Chính quyền Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero Covid, nhưng không có kế hoạch ứng phó, người dân phải trả giá đắt

Song Hoài

Một người đàn ông đứng trước khu vực phong tỏa, các bệnh nhân COVID-19 nằm ở sảnh của Bệnh viện Nhân dân số 5 ở Trùng Khánh, Trung Quốc vào ngày 23 tháng 12 năm 2022. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Sau nhiều năm cố gắng ngăn chặn vi rút COVID-19, chính sách chống dịch của chính quyền Trung Quốc đột ngột thay đổi. Họ nhanh chóng từ bỏ chính sách “Zero Covid”, tuy nhiên, việc thiếu kế hoạch ứng phó đang khiến hệ thống y tế của Trung Quốc sụp đổ và người dân đang phải trả giá đắt vì điều này.

Theo Reuters (link), tình trạng thiếu thuốc và bộ kít xét nghiệm, cũng như sự gián đoạn trong các hoạt động hậu cần, đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc đại lục. Nhiều nhân viên y tế tại các bệnh viện cho biết việc chính quyền thiếu kế hoạch để chấm dứt chính sách “Zero Covid” đã khiến tình hình trở nên hỗn loạn.

Các nhân viên y tế cho biết nhiều bệnh nhân đã tranh cãi với bác sĩ để được cung cấp thuốc trong khi mặt hàng này đang khan hiếm. Mặt khác nhân viên y tế phải làm việc quá giờ và tình trạng thiếu hụt nhân lực buộc họ phải tiếp tục làm việc.

Nora là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện công ở Thượng Hải. Do sự việc nhạy cảm nên cô đề nghị không tiết lộ tên. Cô cho biết tình hình trong bệnh viện ngày càng căng thẳng kể từ khi chính quyền nới lỏng chính sách “Zero Covid” vào ngày 7/12.

Nora nói: “Việc nới lỏng chính sách phòng dịch COVID-19 rất đột ngột. Đáng lý ra các bệnh viện phải được thông báo trước để có thể chuẩn bị đầy đủ mọi thứ”.

Nora nói rằng mặc dù các bệnh viện đều không công bố số liệu, nhưng số ca nhiễm mới vẫn đang gia tăng và các nhân viên y tế đều lo ngại về nguy cơ bị nhiễm bệnh của những bệnh nhân và người nhà khác.

“Các bệnh viện đều không có kế hoạch hoàn thiện để giải quyết mọi vấn đề và chính sách của họ thay đổi hàng ngày” cô nói.

Hàng chục chuyên gia y tế, chuyên gia dịch tễ học, người dân và các nhà phân tích chính trị được Reuters phỏng vấn đều cho rằng việc không tiêm vắc-xin cho người già, không đưa ra được chiến lược để chấm dứt “Zero Covid” và cũng như tập trung quá mức vào việc loại bỏ vi rút đã góp phần gây ra những áp lực nặng nề đối với cơ sở hạ tầng y tế hiện nay.

Những người này cho rằng trong ba năm qua, Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền cho các cơ sở cách ly, xét nghiệm, thay vì tăng cường cơ sở hạ tầng y tế và đào tạo nhân viên y tế.

Trương Tác Phong, một giáo sư dịch tễ học tại UCLA cho biết: “Không có giai đoạn chuyển tiếp nào để hệ thống y tế chuẩn bị cho điều này”.

Giáo sư Trương Tác Phong nói rằng tình hình đã khả quan hơn nếu chính quyền Bắc Kinh sử dụng “một phần nhỏ” nguồn lực dành cho việc phong tỏa và xét nghiệm COVID-19 để chuẩn bị cho kế hoạch chấm dứt chính sách “Zero Covid”.

Các số liệu được công bố chính thức không phản ánh thực tế

Cùng với sự lây lan của dịch bệnh, một nhóm chuyên gia bao gồm cả Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng các số liệu về số ca bệnh nặng và tỷ lệ tử vong do Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố chính thức khó có thể phản ánh được tình hình thực tế.

