Lò hỏa táng quá tải ở nhiều thành phố tại Trung Quốc
Lò hỏa táng ở các thành phố bao gồm Bắc Kinh, Trùng Khánh, Quảng Châu và Hà Bắc nói với AFP hôm thứ Ba (20/12) rằng họ bận rộn hơn nhiều so với bình thường. Trong đó có một lò hỏa táng nói rằng họ đã hết chỗ chứa thi thể.
Trên nền tảng Weibo của Trung Quốc, nhiều người từ Hà Bắc đến Quảng Đông đã đăng bài về các nhà tang lễ và lò hỏa táng xử lý số lượng thi thể ngày càng tăng và tình trạng xếp hàng dài chờ đợi. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự gia tăng số ca tử vong cho đến nay đang bắt đầu lan rộng từ Bắc Kinh sang các thành phố khác trên toàn Trung Quốc.
Bắc Kinh
Tại Bắc Kinh, có phóng viên đã nhìn thấy các nhân viên bảo vệ tuần tra các lối vào lò hỏa táng được chỉ định cho các nạn nhân COVID-19.
Bên ngoài lò hỏa táng ở ngoại ô phía đông Bắc Kinh, một phóng viên AFP nhìn thấy hơn chục xe ô tô đang chờ đi vào, hầu hết là xe chở linh cữu hoặc xe tang lễ, trên xe treo những dải ruy băng sẫm màu và những bó hoa. Hãng tin AFP cho biết có một sự chậm trễ rõ ràng trong việc di chuyển xe vào bên trong khu vực lò hỏa táng. Một tài xế ở đầu hàng của đoàn xe đang xếp hàng chờ, nói với phóng viên AFP rằng anh đã đợi hàng giờ.
Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, hai trường đại học nổi tiếng, có cựu 33 giảng viên và nhân viên qua đời trong vòng một tháng, khiến mọi tầng lớp xã hội lo lắng. Một người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ rằng tình trạng lây nhiễm nghiêm trọng ở bệnh viện Bắc Kinh, đã dẫn đến cái chết của những bệnh nhân triệu chứng nặng và người già có bệnh nền. Một số học giả nói rằng biến chủng Omicron đã bùng phát trên quy mô lớn, nhưng chính quyền đã giấu không báo cáo trước khi từ bỏ chính sách zero COVID.
Reuters đưa tin, tại nhà tang lễ Bát Bảo Sơn (Babaoshan) lớn nhất Bắc Kinh, cũng là nơi xử lý thi thể của các quan chức và lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, vào Chủ nhật, mỗi phút có thể nhìn thấy vài xe tang đi vào và bãi đậu xe ô tô tư nhân cũng chật kín.
“Thật khó để đặt một chiếc xe tang bây giờ và nhiều người thân sử dụng xe của họ để vận chuyển thi thể”, một nhân viên yêu cầu giấu tên nói với Reuters.
Hôm 16/12 Financial Times đưa tin rằng một nhân viên nhà tang lễ ở Bắc Kinh tiết lộ 150 xác chết được hỏa táng chỉ trong một ngày, trong đó có khoảng 40 người nhiễm bệnh
“Chúng tôi đã hỏa táng 150 thi thể vào ngày 14/12, nhiều hơn nhiều lần so với thông thường vào mùa đông năm ngoái. Trong số đó có 30 đến 40 thi thể nhiễm bệnh.” Một nhân viên của nhà tang lễ công cộng ở ngoại ô phía đông Bắc Kinh nói với phóng viên Financial Times, tiết lộ tình hình dịch bệnh ở Bắc Kinh đang nghiêm trọng, các bệnh viện quá tải, làn sóng tử vong bắt đầu bùng phát, hiện tại lò hỏa táng đã kín chỗ. “Chúng tôi đang hỏa táng trong thời gian sớm nhất có thể, ưu tiên cho những người qua đời vì nhiễm virus corona mới”, “họ sẽ được hỏa táng trong ngày được đưa đến”.
