Thăm dò: Hơn 200.000 người yêu cầu đá lại trận chung kết World Cup 2022
Hơn 200.000 người đã tham gia lời kêu gọi yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) tổ chức lại trận chung kết World Cup 2022 khi cho rằng đội tuyển Pháp bị xử ép, theo nhật báo thể thao Marca.
chung kết World Cup
Tính đến hiện tại, có 214.478 người yêu cầu đá lại trận chung kết World Cup 2022. (Ảnh: Chụp màn hình)
World Cup 2022 đã kết thúc với kịch bản không tưởng cách đây gần 1 tuần. Tới tận phút thứ 118, cầu thủ Mbappe của đội tuyển Pháp vẫn dứt điểm tung lưới Argentina và buộc 2 đội phải tiến vào loạt luân lưu. Kết quả là, Messi cùng các đồng đội vẫn là những người đăng quang.
Người Argentina ăn mừng trong những ngày qua còn người Pháp không “tâm phục khẩu phục” trước thất bại. Không những vậy, một số người đang bắt đầu kêu gọi FIFA tổ chức lại trận chung kết khi cho rằng tồn tại “một số sai lầm không thể chấp nhận được” của tổ trọng tài.
Cuộc thăm dò đưa ra yêu cầu này đang được tổ chức trên mạng và có hơn 200.000 người tham gia. Lập luận của những người này hướng tới 2 bàn thắng đầu tiên của đội tuyển Argentina.
Trong bàn thắng đầu tiên, họ cho rằng tác động của cầu thủ Ousmane Dembele là không đủ để tiền vệ Di Maria ngã ra như vậy và cầu thủ chạy cánh người Argentina đã cố tình ngã để câu phạt đền. Còn ở bàn thắng thứ 2 của đội tuyển Argentina, họ cho rằng Mbappe đã bị phạm lỗi trước khi “Những vũ công xứ Tango” tổ chức phản công.
Liệu FIFA có tổ chức lại trận chung kết World Cup 2022 nếu như số người tham gia bình chọn quá lớn hay không? Câu trả lời chắc chắn là không! Bởi theo luật của FIFA, mọi quyết định của trọng tài chính trên sân là cuối cùng.
Phan Anh
Đức chính thức đình chỉ các biện pháp thúc đẩy kinh doanh với Iran
Ngày 23/12, Chính phủ Đức tuyên bố chính thức đình chỉ tín dụng xuất khẩu và bảo lãnh đầu tư cho doanh nghiệp ở Iran sau khi chính quyền này tiến hành đàn áp các cuộc biểu tình.
Bộ Kinh tế cho hay, họ cũng đình chỉ các chương trình khác, bao gồm cả đối thoại về các vấn đề năng lượng, do “tình hình [đàn áp] rất nghiêm trọng ở Iran”.
Bảo lãnh tín dụng xuất khẩu vốn để bảo vệ các công ty Đức khỏi thua lỗ khi hàng xuất khẩu không được thanh toán. Còn bảo lãnh đầu tư được đưa ra để bảo vệ các khoản đầu tư trực tiếp của các công ty Đức tránh khỏi rủi ro chính trị tại các quốc gia nơi chúng được thực hiện.
Theo Bộ Kinh tế, việc áp dụng các chương trình đó cho các dự án ở Iran từng bị đình chỉ trong nhiều thập kỷ cho đến tận “giai đoạn mở cửa ngắn” từ năm 2016, theo thỏa thuận của Iran với các cường quốc thế giới, bao gồm cả Đức, về chương trình hạt nhân của nước này. Bộ này cho biết thêm, chương trình bảo lãnh đã được cấp hoặc gia hạn cho một số dự án trong giai đoạn đó, nhưng không có bảo lãnh mới nào kể từ năm 2019.
Chính phủ Đức hiện đã quyết định “đình chỉ hoàn toàn” các khoản bảo lãnh; trong khi các khoản miễn trừ chỉ có thể được xét duyệt nếu có lý do nhân đạo đáng tin cậy. Thống kê từ Bộ Kinh tế cho thấy, thương mại Đức-Iran đạt tổng cộng 1,76 tỷ Euro (gần 1,9 tỷ USD) vào năm 2021; và 1,49 tỷ Euro trong 9 tháng đầu năm nay.
Làn sóng biểu tình ở Iran đã diễn ra hơn 2 tháng, xuất phát từ cái chết của cô Mahsa Amini (22 tuổi, người Kurd) trong khi bị Cảnh sát Đạo đức Iran bắt giữ vì không đeo khăn trùm đầu đúng quy định, đến nay đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất kể từ khi chính quyền Cách mạng Hồi giáo lên nắm quyền vào năm 1979.
