưa được xác định nên thường xuyên xảy ra các cuộc đối đầu giữa quân đội hai nước khi tuần tra khu vực.

Một vụ việc tương tự đã xảy ra vào tháng 10/2021, khi đó một số binh sĩ Trung Quốc trong đội tuần tra lớn đã bị quân đội Ấn Độ giam giữ trong vài giờ, họ đã có đụng độ quy mô nhỏ khu gần Yangtse.

Trước đó ngày 15/6/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ cũng giao tranh tay đôi tại Thung lũng Galwan của Ladakh – vùng giáp với cao nguyên Tây Tạng do Trung Quốc kiểm soát, vụ việc này đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi phía Trung Quốc không công bố tình hình thương vong.

Ngày 17/6/2020 theo truyền thông Ấn Độ cho hay, nguồn gốc của cuộc xung đột lần này là do chỉ huy của phía Ấn Độ, Đại tá Santosh Babu, vào ngày 13/6 đã ra lệnh phá dỡ và đốt cháy các lều do binh lính Trung Quốc dựng lên. Được biết trong cuộc đàm phán cấp chỉ huy quân sự Trung Quốc-Ấn Độ vào ngày 6/6, hai bên đã quyết định dỡ bỏ các lều nhưng Trung Quốc đã không có bất kỳ hành động nào. Đến ngày 15/6 khi binh lính Ấn Độ tuần tra tại một địa điểm tranh chấp giữa hai bên, binh lính Trung Quốc đã ném đá và té nước về phía lính Ấn Độ. Nguồn tin dẫn lời một quan chức cấp cao của Ấn Độ xác nhận rằng các binh sĩ Trung Quốc mặc trang phục và đội mũ bảo hộ, thậm chí còn mang theo “gậy chùy”.
Vì sao xung đột không dám nổ súng?

Theo “Thỏa thuận duy trì hòa bình và yên tĩnh dọc theo đường kiểm soát thực tế ở khu vực biên giới Trung-Ấn” ký ngày 7/9/1993, điều đầu tiên đề cập rằng vấn đề biên giới Trung-Ấn nên được giải quyết trong hòa bình và hữu nghị, hai nước sẽ không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Năm 1996, hai bên đã ký “Thỏa thuận về các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự dọc theo Đường kiểm soát thực tế ở khu vực biên giới Trung-Ấn”, theo đó yêu cầu kiềm chế sử dụng các loại vũ khí như súng, pháo và chất nổ trên lãnh thổ biên giới tranh chấp để tránh xung đột leo thang.

Vương Quân, Vision Times

Ông Joe Biden ký luật chấp thuận hôn nhân đồng giới

Ngày 13/12, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thông qua một dự luật chấp thuận hôn nhân giữa những người đồng giới.

(Ông Joe Biden ký dự luật về hôn nhân đồng giới trước đám đông bên ngoài Nhà Trắng/ Ảnh: Getty Images)

Ông Biden phát biểu bên ngoài Nhà Trắng trước khi ký dự luật: “Hôm nay là một ngày tốt lành. Hôm nay nước Mỹ thực hiện bước cuối cùng hướng tới bình đẳng, tự do và công bằng – không chỉ cho một số người mà cho tất cả mọi người. Hướng đến việc tạo nên một quốc gia mà phép lịch sự, nhân phẩm và tình yêu thương được công nhận, tôn vinh và bảo vệ.”

Dự luật H.R. 8404 bãi bỏ Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân, một đạo luật năm 1996 định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Đạo luật năm 1996 được ký bởi Tổng thống Bill Clinton, một đảng viên Dân chủ, và được cả hai đảng ủng hộ rộng rãi.

Tuy nhiên về sau này, hầu hết các đảng viên Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa đã chuyển sang ủng hộ hôn nhân đồng tính; các nhà lập pháp ở cả hai đảng đã góp phần thông qua luật mới.

H.R. 8404 được gọi là Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân, trong đó đưa phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong vụ Obergefell v. Hodges thành luật. Ông Obergefell cho rằng điều khoản về hôn nhân đồng giới của Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân là vi hiến, đồng thời buộc các tiểu bang phải cấp phép kết hôn cho các cặp đôi đồng tính.

Những người ủng hộ cho biết luật này là cần thiết sau khi tòa án đứng đầu của Hoa Kỳ vào tháng Sáu đã bác bỏ án lệ Roe v. Wade – quyết định năm 1973 kết luận quyền phá thai được bảo vệ theo hiến pháp.

