Trung Quốc dừng gói hỗ trợ 146 tỷ USD ngành chip trong cuộc đối đầu Hoa Kỳ
Chip là mục đích của cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trung Quốc được cho là đã chuẩn bị một gói hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn của mình. Tuy nhiên, nước này đang tạm dừng kế hoạch vì sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19.
Theo Reuters, Trung Quốc đang nghiên cứu gói hỗ trợ trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (gần 146 tỷ USD). Tuy nhiên, như Bloomberg trích dẫn các nguồn quen thuộc với vấn đề này, các quan chức hàng đầu đang tranh luận về cách tránh xa các khoản trợ cấp tốn kém.
Những khoản trợ cấp này từ trước đến nay cho thấy rất ít tác dụng, hơn nữa lại khuyến khích nạn tham nhũng nghiêm trọng và các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ. Thay vào đó, họ đang tìm kiếm những cách thay thế để hỗ trợ các nhà sản xuất chip trong nước. Có thể sử dụng các cách như hạ giá thành vật liệu bán dẫn.
Theo hãng truyền thông tiếng Trung Sound Of Hope, có hai lý do dẫn đến việc tạm dừng trợ cấp.
Thứ nhất, nó đã làm trầm trọng thêm những khó khăn tài chính của Trung Quốc, cùng với việc chính phủ đã tiêu tốn quá nhiều để đối phó với đại dịch.
Neil Thomas, nhà phân tích tại Công ty Tư vấn Rủi ro Chính trị Eurasia Group, cho biết, “Việc tập trung vào công nghệ cho thấy chính quyền của ông Tập đang sử dụng sự đổi mới như một vụ cá cược để giải quyết các vấn đề kinh tế của Trung Quốc và cho thấy sự phụ thuộc của nước này vào công nghệ phương Tây. Một vụ đặt cược lớn vào tương lai của Trung Quốc.”
Thứ hai, theo một số chuyên gia, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra rằng họ không có khả năng phát triển chip một cách độc lập.
Theo Bloomberg, chính phủ Trung Quốc đã thất vọng trước hàng chục tỷ USD đổ vào ngành này trong thập kỷ qua. Gói hỗ trợ đã không mang lại những bước đột phá cho phép Trung Quốc cạnh tranh bình đẳng với Hoa Kỳ.
Tạ Thiên, giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ, cho biết vấn đề không chỉ là tiền mà còn là tài năng và thiết bị. Theo giáo sư, kế hoạch của chính phủ Trung Quốc về hai khoản đầu tư chip quy mô lớn trước đó cuối cùng đã bị phá sản.
Tạ Thiên tin rằng chính quyền Bắc Kinh hiện đang thực hiện kế hoạch Bước nhảy vọt thứ ba. Nó sẽ dẫn đến sự leo thang của các lệnh trừng phạt chip từ Hoa Kỳ.
Huệ Liên
Tín hiệu cho thấy Bắc Kinh tiếp tục nhượng bộ trước cuộc ‘Cách mạng Pháo hoa’
Sau khi cuộc “Cách mạng Giấy trắng” nổ ra, chính quyền Trung Quốc đã ngay lập tức từ bỏ Zero Covid. Vào những ngày đầu năm 2023, người dân Trung Quốc ở nhiều nơi đã đốt pháo bất chấp lệnh cấm, sau đó chính quyền một số địa phương đã tuyên bố nới lỏng có giới hạn lệnh cấm đốt pháo. CCTV, cơ quan ngôn luận hàng đầu của Bắc Kinh, cũng đã phát đi tín hiệu “nới lỏng” lệnh.
Năm 2018, chính quyền Trung Quốc bắt đầu cấm công chúng đốt pháo hoa và đốt pháo với lý do “phòng ngừa ô nhiễm môi trường và hỏa hoạn”. Thế nhưng những ngày gần đây, người dân nhiều nơi đã đua nhau đốt pháo, thách thức lệnh cấm của chính quyền. Thậm chí, người dân huyện Lộc Ấp, tỉnh Hà Nam còn lật ngược chiếc xe cảnh sát định xông tới bắt người.
