Cháy sòng bài Campuchia: Hàng loạt người nhảy lầu, ít nhất 16 người chết cháy
Ít nhất 16 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác mất tích trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại khách sạn sòng bạc Grand Diamond City ở thị trấn biên giới Poipet của Campuchia đêm khuya ngày thứ Tư, cảnh sát và truyền thông địa phương cho biết.
Lực lượng cứu hộ Thái Lan thông tin rằng, một số nạn nhân đã nhảy khỏi tòa nhà đang bốc cháy trong một nỗ lực điên cuồng để tìm đường thoát.
“Hai người chết ngay lập tức khi họ chạm đất và khoảng 4-5 người khác bị gãy chân”, ông Peerapan Srisakorn, từ Tổ chức Cứu hộ Aranyaprathet, cho biết. “Một số người đã chạy lên mái nhà, (nghĩ) rằng người Campuchia có thể có cần cẩu cứu hộ để giúp đỡ – nhưng không có”.
Ông Peerapan nói với CNN, riêng nhóm của ông đã nhìn thấy 11 thi thể, trong đó có 7 người chết vì ngạt khói, được tìm thấy trong các phòng khách sạn khóa kín.
Cảnh sát địa phương nói rằng, có khoảng 400 người đang ở trong sòng bài khi ngọn lửa bùng cháy.
Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, dường như có một số người đã nhảy hoặc rơi xuống từ các tầng trên xuống đất, trong ngọn lửa màu hổ phách khổng lồ sáng rực và những cột khói bốc lên ngùn ngụt từ khu phức hợp.
Ủy viên Cảnh sát tỉnh Banteay Meanchey, Thiếu tướng Sithi Loh cho biết 300 cảnh sát, 11 xe cứu hỏa và một số trực thăng đã được triển khai để cứu hộ.
Các nhà chức trách vẫn đang làm việc để xác định nguyên nhân vụ cháy.
Theo Peerapan, ông nghi ngờ ngọn lửa bắt đầu từ một nhà hàng ở tầng dưới trước khi lan sang các khu vực khác của khu phức hợp.
“Đêm qua trời rất gió,” Peerapan nói. “Ngọn lửa lan nhanh lên các tầng trên rồi lan sang mọi phía, nhấn chìm cả tòa nhà”.
Thị trấn biên giới Poipet là điểm giao cắt quan trọng giữa hai quốc gia Campuchia-Thái Lan. Nó cũng nổi tiếng với các sòng bài, nơi nhiều công dân Thái Lan ghé thăm để đánh bạc; hoạt động vốn hầu hết là bất hợp pháp ở Thái Lan.
Hàng trăm công dân Thái Lan đã được giải cứu và đưa đến các bệnh viện ở Thái Lan, theo các nhà chức trách.
Phong Vân
Virus không ngừng lây lan trong khi ngành y tế và nhà tang lễ của Trung Quốc đều đã quá tải
[The Epoch Times, ngày 28 tháng 12 năm 2022] Sự bùng phát của đai dịch COVID-19 đang khiến hệ thống y tế và ngành tang lễ của Trung Quốc chịu áp lực rất lớn.
Mặc dù chưa có kế hoạch ứng phó nhưng Trung Quốc vẫn đột ngột dỡ bỏ những quy định phòng dịch hà khắc nhất trên thế giới. Sự đảo ngược chính sách phòng dịch đã khiến dịch bệnh bùng phát mất kiểm soát trên diện rộng, đè nặng lên hệ thống y tế vốn đã mỏng manh của Trung Quốc.
Vào ngày thứ Ba, CDC của Trung Quốc đã báo cáo (liên kết) ba trường hợp tử vong do COVID-19, nhưng con số này khác xa so với số liệu do nhà tang lễ báo cáo. Nhân viên tại Bệnh viện Hoa Tây, một bệnh viện lớn ở thành phố Thành Đô của Trung Quốc, cho biết việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 khiến họ “vô cùng bận rộn”, (theo Reuters).
