Brazil: Những người ủng hộ cựu TT Bolsonaro xông vào Quốc hội và Tòa án Tối cao
Những người ủng hộ cựu Tổng thống cánh hữu Jair Bolsonaro tiếp tục từ chối chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử của ông đã xông vào Quốc hội, Tòa án Tối cao và dinh Tổng thống ở thủ đô Brasilia, AFP đưa tin.
Các video trên mạng xã hội cho thấy những người ủng hộ ông Bolsonaro đã đập vỡ cửa sổ và đồ đạc của các tòa nhà Quốc hội và Tòa án Tối cao. Họ leo lên mái nhà của tòa nhà Quốc hội, giương cao biểu ngữ có nội dung “can thiệp” và lời kêu gọi rõ ràng đối với quân đội Brazil.
Hình ảnh trên kênh truyền hình Globo News cũng cho thấy những người biểu tình đi lại trong dinh Tổng thống, nhiều người trong số họ mặc trang phục màu xanh lá cây và màu vàng – màu của quốc kỳ Brazil, cũng là biểu tượng của chính phủ Bolsonaro.
Lực lượng an ninh đã sử dụng hơi cay trong nỗ lực đẩy lùi người biểu tình. Phương tiện truyền thông địa phương ước tính khoảng 3.000 người đã tham gia vào vụ việc.
#Eilmeldung — in Brasilien 🇧🇷 haben #Bolsonaro Supporter den Congress und den Supreme Court gestürmt. Aktuell zieht das Militär auf. #Brasil 🇧🇷 erlebt gerade sein #January6th 2.0
— Vatnik Hunter 🇩🇪🤝🇺🇦 🍉 (@patriot_singles) January 8, 2023
pic.twitter.com/KExmT9bceH
Cuộc bao vây diễn ra chỉ một tuần sau lễ nhậm chức của đối thủ cánh tả của Bolsonaro, Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva.
Để đối phó với cuộc bao vây, ông Lula đã tuyên bố can thiệp an ninh liên bang vào Brasilia.
Ông Lula gọi những người tham gia là “những kẻ phát xít, những kẻ cuồng tín” và nói rằng họ sẽ bị trừng phạt “bằng toàn bộ sức mạnh của pháp luật.” Ông nói trong một bài phát biểu rằng sự can thiệp của liên bang vào Brasilia sẽ kéo dài đến ngày 31/1. Ông Lula hiện đang trong chuyến công du đến bang Sao Paulo.
Những người ủng hộ ông Bolsonaro đã phản đối chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Lula kể từ cuộc bỏ phiếu ngày 30/10. Họ đã chặn đường, đốt xe và tụ tập bên ngoài các tòa nhà quân sự, yêu cầu lực lượng vũ trang can thiệp. Nhiều người tin rằng kết quả bầu cử là gian lận hoặc không đáng tin cậy.
Theo tờ Al Jazeera, một số người ủng hộ ông Bolsonaro đã cắm trại ở Brasilia kể từ cuộc bầu cử.
“Mọi người từ trại này và từ các vùng khác đã tuần hành về quảng trường ở Brasilia, được gọi là quảng trường Ba Quyền lực, bởi vì trong cùng quảng trường này có Quốc hội, dinh Tổng thống và Tòa án Tối cao và họ đã bước vào ba tòa nhà,” theo phóng viên Monica Yanakiew của Al Jazeera.
Tuy nhiên, bà nói thêm, “câu hỏi lớn” vẫn là tại sao những người biểu tình lại có thể dễ dàng vượt qua lực lượng an ninh trong vụ việc diễn ra vào Chủ nhật.
Vụ việc ở Brazil đã gợi lại vụ hỗn loạn tại Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6/1 bởi những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, tuyên bố rằng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 đã bị “đánh cắp”.
Trên Twitter, Bộ trưởng Tư pháp Brazil Flavio Dino cho biết: “Nỗ lực vô lý này nhằm áp đặt ý muốn của họ bằng vũ lực sẽ không thành công.”
Video trên mạng xã hội cho thấy lực lượng an ninh tạo hàng rào bằng khiên khi họ tiến về phía các tòa nhà.
Chủ tịch Thượng viện Rodrigo Pacheco cho biết ông đã liên lạc thường xuyên với Thống đốc Brasilia Ibaneis Rocha và toàn bộ bộ máy cảnh sát đã được huy động để kiểm soát tình hình.