Sau cuộc “Cách mạng Pháo hoa” này, chính quyền các thành phố Bắc Kinh, Sơn Đông, Liêu Ninh và nhiều nơi khác đã lần lượt nới lỏng có điều kiện lệnh cấm đốt pháo hoa.
Trong số đó, thành phố Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, thành phố Đông Doanh và Tân Châu ở tỉnh Sơn Đông quy định rằng, có thể đốt pháo trong một khoảng thời gian hạn định trong dịp năm mới. Còn quận Thông Châu ở Bắc Kinh cho phép đốt pháo trong một khu vực hạn chế. Tuy nhiên, hầu hết các khu vực ở Bắc Kinh cần phải nộp đơn cho chính quyền thành phố thì mới có thể đốt pháo.
Ngoài ra, vào ngày 2/1, một thông báo khẩn của Sở Công an thành phố Tây An đã bị rò rỉ trên Internet. Theo thông báo, mặc dù chính quyền thành phố chưa sửa đổi lệnh cấm đốt pháo, nhưng cũng đề cập rằng mong muốn đốt pháo của người dân đã “mạnh mẽ hơn”, và dặn dò lực lượng công an “thực thi pháp luật một cách văn minh và linh hoạt, không để xảy ra xung đột trực tiếp với quần chúng, không tạo ra dư luận tiêu cực về công an”. Thông báo này đã nêu bật nỗi sợ của chính quyền địa phương trước các cuộc biểu tình của người dân, đồng thời ngầm phát đi tín hiệu “nới lỏng” lệnh cấm.
Trên thực tế, một lượng lớn video lan truyền trên mạng cho thấy, gần đây cư dân ở nhiều thành phố có đốt pháo hoa nhưng công an địa phương đã không dùng bạo lực trấn áp, mà thậm chí còn “thưởng thức” cùng người dân.
Ngoài ra, vào ngày 6/1, tài khoản Weibo chính thức của trang mạng CCTV cũng đăng một bài bình luận có tiêu đề “Việc cấm và cho phép đốt pháo, đã đến lúc nhìn thẳng vào [vấn đề]”. Bài viết cũng phát đi tín hiệu “nới lỏng” lệnh cấm đốt pháo.
Bài bình luận thừa nhận rằng, đốt pháo và đốt pháo hoa là “linh hồn” của truyền thống ăn Tết tại Trung Quốc, người dân cũng hy vọng dùng pháo hoa để xua tan “bóng đen của dịch bệnh” kéo dài 3 năm. Bài báo còn tán thành cách làm “nới lỏng” lệnh cấm đốt pháo ở một số nơi, đồng thời kêu gọi chính quyền các địa phương cho phép đốt pháo trong giới hạn.
Ông Tần Bằng (Qin Peng), một nhà bình luận kinh tế và chính trị Trung Quốc sống ở New York, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, cái gọi là “bảo vệ môi trường và an toàn” thực chất chỉ là cái cớ để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cấm đốt pháo hoa. Bởi vì ý nghĩa của việc đốt pháo trong truyền thống Trung Hoa là xua đuổi tà ma, mà ĐCSTQ biết bản thân nó rất tà ác, cho nên nó mới không cho người dân đốt pháo.
Ông Tần cũng cho rằng, trong 3 năm “ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh” vừa qua, người dân Trung Quốc đã tích tụ quá nhiều nỗi đau và uất ức, nhiều nơi đã tức nước vỡ bờ, ĐCSTQ cũng hiểu rất rõ là chính nó đã khiến quần chúng phẫn nộ.
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ, cho rằng các chính sách thay đổi sau “Phong trào Pháo hoa” và “Phong trào Giấy trắng” đều là sự nhượng bộ bất đắc dĩ của chính quyền ĐCSTQ từ trung ương đến địa phương trước sự kháng cự của người dân.
