Tin thế giới tối thứ Sáu: TT Putin mời ông Tập Cận Bình đến Matxcơva

TT Putin mời ông Tập Cận Bình đến Matxcơva

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. (ảnh: UNN).

Truyền thông Nga đưa tin, TT Nga Vladimir Putin đã mời nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Matxcơva vào năm 2023. 

Ông Putin nói với ông Tập Cận Bình qua video: “Tôi tin chắc rằng ngài và tôi sẽ tìm cơ hội gặp mặt trực tiếp. Chúng tôi đang chờ ngài, ngài chủ tịch thân mến, người bạn thân mến, vào mùa xuân năm sau với chuyến thăm cấp nhà nước tới Matxcơva”

Theo TT Nga, chuyến thăm này “sẽ chứng minh cho toàn thế giới thấy sức mạnh của mối quan hệ Nga-Trung trong các vấn đề then chốt, và sẽ trở thành sự kiện chính trị chính trong năm của quan hệ song phương”.

Trước đó có tin Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ điện đàm trước cuối năm nay.

Được biết, nhà độc tài Nga Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm để thảo luận về các sự kiện của năm 2022 vào cuối tháng 12.

Huệ Liên

Thiếu tướng Trung Quốc qua đời vì bệnh, ngoại giới nghi ngờ Covid-19 đã xâm nhập quân đội

Các binh sĩ Trung Quốc thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân đeo khẩu trang khi xếp hàng sau buổi lễ kỷ niệm 70 năm Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên, vào ngày 23/10/2020 tại Quảng trường Thiên An Môn, bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Kevin Frayer/Getty Images)

Ngày 29/12, tờ báo quân sự của Trung Quốc đưa tin, nước này có một thiếu tướng qua đời vì bệnh vào ngày 5/11, hưởng dương 64 tuổi. Trước đó, tờ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đăng bài kêu gọi bảo vệ sức khỏe của các sĩ quan và binh sĩ ở mức tối đa. Ngoại giới nghi ngờ rằng dịch bệnh đã tấn công vào quân đội Trung Quốc.

Theo Vision Times, báo quân đội Trung Quốc ngày 29/12 đưa tin, Thiếu tướng Hàn Chí Khánh (Han Zhiqing), Bộ trưởng Bộ Hậu cần Lục quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đã qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 5/11 vì bệnh tật nhưng không nói rõ tên bệnh.

Theo thông tin công khai, ông Hàn Chí Khánh gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 10/1976. Ông từng giữ các chức vụ quan trọng tại Quân khu Tế Nam, sau được điều về Quân khu Vệ Thú Bắc Kinh.

Ngay từ ngày 11/11, tờ The Paper của Trung Quốc đã đưa tin rằng, nguồn tin từ nhiều người bạn của ông Hàn cho biết ông đã qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 5/11 do điều trị bệnh không hiệu quả. Nhưng khi đó quân đội Trung Quốc đã không công khai xác nhận tin này.

Mới đây, cơn sóng thần dịch bệnh bùng phát khắp Trung Quốc khiến số người nhiễm bệnh và tử vong tăng lên chóng mặt. Vào thời điểm nhạy cảm này, báo quân đội của ĐCSTQ lại bất ngờ đưa tin về cái chết của ông Hàn Chí Khánh, động thái trên làm dấy lên nhiều suy đoán từ ngoại giới.

Một số nhà quan sát chỉ ra rằng, các doanh trại quân đội không thể nào nằm ngoài tầm lây lan của virus. Mới đây, một đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy một địa điểm đặt tử thi ở Trung Quốc chứa đầy thi thể. Trong video xuất hiện những người mặc quân phục rằn ri.

Nguồn tin: Tập đoàn quân ở Bảo Định có người nhiễm Covid-19

Ngày 12/12, một phóng viên muốn giấu tên từng làm việc trong kênh truyền thông của quân đội Trung Quốc nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng, ông nhận được tin về tình hình dịch bệnh bên trong tập đoàn quân đóng ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc: “Một người bạn của tôi là quân nhân, anh ta nhiễm rồi, anh ta nói bộ đội Bảo Định cũng có [người nhiễm], có chút hỗn loạn”. RFA chưa thể xác nhận tin tức này.

Tiến sĩ Hứa Trí Tường (Hsu Chih-Hsiang) là trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về Khái niệm Chính trị, Quân sự và Tác chiến của ĐCSTQ – cơ quan trực thuộc Viện An ninh Quốc phòng Đài Loan. Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, quân đội ăn, ngủ và huấn luyện với nhau hàng ngày, thực sự rất dễ trở thành điểm nóng của các bệnh truyền nhiễm.

