Quang Nhật
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 đã đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Không thể phủ nhận, chiến tranh thương mại trước đó và sau này là chính sách phòng dịch khắc nghiệt “zero-Covid” của ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy dòng vốn FDI tháo chạy khỏi Bắc Kinh. Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế hưởng lợi.
Xem nhanh
Zero- Covid là giọt nước tràn ly
Rủi ro chính sách, rủi ro đầu tư và thị trường ở Trung Quốc ngày một lớn, chưa kể thuế quan đánh vào hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc chưa giảm đáng kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald J. Trump.
Rủi ro đã thúc đẩy dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi Trung Quốc, đặc biệt cao ở mức kỷ lục sau khi ông Tập Cận Bình kiên định với chính sách phòng dịch ‘zero Covid’ trong suốt 3 năm qua.
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo rằng tổng số vốn 300 tỷ USD sẽ chảy ra khỏi Trung Quốc trong năm 2022, tăng từ mức 129 tỷ USD vào năm 2021; một mức cao kỷ lục chưa từng có.
Nếu như cuộc chiến tranh thuế quan đánh vào hàng hoá “made in China” mà ông Trump khởi sướng mới chỉ thúc đẩy FDI một số ít ngành rời khỏi nền kinh tế này thì zero-Covid thực sự là giọt nước tràn ly. Bởi vì thuế quan chỉ đánh vào sản phẩm của một số ngành nhất định nhưng zero-Covid là đóng cửa tuyệt đối, là ngăn sông cấm chợ. Doanh nghiệp dù bất kỳ ngành nào đều chịu thảm cảnh: không được sản xuất, không có công nhân, chi phí sản xuất cao, không thể tiêu thụ hàng hoá sản xuất ra ở Trung Quốc cho người Trung Quốc, thậm chí có hàng sản xuất xong rồi cũng không thể xuất khẩu (ra khỏi Trung Quốc) với chi phí cạnh tranh hơn…
Ngoài ra, sự phụ thuộc quá mức vào công xưởng sản xuất toàn cầu đã khiến các quốc gia, nền kinh tế toàn cầu trả giá đắt khi công xưởng này đóng cửa. Đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu đầu vào cho sản xuất đã khiến nhiều ngành, nền kinh tế trả giá. Giải pháp mà chính các doanh nghiệp nguyện ý trong khi các chính phủ đồng tình hỗ trợ đó là rời khỏi Trung Quốc.
Các nền kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc
Hồi tháng 4/2022, Nhật Bản hỗ trợ bằng tiền mặt cho bất kỳ doanh nghiệp nào của Nhật muốn rời khỏi Trung Quốc; ngân sách cho kế hoạch này lên tới 2,2 tỷ USD. Trong đó 2 tỷ USD cho doanh nghiệp rời Trung Quốc về Nhật Bản và 200 triệu USD hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật chuyển sang nước thứ ba, như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia…
Sáng kiến này được đưa ra sau khi hàng loạt hãng xe và công ty Nhật Bản thiếu nguyên vật liệu được sản xuất tại Trung Quốc do đại dịch bùng phát. Một khảo sát hồi tháng 2 của Tokyo Shoko Research cho biết 37% trong số hơn 2.600 doanh nghiệp tham gia trả lời rằng họ đang đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc vì đại dịch.
Mỹ từ lâu cũng đã muốn đưa sản xuất về nước; một chiến lược sản xuất tại Mỹ được chính quyền tiền nhiệm đề xướng và chính quyền mới không phản đối, nhất là khi zero-Covid diễn ra bất thường trong khi cả thế giới đã mở toang cửa.
Một quan chức của Mỹ, trong một bài phỏng vấn với Reuters, đã cho biết “Cả chính phủ đang vào cuộc” [về việc xem xét chính sách thúc đẩy mạnh hơn nữa việc doanh nghiệp Mỹ từ bỏ Trung Quốc]. Mỹ điều tra xem loại hình sản xuất nào là “thiết yếu” và làm cách nào để sản xuất chúng ngoài Trung Quốc. Mỹ cũng tính tới hỗ trợ toàn bộ chi phí cho doanh nghiệp Mỹ từ bỏ Trung Quốc nếu muốn sản xuất tại Mỹ.
Không chỉ muốn các công ty rời Trung Quốc về Mỹ, Washington cũng hài lòng nếu họ chuyển sản xuất đến nước khác thân thiện hơn. “Chúng tôi đã nỗ lực việc này vài năm qua, nhưng giờ đang tăng tốc”, Keith Krach – một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trên Reuters.
Với Đài Loan, động lực thúc đẩy rời khỏi Trung Quốc càng lớn hơn. Rủi ro chính trị, thậm chí là bị quốc hữu hoá, với các doanh nghiệp Đài Loan khi ở Trung Quốc còn lớn hơn bất kỳ quốc gia nào.
Theo một bài báo trên trang web của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ năm 2021 tới 16/4/2022, có tới 180 doanh nghiệp Đài Loan rời khỏi Trung Quốc.