Ông Tần Bằng nói rằng, về mặt tâm lý, sự nhượng bộ này của ĐCSTQ sẽ khuyến khích người dân hơn nữa, từ đó sẽ có nhiều cuộc biểu tình hơn. Bắc Kinh đã duy trì chế độ này trong hàng chục năm qua bằng chính sách cai trị hà khắc, một khi nó bắt đầu lùi bước, cơ chế ứng phó của nó cũng sẽ dần đổ nát. Do đó, sự phản kháng không ngừng của người dân có thể dẫn đến sự sụp đổ của ĐCSTQ.
Theo NTD tiếng Trung
Đông Phương biên dịch
Thượng Hải: Bệnh viện “quá thê thảm” và buộc phải lập các khu ngoài trời
Đại dịch COVID đang hoành hành ở Trung Quốc Đại Lục và hệ thống bệnh viện đang sụp đổ. Theo tin từ cư dân mạng, các bệnh viện lớn ở Thượng Hải “quá thê thảm”, “trông thật sốc”. Bệnh nhân nhiều quá không đủ phòng, phải lập ra các “khu ngoài trời”. Vậy mà trong báo cáo chính thức, từ đầu năm đến nay chỉ có 859 ca lây nhiễm.
“Chỗ nào góc nào cũng kín bệnh nhân”
Ngày 6/1, một cư dân mạng Twitter cho biết: “Thượng Hải cuối cùng không thể chịu đựng được nữa. Số điện thoại xe cứu thương 120 liên tục đổ chuông, hành lang đông không len chân vào được, và người trẻ mang đồ ăn đi cùng người già đến khám bệnh. Các bệnh viện lớn quả thật quá thê thảm.”
Tại bệnh viện Trung Sơn trực thuộc Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nơi được biết đến là bệnh viện lớn nhất ở Thượng Hải, rất đông bệnh nhân đang chờ điều trị. Người đàn ông thực hiện video cho biết, ở đây toàn người già, “hầu như tất cả họ đều dương tính,” và “đầy người cả tầng trên và tầng dưới.” Hầu như tất cả thanh niên ở đó là người nhà bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Nhân Tế trực thuộc Y Viện của Đại học Giao thông Thượng Hải, khung cảnh 6h30 chiều, khoa cấp cứu đông đúc và “xe cấp cứu cùng nhân viên y tế tấp nập tới lui.” Trong sảnh cấp cứu, những chiếc giường đã được kê kín lối vào sảnh, góc nào cũng kín giường, có hàng trăm bệnh nhân xếp hàng “Chỗ nào góc nào cũng kín bệnh nhân, trông thật sốc!“
上海终于撑不住了,120救护车声声不断,走廊大厅被堵得水泄不通,外卖小哥接单陪老人去医院看病,各大医院简直是惨不忍睹(二) pic.twitter.com/kDMF9SBNN2
— yu (日本东京星辰) (@YK643590) January 6, 2023
Tại bệnh viện Đồng Tế ở Thượng Hải, mọi ngóc ngách của phòng cấp cứu cũng chật kín giường bệnh, ở lối đi chật hẹp thì một này là giường bệnh, bên kia chật kín bệnh nhân. Một phụ nữ cho biết, có rất đông người xếp hàng đăng ký vào khoa cấp cứu, bên trong xe cấp cứu 120 vẫn đang đưa tới đưa lui, các lối đi đều là giường tạm, chật kín người “không chen vào được”. Các bệnh nhân ở bệnh viện Đồng Tế đa số đều là người lớn tuổi, đều là bệnh nhân mới.
Bệnh nhân bệnh viện Thượng Hải sống trong “khu ngoài trời”
Vào ngày 4/1, theo một đoạn video cho thấy các bệnh viện ở Thượng Hải quá đông và vì không có giường nên quá nhiều bệnh nhân phải thở oxy bên đường. Trong video, nghi vấn có nhiều bệnh nhân đang được truyền dịch trên những chiếc giường tạm bợ đặt bên đường, cách đó không xa có một số xe cấp cứu đậu, và có các nhân viên y tế đưa đón giữa các giường bệnh. Bệnh nhân nằm la liệt khắp nơi.
Ngày 31/12 một video đăng trên Twitter cho thấy bệnh viện Thượng Hải, không có giường, bệnh nhân thở oxy bên đường.