Trong thời gian vừa qua, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran vì tiến hành đàn áp tàn bạo người biểu tình, cũng như việc nước này cung cấp hàng trăm máy bay không người lái cho Nga để sử dụng trong chiến tranh ở Ukraine.
Minh Ngọc (Theo AP)
Hoa Kỳ kêu gọi TQ chia sẻ thông tin về đợt bùng phát COVID
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc chia sẻ thông tin về làn sóng COVID hiện tại ở Trung Quốc, bởi nó đang tác động đến phần còn lại của thế giới, đồng thời nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ.
Embed from Getty Images
“Điều hết sức quan trọng đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, chính là tập trung vào tiêm vắc-xin, cung cấp dịch vụ xét nghiệm và điều trị, đồng thời chia sẻ thông tin với thế giới về những gì họ đang trải qua,” ông Blinken nhận xét trong cuộc họp báo ngày 22/12 .
“Điều đó có ý nghĩa không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với toàn thế giới. Vì vậy, chúng tôi hy vọng điều đó [chia sẻ thông tin] sẽ xảy ra,” ông nói thêm.
Trung Quốc chính thức thông báo chỉ có 8 trường hợp tử vong trong tháng này tính đến ngày 22/12, một con số khiến các nhà quan sát bên ngoài vô cùng hoài nghi. Số liệu này cũng hoàn toàn trái ngược với hình ảnh các khu bệnh viện đông đúc và các lò hỏa táng hoạt động hết công suất ở các thành phố lớn trên khắp đất nước đang lan truyền trên mạng Internet. Chính quyền Bắc Kinh thậm chí cũng ngừng thống kê các ca nhiễm không có triệu chứng sau khi nới lỏng các hạn chế “zero-COVID”.
Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tục nhấn mạnh việc lây nhiễm và tử vong như một phần trong hoạt động kiểm duyệt những diễn biến có thể làm hoen ố hình ảnh của họ.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về đợt bùng phát COVID ngày càng nghiêm trọng ở nước này.
Tại một cuộc họp báo ngày 21/12, ông bày tỏ, tổ chức này “rất lo ngại về tình hình đang diễn biến ở Trung Quốc trước các báo cáo về dịch bệnh nghiêm trọng ngày càng gia tăng.” Ông kêu gọi chính quyền Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, số ca nhập viện, và các yêu cầu chăm sóc tích cực.
Ông Tedros cũng nhắc lại yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về nguồn gốc của virus corona gây ra đại dịch COVID-19. Ông khẳng định, nếu không có dữ liệu cần thiết thì rất khó để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai. Dịch COVID bùng phát lần đầu tiên ở Vũ Hán vào khoảng tháng 11/2019.
“Chúng tôi không ngừng kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu, cũng như tiến hành các nghiên cứu mà chúng tôi đang và sẽ tiếp tục yêu cầu. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của đại dịch này vẫn còn đang được xem xét,” ông nói .
Trước đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất, Ngoại trưởng Blinken đã gia hạn đề nghị cung cấp vắc-xin của Mỹ cho Trung Quốc: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cho bất kỳ ai yêu cầu nếu họ thấy điều đó hữu ích.” Tuy nhiên ông cho biết thêm, Trung Quốc vẫn chưa yêu cầu giúp đỡ.
Đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price tuyên bố trong một cuộc họp báo hàng ngày: “Mỹ là nhà tài trợ vắc-xin COVID-19 lớn nhất trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ mọi người trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, cả vắc-xin và các hỗ trợ sức khỏe khác liên quan đến COVID.”
Chính quyền Trung Quốc đã không đáp lại lời đề nghị của Washington, đồng thời từ chối cung cấp vắc-xin BioNTech của chính phủ Đức cho công chúng Trung Quốc, chỉ cho phép chuyển vắc-xin này cho 20.000 người Đức nước ngoài sống ở Trung Quốc.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Trung Quốc trừng phạt 2 người Mỹ để trả đũa các chế tài về vấn đề nhân quyền của Bắc Kinh
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trừng phạt hai người Mỹ để trả đũa việc Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc về vi phạm nhân quyền hồi đầu tháng này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố lệnh trừng phạt vào ngày 23/12 nhắm vào ông Miles Yu, cố vấn chính sách chính về Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, và ông Todd Stein, Phó Giám đốc Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc, một cơ quan cố vấn có ảnh hưởng của Quốc hội Mỹ.
Bộ này tuyên bố rằng, cả hai cá nhân trên đã “có hành vi nghiêm trọng đối với Tây Tạng và các vấn đề khác liên quan đến Trung Quốc”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả động thái này là một phản ứng để đáp trả “các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp” do Washington áp đặt lên các quan chức Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng vào ngày 9/12, ngay trước Ngày Nhân quyền.
