Ông Chử Xuân Dũng bị bắt để điều tra về tội “Nhận hối lộ”
Ngày 22/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, liên quan vụ chuyến bay giải cứu.
Ông Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Nhận hối lộ”.
Ông Chử Xuân Dũng (SN 1973), quê xã Vân Nội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, là Tiến sĩ Khoa học giáo dục.
Ông Chử Xuân Dũng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội từ năm 2020. Trước đó, ông Dũng giữ các vị trí Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng các trường THPT Trần Hưng Đạo, THPT Phạm Hồng Thái, THPT Chu Văn An (Hà Nội).
Từ năm 2014 – 2020, ông Dũng lần lượt giữ chức Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Cơ quan An ninh điều tra còn khởi tố, bắt tạm giam ông Vũ Hồng Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, để điều tra về tội “Nhận hối lộ”.
Ông Vũ Hồng Nam (SN 1963, quê Nam Định) vào ngành ngoại giao từ năm 1988.
Ông đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau và có nhiều kinh nghiệm trong công tác đối ngoại.
Ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 2014, đồng thời là chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Từ tháng 8/2018, ông Nam được bổ nhiệm làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản.
Bà Phạm Bích Hằng (SN 1969), Giám đốc Công ty Cổ phần Vina MiChi, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Đưa hối lộ”.
Đây là diễn biến mới nhất khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố liên quan đến chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam về nước trong đợt dịch COVID-19.
Vụ án chuyến bay giải cứu được cơ quan an ninh điều tra khởi tố từ cuối tháng 1. Đến nay, đã có 35 người bị khởi tố, bắt tạm giam, gồm nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải, cựu lãnh đạo và cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Hồi cuối tháng 6, cơ quan điều tra cho biết kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD.
Phát ngôn viên Bộ Công an cũng cho biết có gần 2.000 “chuyến bay giải cứu” người Việt từ nước ngoài về trong các đợt COVID-19 vừa qua. Mỗi chuyến bay sau khi trừ chi phí, lợi nhuận vài tỷ đồng.
Nhóm người giam lỏng, ép 11 cô gái bán dâm, trong đó có bé gái 14 tuổi
Với thủ đoạn viết giấy nợ, giam lỏng không cho ra ngoài, nhóm người tại một khách sạn ở quận 12 (TP.HCM) đã ép 11 cô gái phải bán dâm, tiếp khách mà không được trả một đồng, trong đó, có người mới chỉ 14 tuổi.
Ngày 21/12, Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 12 (TP.HCM) cho biết đã bắt khẩn cấp 4 người để điều tra về hành vi Mua bán người dưới 16 tuổi và Giữ người trái pháp luật quy định tại Điều 151 và Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015.
Bốn người bị bắt gồm: ông Phạm Hoàng Em (hay còn gọi là Trắng, SN 1988, ngụ TP. Cần Thơ), ông Vũ Văn Tuấn (SN 1994, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), ông Vũ Đức Hoàng (SN 1980, ngụ quận Phú Nhuận) và con trai là Vũ Hoàng Tân (SN 2004, ngụ quận Phú Nhuận).
Sau thời gian củng cố hồ sơ, ngày 12/12, Công an quận 12 tiến hành kiểm tra khách sạn H.K. (quận 12, TP.HCM) do hai vợ chồng ông Lê Thanh Đoàn (SN 1986, ngụ TP. Hà Nội) và vợ là bà Lê Thị Huệ (SN 1990) thuê để kinh doanh. Tuy nhiên, tại thời điểm công an kiểm tra, cặp vợ chồng này không có mặt và hiện đã bỏ trốn.
11 cô gái bị giam lỏng
Trinh sát phát hiện 11 cô gái đang bị ông Tuấn và hai cha con ông Hoàng giam lỏng, trong đó, có bé gái mới chỉ 14 tuổi. Các cô gái cho biết được ông Hoàng Em đưa từ miền Tây lên.
Công an đã mời các nghi can là nhân viên của khách sạn, gồm: ông Tuấn, ông Hoàng, Tân cùng 11 cô gái về trụ sở để làm việc.