Tại Bắc Kinh, xe xếp hàng dài trước nhà tang lễ và lò hỏa táng, tủ đông lạnh đều đã đầy. Nhưng Ủy ban Y tế của ĐCSTQ tuyên bố có rất ít trường hợp tử vong liên quan đến COVID kể từ khi chấm dứt chính sách “Zero Covid”. Số người chết được công bố chính thức kể từ khi dịch bệnh xảy ra chỉ có 5.241 người. Đây con số rất thấp so với các quốc gia khác trên toàn cầu.

Ngày 22/12/2022, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, nhiều xe tang xếp hàng chờ để được vào lò hỏa táng. Trước sự bùng phát của dịch bệnh, nhiều lò hỏa táng đã quá tải. (Ảnh: STF/AFP qua Getty Images)

Đồng thời, chiến dịch tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi cũng không có nhiều tiến triển. Theo dữ liệu chính thức của ĐCSTQ, tỷ lệ tiêm chủng chung ở Trung Quốc đã vượt quá 90%, nhưng tỷ lệ tiêm nhắc lại ở người lớn chỉ có 57,9% và tỷ lệ này ở những người trên 80 tuổi chỉ có 42,3%.

ĐCSTQ từ chối tiếp nhận vắc xin mRNA do phương Tây sản xuất, mặc dù các nghiên cứu chỉ ra rằng những loại vắc xin này hiệu quả hơn vắc xin của Trung Quốc. Hàng chục chuyên gia đã cảnh báo rằng điều này có thể gây nguy hiểm cho hệ thống y tế của Trung Quốc.

Chính sách “Zero Covid” làm cạn kiệt nhiều nguồn lực và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng của hệ thống y tế

Reuters đã chỉ ra rằng việc ĐCSTQ nhất quyết duy trì chính sách “Zero Covid” cho thấy nếu virus bùng phát trên diện rộng sẽ làm sụp đổ hệ thống y tế. Trên thực tế, sự kiên quyết thực hiện chính sách tiêu tốn rất nhiều nguồn lực y tế này đã khiến hệ thống y tế Trung Quốc gặp khó khăn trong việc đối phó với làn sóng lây nhiễm hiện nay.

Tiêu Hồng, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, cho biết thực tế đã chứng minh chính sách “Zero Covid” rất tốn kém và gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời đẩy toàn bộ nguồn lực tài chính và nhân viên y tế lên tuyến đầu chống dịch, khiến những bệnh nhân mắc các loại bệnh khác không được điều trị.

Ảnh chụp từ trên cao dòng người xếp hàng chờ xét nghiệm PCR axit nucleic vi rút COVID-19 ở Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 20 tháng 1 năm 2022. (VCG qua Getty Images)

Dữ liệu cho thấy tốc độ đầu tư vào các nguồn lực y tế, như giường bệnh và nhân viên y tế của Trung Quốc đã chậm lại trong đại dịch.

Không rõ chính xác chính quyền đã chi bao nhiêu tiền cho việc xây dựng các bệnh viện dã chiến và thực hiện xét nghiệm. Theo ước tính của các nhà phân tích được Reuters ghi nhận vào tháng 5, chi tiêu liên quan đến COVID của Trung Quốc trong năm nay là khoảng 52 tỷ USD.

Các gói thầu mua máy thở và máy theo dõi tình trạng bệnh nhân của chính quyền địa phương đã tăng mạnh khi tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt. Từ ngày 15 tháng 11 đến ngày 15 tháng 12, có 423 gói đấu thầu mua máy thở đã được công bố, tăng cao so mới mức 283 và 200 trong những giai đoạn trước đó.

Mặc dù chính phủ đã kêu gọi người dân không đến bệnh viện trừ khi có những triệu chứng nặng, nhưng việc tuyên truyền về sự nguy hiểm của vi rút lâu nay của chính phủ khó có thể đảo ngược một cách nhanh chóng. Điều này đã khiến bệnh nhân đổ xô đến các bệnh viện và phòng khám.

Một cư dân đã chia sẻ hình ảnh với Reuters cho thấy, tại thành phố Thiên Môn, gần Vũ Hán, bệnh nhân được truyền dịch trong căn lều dựng bên ngoài phòng khám,

Một đoạn video mà Reuters có được vào ngày 14/12 cho thấy một bệnh nhân được truyền dịch qua cửa sổ ô tô ở thành phố Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc.