Xuân Lan
Nhiều nước Đông Nam Á chào đón du khách Trung Quốc bất chấp dịch COVID-19
Bất chấp dịch COVID-19 tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn chào đón du khách đến từ “quốc gia tỷ dân”, với hy vọng lượng khách này sẽ giúp phục hồi ngành du lịch, theo tờ The Guardian.
Sau gần 3 năm gần như không hoạt động, người điều hành công ty kinh doanh lữ hành Thái Lan Anchalee Vittayanuntapornkul cho biết mình cảm thấy “nhẹ nhõm” khi biết tin du khách Trung Quốc sẽ sớm được đi du lịch quốc tế trở lại.
“Tôi chắc chắn khi hỏi bất cứ ai trong ngành du lịch, quốc tịch duy nhất họ mong chờ quay trở lại là du khách Trung Quốc”, anh Anchalee – người làm việc tại Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan – chia sẻ.
Trung Quốc bắt đầu mở cửa biên giới và gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly từ ngày 8/1. Quyết định gỡ bỏ hạn chế nêu trên được xem là bước đi cuối cùng của Bắc Kinh trong việc hủy bỏ chính sách phòng dịch Zero-COVID được Trung Quốc áp dụng trong suốt 3 năm qua.
Hơn một chục quốc gia đã áp đặt các biện pháp mới đối với du khách đến từ Trung Quốc sau tin tức nước này mở cửa, trong đó có Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… yêu cầu xét nghiệm COVID-19. Trong khi đó, Thái Lan sẽ tái áp dụng quy định yêu cầu du khách xuất trình chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 không quá 6 tháng trước thời điểm đến nước này.
Malaysia cho biết sẽ sàng lọc triệu chứng sốt của tất cả khách du lịch nhập cảnh. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố các chính sách của nước này sẽ không phân biệt bất cứ quốc gia nào.
Khi một số người Malaysia phản ứng tiêu cực trước thông tin Trung Quốc mở cửa trở lại, Bộ trưởng Du lịch Tiong King Sing khuyến cáo người dân không nên tạo ấn tượng nước này không cởi mở chào đón du khách.
Piyanut Intarachai, người điều hành một nhà hàng ở Chiang Mai, cho biết việc sàng lọc khách du lịch nhập cảnh là ý tưởng hay. “Họ nên kiểm tra chứng nhận tiêm chủng và thậm chí yêu cầu xét nghiệm COVID-19. Tôi biết điều này không tối ưu 100%, nhưng vẫn tốt hơn là không có gì”, anh cho hay.
Tuy nhiên, Piyanut nói thêm anh không lo lắng về dịch COVID-19. “COVID-19 ở khắp mọi nơi, không chỉ ở Trung Quốc. Tại đây vẫn có những ca mắc mới mỗi ngày. Với chủng hiện tại, các triệu chứng nhẹ hơn. Mọi người đều cần làm việc và có thu nhập để sống”, anh nói.
Trước đại dịch, khách du lịch xếp hàng trước nhà hàng của anh Piyanut, Kao Soy Nimman, háo hức thử món đặc sản Khao Soi – món mì cà ri dừa nổi tiếng ở miền Bắc Thái Lan. Anh cho hay rằng phần lớn khách hàng đến từ Trung Quốc. Sau đó, dịch COVID-19 xuất hiện và tất cả khách gần như biến mất chỉ sau một đêm.
Trước đại dịch, Trung Quốc là một trong những nguồn khách du lịch lớn nhất của Đông Nam Á và chiếm khoảng 1/3 lượng du khách đến Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan dự kiến đón khoảng 5 triệu khách Trung Quốc trong năm nay. Đây là tin vui cho ngành du lịch, nhưng vẫn chưa bằng một nửa lượng khách nhập cảnh năm 2019.
Anh Anchalee – chủ sở hữu CM Paradise Tour – đã thuê thêm nhân viên nói tiếng Trung Quốc và tài xế đưa các nhóm tham quan ngôi chùa Doi Suthep nổi tiếng của Chiang Mai, thác nước và núi non.
Sau thông tin ngừng cách ly khách nhập cảnh nổ ra, số lượng đặt vé và tìm kiếm các chuyến bay xuyên biên giới tại Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng.
