Tin thế giới sáng thứ Ba: Các học viện khoa học hàng đầu của TQ mất đi nhiều chuyên gia vì COVID

Ukraina: Hơn 110,000 binh sĩ Nga thiệt mạng

Ảnh: Getty Images.

Ukraina cho biết, tổng cộng đã có 111,170 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược nước này vào ngày 24/2 năm ngoái.

Trong báo cáo bản cập công bố ngày 8/1, Bộ Tổng tham mưu Ukraina cũng cho biết, chỉ riêng ngày 7/1 đã có thêm 430 binh sĩ Nga thiệt mạng.

Báo cáo của Ukraina cũng cho biết quân Nga đã mất thêm 3 xe tăng và 3 hệ thống pháo nữa.

Số liệu do Ukraina công bố thường cao hơn ước tính của phương Tây.

Như đã đưa tin ở trên, Ukraina ngày 8/1 cho biết các lực lượng của Nga đã nối lại các cuộc tấn công vào Ukraina.

Bộ Quốc phòng Ukraina cho biết Nga đã phóng 9 tên lửa và thực hiện 3 cuộc không kích. Trong đợt tấn công này, các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraina đã bị phá hủy.

Huệ Liên

Trung Quốc: Các học viện khoa học hàng đầu mất đi nhiều chuyên gia vì COVID

Trung Quốc: Các học viện khoa học hàng đầu mất đi nhiều chuyên gia vì COVID
Các nhân viên y tế đưa một bệnh nhân đến một phòng khám sốt ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 09/12/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Những người có sự nghiệp nổi bật phần nhiều đã phải chịu đựng cuộc bức hại của ĐCSTQ

Khi Trung Quốc quay cuồng với một đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn sau khi dỡ bỏ các chính sách zero COVID hồi đầu tháng Mười Hai (2022), danh sách cáo phó ngày càng dài đều là những tinh anh trong giới khoa học gia Trung Quốc.

Từ ngày 15 đến ngày 28/12/2022, mười lăm viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE) đã qua đời, tất cả những người này đều là đảng viên của ĐCSTQ. Từ ngày 21 đến ngày 25/12/2022, sáu viện sĩ của Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) đã qua đời. Bên cạnh đó, hôm 29/12/2022, cổng tin tức Sina của Trung Quốc đưa tin “chuyên gia hỏa tiễn” Lý Quân Long (Li Junlong) của Trung Quốc đã qua đời vì COVID-19, hưởng thọ 58 tuổi. Ông Lý là giám đốc phụ trách kỹ thuật của một mô hình hỏa tiễn tại Học viện Khoa học Hàng không Vũ trụ Số hai của Trung Quốc.

Như nhà văn tự do Chư Cát Minh Dương đã nói với The Epoch Times hôm 29/12/2022, cuộc sống của một nhà khoa học ở Trung Quốc phải tuân theo ý thích bất chợt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các nhà khoa học có người được vinh danh, cũng có người bị khiển trách, và cuối cùng, ĐCSTQ sẽ công nhận giá trị của họ dựa trên sự hữu ích của họ đối với ĐCSTQ.

Nhiều nhà khoa học cao cấp của Trung Quốc đã bị bức hại nhiều thập niên trước trong Đại Cách mạng Văn hóa. Bất chấp cuộc bức hại này, sau đó họ vẫn bị buộc phải phục vụ đảng, chưa kể một số người trong số họ thậm chí còn bị tẩy não và làm nhiệm vụ tuyên truyền cho ĐCSTQ.

Theo nhà văn Chư Cát, “Hầu hết các nhà khoa học lớn tuổi ở Trung Quốc đều bị ĐCSTQ bức hại.” Ông nói, hoặc là họ bị buộc phải buông bỏ các nguyên tắc của mình, “hoặc một số người trong số họ đã chấp nhận sự tẩy não của ĐCSTQ, tự nguyện phục vụ cho ĐCSTQ và giúp cải thiện hình ảnh của ĐCSTQ.”