Qua lời khai của các nghi can, cảnh sát đã bắt ông Hoàng Em ở TP. Cần Thơ. Công an xác định ông Hoàng Em là quản lý quán karaoke ở TP. Cần Thơ, chuyên quản lý, điều hành các cô gái tiếp khách.
Tại cơ quan điều tra, ông Hoàng Em khai vào tháng 9/2022, ông này được vợ chồng ông Đoàn thuê tìm tiếp viên phục vụ. Sau đó, Ông Hoàng Em đến các quán karaoke, massage ở Cần Thơ tìm các nữ nhân viên đang thiếu tiền chủ. Ông này đứng ra bảo lãnh trả nợ thay cho các cô gái với điều kiện phải lên TP.HCM làm việc 6 tháng, lương 7 triệu đồng một tháng. Nếu nghỉ sớm hơn thời hạn, các cô phải bồi thường 30 triệu đồng.
Tiếp đó, ông Hoàng Em đưa 6 cô gái lên giao cho vợ chồng ông Đoàn và nhận 140 triệu đồng.
Ép ký giấy nợ, phải làm tiếp viên, bán dâm
Sau khi tính thêm chi phí đưa đón, vợ chồng ông Đoàn bắt các cô ký giấy nợ, phải làm tiếp viên karaoke, massage kích dục, bán dâm để lấy tiền trừ vào khoản này. Trong quá trình làm việc, nếu xảy ra vi phạm, các cô gái sẽ bị phạt và cộng dồn vào số nợ cũ.
Ngoài ra, các cô gái này không nhận được đồng tiền công nào vì bị trừ vào số tiền ông Đoàn đã trả cho ông Hoàng Em.
Trong quá trình điều tra, công an xác định có cô gái còn phải gánh thêm hơn 100 triệu đồng tiền nợ do bị ông Đoàn phạt các lỗi như dùng ma túy, tiền lãi suất vay…
Qua điều tra, công an xác định ông Tuấn, ông Hùng và Tân là nhân viên khách sạn được bà Huệ thuê với mức lương 7 triệu đồng/tháng, có nhiệm nhiệm vụ làm lễ tân, quản lý khách sạn, canh giữ không cho các cô gái đi ra khỏi khách sạn H.K…. Trong trường hợp các cô gái đi bán dâm ở các khách sạn khác, nhóm này có nhiệm vụ đưa đón, tránh để các cô gái bỏ trốn.
Ngoài ép tiếp khách, ông Đoàn còn chở các cô gái đi chụp ảnh khỏa thân rồi đăng trên trang web khiêu dâm để quảng cáo, lôi kéo khách.
Nhóm này lập các nhóm chat trên mạng xã hội để tiện cho việc điều động nhân viên, phân chia khách. Mỗi lượt chở các cô gái đi bán dâm sẽ có giá từ 100.000 – 200.000 đồng. Tiền bán dâm của các cô gái, ông Đoàn là người thu. Ông Đoàn chia số tiền bán dâm với các cô gái theo tỉ lệ 50/50. Nếu khách có ý kiến, thái độ với các cô gái thì ông Tuấn sẽ đánh đập để dằn mặt.
Công an xác định ông Hoàng Em đã nhận tiền rồi giao các cô gái cho ông Đoàn bóc lột tình dục, hành vi này đủ cấu thành tội Mua bán người và Mua bán người dưới 16 tuổi. Nhóm ông Tuấn, ông Hoàng và Tân có hành vi canh giữ các cô gái, không cho đi khỏi khách sạn là cấu thành tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Hiện Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 12 đang mở rộng điều tra, truy bắt vợ chồng ông Đoàn.
Khánh Vy
Tepco Group chi 33,1 triệu USD, mua 25% cổ phần của Phát triển điện lực Việt Nam
Một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Tepco (Nhật Bản) vừa mua xong khoảng 26,6 triệu cổ phần (tỷ lệ gần 25%) của Công ty Phát triển điện lực Việt Nam (VNPD, mã chứng khoán VPD) với tổng giá trị tương ứng gần 785 tỷ đồng, trở thành cổ đông lớn thứ hai của doanh nghiệp này.