Các bác sĩ tại một bệnh viện công ở Bắc Kinh cho biết tất cả các ca phẫu thuật đều bị hoãn trừ khi bệnh nhân có khả năng tử vong vào ngày hôm sau.

“Tại các bệnh viện lớn ở Bắc Kinh, có tới 80% bác sĩ nhiễm virus nhưng bị bắt buộc phải tiếp tục làm việc”, một bác sĩ nói với Reuters và yêu cầu được giấu tên.

Hệ thống y tế của Trung Quốc vốn đã không đáp ứng đủ nhu cầu, và dưới sự vắt kiệt của chính sách “Zero Covid”, tình hình càng căng thẳng thêm.

Trung Quốc có tỷ lệ bác sĩ là 2/1.000 dân, trong khi tỷ lệ này là 4,3 ở Đức và 5,8 ở Anh, theo báo cáo của WHO. Theo Báo cáo Dân số Thế giới, số giường chăm sóc đặc biệt của Trung Quốc là 3,6/100.000 dân, trong khi tỷ lệ này là 34,7 ở Hoa Kỳ, 29,2 ở Đức và 12,5 ở Ý.

Sự phẫn nộ của công chúng được đẩy lên cao bởi cái chết của một sinh viên y khoa 23 tuổi ở Thành Đô vào ngày 14 tháng 12. Một số sinh viên tham gia tuyến đầu chống dịch đã yêu cầu được bảo vệ và cung cấp trang thiết bị y tế tốt hơn.

Một sinh viên y khoa 26 tuổi ở miền bắc Trung Quốc, hiện tại đang thiếu đồ bảo hộ mặc dù ở tuyến đầu chống dịch, cho biết: “Chúng tôi đang ở cuối trong chuỗi thức ăn ở bệnh viện”.

“Thậm chí họ còn yêu cầu chúng tôi tái sử dụng khẩu trang” sinh viên này nói với Reuters.

Vào ngày 20 tháng 12 năm 2022, tại Nam Kinh, Trung Quốc, người dân xếp hàng bên ngoài một hiệu thuốc để mua thuốc. Trung Quốc đang đối mặt với sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19. (Ảnh: STR/AFP)

Vẫn chưa đạt đến đỉnh dịch, có thể xuất hiện làn sóng tử vong

Ít nhất đã có 10 chuyên gia y tế nói với Reuters họ dự tính rằng trong vòng một đến hai tháng tới, đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu vào ngày 21/1, số ca nhiễm mới có thể đạt đỉnh.

Keith Neal, một nhà dịch tễ học tại Đại học Nottingham, cho biết Trung Quốc có khả năng chứng kiến ​​làn sóng tử vong tương tự như Hong Kong hồi đầu năm nay.

Ông nói: “Thách thức lớn nhất sẽ là số lượng lớn các trường hợp bệnh nặng và tử vong trong nhóm những người dễ nhiễm bệnh vì nhóm người này chưa từng nhiễm hoặc chưa tiêm phòng”.

Vào ngày 16 tháng 12, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) dự đoán rằng việc ĐCSTQ đột ngột từ bỏ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nghiêm ngặt có thể dẫn đến sự gia tăng số ca mắc và hơn 1 triệu người sẽ chết vào năm sau. (tìm hiểu thêm)

Vào ngày 21 tháng 12, Airfinity, một công ty nghiên cứu dữ liệu y tế của Anh, cho biết trong phân tích mới của họ, Trung Quốc đang trải qua đợt dịch Covid-19 lớn nhất thế giới hiện tại với 1 triệu ca nhiễm và 5.000 ca tử vong mỗi ngày. Những số liệu này trái ngược hoàn toàn với những số liệu chính thức do ĐCSTQ cung cấp. Cơ quan này cũng dự báo sẽ có hai đỉnh dịch ở Trung Quốc vào tháng 1 và tháng 3 năm sau. (tìm hiểu thêm)

Theo The Epoch Times Chinese

Song Hoài biên dịch

https://www.ganjing.com/embed/1f94o20mnb0594wCiDIuthmb21rt1c

Xem thêm:

Related posts