Các bản tin cáo phó từ các cơ quan khoa học hàng đầu của Trung Quốc đánh dấu một kết cục đáng buồn cho những người đã dành cả cuộc đời để phụng sự ĐCSTQ.

Ông Trương Hữu Thượng: Nhà sinh vật học từng theo học tại Đại học Cambridge

Ông Trương Hữu Thượng (Zhang Youshang), cựu phó giám đốc Viện Hóa sinh Thượng Hải kiêm cựu giám đốc Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử Trọng điểm của Nhà nước thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, đã qua đời vào ngày 23/12/2022, theo một cáo phó của Trung tâm Xuất sắc và Đổi mới trong Khoa học Phân tử và Tế bào thuộc CAS. Ông hưởng thọ 97 tuổi. Bản cáo phó mô tả ông Trương là một đảng viên ưu tú.

Cuộc đời của ông Trương là một ví dụ điển hình về cách ĐCSTQ đối xử với các nhà khoa học. Năm 1964, ông Trương được chính quyền Trung Quốc cử đi nghiên cứu sinh học phân tử tại Đại học Cambridge ở Vương quốc Anh. Để bắt đầu nghiên cứu về tinh thể học tia X sau khi trở về Trung Quốc, ông Trương đã dành hai đến ba tháng thu thập các hình ảnh nhiễu xạ tia X của các tinh thể hình khối vỏ protein của virus khảm thuốc lá và thu được thông tin cấu trúc mới từ những hình ảnh này. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Nature năm 1966, và được thực hiện với ba nhà khoa học người Anh, trong đó có ông Aaron Klug.

Tuy nhiên, ông Trương trở về Trung Quốc đúng lúc Đại Cách mạng Văn hóa đầy bạo lực chuẩn bị diễn ra. Ông đã bị bức hại, và mãi đến năm 1970, ông mới có cơ hội quay trở lại nghiên cứu của mình. Vào tháng 09/1972, ông bị đưa đến các trại lao động trong năm tháng, khiến ông không thể tiếp tục nghiên cứu về protein cơ và protein virus.

Sau Đại Cách mạng Văn hóa, ông Trương đã khôi phục được thanh danh của mình. Ông đã có một sự nghiệp nổi bật, và vào năm 2015, Nhà xuất bản Đại học Giao thông Thượng Hải đã xuất bản cuốn tiểu sử nói về ông, với nhan đề “Tiểu sử của ông Trương Hữu Thượng: Người tiên phong về Insulin.”

Ông Triệu Y Quân: Nhà vật lý lỗi lạc

Là một nhà vật lý lỗi lạc, ông Triệu Y Quân (Zhao Yijun) cũng đã sống một cuộc đời đầy bi thảm dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Hôm 22/12/2022, Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia (NUDT) đã công bố một cáo phó nói rằng ông Triệu Y Quân, một trong những người tiên phong và sáng lập ra tia laser năng lượng cao của Trung Quốc đồng thời là viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, đã qua đời vào ngày 21/12/2022 tại Bắc Kinh, hưởng thọ 92 tuổi.

Đầu những năm 1960, ông Triệu tham gia nghiên cứu lý thuyết về hiện tượng bức xạ nhiệt của vụ nổ hạt nhân và phát triển ba loại thiết bị thử nghiệm. Ông còn tham gia các vụ thử nghiệm nổ nguyên tử lần thứ nhất và lần thứ hai ở Trung Quốc.

Đầu những năm 1960, ĐCSTQ quyết định nghiên cứu phát triển và tiến hành thử nghiệm bom nguyên tử. Đến cuối năm 1968, công trình phân tích các thử nghiệm bức xạ quang học của vụ nổ hạt nhân của ông Triệu đã đạt đến một giai đoạn mới, và ông bắt đầu chuyển sang nghiên cứu cơ sở lý luận về hiện tượng vật lý quả cầu lửa.