上海医院,没有床位,病人在马路边吸氧 pic.twitter.com/MZPTFCyov6
— Danny老皮匠 (@Jzzrb123) December 31, 2022
Bệnh viện kiếm bộn qua dịch bệnh
Một video khác ghi ngày 5/1 cho thấy: “Các bệnh viện ở Thượng Hải tiếp tục kiếm tiền.” Trong video, một người phụ nữ nói rằng tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Trường Hải ở Thượng Hải: “Cấp cứu số 120 ban đầu 30 cho một giường, giờ là 200. [Ban đầu] 1000 cho 2 người mặc đồ liệm cho người già (500 mỗi người), bây giờ là 1600 (800 cho mỗi người).”
上海医院,继续发人难财。
— yu (日本东京星辰) (@YK643590) January 5, 2023
120急救一开始床位一次30,现在200,给老人穿寿衣1000两个人穿一个人500,现在1600一个人800 pic.twitter.com/h8twTIHrro
Trong video, phòng cấp cứu của bệnh viện Trường Hải ở Thượng Hải chật kín bệnh nhân. Nhìn tình cảnh bi đát trước mặt, người phụ nữ nói: “Nhiều người già không được điều trị kịp thời, phổi viêm hỏng rồi, phát triển viêm phổi. Nhiều bệnh viện không thể nhập viện.”
Người phụ nữ cũng nói rằng: “Gọi số 110, 120 từ sáng đến tối mà thật sự gọi được là tốt lắm rồi.”
Chuyên gia: 70% hoặc hàng chục triệu người đã nhiễm bệnh ở Thượng Hải, khác xa với dữ liệu chính thức
Theo tờ báo CNA vào ngày 4/1, các chuyên gia ước tính rằng 70% người dân ở Thượng Hải đã bị nhiễm virus COVID, dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm và nguồn cung cấp thuốc hạ sốt vẫn chưa ổn định. Một người phụ trách nhà thuốc cho biết, nguồn cung các loại thuốc, vật tư chống dịch như ibuprofen, nhiệt kế vẫn tương đối eo hẹp, lượng mua hàng ngày hiện nay không ổn định.
Hôm 29/12 tuần trước, Giám đốc Khoa Truyền nhiễm Trương Văn Hoành tại Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán, nói với giới truyền thông chính thức rằng Thượng Hải đã đạt đến đỉnh điểm lây nhiễm kể từ ngày 22/12. Theo ước tính, số ca nhiễm hiện tại là trong hàng chục triệu.
Hôm 31/12 cuối tuần, Phó giám đốc Bệnh viện Thụy Kim Trần Nhĩ Chân trực thuộc Y Viện của Đại học Giao thông Thượng Hải, nói với các phương tiện truyền thông chính thức rằng dịch bệnh lây lan rất rộng Thượng Hải và có thể đã lên tới 70% dân số.
Gần đây, giới chức Thượng Hải đã thông báo rằng dịch vụ xét nghiệm miễn phí tại các điểm xét nghiệm axit nucleic chuẩn hóa của Thượng Hải sẽ được kéo dài đến ngày 7/1/2023. Sở Giáo dục thành phố Thượng Hải cũng đưa ra thông báo kỳ nghỉ đông của các trường tiểu học và trung học ở Thượng Hải sẽ bắt đầu từ ngày 18/1 và kết thúc vào ngày 14/2.
Điều đáng nói là các con số trong báo cáo chính thức kể từ khi Thượng Hải bước sang năm 2023, chỉ có vài trăm trường hợp nhiễm bệnh và không có trường hợp tử vong nào.
Theo số liệu từ trang web chính thức của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, đã có 67 trường hợp mới được xác nhận nhiễm virus corona mới (COVID-19) tại Thượng Hải vào ngày 1/1, 31 trường hợp mới vào ngày 2, 126 trường hợp mới vào ngày 3, và 510 trường hợp mới vào ngày 4, cùng với 125 trường hợp mới được thêm vào ngày 5, vậy là tổng cộng 859 trường hợp được xác nhận mới đã được thêm vào trong 5 ngày qua. Tuy nhiên, số liệu chính thức này đã bị thế giới bên ngoài đặt câu hỏi nghi ngờ rất lớn.