“Tôi đã làm công việc này 30 năm, nhưng đây là thời điểm bận rộn nhất mà tôi từng trải qua”, một tài xế xe cứu thương đề nghị giấu tên cho biết.
Vào tối thứ Ba, có hàng dài người ra vào các phòng khám cấp cứu và phòng khám sốt của bệnh viện. Hầu hết những người được chở đến bằng xe cấp cứu cần được thở oxy.
“Hầu như tất cả bệnh nhân đều bị nhiễm virus corona chủng mới”. Một nhân viên khoa cấp cứu cho biết. Nhân viên này nói thêm rằng bệnh viện không được dự trữ thuốc đặc trị COVID-19 và chỉ có thể cung cấp các loại thuốc điều trị triệu chứng như thuốc giảm ho.
Nhà tang lễ Đông Giao là một trong những nhà tang lễ lớn nhất ở Thành Đô. Hiện tại các bãi đậu xe xung quanh nhà tang lễ này đều đã chật kín. Khói dày đặc bốc lên từ lò hỏa táng cùng với dòng người đưa tang không dứt.
Một nhân viên của nhà tang lễ cho biết: “Chúng tôi hỏa thiêu khoảng 200 thi thể mỗi ngày. Chúng tôi bận đến mức không có thời gian để ăn. Điều này đã xảy ra kể từ khi chính sách phòng dịch được nới lỏng. Trước đây, chỉ có khoảng 30 đến 50 thi thể một ngày”.
“Nhiều người đã chết vì virus SARS-CoV-2”, một nhân viên khác cho biết.
Tại một lò hỏa táng tư nhân khác ở Thành Đô, các nhân viên ở đây cũng bận rộn không kém.
“Gần đây có nhiều người chết vì virus SARS-CoV-2”, một nhân viên cho biết, “Lịch hỏa táng đã được đặt trước hết chỗ. Chắc phải đợi sang năm sau, sớm nhất chắc là mùng 3 tháng Giêng”.
Gần đây, ĐCSTQ đã tuyên bố rằng họ chỉ xem các trường hợp tử vong do “viêm phổi và suy hô hấp” xảy ra sau khi nhiễm virus là có liên quan đến COVID-19.
Ông Trương Ngọc Hoa, phó khoa khám bệnh ngoại trú của Bệnh viện Triều Dương ở Bắc Kinh, cho biết gần đây đa số bệnh nhân đều là những bệnh nhân lớn tuổi mắc các bệnh nền. Bác sĩ này cho hay số bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt đã tăng lên đến mức 450 – 550 ca mỗi ngày so với khoảng 100 ca trước đây.
Theo các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ, phòng khám sốt của Bệnh viện Hữu nghị Trung – Nhật ở Bắc Kinh cũng “đông đúc” những bệnh nhân lớn tuổi.
Bác sĩ và điều dưỡng phải đi làm ngay cả khi họ bị nhiễm bệnh, và các nhân viên y tế đã nghỉ hưu ở khu vực nông thôn được kêu gọi đến hỗ trợ. Một số thành phố phải cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp thuốc hạ sốt.
Ngoài ra, trong tuần này, chính quyền Trung Quốc cho biết bắt đầu từ ngày 8 tháng 1, họ sẽ ngừng yêu cầu khách du lịch quốc tế không phải làm xét nghiệm kiểm tra. Điều này khiến nhiều người Trung Quốc, những người bị cô lập lâu nay với thế giới, bắt đầu tìm kiếm thông tin du lịch.
Nhưng chính phủ của một số quốc gia đang xem xét đưa ra các hạn chế đi lại đối với khách du lịch từ Trung Quốc trong khi dịch bệnh bùng phát ở quốc gia này. Các quan chức Hoa Kỳ cho rằng điều này là do ĐCSTQ “thiếu minh bạch” và thế giới bên ngoài không thể xác định liệu rằng có một biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện hay không.
