Quá thèm khát một chiến thắng nhỏ nhoi, Putin không hề tiếc sinh mạng!
Thời báo The guardian đưa tin, từ phía sau màn sương mù bao phủ, trong một khu rừng của Donbas, người ta vẫn luôn nghe thấy tiếng pháo nổ vang lên từng chập.
Những mảnh xương người vương vãi khắp nơi. Trong bóng tối, những quả đạn rít lên tiến về phía phòng tuyến của quân Nga xung quanh thành phố trọng điểm Bakhmut, những tiếng uỵch từ xa báo hiệu mục tiêu đã được bán hạ. Và khi quân Nga bắn trả, thì tiếng súng của họ lại cất lên, nhưng với một loại âm thanh khác, cùng với tiếng nổ của hỏa lực đang tới.
Ẩn mình trong một bụi cây rậm rạp, một khẩu lựu pháo tự hành của lữ đoàn cơ giới hóa số 24 đang chờ lệnh khi các khẩu pháo khác bên cạnh đang khai hỏa, chúng cũng được ngụy trang trong những lùm cây trên một sườn đồi.
Những người lính tranh thủ hút thuốc trong khi chờ toạ độ được gửi qua bộ đàm. Với điều kiện sương mù này thì họ không lo ngại về máy bay không người lái, nhưng lại bồn chồn khi thi thoảng có những quả đạn pháo của Nga lao tới.
Anh Andrii, một thành viên của đoàn chia sẻ “Tôi không thấy thoải mái khi quá yên tĩnh, nó làm tôi căng thẳng”. Anh đùa cợt “Sương mù là một chiến thuật. Đã có những thời điểm chúng tôi không bắt trả vào ngôi làng, nhưng giờ chúng tôi biết chúng đang ở đó”.
Anh nói thêm rằng “80% người dân vùng này ủng hộ Nga, những người phản đối thì đã rời đi. Những người ở lại đang đợi thế giới Nga sẽ đến. Tình huống ở đây rất khác khi chúng tôi chiến đấu ở Kherson, dân chúng thực sự vui mừng khi nhìn thấy chúng tôi.
Một khi đạn được chuyển đến thì những người lính nhanh chóng phân phát đến những nơi mà súng được giấu.
Anh nhớ lại “lần trước vào mùa hè cũng ở khu vực này, quân Nga điên loạn bắn vào mọi thứ. Nhưng giờ đây, chúng phải điều tiết hơn rất nhiều vì tình trạng thiếu đạn dược”.
Tuy nhiên giờ thì đạn pháo của Nga đã đến. Hôm qua, hai quả đã đáp xuống gần ngôi nhà được sử dụng như là một sở chỉ huy, đã làm rung lắc cửa sổ nhà của Natalia Hubar, một người dân của làng.
Phóng viên của tờ Observer gặp cô ấy khi đang đi ngang qua cánh đồng với một bình sữa trong túi mà cô ấy đã mua từ một người hàng xóm nuôi bò.
Cô bộc bạch “Giờ biết nói sao nhỉ?”, cô là một đầu bếp ở một căn cứ quân sự gần đó, sau khi quân Nga xâm lược thì cô ấy bị mất việc. “Những người khác còn phải đối mặt với tình huống còn tồi tệ hơn. Chúng tôi có một bếp củi để giữ ấm nhưng bây giờ điện đã bị cắt trong vài ngày qua. Khu chúng tôi ở, quân Nga đã bắn rất nhiều đạn pháo. Thật đáng sợ khi cửa sổ rung lắc, nhưng chồng tôi không muốn rời đi.”
Cô ấy hy vọng, tình trạng cả hai vợ chồng đều phải trốn vài ngày dưới tầng hầm để tránh đạn pháo sẽ khiến anh ấy phải thay đổi ý định.
Mikola, một điều phối viên hoả lực – chuyên cung cấp mục tiêu cho các đội súng, giải thích “Họ vẫn đang sử dụng các chiến thuật cũ của Liên Xô. Chúng tôi có công nghệ hiện đại hơn người Nga nên chúng tôi có thể sử dụng đạn dược chính xác và tiết kiệm hơn”.
Vasily Pavlokavic, một sĩ quan 42 tuổi chỉ huy tổ bắn lựu pháo, giải thích: “Chúng tôi chỉ bắn khi có tọa độ”. Khi anh ta đang nói, một quả đạn bay phía trên với một tiếng rít lớn.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy đã thừa nhận mức độ ác liệt của các cuộc giao tranh diễn ra dọc theo phần phía đông của đất nước.
“Tình hình tiền tuyến vẫn rất khó khăn ở các khu vực trọng điểm của Donbas – Bakhmut, Soledar, Marinka, Kreminna. Không có khu vực nào là không bị bắn phá. Những kẻ chiếm đóng đã phá hủy Bakhmut và biến nó thành đống đổ nát,” ông nói.
Một thành phố từng là nơi sinh sống của 72.000 người, dân số Bakhmut đã giảm xuống còn 12.000 trong sáu tháng qua, ẩn náu dưới các tầng hầm và được tiếp tế bởi những tạp hoá di động trong thành phố mỗi khi có thể.
Mặc dù thành phố này bị quân Nga pháo kích vào tháng Năm, nhưng khi lực lượng Ukraine rút khỏi thành phố Popasna gần đó trong tháng Tám thì Bakhmut mới trở thành mục tiêu quân sự của Nga; và hiện giờ thì là khu vực tiền tuyến duy nhất mà Nga vẫn cố thủ.