Theo đó, Tepco Renewable Power Singapore, doanh nghiệp thành viên của Tokyo Electric Power Company Holdings, Incorporated (TEPCO Group) – Nhật Bản vừa trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Công ty VNPD, với tỷ lệ sở hữu gần 25%.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận vào ngày 20/12 với giá bình quân 29.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 785 tỷ đồng (khoảng 33,1 triệu USD).
Cổ đông lớn nhất của VNPD hiện là Tổng công ty Phát điện 1 – EVNGENCO1 với tỷ lệ 36,65% cổ phần. Ngoài ra, VNPD còn có 2 cổ đông lớn khác là CTCP Đầu tư Xây dựng (ĐTXD) Tuấn Lộc và CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 17,2% và 10,6%.
Tuy vậy, Công ty ĐTXD Tuấn Lộc mới đây đã đăng ký bán toàn bộ 18,3 triệu cổ phiếu VPD đang nắm giữ nhằm cơ cấu tài chính. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 12/12/2022 đến ngày 16/1/2023. Dù chưa có báo cáo giao dịch nhưng nhiều khả năng tổ chức này đã hoàn tất việc bán cổ phiếu cho cổ đông ngoại trong phiên 20/12.
Được biết, TEPCO Renewable Power Singapore Ple. Ltd là pháp nhân đăng ký kinh doanh tại Singapore của TEPCO Renewable Power – thành viên chuyên biệt về lĩnh vực phát điện từ năng lượng tái tạo thuộc Tokyo Electric Power Company Holdings, Incorporated (TEPCO Group) đến từ Nhật Bản.
Thành lập vào tháng 5/1951, TEPCO Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng với 97 công ty liên kết (tính đến tháng 4/2021). Vốn cổ phần của tập đoàn này lên đến hơn 1.400 tỷ yen (~250.000 tỷ đồng). Tổng tài sản của “gã khổng lồ” ngành điện Nhật Bản tính đến cuối năm 2020 đạt 12.093 tỷ yen (khoảng 2,2 triệu tỷ đồng).
Về phía VNPD, công ty được thành lập từ năm 2002 và là một trong những công ty liên kết của Tổng công ty Phát Điện 1 (EVNGENCO1). VNPD hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, phân phối, bán điện.
Về kết quả kinh doanh quý 3, VNPD ghi nhận doanh thu thuần đạt 250 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp ở mức 68,4%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 171 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, VPD lãi ròng 132 tỷ đồng, tăng 70,5% so với quý 3/2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VNPD ghi nhận doanh thu thuần đạt 524 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 218,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 61% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp ngành điện này đã hoàn thành vượt 88% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2022.
Trên thị trường, giá cổ phiếu VPD hiện dừng ở mức 28.200 đồng/cổ phiếu, tăng gần 70% so với đầu năm 2022 nhưng thấp hơn 4,4% so với giá tổ chức nước ngoài chi ra để gom cổ phần. Ước tính tại mức thị giá này, khoản đầu tư của cổ đông ngoại tạm lỗ gần 35 tỷ đồng.
Tuấn Minh
Kế toán trưởng trung tâm phát triển quỹ đất huyện chiếm đoạt hơn 27 tỷ đồng
Lập “khống” hàng chục bộ hồ sơ, phiếu ủy nhiệm chi rồi dùng chữ ký số của giám đốc để chuyển tiền, một nữ kế toán thuộc trung tâm phát triển quỹ đất huyện ở Đồng Nai đã chiếm đoạt hơn 27 tỷ đồng.
Ngày 21/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Bùi Thị Ngọc Yến (SN 1983) – Kế toán trưởng Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Định Quán để điều tra về hành vi Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015.
Cùng ngày, các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định bà Yến đã lợi dụng vai trò Kế toán trưởng của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Định Quán để lập hồ sơ “khống”.
Sau đó, bà Yến sử dụng chữ ký số của Giám đốc kiêm chủ tài khoản Trung Tâm Phát triển quỹ đất huyện Định Quán để chuyển tiền cho nhiều người không thuộc diện được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở một số dự án tại huyện này.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định từ ngày 28/10 đến ngày bị phát hiện, bắt giữ, bà Yến đã lập “khống” 13 phiếu ủy nhiệm chi, chiếm đoạt hơn 27 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được Bà Yến dùng vào việc trả nợ và mua bất động sản.
Hiện, vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở rộng điều tra.
