Đường dây sản xuất thuốc giả với gần 20.000 sản phẩm: 7 người bị bắt
Nhóm 7 người này sản xuất thuốc giả sau đó mang bỏ mối cho các đại lý kinh doanh thuốc để tuồn vào các cửa hàng, chợ thuốc ở TP.HCM.
Ngày 17/12, Đại tá Lê Văn Bích, Trưởng Công an quận 8 (TP.HCM) cho biết đã bắt 7 người trong đường dây sản xuất thuốc chữa bệnh giả.
Cụ thể, trưa ngày 13/12, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận 8 kiểm tra tại một bãi xe trên đường Cao Lỗ, phường 4, phát hiện 4 người đang sản xuất thuốc giả.
4 người gồm: Nguyễn Xuân Cường (SN 1976), Ao Vạn Hạnh (SN 1997), Trương Phong Hào (SN 1998), Trương Thuỳ Trinh (SN 1973), cùng ngụ quận 8.
Qua làm việc, nhóm này thừa nhận sản xuất thuốc giả là thuốc tây chữa bệnh đem bán ra thị trường để kiếm lợi. Nhóm này sản xuất thuốc giả sau đó mang bỏ mối cho các đại lý kinh doanh thuốc để tuồn vào các cửa hàng, chợ thuốc ở TP.HCM.
Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ hơn 8.500 hộp thuốc giả mang nhãn hiệu Terpin – Codein, Decotyl, Asmascort, Glotal. Đây là các loại thuốc kháng sinh, trị ho, hen suyễn, giảm đau.
Mở rộng điều tra, ngày 14/12, Công an tiếp tục bắt giữ Huỳnh Nhật Khoa (SN 1998, ngụ quận 10) ở căn nhà trên đường Tô Hiến Thành gần chợ thuốc tây ở quận 10.
Công an thu gần 9.000 sản phẩm thuốc chữa bệnh nhãn hiệu các loại như: Gold 500, Celecod 200, Cephalexin 500, Terpin Codein viên nang, Terpin Codein viên nén, Ciproxacin 500, Decotyl, Asmacort, Cepha Pharmacy 500, Cefadroxil 500, amoxicillin 500. Trong số này có nhiều loại thuốc đặc trị và thuốc kháng sinh liều cao chỉ bán theo đơn chỉ định của bác sĩ.
Cùng ngày, Công an cũng bắt giữ Phạm Quốc Quyền (SN 1979, ngụ quận 10), khi kiểm tra căn nhà ở đường Tô Hiến Thành.
Khám xét nơi này, Công an thu giữ gần 1.000 sản phẩm thuốc chữa bệnh nhãn hiệu Metronidazol, Asmacort. Đây là hai loại thuốc trị nấm và hen suyễn.
Hai người Khoa và Quyền đều thừa nhận mua thuốc giả của nhóm Cường để bán lại cho các cửa hàng thuốc tây, chợ thuốc ở TP.HCM.
Đến ngày 16/12, Công an quận 8 kiểm tra căn nhà ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bắt giữ Đặng Văn Hóa (SN 1982, ngụ tỉnh Đồng Nai).
Khám xét căn nhà, Công an thu giữ 2.706 hộp thuốc chữa bệnh có nhãn hiệu Ciproxacin 500 và Augbactam. Đây là hai loại thuốc kháng sinh đặc trị nhiễm trùng và nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Theo ông Bích, đến nay, công an đã kiểm đếm được khoảng 20.000 hộp thuốc nhãn hiệu các loại được sản xuất giả. Ước tính số thuốc tây giả được thu giữ trị giá hàng tỷ đồng.
“Các nghi phạm sản xuất thuốc giả, trong đó có các loại thuốc kháng sinh rồi đem bán tại các nhà thuốc, chợ thuốc lớn ở TP.HCM gây nguy hiểm cho người sử dụng. Đơn vị đang phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và các đơn vị liên quan kiểm tra toàn bộ số thuốc đang thu giữ, để có cơ sở xử lý các nghi phạm…”, ông Bích nói.
Phạm Toàn
TP.HCM: ‘Cò’ bệnh viện, trộm cắp diễn ra dai dẳng tại các cơ sở y tế
Ghi nhận 240 vụ trộm cắp, lừa đảo, móc túi, 84 vụ gây mất an ninh trật tự, trong đó, 15 vụ hành hung nhân viên y tế trong năm 2022, tình hình an ninh tại các cơ sở y tế ở TP.HCM được đánh giá là đáng lo ngại.
Sáng 16/12, Công an TP.HCM phối hợp Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội thảo Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế ở TP.HCM.
Tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết TP.HCM có hệ thống y tế lớn nhất cả nước. Do đó, an ninh trật tự trong ngành là vấn đề lớn cần quan tâm.
Trong năm 2022, các cơ sở y tế trực thuộc sở ghi nhận 240 vụ trộm cắp, lừa đảo, móc túi; 84 vụ gây mất an ninh trật tự, trong đó có 15 trường hợp hành hung nhân viên y tế; 167 vụ việc được chuyển về công an địa phương xử lý. 15 vụ việc giả mạo giấy phép hành nghề, chứng chỉ hành nghề bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM chuyển sang cơ quan công an.
