Ngày 8/1, Trung Quốc dỡ bỏ kiểm soát biên giới và nhiều sân bay đông đúc trở lại. Ngày hôm sau, hàng dài người xếp hàng bên ngoài Cục Di dân Bắc Kinh để gia hạn hộ chiếu chuẩn bị ra nước ngoài. Nhưng trên thực tế, các chuyến bay quốc tế từ Trung Quốc lại rất ít.
Ngày 9/1, trong số hơn 100 người xếp hàng có ông Yang Jianguo, một người về hưu 67 tuổi, đang đợi để gia hạn hộ chiếu. Ông nói với Reuters rằng, ông dự định tới Mỹ vì đã không gặp con gái trong 3 năm.
“Con bé đã kết hôn năm ngoái, nhưng phải hoãn lễ cưới vì chúng tôi không thể đến dự đám cưới. Chúng tôi rất vui vì bây giờ có thể đi”, ông Yang nói.
Trong khi Bắc Kinh đã xóa bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với khách du lịch, các chuyến bay quốc tế vẫn rất khan hiếm và nhiều quốc gia đã yêu cầu xét nghiệm âm tính đối với hành khách đến từ Trung Quốc.
CCTV ngày 8/1 đưa tin, một chuyến bay thẳng từ Hàn Quốc đến Trung Quốc gần như đã được bán hết vé. Sau đó, thông tin này đã nhanh chóng đứng đầu danh sách được đọc nhiều nhất trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Trong ngắn hạn, do lượng chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc bị hạn chế nên nhu cầu của khách du lịch cũng sẽ gặp trở ngại. Số chuyến bay hiện giờ chỉ bằng một phần nhỏ so với mức trước COVID.
Theo số liệu từ Flight Master, trong ngày 8/1 có 245 chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc, giảm 91% so với cùng ngày năm 2019 (2.546 chuyến).
Chính phủ Trung Quốc cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 2 tỷ lượt người di chuyển trong mùa du lịch Tết Nguyên đán này, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái và phục hồi tới 70% so với mức của năm 2019. Theo dự đoán, nhiều người Trung Quốc sẽ chọn đi du lịch nước ngoài.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng, tình hình du lịch sẽ không nhanh chóng phục hồi về mức trước đại dịch do nhiều yếu tố, ví như thiếu các chuyến bay quốc tế.
Người tiêu dùng Trung Quốc giảm sức mua
Ngoài ra, do các chính sách COVID của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá hoại nặng nề nền kinh tế, có thể phải mất một thời gian người tiêu dùng Trung Quốc mới thực sự chi tiêu trở lại.
Dữ liệu chính thức cho thấy, tính đến tháng 11, doanh số bán lẻ năm 2022 tại Trung Quốc đã giảm nhẹ. Kể từ khi đại dịch bắt đầu gần ba năm trước, tiêu dùng đã tụt lại so với tăng trưởng kinh tế nói chung.
Ông Derek Deng, đối tác của công ty tư vấn toàn cầu Bain (chi nhánh Thượng Hải), tỏ ra thận trọng về những kỳ vọng trong năm tới. “Hy vọng rằng ít nhất chúng ta có thể quay trở lại mức như trong quý đầu tiên của năm 2022,” ông nói, đồng thời lưu ý rằng đó là trước khi Thượng Hải bị phong tỏa.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong ba tháng đầu năm 2022 tăng khoảng 3,3% so với một năm trước đó, nhưng đã chậm lại và giảm khoảng 0,7% trong nửa đầu năm, theo Wind Information – công ty hàng đầu về dịch vụ phần mềm tài chính có trụ sở tại Thượng Hải.
Ông Deng cũng chỉ ra những lo ngại về làn sóng COVID thứ hai, tình hình địa chính trị bất ổn và biến thể phụ XBB của Omicron – loại rất dễ lây lan.
“Tôi cho rằng nó cũng ảnh hưởng đến cách nhìn của mọi người về thu nhập khả dụng của họ, hoặc liệu họ có cần tiết kiệm để vượt qua tất cả sự bất ổn định này hay không”, ông nói. Theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương), mức độ sẵn sàng tiết kiệm của người tiêu dùng Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.
Ông Deng cũng đang theo dõi xem liệu người tiêu dùng có bắt đầu ra ngoài chi tiêu nhiều hơn hay không. Ông cho biết, khoảng 56% người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tiêu trong nước trong ba quý đầu năm 2022, điều này ngược lại với xu hướng trước đại dịch.
Chen Xin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu giao thông và hưu nhàn Trung Quốc tại UBS Securities, dự đoán rằng khả năng người Trung Quốc du lịch nước ngoài sẽ không tăng cho đến khoảng kỳ nghỉ lễ tiếp theo vào đầu tháng Tư.
Theo NTD tiếng Trung
Đông Phương biên dịch