Theo thông báo của nhà tang lễ Thông Châu (Tong Zhou) ở ngoại ô phía đông Bắc Kinh, nhà tang lễ này đã hạn chế số lượng thi thể được gửi từ nơi khác đến với lý do “bảo trì thiết bị” từ ngày 11/12. Nhân viên yêu cầu giấu tên cho biết thiết bị hỏa táng đang phải đối mặt với nhu cầu lớn bất thường, “Chúng tôi đốt từ sáng đến 10:00 tối, lò thiêu không tải được”, “Ngày nào cũng có người chết do nhiễm virus corona mới”, nhưng họ không biết có bao nhiêu người nhiễm COVID-19 trong số thi thể mà họ nhận hàng ngày.
Trùng Khánh
Tại Trùng Khánh, thành phố có hơn 30 triệu dân, chính quyền tuần này cũng đã kêu gọi những người có triệu chứng COVID-19 “nhẹ” đi làm. Nhân viên tại một lò hỏa táng nói với AFP rằng họ đã hết chỗ để chứa các thi thể.
Một nhân viên giấu tên cho biết: “Số lượng thi thể nhận được trong những ngày gần đây tăng gấp nhiều lần so với trước đây.” “Chúng tôi rất bận và không còn kho lạnh để chứa thi thể,” họ nói thêm.
Khi được hỏi liệu những người chết này có liên quan đến COVID-19 hay không, nhân viên nói với AFP rằng hãy hỏi “người phụ trách”.
Chính quyền Trùng Khánh đã không chính thức công bố ca tử vong vì virus kể từ cuối tháng 11. Theo Bloomberg đưa tin, một phụ nữ cho biết ông của cô qua đời vào cuối tuần và cô phải đợi rất lâu mới có được giấy chứng tử.
Quảng châu
Tại Quảng Châu, một lò hỏa táng ở quận Tăng Thành (Zengcheng) cho biết họ hỏa táng hơn 30 thi thể mỗi ngày. “Chúng tôi phải xử lý (các thi thể) được giao cho chúng tôi từ các khu vực khác. Không có lựa chọn nào khác,” một nhân viên nói.
Một lò hỏa táng khác ở thành phố Quảng Châu cũng cho biết họ “rất bận rộn”. “Bận gấp ba, bốn lần so với những năm trước. Mỗi ngày chúng tôi phải hỏa táng hơn 40 thi thể, trong khi trước đây chỉ có mười mấy thi thể.” một nhân viên cho biết.
“Toàn bộ Quảng Châu đều như vậy. Chúng tôi đã trả lời điện thoại”, họ nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng “rất khó để nói” liệu số ca tử vong gia tăng có liên quan đến COVID-19 hay không.
Một người đăng Weibo ở tỉnh Quảng Đông nói rằng lò hỏa táng mà anh đến làm việc thêm giờ, để đối phó với tình trạng người già tử vong ngày càng nhiều.
Hà Bắc và Hà Nam
Tại trung tâm thành phố Bảo Định (tỉnh Hà Bắc), một nhân viên tại một lò hỏa táng nói với AFP: “Tất nhiên là bận rồi. Giờ đơn vị nào không bận?”
Trong một bài đăng trên Weibo đã bị xóa, một người đàn ông tự xưng làm việc tại một lò hỏa táng ở Hà Bắc, đã viết rằng lò hỏa táng chỗ anh ta thực hiện tới 22 lượt hỏa táng mỗi ngày, trước tháng 12, mỗi ngày chỉ có 4 đến 5 lượt.
Một người đàn ông ở Hà Nam cho biết trên Weibo rằng nhà tang lễ mà anh ta đến đã quá đông, thi thể bị bỏ lại ở hành lang.
Thẩm Dương
Tại Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh), một nhân viên tại một công ty dịch vụ tang lễ nói với AFP rằng thi thể của người chết phải được để lại tới 5 ngày vì lò hỏa táng “đầy thi thể”.
Khi được AFP hỏi liệu nhu cầu tang lễ gia tăng có phải do đại dịch COVID-19 hay không, người này nói: “Bạn thấy thế nào? Tôi chưa bao giờ biết sẽ có một năm như thế này.”