Hàng loạt vấn đề đáng lo ngại về an ninh trật tự được đại diện Sở Y tế TP chỉ ra, như “cò” bệnh viện lôi kéo, dẫn dụ người bệnh để đưa đến các cơ sở tư nhân trá hình; vấn nạn hành hung nhân viên y tế, đập phá tại bệnh viện; nạn giả danh cơ sở khám chữa bệnh, hoạt động không phép.
Theo TS.BS Dũng, có những cơ sở khám chữa bệnh sử dụng bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề, dùng thủ đoạn “vẽ bệnh”. Có những cơ sở chỉ được cấp phép làm đẹp, không có giấy phép hành nghề y tế nhưng lại thực hiện dịch vụ kỹ thuật của y tế; đào tạo kỹ thuật thẩm mỹ mà không khai báo cơ quan chức năng, khi bị xử lý thì sang tên đổi chủ; một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có yếu tố nước ngoài không tuân thủ pháp luật, trục lợi trên sức khỏe của người bệnh…
Đáng lưu ý, có những người nắm được thông tin của người vi phạm rồi giả mạo nhân viên y tế, Thanh tra Sở Y tế, liên hệ, hù dọa để tống tiền, hứa sẽ giảm nhẹ hình phạt.
TS.BS Dũng lo lắng khi thông tin của người bệnh được công khai trên mạng internet, nếu quy trình không chặt chẽ thì đây là “miếng mồi thơm” cho kẻ xấu.
Tình trạng “cò” bệnh viện được nhiều bệnh viện đề cập tới. BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết lực lượng “cò” thường hoạt động theo nhóm. Nhóm “cò” xe cứu thương trà trộn, tiếp cận thân nhân người bệnh để phát danh thiếp, tờ rơi để lôi kéo người bệnh và thân nhân đặt xe. Nhiều vụ việc chèn ép người bệnh đã xảy ra ngay trong khuôn viên bệnh viện, đe dọa, chống đối bảo vệ bệnh viện.
BS Phạm Thanh Việt – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện ngoài “cò” xe cứu thương còn có “cò” bốc số thứ tự khám bệnh và “cò” dắt bệnh. Để khắc phục, bệnh viện này hiện dùng ứng dụng công nghệ thông tin để phát số thứ tự khám bệnh và ngăn chặn xe cứu thương hoạt động “chui” vào bệnh viện.
Trước thực trạng trên, ngành y tế TP đề xuất tiếp tục phối hợp với Công an TP trong đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở y tế. Các bệnh viện cần trao đổi thông tin thường xuyên với công an địa phương; tăng cường hệ thống camera an ninh, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến cuối.
Ngoài ra, cần phải giảm tải ở khoa cấp cứu – điểm nóng của các bệnh viện lớn, tăng cường lực lượng bảo vệ tại các bệnh viện, tập huấn kỹ năng cho nhân viên y tế xử lý khi xảy ra tình huống xấu. Ngành y tế cũng tăng cường các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân từ ứng dụng trên điện thoại, đường dây nóng về phòng khám “vẽ bệnh”…
Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị các cấp cao hơn xem xét bổ sung điều khoản của luật nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế.
Khánh Vy
Buôn lậu ngà voi, xương sư tử… tới 300 tỷ đồng tại Đà Nẵng: Truy tố GĐ công ty ‘ma’
Với 2 công ty “ma” được lập bằng CMND giả, một “giám đốc” quê Hà Tĩnh bị cáo buộc cầm đầu đường dây nhập khẩu hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê, xương sư tử từ các nước châu Phi về Việt Nam.
VKSND TP. Đà Nẵng vừa công bố đã ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Đức Tài (SN 1989, quê quán huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, tạm trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) về tội Vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Bị can Tài được xác định cầm đầu trong vụ án buôn lậu động vật hoang dã lớn nhất từ trước đến nay với tổng số tang vật thu được có tổng giá trị lên đến 300 tỷ đồng, gồm 456,9 kg ngà voi, hơn 138,7 kg sừng tê giác, hơn 6,2 tấn kg vảy tê tê và hơn 3,1 tấn xương sư tử.
Giá 1 kg sừng tê giác hiện dao động ở mức khoảng 100.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng), 1 kg ngà voi khoảng 3.000 USD (khoảng 60 triệu đồng), 1 kg vảy tê tê khoảng 300 USD (khoảng 6 triệu đồng). Đây được cho là mức lợi nhuận kếch xù, khiến các nhóm tội phạm dùng nhiều thủ đoạn, trong đó có cấu kết với người nước ngoài, lập nên các đường dây buôn lậu xuyên quốc gia, trong đó có buôn lậu bằng đường biển.