Lý Mộc Tử, Vision Times
Nhân viên chống dịch Trung Quốc chật vật tìm việc mới
Các nhân viên chống dịch mặc đồ bảo hộ trắng khét tiếng của Trung Quốc, gọi là Đại Bạch, đang chật vật với sự nghiệp sau sự hủy bỏ chính sách “Zero-COVID”. Được biết, hàng triệu các “cựu nhân viên chống dịch” hiện đang tìm kiếm các công việc khác nhau để kiếm sống qua ngày.
Dược sĩ Triệu Vĩnh Cương, từng là người lấy mẫu tại các quầy xét nghiệm ở Bắc Kinh, nói với tờ SCMP rằng, anh đang chuẩn bị trở về quê hương của mình ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây sau khi không tìm được việc làm thay thế.
Anh Triệu nói rằng những người như anh trở nên dư thừa khi ĐCSTQ hủy bỏ xét nghiệm hàng loạt. Ông chủ của anh đã cắt giảm từ 100 địa điểm xét nghiệm xuống chỉ còn 7 địa điểm. Mức lương hàng ngày của anh cũng giảm một nửa xuống còn 200 nhân dân tệ (gần 690 nghìn đồng).
Một nhân viên tại phòng thí nghiệm ở tỉnh Hà Bắc cho biết chủ của cô sẽ sớm dừng việc xét nghiệm COVID. Cô giải thích rằng họ đang thua lỗ hàng ngày vì nhu cầu quá khan hiếm để trang trải chi phí xét nghiệm khổng lồ trong phòng thí nghiệm. Kể từ ngày 7/12, cô cho biết số lượng mẫu xét nghiệm đã giảm mạnh tới 80%. Chỉ những tài xế lái xe mới sàng lọc virus vì họ cần kết quả âm tính để làm việc.
Một số cơ quan xét nghiệm đã chủ động hơn trong việc điều chỉnh kinh doanh. Ví dụ, anh Hình, một kỹ thuật viên, cho biết công ty xét nghiệm của anh đã nhanh chóng chuyển sang bán bộ dụng cụ Xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) khi ĐCSTQ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp.
Anh cho biết, “Những người đầu tiên bán bộ dụng cụ xét nghiệm [sau khi Bắc Kinh thay đổi chính sách] cũng là những người đang thực hiện xét nghiệm PCR.”
Nhưng khi virus COVID tấn công Trung Quốc như một cơn sóng thần, anh Hình cho biết nhu cầu đang giảm mạnh và các bộ dụng cụ hiện đã lỗi thời.
Đối với hầu hết những người làm xét nghiệm PCR, sự sụp đổ của chính sách “Zero-COVID” có nghĩa là đã đến lúc chuyển sang công việc mới.
Một cựu nhân viên xét nghiệm ở Bắc Kinh gần đây đã quay trở lại công việc kinh doanh dược phẩm của mình, công ty đang tuyển dụng thêm nhân sự để tập trung kinh doanh thuốc điều trị COVID.
Một người yêu cầu giấu tên cho biết: “Nhiều người [từng làm việc tại các điểm xét nghiệm] giờ đã thất nghiệp—không có việc làm ở đó bây giờ.”
Một cựu bảo vệ quầy xét nghiệm ở Quảng Châu chia sẻ rằng một số đồng nghiệp cũ của anh đã quay lại làm công nhân dệt may, nhân viên nhà hàng và lễ tân khách sạn. Một số người khác vẫn đang chật vật tìm kiếm việc làm.
Huệ Liên
Dân Hồng Kông đổ xô tiêm vắc-xin COVID trước khi dân Đại lục tràn vào
Các ca nhiễm COVID tăng vọt gần đây đã gây ra nhiều căng thẳng cho hệ thống y tế và gây thiệt hại cho nền kinh tế của Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh tuyên bố rằng sau ba năm hạn chế COVID, nước này sẽ mở lại biên giới bắt đầu từ ngày 8 tháng 1. Do lo sợ bị lây nhiễm trong đợt mở lại biên giới sắp tới với Trung Quốc đại lục, cư dân Hồng Kông được cho là đang đổ xô đi tiêm vắc-xin COVID-19.