Tuy nhiên, mặc dù rất cần mẫn thực hiện nghiên cứu quân sự cho Trung Quốc, nhưng ông Triệu đã bị ĐCSTQ xem là một đặc vụ ngoại quốc và bị bỏ tù trong Đại Cách mạng Văn hóa.

Ông bị gán nhãn là “đặc vụ ngoại quốc” và bị giám sát chặt chẽ. Ông bị giam trong một phòng giam rộng chưa đầy 10 mét vuông (108 foot vuông) với cửa sổ bị che kín. Không có bàn hay giường trong phòng giam này, chỉ có một tấm chiếu trải trên sàn, và họ chỉ cấp cho ông hai miếng bánh mì và một cốc nước mỗi ngày. Ông Triệu đã phải chịu đựng những cuộc thẩm vấn dài vô tận, bị bỏ đói, bôi nhọ nhân cách, và bị tra tấn thể xác.

Mặc dù vậy, ông Triệu vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học của mình và có một sự nghiệp xuất sắc ở Trung Quốc. Ông gia nhập ĐCSTQ vào năm 1984.

Ông Trương Kim Triết: Người tiên phong trong phẫu thuật nhi khoa

Ông Trương Kim Triết (Zhang Jinzhe), một viện sĩ tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, từng là giáo sư tại Trung tâm Y tế Nhi Quốc gia và Bệnh viện Nhi Bắc Kinh, qua đời vào ngày 24/12/2022 ở tuổi 102. Trang Sina ca ngợi ông là người sáng lập ngành phẫu thuật nhi khoa ở Trung Quốc và là một đảng viên ưu tú.

Tuy nhiên, trong Đại Cách mạng Văn hóa, ông Trương bị xem là một đặc vụ ngoại quốc và là một phần tử phản cách mạng. Ông bị bắt và giam cầm dưới tầng hầm của một bệnh viện nhi, nơi ông không được phép đọc sách. Ông buộc phải nhận tội trước một bức tượng của ông Mao Trạch Đông ba đến bốn lần một ngày, mỗi lần nửa giờ. Nhiều người ở trong hoàn cảnh tương tự đã tự sát.

ĐCSTQ thực hiện chiến dịch lôi kéo trí thức trở về Trung Quốc

Trước khi bức hại các nhà khoa học của mình, ĐCSTQ đã tìm mọi cách để lôi kéo những người trí thức từ ngoại quốc trở về Trung Quốc để làm việc cho ĐCSTQ. Nỗ lực này đã nhen nhóm từ trước khi ĐCSTQ lên nắm quyền kiểm soát Trung Quốc vào năm 1949.

Năm 1946, ĐCSTQ đã bí mật lựa chọn một số đảng viên hoạt động ngầm đi du học thông qua các kênh chính thức của Quốc Dân Đảng, vốn đang cai trị Trung Quốc vào thời điểm đó. Các thành viên ngầm nổi tiếng của ĐCSTQ từng được cử đi du học bao gồm nhà hóa học Hầu Tường Lân (Hou Xianglin) và nhà tiên phong điện tử La Phái Lâm (Luo Peilin).

Việc dụ dỗ hồi quốc đối với làn sóng các học giả Trung Quốc từng du học ngoại quốc sau Đệ nhị Thế chiến là rất rõ ràng. Họ có thể trở lại hoặc có thể không quay trở lại Trung Quốc sau khi học xong. Do đó, ĐCSTQ đã bắt tay vào cố gắng thu hút nhân tài Trung Quốc trở lại đại lục.

Trường hợp của ông La Phái Lâm và kỹ sư hàng không Tiền Học Sâm (Qian Xuesen) là minh chứng rõ ràng cho thấy cố gắng này đã rất thành công.