Ngoại giới đặt câu hỏi về dữ liệu dịch bệnh của ĐCSTQ
Số người chết chính thức vì dịch bệnh do ĐCSTQ công bố là quá thấp, điều này trái ngược với tình hình ở các nơi khác trên thế giới và làm dấy lên nghi ngờ từ mọi tầng lớp xã hội. Hơn nữa, ĐCSTQ hầu như không thực hiện bất kỳ biện pháp giảm thiểu nào để chuẩn bị cho việc hủy bỏ các chính sách zero COVID trong tháng này. Người cao tuổi ở Trung Quốc không được tiêm phòng đầy đủ, vắc-xin trong nước kém hiệu quả hơn nhiều so với vắc-xin của phương Tây, thiếu giường bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là những giường chăm sóc đặc biệt.
Bloomberg đưa tin vào ngày 20/12 rằng số người chết thực sự vì dịch bệnh ở Trung Quốc cũng có thể bị che đậy bởi những thay đổi trong cách ĐCSTQ định nghĩa các trường hợp tử vong do COVID. Ông Vương Quý Cường (Wang Guiqiang), bác sĩ hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc, cho biết hôm thứ Ba rằng chính quyền sẽ chỉ tính những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID và chết vì suy hô hấp. Những người chết vì bệnh khác hoặc do các nguyên nhân như đau tim không được phân loại là bị nhiễm bệnh, ngay cả khi họ có kết quả xét nghiệm dương tính.
Phóng viên Janis Mackey Frayer của NBC trú tai Trung Quốc đã tweet vào thứ Ba rằng cách ĐCSTQ tính toán số ca tử vong do COVID lại bị đặt câu hỏi sau khi ĐCSTQ thông báo có rất ít ca tử vong trong đợt gia tăng lây nhiễm này. “Chúng tôi đã đến thăm nhiều địa điểm tang lễ ở Bắc Kinh được chỉ định cho các nạn nhân COVID… và tìm thấy hàng dài xe tang lễ, quần áo bảo hộ và dòng người đưa tang.”
Các quốc gia khác có định nghĩa rộng hơn về cái chết do COVID-19. Hầu hết các quốc gia đều đưa những trường hợp tử vong như vậy vào thống kê chết do COVID, mặc dù cơ quan y tế ở một số quốc gia lưu ý rằng virus có thể không phải là nguyên nhân cuối cùng gây tử vong ở những người có kết quả xét nghiệm dương tính. Bởi vì nhiễm COVID có thể gây ra các tình trạng khác, chẳng hạn như cục máu đông, sau đó là đau tim, v.v., và virus cũng có thể đẩy nhanh tử vong do các bệnh khác.
Số người chết chỉ là một khía cạnh trong dữ liệu dịch bệnh của ĐCSTQ đã làm dấy lên nghi ngờ. Sau khi hủy bỏ xét nghiệm PCR (xét nghiệm axit nucleic) thường xuyên đối với người dân, ĐCSTQ cũng từ bỏ việc thống kê tất cả các trường hợp nhiễm bệnh.
Bloomberg đưa tin, việc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh là vì lợi ích của ĐCSTQ. Bộ máy tuyên truyền khổng lồ của nó trải dài từ việc cổ súy chính sách zero COVID hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, cho đến việc đổ lỗi cho các quốc gia quay sang chung sống với virus. Quan chức tuyên truyền của ĐCSTQ còn làm mờ nhạt rủi ro nguy cơ nhiễm dịch bệnh, đồng thời so sánh virus COVID với cảm lạnh.
Trong suốt đại dịch, ĐCSTQ đã kiểm soát chặt chẽ thông tin, từ những ngày đầu tiên bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán, cho đến những cập nhật lẻ tẻ về tiến độ tiêm chủng, v.v, ĐCSTQ còn kiểm soát chặt chẽ các cuộc họp báo.
Trí Đạt
Tướng Mỹ: Cần tạo cơ hội cho Ukraina giáng đòn sâu vào kẻ xâm lược
Trong cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Hoa Kỳ tiếng Nga, Tướng Mỹ và cũng là cựu lãnh đạo NATO ở châu Âu, Philip Breedlove nói rằng, Hoa Kỳ nên tăng cường hỗ trợ quân nhân Ukraina để chống lại sự xâm lược của Nga. Theo ông, cần tạo cơ hội cho Ukraina giáng những đòn sâu vào kẻ xâm lược.
Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta nên xem lại quy tắc của mình về các loại vũ khí mà chúng ta cung cấp cho Ukraina, và chúng ta nên cho họ nhiều cơ hội hơn để tiến hành các cuộc tấn công sâu vào kẻ xâm lược. Với những hạn chế, chúng ta thực sự đã tạo ra một nơi trú ẩn an toàn cho quân đội Nga trên lãnh thổ của mình. Sự thật là Nga đang tấn công Ukraina từ gần như ba phía và chúng ta đang hạn chế khả năng Ukraina đáp trả lại Nga. Tôi muốn nói với tất cả các chính trị gia của chúng ta là: ‘Các vị’ phải làm mọi thứ có thể để giúp Ukraina đánh bại Liên bang Nga”
Ông Breedlove lưu ý rằng Nga hoàn toàn không có khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh thông thường thời hiện đại.
“Họ không thể tiến hành loại chiến tranh đó, vì vậy họ đã quay trở lại những gì họ đã làm ở Chechnya, những gì họ đã làm ở Syria, nơi họ phá hủy hoàn toàn các thành phố, tấn công dân thường và tất cả các cơ sở hỗ trợ cuộc sống của người dân”.
Bá Long
Trung Quốc chiếm thêm lãnh thổ mới ở Biển Đông
Trung Quốc bị cáo buộc xây dựng trên một số rạn san hô không có người ở ở Biển Đông.
Theo Bloomberg News, Trung Quốc đã quân sự hóa và phát triển các cảng, đường băng và các cơ sở hạ tầng khác trên các rạn san hô, đảo và bãi đất đang tranh chấp trong khu vực mà nước này đã kiểm soát từ lâu.
Các quan chức phương Tây đã tiết lộ những bức ảnh lần đầu tiên được biết đến của một quốc gia làm điều này trên lãnh thổ mà quốc gia đó chưa chiếm đóng.
Họ cảnh báo rằng hoạt động xây dựng gần đây nhất của Bắc Kinh thể hiện nỗ lực thúc đẩy một vị thế mới.
Theo các quan chức giấu tên, Bắc Kinh đã tiến hành các hoạt động xây dựng tại bốn thực thể không có người ở tại quần đảo Trường Sa trong thập niên qua. Các đội tàu đánh cá đóng vai trò là lực lượng dân quân biển trên thực tế do Bắc Kinh kiểm soát.
Họ cho biết một số cồn cát và các cấu trúc khác trong khu vực gần đây đã tăng kích thước lên gấp 10 lần.
Dựa trên bản đồ năm 1947 với những dấu hiệu mơ hồ được gọi là “đường chín đoạn”, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông. Trong quá khứ, họ đã khẳng định rằng họ có quyền chủ quyền để xây dựng trên lãnh thổ của mình.
Khi Bắc Kinh tăng cường đầu tư vào các tàu hải quân và bảo vệ bờ biển để thực thi các yêu sách của mình, căng thẳng giữa Bắc Kinh và các bên yêu sách khác ở Biển Đông – Philippines, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Brunei – đã leo thang trong nhiều năm.
Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) “quan ngại sâu sắc” về các hoạt động cải tạo được báo cáo của Trung Quốc tại các rạn san hô không có người ở xung quanh quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Trong một tuyên bố vào ngày 20 tháng 12, DFA cho biết: “Chúng tôi vô cùng lo ngại vì những hoạt động như vậy trái với cam kết tự kiềm chế của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và Phán quyết Trọng tài về biển Đông năm 2016”.
Huệ Liên
Đô đốc Mỹ: Trung Quốc sẽ hứng chịu trừng phạt ‘tàn khốc hơn Nga gấp 500 lần’ nếu xâm lược Đài Loan
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố rằng nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, các biện pháp trừng phạt mà nước này phải hứng chịu có thể “nặng gấp 500 lần” so với những gì Nga đang gánh chịu vì xâm lược Ukraine.
Một báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 13/12 cho thấy, chỉ trong vòng một ngày, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã điều động 29 máy bay quân sự và 3 tàu chiến hoạt động xung quanh Đài Loan.