Dữ liệu từ nền tảng Qunar cho thấy trong vòng 15 phút sau khi tin tức bùng nổ, lượt tìm kiếm các chuyến bay quốc tế tăng gấp 7 lần, trong đó Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc đứng đầu danh sách.
Phan Anh
Không có dấu hiệu thương vong sau khi Nga tuyên bố tấn công trả thù
Một cuộc tấn công tên lửa của Nga vào thành phố Kramatorsk của Ukraine đã trượt mục tiêu và không có dấu hiệu thương vong rõ ràng, phóng viên của Reuters cho biết hôm Chủ nhật (8/1), sau khi Moscow tuyên bố cuộc tấn công đó đã giết chết 600 quân Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tên lửa của họ đã đánh trúng 2 căn cứ tạm thời có 1.300 quân Ukraine ở Kramatorsk, thuộc khu vực phía Đông Donetsk, khiến 600 người thiệt mạng. Phát ngôn viên Bộ Igor Konashenkov nói đây là trả thù cho vụ Ukraine tấn công Makiivka, trong đó ít nhất 89 quân Nga thiệt mạng.
Phóng viên Reuters đã đến thăm 2 khu ký túc xá đại học mà Moscow nói đến như là nơi trú quân tạm thời. Tuy nhiên, cả 2 khu ký túc xá dường như không bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc bị hư hại nghiêm trọng. Không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy quân đội đã đồn trú ở đó. Cũng không có dấu hiệu của thi thể hay vết máu.
Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của quân đội Ukraine ở khu vực phía Đông, mô tả trên truyền hình Suspilne News rằng đó chỉ là nỗ lực thuộc loại “hoạt động thông tin của Bộ Quốc phòng Nga” sau thiệt hại nặng nề ở Makiivka.
Tại Kramatorsk, cư dân ở khu vực đông dân cư xung quanh các khu tập thể cho biết họ nghe thấy tiếng nổ ngay sau 11:00 tối giờ địa phương —nửa đêm theo giờ Moscow— vừa vặn đúng lúc kết thúc lệnh ngừng bắn 36 giờ do Nga đơn phương tuyên bố nhân dịp lễ Giáng sinh của Chính thống Giáo. Người dân cũng nói rằng những vụ nổ như vậy là bình thường ở thành phố này, vốn chỉ cách vài km về phía Tây Bắc với Bakhmut, nơi hai phe giao tranh kịch liệt thời gian qua.
Tuyên bố của Nga nêu tên hai tòa nhà, ký túc xá của địa điểm có tên là Cao đẳng số 47 và ký túc xá liên kết với Cao đẳng số 28, cả hai đều ở Kramatorsk.
Hình ảnh của Reuters cho thấy một số cửa sổ bị vỡ tại ký túc xá Cao đẳng số 47, một cái hố lớn trong sân, các cửa sổ của trường đại học gần đó đã bị vỡ.
Ký túc xá Cao đẳng số 28 hoàn toàn nguyên vẹn, một hố lớn nằm cách đó khoảng 50 mét, gần một số nhà để xe hơn, một số cửa sổ của trường đại học đã bị vỡ.
Theo AP đưa tin, ông Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga và Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết Nga và Ukraine đã trao đổi tù nhân vào Chủ Nhật, mỗi bên trao đổi 50 người.
Cũng trong ngày Chủ nhật, quân đội Ukraine tuyên bố đã tấn công vào khu nội trú của một trường đại học y tế ở Rubizhne, một thị trấn ở vùng Luhansk phía đông do Nga chiếm đóng, giết chết 14 binh sĩ Nga ở đó. Số lượng người bị thương là không rõ.
Ở những nơi khác ở phía đông, Thống đốc Donetsk Pavlo Kyrylenko cho biết 1 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích vào Bakhmut và 8 người khác bị thương. Các trận chiến giành Bakhmut và thị trấn Soledar gần đó vẫn là một trong những trận đẫm máu nhất trên mặt trận, ông Zelensky nói.
Thống đốc Oleh Syniehubov cho biết ở vùng đông bắc Kharkiv, thị trấn Merefa bị tấn công trong đêm, khiến một người thiệt mạng và hai khu định cư khác trong vùng bị pháo kích.