Trong vụ án trên, từ tháng 2-9/2021, theo sự chỉ đạo của một người tên July (chưa rõ nhân thân, lai lịch), Nguyễn Đức Tài đã thành lập 2 công ty “ma” để nhập khẩu ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và xương sư tử từ các nước châu Phi về Việt Nam. Khi nhập hàng về Cảng Đà Nẵng, Tài bị hải quan phát hiện, thu giữ tang vật.
Để thành lập công ty “ma” để nhập khẩu trái phép động vật hoang dã, bị can Tài lên mạng xã hội đặt làm CMND giả mang tên Nguyễn Nhật Long, sốCMND: 184713729, sinh ngày: 11/9/1986, nguyên quán: Cẩm Thành, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nơi ĐKHK thường trú: Cẩm Thành, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, Giám đốc Công an Hà Tĩnh ông Trần Công Trường Ký, cấp ngày 27/8/2014.
Bị can Tài sử dụng CMND trên photo, công chứng và làm thủ tục thành lập công ty.
Ngoài lô hàng nhập khẩu bị thu giữ, bị can Tài còn cất giữ 10 vảy tê tê do July đưa làm hàng mẫu để khách xem.
Các loài động vật trên đều có tên trong phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ký tại Washington D.C ngày 1/3/1973. Việt Nam tham gia Công ước CITES vào năm 1994.
Theo báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) được công bố vào tháng 11/2021, năm 2019, Việt Nam được xác định là quốc gia nhập khẩu ngà voi, vảy tê tê lớn nhất toàn cầu.
Những sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp được thu mua để đáp ứng nhu cầu tại Việt Nam (sừng tê giác được tin là có thể chữa bệnh ung thư, vảy tê tê giúp đảm bảo sức khỏe sinh sản, sừng tê giác và ngà voi còn được xem là biểu tượng của địa vị xã hội). Vì là điểm trung chuyển chính, một số lượng lớn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê châu Phi sẽ tiếp tục được vận chuyển lậu từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đường bộ từ Việt Nam đến các thị trường cuối cùng ở Trung Quốc.
Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) năm 2020 nhận định Việt Nam là điểm đến chính của các giao dịch bất hợp pháp về ngà voi, vảy tê tê, hồng mộc, sừng tê giác, đồng thời là điểm trung chuyển chính các lô hàng này đến Trung Quốc.
Nguyễn Quân
Quảng Ninh: Giám đốc điều hành đường dây khai thác đất lậu, thu lợi hàng tỷ đồng
Khai thác trái phép số lượng lớn đất trong vòng 5 năm mới bị bắt, một giám đốc công ty ở Quảng Ninh thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Khu vực bị khai thác trái phép nằm ở phường Đại Yên, một trong 5 khu vực đang được quy hoạch là vùng kinh tế trọng điểm của TP. Hạ Long.
Ngày 16/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với ông Đào Thế Vinh để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò khai thác tài nguyên quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015.
Ông Vinh là Giám đốc Công Ty TNHH Dịch vụ Vận tải Thương mại Vũ Đại Vỹ.
Quyết định khởi tố ông Vinh cùng lệnh tạm giam đã được Viện KSND tỉnh Quảng Ninh phê chuẩn.
Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh, sau thời gian xác lập chuyên án và tiến hành điều tra, ngày 6/12, cơ quan công an kiểm tra khu vực đồi thuộc tổ 3, khu Cầu Trắng (phường Đại Yên, TP. Hạ Long) do Công ty CP đầu tư Bảo Lai quản lý.
Đồng thời, lực lượng chức năng kiểm tra tại bến thủy nội địa, do Công ty TNHH MTV Vượng Hồi (phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên) và Công ty TNHH gốm vật liệu xây dựng và phát triển thương mại Phương Nam (xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên) đã phát hiện nhiều người đang khai thác, tập kết, vận chuyển đất trái phép.
Tại hiện trường, cơ quan công an đã tạm giữ 9 phương tiện, gồm: 6 xe tải, 2 máy xúc, 1 tàu vận tải và thu giữ khoảng 17.500 m3 đất.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh xác định từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt giữ, ông Vinh đã tổ chức khai thác, vận chuyển trái phép đất với số lượng lớn tại khu đồi thuộc tổ 3, khu Cầu Trắng. Số đất này ông Vinh bán cho một số cơ sở có nhu cầu mua đất san lấp mặt bằng, sản xuất gạch ngói, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Khu vực bị khai thác trái phép nằm ở phường Đại Yên, một trong 5 khu vực đang được quy hoạch là vùng kinh tế trọng điểm của TP. Hạ Long, theo Đồ án quy hoạch dựa trên điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/6/2019.
Tại Quảng Ninh, “ông trùm” khai thác đất lậu Đào Thế Vinh được nhiều người biết đến như một doanh nhân thành đạt. Ngoài việc khai thác đất trái phép, ông Vinh còn lấn sân sang nhiều lĩnh vực đầu tư khác, trong đó có bất động sản.
Hiện, vụ án đang được Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra.
Khánh Vy (Kiến Thức VN)