Ông La Phái Lâm gia nhập ĐCSTQ vào năm 1938. Mùa xuân năm 1948, khi mới 35 tuổi, ông La Phái Lâm đã đến Học viện Công nghệ California (Caltech) để học bằng tiến sĩ, ĐCSTQ đã giao cho ông một nhiệm vụ đặc biệt: khuyến khích những nhân tài ưu tú ở hải ngoại trở về Trung Quốc để làm việc cho đảng.

Ông La Phái Lâm đã trở thành bạn thân của nhà khoa học Tiền Học Sâm khi ông Tiền còn học ở Thượng Hải vào đầu những năm 1930. Từ đó, ông Tiền Học Sâm đã trở thành mục tiêu chính của ĐCSTQ.

Vào mùa hè năm 1949, ông Tiền Học Sâm (38 tuổi) chuyển từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đến California để đảm nhận vị trí giám đốc của Phòng thí nghiệm Hàng không Guggenheim tại Caltech, nơi ông lãnh đạo nghiên cứu về các loại hỏa tiễn vũ trụ của Mỹ.

Trong thời gian ông Tiền ở Caltech, hầu như ngày thứ Bảy nào ông La cũng đến nhà ông Tiền. Tình bạn của ông với vị kỹ sư hàng không tài giỏi bậc nhất này sẽ dẫn đến điều được nhiều người xem là bi kịch đối với những nỗ lực khoa học của Mỹ.

Dù cho ông La đã cố gắng thuyết phục, nhưng ông Tiền vẫn tỏ ra không hào hứng với việc trở về Trung Quốc. Trên thực tế, sau khi ĐCSTQ tiếp quản Trung Quốc đại lục vào tháng 10/1949, ông Tiền đã nộp đơn xin nhập tịch lên Sở Di trú Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, FBI đã biết về mối liên hệ giữa ông Tiền và ĐCSTQ, có lẽ là do mối quan hệ của ông với ông La. Vào tháng 07/1950, quân đội Hoa Kỳ đã loại ông khỏi công trình nghiên cứu tối mật. Đơn xin nhập tịch của ông Tiền cũng bị từ chối. Năm năm sau, ông đã bị trục xuất khỏi Mỹ quốc. Ông trở về Trung Quốc, và cuối cùng ông đã giúp ĐCSTQ phát triển hỏa tiễn và phi đạn.

Sập bẫy âm mưu của ĐCSTQ

Vào tháng 02/1956, lãnh đạo Trung Quốc Chu Ân Lai đã đặt mục tiêu đưa ít nhất 1,000 sinh viên quốc tế trở về nước để giúp phát triển Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Từ năm 1949 đến tháng 11/1955, có tới 1,536 trí thức cao cấp trở về từ các nước phương Tây, trong đó có 1,041 người trở về từ Hoa Kỳ.

Trí thức Hoa kiều trở về Trung Quốc với ý định tốt, nhưng thực tế mà họ phải đối diện hoàn toàn trái ngược với mong đợi của họ.

Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến năm 1976 là kỷ nguyên tàn sát đối với Trung Quốc. Nỗ lực của lãnh tụ Cộng sản Mao Trạch Đông nhằm đưa Trung Quốc trở lại chủ nghĩa cộng sản “thuần túy” đã dẫn đến cuộc đàn áp và hành quyết bất kỳ ai được xem là mối đe dọa đối với đảng này.

Các nhà khoa học chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì học thuật và tôn giáo là mục tiêu tấn công chính của cuộc cách mạng này, dẫn đến việc hàng triệu người bị thiệt mạng. Vô số giáo viên và giáo sư trên khắp Trung Quốc đã bị tấn công.

Các phương pháp bức hại phổ biến bao gồm bêu rếu sỉ nhục trước công chúng cũng như tra tấn công khai. Nhiều khoa học gia và trí thức đã bị sát hại hoặc tự sát.

Thống kê cho thấy trong Đại Cách mạng Văn hóa, tám nhà khoa học trở về từ Hoa Kỳ vào những năm 1950 đã tự sát; và có tới 131 trong số 170 nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh đã bị kiểm duyệt và bức hại. Theo hồ sơ chính thức của Trung Quốc, 229 nhà khoa học đã qua đời hoặc tự kết liễu sinh mạng trong giai đoạn này.