Việt Nam là một trong các điểm đến của dòng vốn FDI
“Vài năm qua, dường như các công ty Đài Loan không còn thấy hấp dẫn với việc đầu tư tiền, công nghệ và chuyên môn quản lý của họ vào Trung Quốc đại lục nữa. Giờ đây, Việt Nam, Ấn Độ đã trở thành ‘kế hoạch B’ của họ”, ông John Eastwood, quản lý tại hãng luật Eiger có trụ sở tại Đài Bắc, nhận xét (theo Vneconomy).
Dữ liệu chính thức từ Đài Loan cho thấy các công ty của vùng lãnh thổ này đã đầu tư khoảng 341,6 triệu USD vào Việt Nam trong năm 2021, nhiều nhất kể từ năm 2017.
Các công ty may mặc lớn của Nhật cũng đang tìm tới Việt Nam, nhằm tận dụng việc giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu hàng dệt may. Adastria, công ty sở hữu các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Global Work, đã gia tăng sản xuất tại Campuchia và Việt Nam trong năm nay. Tỷ lệ sản xuất ở Đông Nam Á tính đến tháng 8 đã tăng gấp đôi số lượng lên 22% so với cùng kỳ.
Trong số đồ may mặc được nhập khẩu vào Nhật Bản, số lượng mặt hàng được sản xuất tại Trung Quốc đã giảm xuống 59% vào năm 2021, giảm từ mức 81% một thập kỷ trước đó.
Trong khi đó, Aoyama Trading, một công ty lớn về thời trang nam, đang mở rộng hoạt động thu mua sản phẩm từ Indonesia và Việt Nam. Hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 36% lượng nhập khẩu của nước này trong năm tài khóa 2021, giảm 7% so với năm trước. Chủ tịch công ty Osamu Aoyama cho biết: “Trong kế hoạch trung và dài hạn, tỷ lệ sản xuất ở Trung Quốc có thể sẽ giảm hơn nữa”.
Các hãng sản xuất điện tử lớn của Mỹ, điển hình là Apple cũng buộc phải rời khỏi Trung Quốc, đa dạng hoá sản xuất của họ hơn nữa ở Việt Nam.
Nếu như năm 2018, Apple mới chỉ có 14 nhà máy sản xuất tại Việt Nam, thì chỉ 2 năm sau đó (2020), con số này đã tăng lên 22 và hiện tại là 31 nhà máy với số lượng công nhân lên đến 160.000 lao động. Các đối tác chính của hãng gồm Foxconn, Pegatron, Luxshare và Goertek cũng đều đầu tư lớn và mở nhiều nhà máy tại các tỉnh thành trên cả nước. Nhiều khả năng, trong tương lai Việt Nam sẽ tiếp tục có vai trò càng lớn hơn nữa trong chuỗi sản xuất sản phẩm của Apple.
Vốn FDI thực hiện năm 2022 cao nhất trong 5 năm qua
Với xu hướng chuyển dịch tích cực như vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước.
Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 17,81 tỷ USD, chiếm 79,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,49 tỷ USD, chiếm 6,7%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,46 tỷ USD, chiếm 6,5%.
Tuy nhiên, có một xu hướng về dòng chảy của dòng vốn FDI mà Việt Nam cần phải lưu ý, đó là đầu tư FDI Trung Quốc vào Việt Nam liên tục gia tăng mạnh kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung diễn ra.
Nếu năm 2021, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ xếp hàng thứ 7 trong tổng số các quốc gia có FDI. Nhưng năm 2022, FDI từ Trung Quốc gia tăng đột biến, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư từ Trung Quốc đã đứng hàng thứ tư (sau Singapore, Nhật bản, Hàn Quốc) 1,7 tỷ USD. Dòng vốn FDI từ Hong Kong đứng hàng thứ 5 với tổng số 1,36 tỷ USD.
Nếu như các giai đoạn trước FDI của Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và sản xuất hàng tiêu dùng với quy mô nhỏ là chủ yếu, thì nay đã đổ vào sản xuất như dệt may, da giày, xơ sợi đến nhiệt điện, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp… Việc sản xuất tại Việt Nam khiến hàng hoá Trung Quốc tránh được thuế trừng phạt thương mại.
Điều này tuy vừa là điểm thuận lợi cho Việt Nam nhưng cần cẩn trọng, tránh các dòng vốn FDI “bẩn” từ Trung Quốc. Nhiều khoản đầu tư FDI Trung Quốc không thực sự sản xuất tại Việt Nam và chỉ sử dụng Việt Nam để lẩn thuế, trốn thuế trừng phạt thương mại. Ngoài ra, đã xuất hiện nhiều dự án FDI không sử dụng lao động Việt Nam mà dùng lao động Trung Quốc nhập cư trái phép, vừa không tạo công ăn, việc làm vừa gây ra các bất ổn xã hội.
Quang Nhật