Tờ Reuters báo cáo rằng các vắc-xin của BioNTech gần đây đã được đặt hết cho đến tháng Hai. Bên cạnh đó, 83% cư dân Hồng Kông đã tiêm 3 mũi Sinovac hoặc BioNTech.
Một cư dân Hồng Kông 33 tuổi đã tiêm mũi thứ tư trong tuần này cho biết: “Sau khi mở cửa biên giới, tôi cho rằng sẽ có nhiều người Hồng Kông bị nhiễm dịch. Tôi muốn giảm khả năng bị nhiễm nên đã tiêm mũi bổ sung.”
Số lượng người tiêm mũi thứ tư đang tăng đột biến, con số tuần này đã tăng hơn gấp đôi so với tuần trước.
Người dân Hồng Kông lo lắng rằng du khách Đại lục sẽ tích trữ vắc-xin mRNA sau khi mở cửa biên giới trở lại. Những vắc-xin mRNA này có khả năng bảo vệ khỏi COVID tốt hơn vắc-xin nội địa Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng không có sẵn ở Đại lục.
Các báo cáo nói rằng nhiều người Trung Quốc sống ở Đại lục gần đây đã hỏi trên mạng xã hội về cách tiêm vắc-xin mRNA ở Hồng Kông.
Hồng Kông đang tìm cách nối lại hoạt động đi lại không bị cách ly với Trung Quốc sớm nhất là vào ngày 8 tháng 1. Động thái này được đưa ra sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách “Zero Covid”. Trung Quốc cũng sẽ mở lại biên giới quốc tế bắt đầu từ ngày 8 tháng 1.
Liên Thành
Trung Quốc đua nhau ‘săn thuốc’ hết từ Đài Loan, tiếp tục quay sang Hàn Quốc
Đại dịch Coivd-19 ở Trung Quốc đã gây ra cơn sốt tìm kiếm thuốc chữa bệnh khắp nơi. Không mua được thuốc ở Trung Quốc nên nhiều người nhờ người thân, bạn bè ở nước ngoài mua hộ.
Theo các phương tiện truyền thông Hàn Quốc vào ngày 5 tháng 1, tại một hiệu thuốc ở Seoul, Hàn Quốc, một phóng viên đã nhìn thấy một người đàn ông Trung Quốc mua liền một lúc 20 hộp thuốc cảm. Khi phóng viên hỏi liệu anh ấy có mua nó để sử dụng cho riêng mình không, người đàn ông trả lời không chút nao núng: “Không phải, tôi mua để bán”.
Người đàn ông này còn thản nhiên cho các phóng viên Hàn Quốc xem nội dung cuộc trò chuyện nhóm, nói rằng những người trong nhóm đều là thân thuộc của anh ấy. Anh giới thiệu: Nhóm chat này có 500 người, dưới mỗi người còn có 500 khách hàng nữa.
Như vậy, số người cần mua thuốc có đến trăm nghìn người, cơ hội kinh doanh là rất đáng kể.
Về việc làm sao vận chuyển về Trung Quốc, anh biết là dựa vào du học sinh, trên đó ghi rõ “phí chuyển hộ cho 5 hộp thuốc là 169 nhân dân tệ”.
Người đàn ông Trung Quốc này nói rằng mọi người đều cần thứ này vì họ bị ho liên tục và anh kiếm được khoảng 10.000 won trong 5 hộp được bán ra.
Các phóng viên truyền thông Hàn Quốc đã đến thăm các hiệu thuốc khác, và các dược sĩ nói rằng những tình huống tương tự đã phổ biến trong vài tuần qua. Hiện tại, cơ quan y tế Hàn Quốc kêu gọi không tích trữ hàng hóa, cân nhắc hạn chế số lượng mua để không ảnh hưởng đến cung cầu của nước mình.
Liên Thành