Ấn Độ, Nhật Bản sẽ yêu cầu du khách từ Trung Quốc thực hiện xét nghiệm COVID-19. Philippines cũng đang xem xét triển khai việc xét nghiệm kiểm tra.
Sản lượng từ các nhà máy và tiêu dùng nội địa của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm mạnh trong tháng 12 do công nhân và người mua sắm đều bị ốm.
Theo The Epoch Times Chinese
Song Hoài biên dịch
Nga bắn trên 100 tên lửa vào Ukraine, vụ nổ làm rung chuyển Kyiv
Nga đã bắn hơn 100 tên lửa vào Ukraine vào sáng thứ Năm (29/12), nhắm vào thủ đô Kyiv – nơi có 3 người bị thương, thành phố Kharkiv ở đông bắc và các thành phố khác trong một cuộc không kích quy mô lớn, Ukraine cơ quan chức năng cho biết, Reuters đưa tin.
Lực lượng Không quân Ukraine cho biết các cuộc tấn công có liên quan đến tên lửa hành trình trên biển và trên không, được bắn “từ các hướng khác nhau” và sau một cuộc tấn công trong đêm của máy bay không người lái Kamikaze (máy bay tự sát). Cố vấn Tổng thống Mykhailo Podolyak đưa ra con số tên lửa đã bắn là hơn 120. Còi báo động không kích vang khắp nơi ở Ukraine.
Cuộc tấn công chớp nhoáng mới nhất diễn ra ngay sau khi Điện Kremlin từ chối kế hoạch hòa bình của Ukraine, nhấn mạnh rằng Kyiv phải chấp nhận việc Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.
“Hai ngôi nhà riêng ở quận Darnytskyi đã bị hư hại do các mảnh tên lửa bắn rơi,” chính quyền quân sự thành phố Kyiv cho biết trên Telegram.
Một doanh nghiệp và một sân chơi cũng bị hư hại và tình hình của các nạn nhân “đang được làm rõ,” Thị trưởng của Kiev, Vitali Klitschko, cho biết 16 tên lửa đã bị bắn hạ ở thủ đô.
Thị trưởng Kharkiv Ihor Terekhov cho biết các quan chức đang làm rõ những gì đã bị bắn trúng và liệu có bất kỳ thương vong nào sau khi các tên lửa của Nga gây ra một loạt vụ nổ hay không.
Thị trưởng Lviv, Andriy Sadovyi, cho biết trên Telegram rằng 90% thành phố của ông ở miền tây Ukraine không có điện và các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng điện không hoạt động.
Các vụ nổ cũng được nghe thấy ở Zhytomyr và Odessa, theo phóng viên của Reuters và các phương tiện truyền thông địa phương.
Thống đốc Maksym Marcheno cho biết các đơn vị phòng không đã bắn hạ 21 tên lửa ở vùng Odessa, tây nam Ukraine. Ông cho biết thêm, các mảnh vỡ của một quả tên lửa đã bắn trúng một tòa nhà dân cư, mặc dù không có báo cáo về thương vong.
Ukraine cho biết đã cắt điện ở các khu vực Odessa và Dnipropetrovsk để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra đối với cơ sở hạ tầng năng lượng.
Moscow đã nhiều lần phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường, nhưng Ukraine nói rằng các cuộc bắn phá hàng ngày của họ đang phá hủy các thành phố, thị trấn, cơ sở hạ tầng điện, y tế và các cơ sở hạ tầng khác của đất nước.
Khu vực nhà hộ sinh
Kyrylo Tymoshenko, phó chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết pháo kích của Nga đã đánh trúng khu vực nhà hộ sản của một bệnh viện ở thành phố miền nam Kherson hôm thứ Ba, mặc dù không có ai bị thương. Ông Tymoshenko cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng nhân viên và bệnh nhân đã được chuyển đến nơi trú ẩn.