Tình trạng lập hồ sơ “khống” rút tiền ngân sách không phải hiếm. Ngày 1/11/2021, bị cáo Lê Thương (SN 1958, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn) cùng 4 đồng phạm bị TAND tỉnh Quảng Nam xét xử trong vụ việc bồi thường để thực hiện dự án xây dựng Khu dân cư – dịch vụ làng chài Điện Dương
Các bị cáo Thương, Nguyễn Ngọc Đãi, Lê Tự Trung (cùng là nguyên cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn), Trần Việt Hùng (nguyên cán bộ Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn) và Đinh Hùng Liên (nguyên Chủ tịch UBND phường Điện Dương) bị cáo buộc đã đền bù “khống” cho nhiều trại nuôi tôm của các hộ dân tại thị xã Điện Bàn, trong đó có 3 hộ được nâng mức đền bù từ hơn 400 triệu đồng lên hơn 1,7 tỷ đồng.
Bị cáo Đãi, Trung, Hùng và Thương bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1,3 tỷ đồng, còn bị cáo Liên bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
HĐXX tuyên bị cáo Đãi, Trung và Hùng cùng 30 tháng tù giam; bị cáo Thương 12 tháng tù treo; bị cáo Liên 24 tháng tù giam.
Khánh Vy
Vụ vận chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài: ‘Bà trùm’ lĩnh 7 năm 6 tháng tù
Sau 2 ngày xét xử, sáng nay (22/12), TAND TP. Hà Nội đưa ra phán quyết với 12 bị cáo trong đường dây vận chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.
Nhiều người nhà của “bà trùm” phải ngồi tù
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) mức án 7 năm 6 tháng tù vì tội “Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới”.
Cùng tội danh, bị cáo Phạm Anh Tuấn (SN 1984, chồng của Nguyệt) nhận 5 năm tù.
HĐXX xác định bị cáo Nguyệt là người chủ mưu, trực tiếp điều hành mạng lưới, thu lợi bất chính số tiền hơn 25 tỷ đồng. Bị cáo Tuấn là người trợ giúp Nguyệt, hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng.
Cùng tội nêu trên, nhóm đồng phạm với vợ chồng Nguyệt gồm:
– Phạm Hữu Thuật (SN 1981, Quảng Ninh, bạn hàng của Nguyệt) bị phạt 30 tháng tù;
– Nguyễn Văn Thắng (SN 1985, Hà Nội, em trai của Nguyệt) 4 năm tù;
– Nguyễn Thị Nga (SN 1988, Hà Nội, vợ của Thắng) 3,5 năm tù;
– Nguyễn Thị Hà (SN 1979, Hà Nội, chị dâu của Nguyệt) lĩnh 3 năm tù treo;
– Nguyễn Văn Thực (SN 1979, Hà Nội, anh trai của Nguyệt) lĩnh 30 tháng tù;
– Phạm Việt Hùng (SN 1991, Hà Nội, em chồng của Nguyệt) 27 tháng tù;
– Nguyễn Xuân Tươi (SN 1969, Hải Dương, cậu của chồng Nguyệt) 30 tháng tù treo;
– Nguyễn Văn Việt (SN 1998, con bị cáo Tươi) nhận án 27 tháng tù;
– Nguyễn Thị Thúy (SN 1974, Hà Nội, chị gái của Nguyệt) bị phạt 30 tháng tù treo;
– Nguyễn Minh Khang (SN 1995, Hà Nội, lao động tự do) 27 tháng tù
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.
Riêng ông Phạm Hồng Hạo (SN 1967, Hà Nam) đã mất nên TAND TP. Hà Nội đình chỉ xét xử.
Theo cáo trạng vụ án, từ năm 2016 đến năm 2020, Nguyễn Thị Nguyệt cùng chồng và các bị cáo khác đã cấu kết hợp thức các hồ sơ tạm nhập tái xuất, nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.
Từ năm 2016, bị cáo Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của bị cáo Phạm Hữu Thuật để hợp thức việc chuyển tiền trái phép ra nước ngoài thông qua pháp nhân 2 công ty.
