Trước kỳ vọng địa chính trị bất ổn hơn, Trung Quốc mở cửa trở lại, giá vàng và dầu thô tăng 4 phiên liên tiếp trong khi chỉ số giá USD là DXY không thay đổi. Rủi ro lạm phát ở Mỹ cũng như toàn cầu bùng phát mạnh vào năm 2023 chứ không giảm như kỳ vọng dường như đang tăng lên.
Vàng đang ở mức giá trên 1.810 USD/ounce, ở mức cao nhất trong 6 tháng vừa qua. Giá vàng hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng bạc xanh gần đây sau động thái chính sách tiền tệ diều hâu bất ngờ từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Ngoài ra, giá vàng tăng còn do kỳ vọng cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở Mỹ vào năm tới có thể buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ phải thay đổi chính sách sớm hơn dự kiến, khiến đồng bạc xanh suy yếu.
Hiện tại, chỉ số giá DXY của đồng bạc xanh đang biến động quanh mức 103-104 điểm; mức thấp nhất trong 6 tháng qua.
Các nhà đầu tư trên thị trường vàng hiện đang chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế để có hướng đi tiếp theo; đặc biệt là số liệu GDP của Hoa Kỳ trong quý 3/2022 và số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Hoa Kỳ sẽ được công bố vào cuối tuần này. Giá vàng đã bật lên mức cao nhất trong 6 tháng qua trong khi giá dầu thô tương lai đã tăng 4 phiên liên tiếp trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu bất định hơn, lạm phát rình rập bùng phát trở lại, triển vọng kinh tế 2023 u ám. (Nguồn: Trading Economics, NTDVN tổng hợp ngày 22/12/2022)
Trên thị trường giao dịch dầu thô tương lai, giá dầu đã bật tăng 4 phiên liên tiếp. Giá dầu thô bị tác động bởi kỳ vọng cầu tăng khi Trung Quốc mở cửa trở lại trong khi nguồn cung dầu co hẹp lại vì lý do mùa vụ (mùa nghỉ lễ Giáng sinh, chào đón Năm mới 2023).
Số liệu gần nhất về dự trữ dầu thô của Mỹ cho thấy sự sụt giảm tới 5,89 triệu thùng vào tuần trước, nhiều hơn so với dự báo là chỉ giảm khoảng 1,66 triệu thùng dầu. Các loại năng lượng dự trữ khác của Mỹ như khí đốt, nhiên liệu máy bay cũng giảm.
Số liệu xấu này đã thổi bay kỳ vọng phục hồi kinh tế và giảm lạm phát tích cực ở Mỹ. Bởi vì, các yếu tố địa chính trị khác đang diễn biến xấu, tất cả đều khiến nguồn cung dầu thắt chặt như sản lượng của khối OPEC+ sẽ không đáp ứng mong muốn của chính quyền ông Joe Biden, các đòn trừng phạt về dầu của G7 với Nga trong khi cuộc chiến Nga – Ukraine chưa nhìn thấy hồi kết, các đường ống dẫn dầu, khí tiếp tục bị phá hoại do chiến tranh, xung đột…
Quang Nhật