Hồi tháng Sáu, đa số thẩm phán tuyên bố quyết định bác bỏ án lệ Roe v. Wade của họ không gây hại đến phán quyết về hôn nhân hoặc bất kỳ tiền lệ nào khác không liên quan đến việc phá thai. Tuy nhiên, thẩm phán Clarence Thomas lại cho rằng tòa án nên “xem xét lại tất cả các tiền lệ theo trình tự công bằng (substantive due process)” bao gồm cả vụ Obergefell. Ông Thomas đã không đề cập đến phán quyết của tòa án năm 1967 cho rằng luật cấm hôn nhân giữa các chủng tộc là bất hợp pháp, nhưng việc bảo vệ hôn nhân giữa các chủng tộc đã được đưa vào dự luật mới.

Ông Biden nhấn mạnh việc quyết định kết hôn với ai là “một trong những quyết định sâu sắc nhất” mà một người có thể đưa ra, đó là vấn đề một người sẽ yêu ai và trung thành với ai.

“Luật pháp công nhận mọi người nên có quyền tự trả lời những câu hỏi đó mà không cần sự can thiệp của chính phủ,” ông Biden cho hay.

Thượng viện đã thông qua luật mới với tỷ lệ bỏ phiếu 61-36 vào ngày 29/11. Hạ viện cũng đã thông qua dự luật với tỷ lệ phiếu 258–169 vào ngày 8/12.

Ông Biden đã ký dự luật trước đám đông, trong đó có chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, ca sĩ Cyndi Lauper và Matthew Haynes, chủ sở hữu của câu lạc bộ Colorado, nơi một người đàn ông đã nổ súng và giết chết 5 người vào tháng 11.
Cảnh báo về mối đe dọa đối với tự do tôn giáo

Một số người lo ngại luật mới sẽ gây nguy hiểm cho quyền tự do tôn giáo.

Ông Matt Sharp, cố vấn cao cấp của Liên minh Bảo vệ Tự do trả lời kênh truyền thông NTD: “Chính phủ liên bang có quyền lực mới với phạm vi rộng hơn để có thể theo dõi các tổ chức tôn giáo và những người có đức tin giữ quan điểm rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Quý vị có thể thấy điều này đang diễn ra với một nhà cung cấp dịch vụ nhận con nuôi dựa trên đức tin, [hình thức này] tin rằng những đứa trẻ xứng đáng có một mái ấm với cha và mẹ đã kết hôn, [tuy nhiên] đang bị chính phủ trừng phạt vì niềm tin của mình.”

Các nhà phê bình nhận định rằng dự luật cũng mở ra cơ hội cho các vụ kiện chống lại những nhóm người có quan điểm truyền thống về hôn nhân.

Cô Emma Waters, cộng tác viên nghiên cứu của trung tâm Richard và Helen DeVos về Đời sống, Tôn giáo và Gia đình thuộc Quỹ di sản, phân tích với tờ Epoch Times, mặc dù luật mới có một số biện pháp bảo vệ pháp lý, chẳng hạn như quy định mục sư không phải thực hiện hôn nhân đồng giới, nhưng chính mục sư đó có thể bị buộc phải để một cặp đồng tính nam kết hôn tại nhà thờ của mình.

Những lo ngại đó đã khiến một số đảng viên Cộng hòa thay đổi phiếu bầu của họ giữa lần thông qua đầu tiên tại Hạ viện và lần bỏ phiếu thứ hai đối với phiên bản đã được Thượng viện sửa đổi. Dân biểu Maria Elvira Salazar, người đã bỏ phiếu chống trong phiên bản cuối cùng, nhận định rằng luật này không bao gồm “các biện pháp bảo vệ đầy đủ đối với các nhà thờ và những người Mỹ có đức tin tôn giáo chân thành.”

Những người ủng hộ luật mới khẳng định, luật có các biện pháp bảo vệ thích hợp.

Các Thượng nghị sĩ Tammy Baldwin, Susan Collins, Rob Portman, Kyrsten Sinema và Thom Tillis lên tiếng trong một tuyên bố chung: “Luật cơ bản này mang lại sự đảm bảo cho hàng triệu cặp đôi yêu nhau đối với hôn nhân đồng giới và hôn nhân khác chủng tộc, những người sẽ tiếp tục được hưởng tự do, quyền lợi và trách nhiệm vốn dành cho tất cả các hình thức hôn nhân khác. Đồng thời, luật của chúng tôi hoàn toàn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo và các niềm tin khác nhau về hôn nhân.” 

Ông Biden đã không đề cập đến những mối lo ngại trên.

Vy An (Theo Epoch Times)

Trung Quốc chuẩn bị gói 143 tỷ USD cho sản xuất chip khi bị Hoa Kỳ kiềm chế

Các nguồn tin cho biết Bắc Kinh có kế hoạch đưa ra một trong những gói khuyến khích tài chính lớn nhất cho 5 năm, lên đến 1000 tỷ Nhân dân tệ (143 tỷ USD), chủ yếu dưới dạng trợ cấp và tín dụng thuế, để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước, theo Reuters đưa tin. Đây được xem như một bước quan trọng để tự cung tự cấp chip, chống lại các hoạt động của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế làm chậm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
(Nguồn: ROMSVETNIK/ Shutterstock)

Đây là báo hiệu cho điều mà các nhà phân tích đã dự đoán từ trước: Trung Quốc muốn chọn con đường trực tiếp hơn để cải thiện tình hình hiện nay và định hình tương lai của ngành công nghiệp sản xuất chip này, vốn đã trở thành điểm nóng địa chính trị do nhu cầu chip tăng vọt, và đây cũng là ngành mà Bắc Kinh coi là nền tảng cho sức mạnh công nghệ của mình.