Thiên Đức
Trung Quốc: 2.1 tỷ lượt di chuyển trong dịp Tết, nhiều lần từ chối vắc-xin Mỹ
Nỗi lo sợ bao trùm thế giới khi làn sóng Xuân vận (di chuyển trong dịp tết) của người Trung Quốc (từ ngày 7/1 – 15/2) có thể kích hoạt làn sóng lây lan mới của dịch bệnh. Dù vậy, phía Trung Quốc đã nhiều lần từ chối đề xuất viện trợ vắc-xin của Mỹ.
Tết Âm lịch năm 2023 rơi vào ngày 22/1. Nhiều người lo ngại rằng lượng người di chuyển lớn trong dịp tết này sẽ khiến cơn sóng thần dịch bệnh chưa từng có gần đây ở Trung Quốc trở nên dữ dội hơn, đặc biệt ở các vùng nông thôn với điều kiện y tế hạn chế.
Ông Từ Thành Quang (Xu Chengguang), Thứ trưởng Bộ Giao thông của Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 6/1 rằng lưu lượng hành khách trong dịp tết năm nay sẽ đạt 2,095 tỷ lượt người, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ông nói rằng mùa du lịch tết năm nay trùng với cao điểm của dịch bệnh nên thách thức rất lớn. Cơ quan chức năng kêu gọi người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và các nhóm mắc bệnh mãn tính khác “đi lại lành mạnh và hợp lý” để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Washington nhiều lần đề nghị giúp đỡ, Bắc Kinh kiên trì chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin
Một số quan chức Mỹ nói với Bloomberg, Mỹ đã nhiều lần truyền đạt tới Trung Quốc rằng họ sẵn sàng cung cấp vắc-xin mRNA và các hỗ trợ khác thông qua các kênh tư nhân, thậm chí còn đề xuất một phương thức cung cấp vắc-xin gián tiếp nhằm giảm bớt sự nhạy cảm chính trị của Trung Quốc trong việc chấp nhận viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, các quan chức ĐCSTQ lấy lý do chính phủ đã kiểm soát được tình hình và đã từ chối ‘cành ô liu’ từ Mỹ.
Theo báo cáo, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink và Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Laura Rosenberger, trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ, đồng thời đề xuất kiến nghị với phía Trung Quốc thông qua các quan chức và trung gian y tế cộng đồng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ gần đây, rằng Trung Quốc đang thúc đẩy tiến hành các mũi tiêm chủng tăng cường một cách có trật tự, các loại thuốc và thuốc thử xét nghiệm nhìn chung có thể đáp ứng nhu cầu. Trong một cuộc họp báo hôm 5/1, ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, đã phản bác tuyên bố rằng vắc-xin Trung Quốc không hiệu quả.
Cho đến nay, chưa có loại vắc-xin COVID-19 nào do Trung Quốc sản xuất được cập nhật để nhắm mục tiêu vào chủng Omicron đột biến, cộng đồng y tế quốc tế cũng cho rằng vắc-xin bất hoạt của Trung Quốc kém hiệu quả hơn nhiều so với vắc xin mRNA do các nước phát triển như Mỹ nghiên cứu sản xuất.
Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng từ chối lời đề nghị cung cấp vắc-xin của Đức và Đài Loan. Sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn bày tỏ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết trong bài phát biểu năm mới, ông Vương Tất Thắng (Wang Bisheng), chỉ huy Trung tâm chỉ huy dịch bệnh của Đài Loan, cho biết vào ngày 5/1 rằng gần đây, phía Đài Loan một lần nữa đã bày tỏ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ vắc-xin và thuốc cho Trung Quốc, nhưng không nhận được hồi đáp.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Jude Blanchette, chủ tịch Viện nghiên cứu Trung Quốc Freeman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã chỉ trích ĐCSTQ nhấn mạnh vào cái gọi là “ưu việt chế độ”, “Ngay cả khi đối mặt với sự bùng nổ các ca nhiễm mới, Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin, quyết định này chắc chắn sẽ dẫn đến những cái chết không cần thiết.”
Mỹ tăng cường kiểm tra sân bay nội địa
Bắt đầu từ ngày 5/1, Mỹ yêu cầu du khách đến Mỹ từ Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao phải qua bước xét nghiệm virus corona mới trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành và xuất trình giấy chứng nhận âm tính trước khi lên máy bay.