Theo đó, hôm thứ Sáu (9/12), Hoa Kỳ đã tuyên bố xử phạt năm quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó có ông Đường Dũng (Tang Yong) – cựu phó giám đốc Nhà tù khu vực Trùng Khánh – vì tùy tiện bắt giữ các học viên Pháp Luân Công, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng. Theo các quy định liên quan của Hoa Kỳ, ông Đường Dũng cùng người thân sẽ không được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Ngoài ông Đường Dũng, hai cá nhân khác bị đưa vào danh sách trừng phạt hôm 9/12 bao gồm ông Ngô Anh Kiệt (Wu Yingjie), cựu Bí thư Đảng ủy Tây Tạng từ năm 2016 đến 2021; và ông Trương Hồng Ba (Zhang Hongbo), Giám đốc Công an Khu tự trị Tây Tạng từ năm 2018, vì những vi phạm nhân quyền đang diễn ra trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác định những cá nhân trên có liên quan đến việc “bắt giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công, cũng là những hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”.
Hôm thứ Sáu (9/12), Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với hai công dân Trung Quốc là ông Lý Chấn Vũ (Li Zhenyu) và ông Trác Tân Vinh (Zhuo Xinrong), từ Công ty Đánh cá Đại dương Đại Liên và Doanh nghiệp Hàng hải Pingtan được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Washington cáo buộc các cá nhân này đã vi phạm nhân quyền gắn liền với việc đánh bắt trái phép của Trung Quốc.
Theo lệnh trừng phạt hôm 23/12, ĐCSTQ sẽ đóng băng tất cả tài sản ở Trung Quốc của ông Yu và ông Stein, đồng thời cấm bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào ở Trung Quốc hợp tác với họ. Bên cạnh đó, cả hai ông Yu và Stein cùng những người thân sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc.
Ông Yu, hiện là thành viên cấp cao và là Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Washington, gọi lệnh trừng phạt là “ngớ ngẩn”.
“Đối với tôi, điều đó chẳng có ý nghĩa gì”, ông nói với The Epoch Times.
“Nó chỉ chứng minh rằng những điều tôi đã làm và những gì tôi đã nói hóa ra lại là sự thật”, ông nói thêm.
Đối với “bất cứ ai nói hoặc làm bất cứ điều gì mà chính phủ Trung Quốc không thích, thì đây sẽ là hậu quả tất nhiên đối với họ”, ông nói.
“Đối với những người mà chính phủ Trung Quốc ‘không thích’, họ sẽ phong tỏa tài sản của quý vị, họ có thể từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho quý vị. Vì vậy, đối với tôi, điều này không có gì đáng ngạc nhiên”, ông bày tỏ.
Ông Yu nói thêm rằng, ông đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ người dân ở Trung Quốc bất chấp sự thù địch từ chế độ cầm quyền.
“Tôi cho rằng, chính phủ Trung Quốc không biết cách làm ngoại giao”, ông nói.
“Bởi vì Hoa Kỳ đã trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì những vi phạm nghiêm trọng với bằng chứng cụ thể. Còn các biện pháp mà họ trừng phạt tôi chỉ là một phản ứng tích cực thụ động mà không có bất kỳ hình thức biện minh nào”.
Giống như một số nhà phê bình gay gắt về Trung Quốc đã bị liệt vào danh sách đen của chính quyền Bắc Kinh trong quá khứ, ông Yu cho biết, ông coi thông báo trước Giáng sinh từ Bắc Kinh là một “món quà”
“Đó thực sự là một huy hiệu danh dự. Và đó là món quà mà chính phủ Trung Quốc gửi tặng tôi nhân dịp Giáng sinh”, ông bày tỏ.
Ông Stein và Bộ Ngoại giao đã không trả lời ngay các yêu cầu từ The Epoch Times.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch
Nga có thể sẽ mua nhân dân tệ trên thị trường ngoại hối vào năm 2023
Nga sẽ bắt đầu mua nhân dân tệ trên thị trường tiền tệ vào năm tới nếu doanh thu từ dầu khí đáp ứng kỳ vọng, mở ra một mặt trận mới trong nỗ lực phi đô la hóa nhanh chóng được thiết kế để giảm sự phụ thuộc vào tài chính phương Tây, theo Reuter báo cáo 22/12.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã hạn chế việc sử dụng và tiếp cận đồng đô la và euro, đồng thời vai trò của đồng nhân dân tệ Trung Quốc trong nền kinh tế Nga đang tăng lên nhanh chóng.