Kế hoạch có thể được thực hiện ngay trong quý đầu năm tới, 2 trong số 3 nguồn tin giấu tên cho biết vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Họ cho biết phần lớn khoản hỗ trợ tài chính sẽ được sử dụng để trợ cấp cho việc mua thiết bị bán dẫn trong nước của các công ty Trung Quốc, chủ yếu là các nhà máy chế tạo chất bán dẫn.

Ba nguồn tin cho biết những công ty như vậy sẽ được hưởng khoản trợ cấp 20% cho chi phí mua hàng.

Kế hoạch hỗ trợ tài chính được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông qua vào tháng 10 một bộ quy định sâu rộng, có thể cấm các phòng thí nghiệm nghiên cứu và trung tâm dữ liệu thương mại của Trung Quốc tiếp cận chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, cùng với các hạn chế khác.

Hoa Kỳ cũng đang vận động một số đối tác của mình, bao gồm Nhật Bản và Hà Lan, thắt chặt xuất khẩu sang Trung Quốc các thiết bị được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 8 đã ký một dự luật mang tính bước ngoặt nhằm cung cấp 52,7 tỷ đô la tài trợ cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ cũng như tín dụng thuế cho các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỷ đô la.

Với gói ưu đãi, Bắc Kinh nhằm tăng cường hỗ trợ các công ty chip Trung Quốc xây dựng, mở rộng hoặc hiện đại hóa các cơ sở trong nước để chế tạo, lắp ráp, đóng gói cũng như nghiên cứu và phát triển.

Các nguồn tin cũng cho biết, kế hoạch mới nhất của Bắc Kinh cũng bao gồm các chính sách thuế ưu đãi cho ngành công nghiệp bán dẫn của nước này.

Những người được hưởng lợi sẽ là cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong ngành, đặc biệt là các công ty thiết bị bán dẫn lớn như NAURA Technology Group, Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc China, và Kingsemi.

Một số cổ phiếu các hãng chip của Trung Quốc tại Hồng Kông đã tăng mạnh sau khi có tin tức về gói này. Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) đã tăng hơn 8%, đưa mức tăng hàng ngày lên gần 10%. Hua Hong Semiconductor Ltd đóng cửa tăng 17%.

Đạt được tự chủ về công nghệ là điểm nhấn nổi bật trong báo cáo của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10. Thuật ngữ “công nghệ” được nhắc đến 40 lần, tăng từ 17 lần trong báo cáo từ đại hội năm 2017.

Các nhà phân tích cho biết, việc ông Tập kêu gọi Trung Quốc “chiến thắng ở mặt trận” các công nghệ cốt lõi có thể báo hiệu một sự điều chỉnh toàn bộ trong cách tiếp cận của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy ngành công nghệ của mình, với nhiều chi tiêu và can thiệp hơn do nhà nước lãnh đạo để chống lại áp lực của Mỹ.

Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được công bố vào tháng 10 đã khiến các công ty thiết bị sản xuất chip lớn ở nước ngoài ngừng cung cấp cho các nhà sản xuất chip chính của Trung Quốc, bao gồm Yangtze Memory Technologies Co. và SMIC, đồng thời các nhà sản xuất chip AI tiên tiến ngừng cung cấp cho các công ty và phòng thí nghiệm.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai (12/12), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã đưa ra một tranh chấp thương mại tại Tổ chức Thương mại Thế giới chống lại Hoa Kỳ về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của nước này.

Trung Quốc từ lâu đã tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong lĩnh vực thiết bị sản xuất chip, lĩnh vực vẫn bị chi phối bởi các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan.

Một số doanh nghiệp trong nước đã nổi lên trong 20 năm qua, nhưng hầu hết vẫn đứng sau các đối thủ về khả năng sản xuất chip tiên tiến.

Ví dụ, thiết bị xử lý nhiệt và ăn mòn của NAURA chỉ có thể sản xuất chip 28 nanomet trở lên, công nghệ tương đối cũ.

Công ty TNHH Tập đoàn Thiết bị Điện tử Vi mô Thượng Hải (SMEE), công ty in thạch bản duy nhất của Trung Quốc, có thể sản xuất chip 90 nanomet, kém xa so với ASML của Hà Lan, công ty đang sản xuất chip có kích thước thấp tới 3 nanomet.

Thiên Đức

Related posts