Cô Jenny Li đã viết bài cho The Epoch Times từ năm 2010. Cô đã đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, nhân quyền, và quan hệ giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc. Cô đã phỏng vấn sâu rộng các học giả, kinh tế gia, luật sư, và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ở Trung Quốc và hải ngoại.

Hồng Ân biên dịch

Giá dầu tăng khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Các bể chứa dầu ngoại ô Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (ảnh: Bloomberg).

Do nhu cầu lạc quan khi Trung Quốc quyết định dỡ bỏ các hạn chế COVID-19, giá dầu tăng vào thứ Hai (09/01) đã thúc đẩy hy vọng phục hồi hoạt động kinh tế tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới này.

Dầu thô Brent chuẩn quốc tế được giao dịch ở mức gần 80 USD/thùng lúc 09:53 giờ địa phương vào cùng ngày, tăng gần 1,4% so với giá đóng cửa trong phiên giao dịch trước đó.

Giá tăng được thúc đẩy bởi hy vọng nhu cầu tăng khi Trung Quốc dỡ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan đến virus mặc dù số ca nhiễm trên cả nước vẫn gia tăng.

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng động thái này có thể kìm hãm hoạt động kinh tế trong nước, tuy nhiên, Trung Quốc đã tìm cách hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của mình, vốn chuyển thành thị trường dầu mỏ khi nhu cầu cao hơn.

Giá dầu theo chỉ số đồng đô la cũng có dấu hiệu tích cực khi hy vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất nhỏ hơn gây áp lực lên đồng đô la.

Chỉ số đô la Mỹ, đo lường giá trị của đồng đô la Mỹ so với rổ tiền tệ chính trên thế giới, bao gồm đồng yên Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ, giảm 0,28% xuống còn khoảng 103 về giá trị.

Huệ Liên

Ủy ban đặc trách vấn đề Trung Quốc có ‘kế hoạch cứng rắn’ chống lại ĐCSTQ

Dân biểu Mike Gallagher.

Ban lãnh đạo của Ủy ban Đặc biệt mới của Hạ viện Mỹ về Vấn đề Trung Quốc do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã sẵn sàng theo đuổi một nghị trình cứng rắn nhằm chống lại ảnh hưởng của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Dân biểu Mike Gallagher (một thành viên của Đảng Cộng Hòa, đại diện cho tiểu bang Wisconsin), người dự kiến ​​sẽ lãnh đạo ủy ban này, nói rằng ông rất mong chờ được bắt đầu quá trình này.

Trao đổi với NTD, ông Gallagher nói: “Chúng tôi có một kế hoạch rất cứng rắn mà chúng tôi đã sẵn sàng khai triển nhưng chúng tôi không thể tiến hành cho đến khi ủy ban này được thành lập và đến khi chúng tôi có các thành viên trong ủy ban đó”.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa gần đây đã tuyên bố họ sẽ thành lập một Ủy ban Đặc biệt mới về Vấn đề Trung Quốc để chống lại các mối đe dọa từ nhà cầm quyền này.

Vào thời điểm đó, Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện đương nhiệm Kevin McCarthy đã chọn ông Gallagher làm chủ tịch ủy ban, dựa trên kinh nghiệm của ông với tư cách là một thành viên của Thủy quân Lục chiến và sự cống hiến của ông trong việc củng cố quân đội quốc gia.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc là mối đe dọa địa chính trị lớn nhất trong cuộc đời của chúng ta,” ông McCarthy nói trong một tuyên bố vào thời điểm đó. “Chúng ta cần một cách tiếp cận toàn chính phủ dựa trên nỗ lực của Lực lượng Đặc nhiệm về Trung Quốc do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo và bảo đảm rằng nước Mỹ sẵn sàng giải quyết các thách thức kinh tế và an ninh do ĐCSTQ đặt ra.”