“Thật đáng sợ… Tiếng nổ bắt đầu đột ngột, tay nắm cửa sổ bắt đầu rơi ra… ôi, tay tôi vẫn còn run,” cô Olha Prysidko, một người mới làm mẹ, nói. “Khi chúng tôi đến tầng hầm, cuộc pháo kích vẫn chưa kết thúc. Chưa đến một phút.”
Thiên Đức
Nhà kinh tế: Chiến tranh Ukraine có thể là “cái đinh đóng vào quan tài” đối với đế chế Putin
Cuộc chiến ở Ukraine có thể là “cái đinh đóng vào quan tài” đối với “đế chế” của Tổng thống Nga Vladimir Putin, một nhà kinh tế sinh ra ở Moscow và là giáo sư tại Đại học Indiana cho biết trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Kyiv Post.
Trò chuyện với phóng viên tờ Kyiv Post trong một cuộc thảo luận qua video, Tiến sĩ Michael Alexeev gọi cuộc chiến là “quái dị” và “một sai lầm đối với những người tham gia.” Ông cũng nói rằng chiến tranh có thể mang lại những tác động tích cực cho Ukraine “về lâu dài”, còn Nga có thể mất đi phần lớn quyền lực toàn cầu của mình.
“Điều tích cực duy nhất mà tôi có thể nghĩ về cuộc chiến này là có thể cuối cùng nó sẽ đóng một chiếc đinh vào quan tài của ý tưởng về Đế quốc Nga,” ông Alexeev nói. “Có lẽ cuối cùng, nó sẽ trở thành một đất nước bình thường.”
Ông Alexeev từng viết trong một bài báo xuất bản hơn 20 năm trước rằng Nga là một quốc gia bình thường, có thu nhập mức trung bình.
“Thật không may, điều đó đã sai,” ông nói. “Nó [Nga] không phải là một quốc gia bình thường. Nó vẫn có quan điểm đế quốc và điều đó có hại cho tất cả mọi người, kể cả Nga. Vì vậy, tôi hy vọng rằng kết quả của cuộc chiến khủng khiếp này là có thể Nga cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia bình thường.”
Liên Hợp Quốc gần đây ước tính gần 18.000 dân thường thương vong ở Ukraine do chiến tranh, trong khi các quan chức quốc phòng Ukraine tuần trước báo cáo rằng hơn 100.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng.
Hiện tại, đàm phán hòa bình dường như khó có thể xảy ra. Người phát ngôn của Điện Kremlin hôm thứ Tư cho biết các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh không thể tiến hành trừ khi Ukraine đồng ý việc Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Ukraine gần đây.
Ông Alexeev cũng cho biết cuộc chiến “về lâu dài có thể là một điều tốt cho Ukraine, bởi vì cuộc chiến này thực sự đã củng cố bản sắc dân tộc của Ukraine… “Có những người có thiện cảm với Nga, với Putin và tất cả những điều đó sẽ không còn nữa.”
Ông Alexeev lớn lên ở Moscow và học đại học ở đó trước khi chuyển đến Hoa Kỳ để tiếp tục học tại Đại học Duke. Trong khi chuyên môn của ông chủ yếu liên quan đến nền kinh tế của Nga và Liên Xô cũ, Alexeev nhấn mạnh rằng ông không có thiện cảm với Liên Xô. Cha mẹ ông sinh ra ở Ukraine, và mẹ anh, bà Ludmila Alexeeva, là một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Liên Xô. Bà là người đồng sáng lập Moscow Helsinki Group, một tổ chức nhân quyền nổi tiếng.
Nhật Minh (theo Newsweek)
Tổng thống Yoon: Hàn Quốc phải đáp trả dù Triều Tiên có vũ khí hạt nhân
Ngày 28/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết, bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên đều phải bị đáp trả bằng việc trả đũa không do dự, cho dù nước này có vũ khí hạt nhân. Văn phòng Tổng thống đã đưa ra tuyên bố nêu trên sau vụ việc máy bay không người lái của Triều Tiên xâm nhập lãnh thổ Hàn Quốc.