Ngoài ra, CDC Mỹ cũng tăng cường xét nghiệm tự nguyện cho hành khách tại các sân bay nội địa do thông tin liên quan từ Trung Quốc là không đầy đủ và minh bạch. Bà Katelyn Jetelina, nhà tư vấn và nhà dịch tễ học của CDC Mỹ, nói với hãng tin AP rằng: “Chúng tôi không thể kiểm soát những gì đang xảy ra ở nơi khác. Những gì chúng tôi có thể kiểm soát là những gì đang xảy ra ở Mỹ.”
Cho đến nay, 7 sân bay ở Newark, Los Angeles, San Francisco, Seattle, JFK ở New York, Dulles ở Washington, D.C. và Atlanta đã tham gia vào hệ thống cảnh báo sớm của CDC Mỹ để phát hiện các biến thể mới của virus. Hệ thống bắt đầu hoạt động hơn một năm trước khi biến thể Omicron bắt đầu xuất hiện tại Mỹ. Kể từ khi các ca nhiễm bệnh gia tăng ở Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, hệ thống này đã mở rộng để bao phủ khoảng 500 chuyến bay từ ít nhất 30 quốc gia, hơn một nửa trong số đó là từ Trung Quốc và các vùng lân cận.
CDC Mỹ cho rằng dự án có thể phát hiện các biến thể virus corona mới sớm nhất có thể. Dự án đã phát hiện các biến thể BA.2 và BA.3 của Omicron và báo cáo chúng cho cơ sở dữ liệu toàn cầu sớm hơn các dự án khác vài tuần. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng quy mô giám sát 7 sân bay trên là không đủ để phát hiện các chủng biến thể.
Ước tính rằng khoảng 10% hành khách sẽ thực hiện xét nghiệm tự nguyện và CDC sẽ thu thập mẫu của họ để xét nghiệm axit nucleic (PCR), trong đó các mẫu dương tính sẽ được giải trình tự gen và sẽ phân phát bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 tại nhà miễn phí cho tình nguyện viên.
Một số nhà nghiên cứu đang kêu gọi bước tiếp theo là mở rộng việc sử dụng một chiến lược phòng chống dịch bệnh bổ sung: Kiểm tra sàng lọc nước thải nhà vệ sinh máy bay đến các sân bay, để có thể nắm được thông tin trực tiếp về việc liệu các biến thể virus mới có xuất hiện hay không.
Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái trên tạp chí Môi trường Quốc tế (Environment International) lập luận rằng xét nghiệm nước thải máy bay “có thể cung cấp một công cụ hiệu quả bổ sung”, để theo dõi virus xâm nhập vào một quốc gia. Gần đây, Canada cũng tuyên bố mở rộng dự án thí điểm kiểm tra nước thải, Bỉ cho biết sẽ kiểm tra nước thải từ các chuyến bay từ Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu cho rằng dịch bệnh hiện nay ở Trung Quốc là do biến thể BF.7 của Omicron, rất giỏi trốn tránh khả năng miễn dịch. Theo dữ liệu của CDC Mỹ, biến thể BF.7 chiếm khoảng 2% trong khi biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron chiếm hơn 40% các ca nhiễm ở Mỹ. Các nhà nghiên cứu đang chú ý đến việc liệu XBB có xuất hiện với số lượng lớn ở Trung Quốc hay không, và tác động toàn cầu của nó.
Đài Loan phát hiện du khách Trung Quốc mang 3 chủng đột biến, 8% du khách Trung Quốc đến Nhật Bản dương tính
Cho đến nay, ít nhất 14 quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Malaysia và Ấn Độ, đã bắt đầu nâng cấp các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi nhập cảnh.
Theo Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, bắt đầu từ ngày 1/1, Đài Loan sẽ thực hiện xét nghiệm PCR nước bọt của hành khách trên 4 chuyến bay thẳng từ Trung Quốc trong vòng 1 tháng. Người phát ngôn Trung tâm chỉ huy dịch bệnh Đài Loan, ông Trang Nhân Tường cho biết việc giải trình tự gen của các trường hợp được xác nhận lây nhiễm trong ngày đầu tiên nhập cảnh đã hoàn tất và đã tìm thấy 3 chủng đột biến là BA.5.2, BF.7 và một phần nhỏ của BA.5.1.