Ủy ban Đặc biệt mới của Hạ viện về Vấn đề Trung Quốc được xây dựng nhằm mục đích kiềm chế ảnh hưởng ác ý của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn cai trị Trung Quốc như một quốc gia độc đảng, và đang tham gia vào một nỗ lực toàn xã hội nhằm thay thế vị trí lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ.

Các chuyên gia quốc phòng và an ninh nói rằng ĐCSTQ đã áp dụng một học thuyết chiến lược là “siêu hạn chiến” (hay chiến tranh không giới hạn), qua đó chế độ này nhắm đến việc đạt được các mục tiêu quân sự thông qua ngoại giao, kinh tế, công nghệ, và các phương tiện khác.

Hơn nữa, Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2022 của Ngũ Giác Đài cho thấy ĐCSTQ đang phát triển quân đội để giành chiến thắng trong một cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ. Báo cáo đó cũng cho thấy rằng chế độ này đang tìm cách chiếm giữ Đài Loan, đẩy các lực lượng Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thay thế Hoa Kỳ trở thành bá chủ thế giới.

Do đó, ông Gallagher tuyên bố rằng mặc dù ủy ban mới này do Đảng Cộng Hòa thành lập, nhưng cơ quan này sẽ xây dựng một mặt trận thống nhất và lưỡng đảng để chống lại hành động gây hấn của chế độ Bắc Kinh và bảo vệ lợi ích của Mỹ khỏi các âm mưu của ĐCSTQ.

Huệ Liên

Chuyên gia dịch tễ lý giải bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng ở Trung Quốc

Chuyên gia dịch tễ Trung Quốc Trương Văn Hồng đã xác nhận ông cũng từng bị nhiễm COVID-19 chủng Omicron. (Ảnh chụp màn hình video)

Báo mạng Phượng Hoàng (iFeng – Hồng Kông) hôm 5/1 đưa tin, ông Trương Văn Hồng – Trưởng Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, gần đây khi đào tạo các bác sĩ ở quận Mẫn Hằng đã có phân tích về lý do bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng trên toàn Trung Quốc.

Ông Trương cho biết lượng lớn bệnh nhân đổ xô đến các bệnh viện cấp 2 và cấp 3 khiến không còn giường bệnh trống, nguyên do vì phương án điều trị trước đó không tối ưu, hầu hết các trường hợp điều trị tại bệnh viện cộng đồng tuyến dưới đều không hiệu quả, nhiều bệnh nhân sau khi dùng thuốc không cải thiện lại đến các bệnh viện lớn. Nhưng điều trị ở các bệnh viện lớn cũng không giúp ích bao nhiêu, nhiều bệnh nhân sau khi nhập viện tỷ lệ thuyên giảm thấp, thậm chí tình trạng còn nặng hơn, cuối cùng dẫn đến tử vong. Bệnh nhân nội trú không thể hồi phục trong một thời gian dài, điều này đương nhiên dẫn đến việc quá tải.

Chuyên gia này cho hay, nhiều người cao tuổi sau khi uống thuốc thấy các triệu chứng không thuyên giảm, sau khi đưa vào bệnh viện tuyến trên cũng chỉ để truyền nước biển và hít thở oxy, cuối cùng các triệu chứng viêm phổi vẫn như cũ và dẫn đến tử vong. Trong khi nhiều trường hợp bệnh nhân cải thiện sau khi dùng kháng sinh không phải do tác dụng của thuốc, mà là do sức chịu của cơ thể.

Ông cũng cho biết đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao như người cao tuổi, điều quan trọng nhất là sử dụng thuốc kháng virus trong vòng 72 tiếng kể từ khi bệnh khởi phát, chẳng hạn như Paxlovid…; thứ hai là sử dụng nội tiết tố (hormone), mặc dù thường cho rằng nội tiết tố sẽ dẫn đến giảm khả năng miễn dịch, nhưng thực tế lâm sàng đã chứng minh hầu hết bệnh nhân có thể thuyên giảm trong vòng 72 tiếng bằng cách sử dụng thuốc kháng virus cộng với nội tiết tố.