Trong số này, 21 máy bay đã đi vào Vùng nhận dạng phòng không Tây Nam của quốc đảo, với 18 máy bay ném bom H-6 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Đây là vụ xâm nhập vào vùng nhận dạng Đài Loan có số lượng máy bay ném bom lớn nhất trong một ngày.
Theo Khảo sát Quốc phòng (National Defense Survey) do Quỹ Ronald Reagan Presidential Foundation ở California công bố vào ngày 1/12, trong số 2.500 người trưởng thành ở Hoa Kỳ tham gia khảo sát, có đến 70% lo ngại rằng ĐCSTQ có thể xâm chiếm Đài Loan trong 5 năm tới.
Hôm 3/12, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cho hay, hiện nay nội bộ ĐCSTQ đang có tranh cãi về việc có nên phát động cuộc chiến tranh xâm lược Đài Loan hay không. Bởi vì một khi xung đột nổ ra, chắc chắn sẽ dẫn đến đổ máu và hy sinh tài sản, theo đài VOA.
Ông cho rằng, nếu nhìn vào các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga vì phát động cuộc chiến ở Ukraine vào thời điểm hiện tại, thì Trung Quốc sẽ phải hứng chịu các đòn trừng phạt cao gấp 500 lần so với tổng mức thiệt hại mà Nga đang phải chịu.
Vậy tại sao Đài Loan lại là vấn đề quan trọng đối với tương lai của thế giới tự do? Ngay cả Hoa Kỳ cũng muốn hỗ trợ Đài Loan bằng cái giá phải trả là tính mạng của họ, liệu có nên làm như vậy không?
Mỹ luôn duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng ông Aquilino lưu ý rằng: “Mối quan hệ kinh tế của Mỹ với các đồng minh khác… Nếu như Mỹ tính đến mối quan hệ kinh tế với Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, thì nó sẽ mang lại lợi ích lớn hơn so với lợi ích đến từ Trung Quốc”.
“Khi quý vị nghĩ về việc có bao nhiêu quốc gia (dân chủ) cùng chí hướng tập hợp lại với nhau và thực hiện những động thái kinh tế quan trọng, nó sẽ rất mạnh mẽ và nghiêm khắc, ĐCSTQ sẽ rất khó đối phó”, ông nói thêm.
Ngoài ra, Mỹ cũng phải tuân thủ các cam kết của mình theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Dan Sullivan cho biết vào ngày 8/12 rằng, cam kết của lưỡng đảng đối với an ninh của Đài Loan tại Quốc hội Mỹ vẫn kiên định kể từ khi đạo luật được ký kết vào năm 1979.
Ông nói, “Một thế giới [được cai trị] bởi tầm nhìn toàn trị sẽ không an toàn cho Hoa Kỳ hoặc đồng minh của chúng tôi. Đó là lý do tại sao Đài Loan rất quan trọng đối với tương lai của thế giới tự do”.
Ông nói thêm rằng, Mỹ phải cho ĐCSTQ hiểu rằng nếu họ xâm chiếm Đài Loan, họ sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt ở mọi cấp độ từ tài chính, thương mại đến công nghiệp, thậm chí còn nghiêm khắc hơn cả Nga.
“Lãnh đạo ĐCSTQ nên hiểu rằng, Mỹ sẵn sàng thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính để ngăn chặn bất kỳ hành động quân sự nào. Những biện pháp trừng phạt này vượt xa hình phạt mà Nga phải nhận vì xâm lược Ukraine”, ông Aquilino nói.
Theo tờ China News, ông Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, từng đề cập rằng, mặc dù ông không cho rằng ĐCSTQ sẽ vội vã xâm lược Đài Loan vào năm 2027, nhưng Hoa Kỳ sẽ tích cực nâng cao năng lực của mình. Đồng thời, phía Washington sẽ tiếp tục cập nhật việc triển khai quân sự, tăng cường khả năng răn đe trong khu vực và khiến ĐCSTQ phải trả giá đắt nếu xâm lược Đài Loan.
Theo TheBL
Huyền Anh biên dịch
Đài Loan khẳng định sở hữu tên lửa có tầm bắn đến Bắc Kinh
Cựu Chủ tịch của Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Quốc gia Trung Sơn (NCSIST) từ năm 2004 đến 2007, Tiến sĩ Cung Gia Chính (Kung Chia-cheng) tiết lộ trong cuốn hồi ký của mình rằng, quân đội Đài Loan đã phát triển tên lửa có khả năng tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc và vươn tới Bắc Kinh.