Ông nói, kể từ khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu vào năm 2020, bất kể là quân đội nước nào cũng đều có trường hợp binh lính mắc bệnh và cần phải cách ly, điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc điều động nhân sự cũng như sức chiến đấu của quân nhân.

Sau khi Trung Quốc chính thức dỡ bỏ Zero Covid hơn một tuần, tờ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngày 16/12 đăng bài yêu cầu bảo vệ sức khỏe của các sĩ quan và binh sĩ ở mức tối đa, đồng thời yêu cầu giảm tác động của dịch bệnh đối với “bốn trật tự” của quân đội, bảo đảm thường trực, sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào.

Người viết bài bình luận trên có bút danh là Quân Hạo (Jun Hao). Tác giả bài viết chỉ ra rằng, hiện nay “phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh” trong quân đội ĐCSTQ là ưu tiên hàng đầu. Bài báo nhấn mạnh cần “giải quyết một cách có hệ thống các vấn đề phòng, chống dịch, cách ly điều trị, đảm bảo sinh hoạt”.

Ngoại giới cho rằng, quân đội ĐCSTQ thiếu minh bạch thông tin và rất có thể virus đã lây lan trong quân đội.

Bắc Kinh quấy nhiễu Đài Loan nhằm chuyển dịch áp lực trong nước ra bên ngoài?

Ngày 23/12, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng” cho năm tài chính 2023. Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của ĐCSTQ ngày 25/12 đã ngay lập tức tổ chức một cuộc tuần tra liên hợp và tập trận trên vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan.

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, từ 6h sáng ngày 25/12 đến 6h sáng ngày 26/12, đã có 71 máy bay và 7 tàu chiến của Trung Quốc áp sát quốc đảo này. Trong đó, có 47 máy bay đã vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 28/12 dẫn lời các nhà phân tích cho hay, cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ cho thấy Bắc Kinh cảm thấy mối đe dọa từ Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng của Hoa Kỳ; mặt khác, họ cũng muốn nhân cơ hội này để chuyển hướng dư luận khỏi tình hình dịch bệnh đang mất kiểm soát trong nước.

Đông Phương tổng hợp

Truyền thông Trung Quốc gọi kiểm soát du khách từ Hoa Lục là “phân biệt đối xử”

Bệnh viện quá tải vì dịch COVID-19 tái bùng phát ở Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Các quốc gia trên thế giới lần lượt ra các biện pháp kiểm soát du khách từ Hoa Lục khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tái bùng phát ở Trung Quốc. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của ĐCSTQ gọi đó là “vô căn cứ” “phân biệt đối xử”.

Kênh chính thức của Trung Quốc báo cáo con số tử vong vì viêm phổi Vũ Hán là 5.247 trong toàn bộ 3 năm đại dịch, hầu như không tăng lên bao nhiêu trong thời gian qua, bất chấp hàng loạt các báo cáo về tình hình đại dịch đã trở lại như một “cơn sóng thần” quét ngang Trung Quốc, theo Reuters đưa tin 30/12.

Hiện nay đã có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc, và Đài Loan đã ban hành quy định kiểm soát và phòng dịch đối với du khách từ Trung Quốc, trong khi các quốc gia khác đang trong trạng thái chờ xem và cân nhắc.

Tuy nhiên, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của ĐCSTQ miêu tả đó là những hành động “vô căn cứ” và “phân biệt đối xử” của “một số ít các quốc gia và khu vực” đang “đi ngược với xu thế chung”.

Tờ báo viết: “Một số ít quốc gia và khu vực, chẳng hạn như Mỹ và Nhật Bản, coi việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một cơ hội để bôi nhọ Bắc Kinh. Họ đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với những người đến từ Trung Quốc, viện dẫn điều mà các chuyên gia gọi là các biện pháp “vô căn cứ” “phân biệt đối xử” để bảo vệ các động thái của họ, nhưng mục đích thực sự là phá hoại nỗ lực kiểm soát COVID-19 trong ba năm qua của Trung Quốc và tấn công hệ thống của nước này.”
Dự đoán của Airfinity

Cũng theo Reuters đưa tin, công ty số liệu y tế có trụ sở tại Vương quốc Anh Airfinity cho biết hôm thứ Năm (29/12), khoảng 9.000 người ở Trung Quốc đang chết mỗi ngày vì viêm phổi Vũ Hán. Số ca tử vong tích lũy ở Trung Quốc kể từ ngày 1/12 có thể lên tới 100.000 người, với tổng số ca nhiễm là 18,6 triệu người.

Airfinity dự đoán số ca nhiễm COVID của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh đầu tiên vào ngày 13/1, với 3,7 triệu ca mỗi ngày.

Thiên Đức

Related posts