Theo biểu đồ trên, đỉnh cao mua USD giảm đột biến sau chiến tranh Ukraine nổ ra. Lượng mua nhân dân tệ sẽ vượt lượng mua USD vào năm 2023. Cả 2 đường đồ thị đều có các con số chuyển đổi thành đơn vị tỷ USD.
Theo số liệu từ Refinitiv, lượng giao dịch nhân dân tệ – rúp hàng ngày trên Sàn giao dịch Moscow đã vượt quá giao dịch đô la – rúp vào một số ngày, xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh hơn vào năm 2023 khi lệnh cấm vận dầu mỏ và giới hạn giá siết chặt các tuyến xuất khẩu truyền thống của Nga.
Nga đã ngừng can thiệp vào thị trường ngoại hối vào tháng 2 do những hạn chế đối với việc sử dụng dự trữ ngoại hối sau khi đưa hàng chục ngàn quân vào Ukraine.
Các biện pháp can thiệp sẽ tiếp tục vào năm tới bằng đồng nhân dân tệ, hai nguồn tin nói với Reuters, với điều kiện doanh thu từ xuất khẩu dầu khí vượt quá 8000 tỷ rúp như đã đề ra trong kế hoạch ngân sách.
“Ngân hàng trung ương hiện có thể mua nhân dân tệ,” một nguồn tin ngân hàng thân cận với các cơ quan tiền tệ nói với Reuters. Nhưng ngân hàng sẽ không làm như vậy trong khi chính phủ vẫn tiếp tục chi tiêu từ nguồn thu do bán dầu khí như hiện nay.
“(Tuy nhiên), nếu năm tới thu ngân sách từ xuất khẩu dầu khí vượt quá 8000 tỷ rúp, thì ngân hàng trung ương sẽ mua nhân dân tệ,” nguồn tin này nói thêm.
Theo quy tắc ngân sách được thiết kế để bổ sung dự trữ nhà nước, doanh thu từ dầu khí mà vượt con số đó thì hiện nay được chuyển đến Quỹ Tài sản Quốc gia (NWF), mà Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết tương đương với giá dầu 62–63 USD/thùng.
Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Nga trong nhiều năm đã áp dụng các chính sách tài khóa thận trọng và tìm cách duy trì thặng dư ngân sách, nhưng chắc chắn sẽ thâm hụt 2% GDP trong năm nay khi Moscow tăng cường chi tiêu để tài trợ cho “chiến dịch quân sự” của mình ở Ukraine.
Bộ Tài chính dự kiến sẽ có thêm 900 tỷ rúp doanh thu từ dầu khí vào năm tới, mặc dù các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về tác động của các hạn chế xuất khẩu.
Tiền tệ “thân thiện”
Một nguồn tin cấp cao của chính phủ đã xác nhận rằng các biện pháp can thiệp ngoại hối vào năm tới sẽ bằng đồng nhân dân tệ.
“Chúng tôi có rất nhiều đồng tiền thân thiện. Trên sàn giao dịch, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất, nó là đồng tiền thân thiện nhất cho đến nay,” nguồn tin cho biết.
Nga coi các quốc gia không tham gia vào lệnh trừng phạt của phương Tây là “thân thiện”.
Nguồn tin ngân hàng cho biết hoạt động của ngân hàng trung ương với đồng nhân dân tệ sẽ được bảo vệ khỏi các biện pháp trừng phạt và đóng băng. Tài sản của Chính phủ Nga trị giá khoảng 300 tỷ USD đã bị đóng băng kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu.
Nguồn tin chính phủ cho biết cần có quyết định về các biện pháp can thiệp trong khuôn khổ quy tắc ngân sách để bắt đầu tích lũy dự trữ và kế hoạch sẽ được công bố ngay sau khi các nhà chức trách thông qua.
Vào đầu năm nay, đồng nhân dân tệ chiếm 17,1% dự trữ ngoại hối và vàng của Nga, theo dữ liệu thu được gần đây nhất. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina tuần trước cho biết Nga có đủ tiền bằng đồng nhân dân tệ và vàng.
MOEX Group cho biết vào tuần trước, đồng nhân dân tệ đã tăng tốc rất nhanh vào các thị trường và dòng thương mại của Nga, với thị phần trên thị trường tiền tệ đạt 48% trong tháng 11, so với con số ít hơn 1% hồi đầu năm.
Moscow Exchange, thị trường chứng khoán lớn nhất của Nga, sẽ mở rộng phạm vi các công cụ bằng đồng nhân dân tệ mà họ cung cấp vào năm tới, những thay đổi mà người đứng đầu sàn giao dịch Yuri Denisov cho biết sẽ cho phép các nhà giao dịch phòng ngừa rủi ro tiền tệ và tăng tính thanh khoản cho đồng nhân dân tệ.
Thiên Đức, theo Reuters