Cuốn hồi ký có tựa đề “The Reminiscences of Mr. Gong Chia Cheng” (tạm dịch: Những hồi ức của ông Cung Gia Chính), tiết lộ rằng, tên lửa hành trình mới của Đài Loan – Hùng Thăng (Hsiung Sheng) – phiên bản tầm xa hơn của tên lửa Hùng Phong 2E (Hsiung Feng 2E) và được chia thành hai loại A và B với tầm bắn lần lượt là 500 km và 1.000 km.
Ông Cung Gia Chính cho biết, cả hai loại tên lửa này đã được phóng thử thành công dưới thời chính quyền của Tổng thống Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian).
Cuốn hồi ký được chính thức xuất bản vào tháng trước (11/2022) bởi ông Trương Lực (Chang Li) và ông Chu Tố Phụng (Chou Su-feng) từ Viện Hàn lâm Nghiên cứu Trung ương, hay Viện Hàn lâm Khoa học (Academia Sinica – AS). Đây là viện hàn lâm quốc gia của Đài Loan. Cuốn hồi ký của ông Cung Gia Chính ghi lại quá trình và những thành tựu của các dự án phát triển tên lửa nội địa Đài Loan.
Ông Cung Gia Chính tiết lộ trong cuốn hồi ký rằng, biến thể A của tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hùng Phong có tầm bắn 500 km và đã hoàn thành việc phóng thử nghiệm trong nhiệm kỳ ông là người đứng đầu NCSIST vào năm 2004. Trong khi phiên bản B của Hùng Phong có tầm bắn 1.000 km, nó đã hoàn thành nhiệm vụ phóng thử nghiệm khi ông thôi giữ chức vụ này vào năm 2007. Với việc trang bị hệ thống đẩy động cơ phản lực cánh quạt, Hùng Phong có thể bay xa hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Các ước tính trước đây cho rằng tầm bắn của Hùng Thăng dao động từ 1.000 km đến 1.200 km, cho phép nó tấn công sâu vào sâu lãnh thổ Trung Quốc đến các thành phố như Vũ Hán và dọc theo bờ biển xa xa về phía bắc như Thanh Đảo.
Theo báo cáo dự án do Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND) đệ trình lên Viện Lập pháp vào tháng 4, tên lửa Hùng Thăng có hai loại đầu đạn với sức nổ mạnh và phân mảnh. Nó có thể nhắm vào các sở chỉ huy, boongke và đường băng sân bay của đối phương. Với ngân sách hơn 17 tỷ Đài tệ (khoảng 553 triệu USD), việc sản xuất hàng loạt tên lửa này sẽ bắt đầu trong năm nay và dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 131 chiếc vào năm 2025.
Ngoài ra, ông Cung Gia Chính tiết lộ rằng, Đài Loan đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo dưới thời chính quyền Tổng thống Trần Thủy Biển và dự án có tính bảo mật cao có tên là “Dự án Đạn Mục tiêu” (Target Projectile project) thuộc dự án Sky Bow đã phát triển tên lửa phòng không. Vào thời điểm đó, hơn 400 nhân sự đã tham gia vào dự án, theo ông Cung Gia Chính. Ông nói thêm rằng, tên lửa này có đường kính một mét và có chiều cao 10 mét, là tên lửa đầu tiên được sản xuất tại Đài Loan có kích thước như vậy.
Ông nói rằng, vào thời điểm từ năm 2006 đến 2007, người đứng đầu Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) Steven Young đã ban hành một biên bản ghi nhớ nêu rõ một số tiêu chí chỉ ra rằng Đài Loan đã thử tên lửa “tại một thời điểm và địa điểm cụ thể, và điều đó là không được phép”.
Ông Cung Gia Chính nói thêm rằng, khi tổ chức đang nghiên cứu tên lửa chống hạm Hùng Phong III, Đài Loan đã đề nghị với Mỹ cung cấp nhiên liệu phản lực tổng hợp mật độ cao JP-10, nhưng đã bị Washington từ chối với lý do là Đài Loan sắp kết thúc dự án chế tạo tên lửa của riêng mình.