Năm 2017, biết các thủ đoạn, cách thức chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, bị cáo Nguyệt cùng chồng mượn chứng minh nhân dân của người thân trong gia đình để thành lập 8 công ty để chuyển tiền ra nước ngoài.
Để hợp thức các hợp đồng mua hàng tạm nhập, tái xuất, bị cáo Nguyệt chỉ đạo cháu là Nguyễn Văn Thắng mua linh kiện điện tử (IC) từ Trung Quốc, đóng thành 12 thùng để chuyển sang Singapore, rồi từ Singapore về Việt Nam, sau đó vận chuyển quay vòng. Quá trình thực hiện có sự trợ giúp của Vũ Thị Thư và Nguyễn Văn Thực.
Sau khi nhận được hàng, bị cáo Nguyệt chỉ đạo Phạm Việt Hùng mở tờ khai hải quan online theo hợp đồng tạm nhập, tái xuất, lập phụ lục hợp đồng chuyển cho ngân hàng. Nguyệt giao Nguyễn Minh Khang, Nguyễn Văn Việt rút tiền, nộp tiền, chuyển tiền và giao cho Nguyễn Thị Nga quản lý, theo dõi dòng tiền.
Bị cáo Nguyệt giao Nguyễn Thị Hà lập các hợp đồng kinh tế khống, ký giả tên giám đốc các công ty nước ngoài, lập khống hợp đồng tạm nhập, tái xuất, sử dụng con dấu công ty nước ngoài để đóng lên các hợp đồng. Nguyệt và Tuấn thỏa thuận với khách hàng về tỷ giá ngoại tệ và phí chuyển tiền. Bằng thủ đoạn này, bị cáo Nguyệt và đồng phạm đã chuyển trái phép ra nước ngoài số tiền hơn 30.000 tỷ đồng.
Nhân viên ngân hàng tiếp tay
Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1993, ở Quảng Ninh) là người phụ trách khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng VPbank chi nhánh Móng Cái, mặc dù biết bị cáo Nguyệt dùng pháp nhân của các công ty để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, nhưng Sơn vẫn làm thủ tục chuyển tiền trái phép cho các công ty của Nguyệt.
Mỗi giao dịch thanh toán quốc tế, Sơn được hưởng lợi 500 nghìn – 1,5 triệu/1 triệu USD. Tổng số tiền Sơn hưởng lợi là khoảng 70 triệu đồng.
Phan Ngọc Duy (SN 1982, ở Quảng Ninh) là Phó Giám đốc chi nhánh Móng Cái. Duy là người phê duyệt các hồ sơ thanh toán quốc tế cho 5 công ty do Nguyệt thành lập. Nguyệt và Duy thoả thuận, số tiền Duy được hưởng trên mỗi giao dịch là 500 nghìn/1 triệu USD. Tổng số tiền Duy được hưởng lợi khoảng 200 triệu đồng.
Sao kê tài khoản xác định, Nguyệt thông qua Sơn và Duy vận chuyển trái phép tổng số hơn 6.400 tỷ đồng ra nước ngoài.
Hành vi của Sơn và Duy đã bị TAND tỉnh Quảng Ninh đưa ra xét xử và tuyên phạt. Sơn và Duy lần lượt nhận mức án 5 năm tù và 4 năm 6 tháng tù vì tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Theo cáo trạng, 2 nhân viên ngân hàng Sacombank chi nhánh Móng Cái là Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thu Hoa cũng tiếp tay cho bị cáo Nguyệt. Cơ quan điều tra cho rằng, Phương Anh và Hoa chuyển tiền cho Nguyệt nhưng không biết việc Nguyệt chuyển tiền ra nước ngoài là trái phép nên không đề cập xử lý.
Đối với hành vi của Phạm Thị Minh Ngân, nhân viên ngân hàng MBbank chi nhánh Móng Cái, cáo buộc cho rằng người này được giao thực hiện thanh toán quốc tế cho 6 công ty do Nguyệt thành lập. Tuy nhiên, Ngân là nhân viên ngân hàng MBbank nên thẩm quyền xử lý hành vi của Ngân thuộc Cục điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng.
Do đó, Cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã tách tài liệu liên quan đến hành vi của Ngân chuyển đến Cục điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng giải quyết theo thẩm quyền.
Phạm Toàn
Minh Long