Trước đó, 5 máy bay không người lái của Triều Tiên đã bay vào lãnh thổ Hàn Quốc hôm 26/12, khiến quân đội Hàn Quốc phải điều máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công để cố gắng bắn hạ chúng. Đây là lần xâm nhập đầu tiên như vậy kể từ năm 2017.
“Chúng ta phải trừng phạt và trả đũa bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên. Đó là biện pháp mạnh mẽ nhất để ngăn chặn các hành động khiêu khích,” ông Yoon nhấn mạnh trong một cuộc họp với các phụ tá của mình, theo thư ký báo chí Kim Eun-hye.
“Chúng ta không được sợ hãi hay do dự vì Triều Tiên có vũ khí hạt nhân,” ông Yoon nói thêm.
Vụ xâm nhập hôm 26/12 đã gây ra sự chỉ trích ở Hàn Quốc về hệ thống phòng không của nước này. Tổng thống Yoon đã khiển trách quân đội, đặc biệt là việc họ không hạ được máy bay không người lái của Triều Tiên khi chúng bay qua Hàn Quốc trong nhiều giờ.
Cùng ngày, Hàn Quốc đã đáp trả bằng việc đưa máy bay không người lái bay qua Triều Tiên trong ba giờ đồng hồ.
Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup nói với quốc hội hôm 28/12, ông Yoon đã ra lệnh cho ông bay máy bay không người lái bay vào Triều Tiên để đáp trả bất kỳ sự xâm nhập nào “ngay cả khi điều đó có nghĩa là có nguy cơ leo thang”.
Quân đội Hàn Quốc đã lên tiếng xin lỗi về phản ứng của mình và cho rằng họ không thể bắn hạ máy bay không người lái vì chúng quá nhỏ.
Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã căng thẳng trong nhiều thập kỷ qua, và thậm chí trở nên căng thẳng hơn kể từ khi chính phủ bảo thủ của ông Yoon lên nắm quyền vào tháng 5, hứa hẹn một đường lối cứng rắn hơn với đối thủ của mình.
Đáng lưu ý, Triều Tiên cũng đang thúc đẩy việc phát triển vũ khí với nhiều vụ thử tên lửa trong năm nay, trong bối cảnh có đồn đoán cho rằng nước này có thể thử vũ khí hạt nhân lần thứ bảy.
Ngày 28/12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố kế hoạch chi 560 tỷ won (441,26 triệu USD) trong 5 năm tới để cải thiện khả năng phòng thủ chống lại máy bay không người lái, bao gồm cả việc phát triển vũ khí laser trên không và thiết bị gây nhiễu tín hiệu.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng sẽ mở rộng khả năng máy bay không người lái của mình lên ba phi đội.
Cũng theo Bộ này Quốc phòng, Hàn Quốc đặt mục tiêu mua thêm máy bay tàng hình và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, đồng thời đẩy nhanh quá trình phát triển các hệ thống đánh chặn tên lửa.
“Chúng tôi sẽ tăng cường… khả năng trả đũa của mình để có thể phá hủy các cơ sở quan trọng ở bất cứ đâu tại Triều Tiên trong trường hợp nước này tấn công hạt nhân hoặc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.”
Tổng cộng, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đặt mục tiêu chi 331,4 nghìn tỷ won (261 tỷ USD) cho quốc phòng trong 5 năm tới, với mức tăng trung bình hàng năm là 6,8%. Ngân sách năm nay ở mức 54,6 nghìn tỷ won.
Tuy nhiên, kế hoạch chi tiêu quốc phòng này sẽ phải chờ được quốc hội phê duyệt.
Minh Ngọc (Theo Reuters)