Ông Cung cho biết, phải đến khi NCSIST chính thức thông báo về việc họ có khả năng sản xuất loại nhiên liệu này thì Mỹ mới sẵn lòng cung cấp nó cho Đài Loan. Ông lập luận rằng trên thực tế, Đài Loan chỉ có thể sản xuất một lượng nhỏ nhiên liệu.
Ông cũng cho biết, Đài Loan đã hoàn tất đánh giá chiến thuật tên lửa hành trình siêu thanh tầm cao Vân Phong (Yun Feng) có thể đạt tốc độ Mach 3 với tầm bắn hơn 1.000 km.
Phiên bản mở rộng của Vân Phong được cho là có tầm bắn từ 1.200 km đến 2.000 km. Khoảng cách từ Đài Bắc đến Bắc Kinh là khoảng 1.700 km.
Theo Taiwannews
Lam Giang biên dịch
Hoa Kỳ đã viện trợ cho Ukraine 48 tỷ USD trong năm 2022
Trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Tư tới Washington, D.C., Tổng thống Joe Biden “sẽ công bố một gói hỗ trợ an ninh mới quan trọng” để giúp Kyiv và thể hiện “cam kết kiên định của Washington trong việc hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài nhất có thể”, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Tư.
Sự hỗ trợ đó rất đáng kể cho đến nay và đã biến Ukraine trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên nhận viện trợ nước ngoài hàng đầu của Hoa Kỳ kể từ khi Kế hoạch Marshall giúp tái thiết Lục địa sau Thế chiến II, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
Một tờ thông tin của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố ngày 10/11 cho biết hơn 18,6 tỷ USD hỗ trợ an ninh của Mỹ đã được trao cho Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào ngày 24 tháng 2.
Tuy nhiên, khi tính đến tất cả các khoản hỗ trợ mà chính quyền Biden và Quốc hội đã đồng ý, bao gồm viện trợ tài chính cho nền kinh tế Ukraine và hỗ trợ nhân đạo, tổng trị giá lên tới khoảng 48 tỷ USD, theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel.
Nó bao gồm khoản viện trợ trị giá 9,9 tỷ USD, trong đó có hỗ trợ lương thực khẩn cấp, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ người tị nạn, cộng thêm 15,1 tỷ USD cho hỗ trợ tài chính.
Viện Kiel ước tính hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ là khoảng 22,9 tỷ USD. Khoản này bao gồm 8,9 tỷ USD hỗ trợ đào tạo an ninh, thiết bị và hỗ trợ hậu cần. Ngoài ra còn có vũ khí và thiết bị trị giá 12,7 tỷ USD từ các kho của Bộ Quốc phòng, được cung cấp thông qua đặc quyền của Tổng thống. Hơn nữa, các khoản trợ cấp và cho vay mua vũ khí và thiết bị thông qua một chương trình tài chính và quân sự nước ngoài có tổng trị giá 1,3 tỷ USD.
Chuyến thăm của ông Zelensky dự kiến sẽ củng cố lời hứa về các hệ thống tên lửa Patriot tiên tiến rất cần thiết để chống lại sự tấn công dữ dội của tên lửa và máy bay không người lái Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng và dân sự của Ukraine. Là một trong những vũ khí tầm xa có khả năng nhất, Patriot có thể tấn công tên lửa và máy bay Nga ở xa các mục tiêu dự định bên trong Ukraine.
Đây sẽ là tên lửa đất đối không tiên tiến nhất mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, mặc dù họ đã viện trợ các khí tài quân sự quan trọng khác cho Kiev, bao gồm Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Trong số vũ khí được cung cấp có hơn 1.600 hệ thống phòng không Stinger, hơn 8.500 hệ thống chống thiết giáp Javelin và 42 khẩu pháo 155 mm.
Nhiều vũ khí và thiết bị khác của Mỹ cũng đã được cung cấp, bao gồm 4 hệ thống phòng không Avenger, tên lửa chống bức xạ tốc độ cao, 20 máy bay trực thăng Mi-17 và 45 xe tăng T-72B.
Ngân Hà (theo Newsweek)