Cuộc chiến tại Bakhmut không có nhiều tính logic về chiến lược, nó chỉ đơn giản là một cuộc giao tranh khi mà người Ukraine không khoan nhượng trước kẻ thù và khi mà quân Nga có cường độ tập trung lớn hơn.
Giờ đây những nỗ lực của quân Nga xung quanh Bakhmut dường như đã trở thành mục tiêu cuối cùng là nhằm lấy lại uy tín quân sự đã mất cho Điện Kremlin sau nhiều tháng thất bại trên chiến trường.
Các đánh giá cho thấy quân Nga có thời hạn cho đến giữa tháng 12 khi mà mùa đông bắt đầu buộc họ phải chậm lại những nỗ lực tác chiến. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều đàm luận về trọng tâm của quân Nga trong cuộc chiến tại đây.
Ngay cả khi người Nga có thể chiếm được Bakhmut thì họ cũng phải đối diện với một địa hình phức tạp không mấy thuận lợi với nhiều đồi, sông, rừng cây rậm rạp và nhiều khu nhà xưởng xuống cấp từ thời hậu công nghiệp.
Đầu tuần này, một quan chức phương Tây khi trả lời phỏng vấn với AFP đã rất băn khoăn với mục tiêu của Nga tại Bakhmut “Chúng tôi thực sự không hiểu vì sao quân Nga lại cố giành Bakhmut, chúng tôi không có câu trả lời thỏa đáng”.
Một phân tích cẩn thận của Viện Nghiên cứu Chiến tranh mới đây đã khẳng định rằng Bakhmut sẽ mang lại rất ít lợi ích tác chiến cho quân Nga ngay cả khi họ hoàn toàn buộc phía Ukraine phải rút quân.
Lợi ích đạt được khi có được Bakhmut hoàn toàn kém rất xa cái giá mà quân Nga phải trả cho sáu tháng chiến đấu tàn bạo, tiêu hao khí tài và binh lực xung quanh khu vực này.
Để giành quyền kiểm soát thành phố, Nga đã dựa vào lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner, bao gồm cả những kẻ phạm tội và những người lính mới được huy động để tấn công vào các vị trí của Ukraine theo từng đợt.
Quân phòng thủ của Ukraine đã rất quen với việc lực lượng Wagner được Nga sử dụng làm quân xung kích.
Tại cuộc chiến này, cả hai bên đều đang phải trả giá đắt. Nếu như quân Nga có số thương vong ước tính mỗi ngày từ 60-100 lính, thì quân phòng thủ Ukraine có những lượng thương vong đều đặn, hầu hết là do các mảnh đạn pháo.
Sasha, một thành viên của Lực lượng lữ đoàn 24 của Ukraine, chia sẻ với Thời báo Observer rằng “họ gửi hết lượt này đến lượt khác đến để đối phó với chúng tôi”.
“Nếu lượt lính này thất bại, chúng sẽ lại gửi một toán khác đến. Điều mà chúng tôi phần nào nhận ra được trong thời điểm này là chúng đang khao khát một chiến thắng nhỏ nhoi sau một năm chứng kiến quá nhiều thất bại cay đắng”.
“Hai tuần vừa qua, chúng tôi chứng kiến các cuộc pháo kích và bộ binh của Nga gia tăng đột biến, như thể chúng muốn gấp rút chiếm lấy Backmut. Song điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng phải chịu những tổn thất lớn hơn bao giờ hết. Nói cách khác chúng chỉ ném thịt vào cối xay thôi”.
Yevgeny Prigozhin, người sáng lập nhóm Wagner của Nga, cho biết quân đội Nga chủ yếu tập trung nỗ lực vào việc tiêu diệt quân đội Ukraine tại khu Bakhmut.
“Nhiệm vụ của chúng tôi không phải là bản thân Bakhmut, mà là tiêu diệt và làm suy giảm khả năng chiến đấu của quân đội Ukraine, điều này có tác động rất tích cực đến các khu vực khác, đó là lý do tại sao chiến dịch này được mệnh danh là “cối xay thịt Bakhmut”.
Nhưng lực lượng Wagner và Prigozhin chỉ là một phần của bức tranh rộng lớn hơn bị chi phối bởi nhân vật Sergei Surovikin, tổng chỉ huy của lực lượng Nga ở Ukraine. Chính Surovikin là người đã dàn xếp việc rút quân của Nga qua sông Dnipro ở tỉnh Kherson và tái triển khai một số lực lượng này cho các trận chiến ở phía đông.
Một mặt, quân đội Nga vẫn đang khẩn trương chiến đấu, mặt khác Sergei cũng đang thực hiện kế hoạch xây dựng một tổ hợp phòng thủ mới rộng lớn ở mặt trận phía đông xung quanh Bakhmut, cũng như một tuyến chiến hào dài 60 km chạy từ Svatove hướng xa hơn về phía bắc, đến biên giới Nga, gợi ý rằng ngay cả khi Điện Kremlin chưa thực sự thành công ở Bakhmut thì họ cũng có thể cố gắng ổn định mặt trận cho mùa đông.
Còn với một cái nhìn vĩ mô, thì quân tiếp viện từ cả hai phe đều vẫn đang nườm nượp hướng đến Donbas, chất đầy xe tăng, xe bọc thép và bệ phóng tên lửa, cùng các đoàn xe chở nhiên liệu và binh lính.
Vasily Pavlokavic, người giám sát việc nạp đạn cho lựu pháo chia sẻ: “Chiến tranh sẽ chỉ thực sự kết thúc khi Nga tan rã thành các nước cộng hòa. Còn ngược lại, thì luôn có một nguy cơ chiến tranh tiềm tàng, không nhất thiết đó là Putin hay ai đó”.
Văn Sơn