Trung này thông báo, ngoài việc duy trì chính sách hiện tại không cho mở cửa đối với khách du lịch Trung Quốc đến Đài Loan, “Chuyên án Tăng cường kiểm dịch đối với hành khách đi máy bay Trung Quốc” sẽ được triển khai vào tháng 1, nhắm mục tiêu đến hành khách đi 4 chuyến bay trực tiếp từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô và Hạ Môn, cũng như Kim Mã – Tiểu Tam Thông, khi nhập cảnh vào Đài Loan, tại sân bay hoặc cảng phải kiểm tra PCR nước bọt để phát hiện chủng đột biến tại Trung Quốc.
Từ ngày 1/1 đến ngày 4/1, Đài Loan đã tiến hành 3.999 xét nghiệm PCR nước bọt, trong đó có 825 kết quả dương tính, chiếm khoảng 20%.
Ngày 6/1, Kyodo News dẫn lời Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 5/1, có 4.895 người đã được xét nghiệm và 408 người trong số đó có kết quả dương tính, chiếm khoảng 8%.
Từ ngày 30/12 năm ngoái, Nhật Bản đã triển khai xét nghiệm nhập cảnh đối với hành khách Trung Quốc, bao gồm cả những người có lịch sử đến Trung Quốc trong vòng 7 ngày, đồng thời tiến hành phân tích bộ gen của virus. Những người dương tính cần ở lại các cơ sở được chỉ định trong 7 ngày, và 5 ngày đối với những người không có triệu chứng.
Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 8/1 khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp như yêu cầu hành khách bay thẳng từ Trung Quốc phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Tiêu Nhiên, Vision Times
Thụy Điển nói không thể đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia nhập NATO
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đòi hỏi quá nhiều, nhưng ông tin rằng Ankara sẽ chấp thuận đề nghị gia nhập NATO.
Thủ tướng Thụy Điển cho biết nước này tự tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấp thuận đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO, nhưng họ sẽ không đáp ứng tất cả các điều kiện mà Ankara đặt ra.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận rằng chúng tôi đã làm những gì chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ làm, nhưng họ cũng nói rằng họ muốn những thứ mà chúng tôi không thể hoặc không muốn [thực hiện] cho họ”, Thủ tướng Ulf Kristersson cho biết hôm Chủ nhật trong một hội nghị an ninh.
Phần Lan và Thụy Điển đã ký một thỏa thuận ba bên với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022 nhằm đạt được sự ủng hộ của Ankara về tư cách thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hai quốc gia Bắc Âu này đã nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự vào tháng 5 nhằm phản ứng đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào năm ngoái. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối tư cách thành viên của họ và cáo buộc các quốc gia này chứa chấp phiến quân người Kurd.
Ankara cho biết sẽ từ chối chấp thuận tư cách thành viên của hai nước cho đến khi cả hai thực hiện các bước được yêu cầu, bao gồm cả việc tham gia cùng Thổ Nhĩ Kỳ để chiến đấu chống lại Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu chỉ định là nhóm “khủng bố”. Trong khi đó, Thụy Điển có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng người Kurd.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang yêu cầu dẫn độ những người mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là “khủng bố”.
Vào tháng 12, Tòa án tối cao của Thụy Điển đã chặn việc dẫn độ nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ lưu vong Bulent Kenes, vốn là một trong những yêu cầu chính của Ankara để phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Stockholm. Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc ông Kenes có liên quan đến một nỗ lực năm 2016 nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong một cuộc đảo chính.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm cách dẫn độ 33 chiến binh người Kurd và những người tình nghi đối với âm mưu đảo chính từ Thụy Điển và Phần Lan.
Vào cuối tháng 12, Thổ Nhĩ Kỳ đã ca ngợi Thụy Điển vì đã giải quyết các mối lo ngại về an ninh của họ, nhưng nhấn mạnh rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để giành được sự ủng hộ hoàn toàn của Ankara.
Hiện tại, chỉ có Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số 30 quốc gia thành viên NATO chưa chấp thuận đơn của cả hai nước.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết quốc hội sẽ sớm phê chuẩn đề nghị gia nhập của cả Phần Lan và Thụy Điển. Nếu như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành rào cản duy nhất hai nước phải vượt qua.
Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết ông hy vọng Thụy Điển và Phần Lan sẽ tham gia liên minh sớm nhất là trong năm nay, thừa nhận rằng quyết định phụ thuộc vào quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Lê Vy