Hiện nay hệ thống bệnh viện công Trung Quốc thường kê đơn 4 loại thuốc cho bệnh nhân COVID-19 là thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh, thuốc ho và thuốc đông y, đây là những loại thuốc nhằm làm bệnh thuyên giảm sau 72 tiếng, các loại thuốc này không phải thuốc chuyên trị virus.

Vì phòng bệnh tại hệ thống bệnh viện cấp cao ở Thượng Hải hiện đã bão hòa, ông Trương Văn Hồng đề xuất rằng “nên tăng thêm chức năng cho các bệnh viện cộng đồng [trong chữa trị bệnh nhân COVID-19], mấu chốt là ổn định bệnh nhân trong vòng 72 giờ, tránh bỏ lỡ giai đoạn 72 giờ vàng, tránh để bệnh nhân đổ dồn về các bệnh viện lớn gây ra tình trạng chen chúc, khi người bệnh không thể đưa vào là đồng nghĩa chờ chết, phải ngăn thực trạng cho mọi người tập trung cùng chết”.

Số người nhiễm COVID-19 ở nhiều thành phố lớn có thể lên đến 80%

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ vào ngày 29/12/2022, ông Trương Văn Hồng cho biết Thượng Hải đã đạt đỉnh điểm lây nhiễm kể từ ngày 22/12. Theo ước tính, số ca nhiễm hiện tại là hàng chục triệu. Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc là rất cao, giả sử 0,5% trong số 10 triệu người nhiễm bệnh ở Thượng Hải cần nhập viện thì có nghĩa là trong vài tuần tới có 50.000 người cần nhập viện, trong số đó có nhiều người bệnh nguy kịch cần hỗ trợ hô hấp.

Khi Tết Nguyên đán cận kề, ông Trương cho biết làn sóng dịch bệnh này ở Trung Quốc sẽ khiến tỷ lệ lây nhiễm ở nhiều thành phố lớn vượt quá 50% dân số, và vào Tết Nguyên đán số người đã và đang bị COVID-19 có thể lên đến 80%. Về tình hình của các chủng virus, ông Trương cho biết các chủng chính hiện nay là BA.5 và BF.7, tỷ lệ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong rất gần với Omicron thế hệ đầu tiên. Tuy nhiên, truyền thông không đề cập đến dữ liệu cụ thể về tỷ lệ trường hợp nghiêm trọng.

Cùng quan điểm, nhà khoa học Tằng Quang (Zeng Guang) – cựu Trưởng Ban dịch tễ tại CDC Trung Quốc, mới đây cũng cho biết làn sóng dịch bệnh này đang tiến triển nhanh hơn dự kiến. Ông ước tính số người ở Bắc Kinh đã và đang nhiễm COVID-19 có thể đã vượt quá 80%, và thậm chí có thể cao hơn.

Trang thông tin mạng Toutiao tại Trung Quốc đã đăng một bài báo vào ngày 30/12 năm ngoái, chỉ ra rằng dựa trên dân số thường trú của Bắc Kinh là khoảng 22 triệu người thì tỷ lệ 80% số người nhiễm bệnh sẽ là 17,6 triệu người, như vậy riêng ở Bắc Kinh đã gần 18 triệu người đã và đang nhiễm COVID-19.

Hiện nay Trung Quốc Đại Lục không còn xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn, Chính phủ cũng chưa thành lập nền tảng báo cáo tự xét nghiệm kháng nguyên nên có thể nói gần như không có dữ liệu thống kê chính xác, cộng đồng quốc tế khó có thể nắm bắt được toàn cảnh và hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này.

Tiểu Quỳ, Vision Times

Related posts