Huệ Liên
Chỉ một ngày sau khi chính quyền Trung Quốc chấm dứt chính sách “zero-covid” trong công tác phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói với các phóng viên ngay sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế rằng, Trung Quốc sẽ thúc đẩy đối ngoại cởi mở ở cấp độ cao và chào đón nhiều doanh nhân nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc.
Sau đó, ông Tần Cương, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ lúc bấy giờ đã lặp lại thông điệp trên trong một bài báo có tiêu đề “Cách nhìn của Trung Quốc đối với thế giới”, đăng trên tạp chí “lợi ích quốc gia” vào ngày 27 tháng 12. Ông Tần bảo đảm với độc giả rằng “Sự phát triển của Trung Quốc có nghĩa là trở thành một lực lượng hòa bình cường đại hơn, chứ không phải là một cường quốc đang phát triển sẵn sàng ‘phá vỡ hiện trạng’ như một số người nói”.
Đại sứ cũng cảnh báo rằng, nếu mọi người chọn nhìn thế giới từ góc độ ‘dân chủ và chuyên quyền’, họ sẽ nghênh đón một thế giới chia rẽ, cạnh tranh và xung đột, còn “nếu họ coi thế giới là một cộng đồng, thì họ sẽ lựa chọn cởi mở và hợp tác đôi bên cùng có lợi”. Tại sao chính quyền Trung Quốc lại đề xuất kiểu cởi mở và hợp tác này? Ông Simon Gao đã viết trên tờ “Washington examiner” rằng điều này có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc đang gặp vấn đề lớn, ông Tập Cận Bình đang gửi tín hiệu cầu cứu đến các nước phương Tây, nhưng ông tin rằng các nước phương Tây không nên hỗ trợ Trung Quốc nữa, để tránh bị thiệt hại trong tương lai.
GDP của Trung Quốc năm 2022 chỉ là 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức 5,5% dự kiến và nhiều tổ chức tài chính đang điều chỉnh dự báo về kinh tế Trung Quốc. Goldman Sachs đã rút lại dự báo rằng đến năm 2035, GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ.
Triển vọng ảm đạm đối với nền kinh tế Trung Quốc đã được chứng minh thêm bằng Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, trong đó tóm tắt tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc và xác định các ưu tiên cho công việc kinh tế vào năm 2023. Cuộc họp nêu rõ thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc không chỉ là công tác phòng chống dịch bệnh mà còn là nhu cầu trong nước không đủ. Nhu cầu trong nước liên quan đến tiêu dùng và đầu tư, và những thách thức của Trung Quốc bắt nguồn từ mức tiêu thụ thấp. Từ năm 2018 đến năm 2021, tỷ lệ tiêu dùng của Trung Quốc theo GDP luôn ở mức khoảng 55%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tiêu dùng hơn 80% của Hoa Kỳ.
Mặc dù chính sách “zero-covid” của ông Tập Cận Bình và nỗi sợ lây nhiễm dai dẳng của người dân đã dẫn đến sự suy giảm khả năng chi tiêu, nhưng cốt lõi của vấn đề thực sự là cấu trúc tài sản của người dân Trung Quốc. Diễn đàn Tài chính Trung Quốc 40, một trong những nền tảng cố vấn tài chính nổi tiếng của Trung Quốc, gần đây đã công bố “Báo cáo Cảnh Sơn năm 2022”. Báo cáo cho thấy tài sản ròng của 10% người giàu nhất Trung Quốc chiếm 68% tổng tài sản quốc gia, trong khi 50% những người nghèo nhất chỉ chiếm 6,3% tổng tài sản. Điều này có nghĩa là một nửa dân số Trung Quốc không đủ của cải để mua bất cứ thứ gì khác ngoài nhu yếu phẩm cơ bản và nhiều người chỉ đơn giản là không có đủ tiền để trang trải các chi phí hàng ngày.
Như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói trong một cuộc họp báo tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào ngày 28/5/2020 rằng, Trung Quốc có “600 triệu người có thu nhập trung bình hàng tháng chỉ khoảng 1.000 nhân dân tệ” (tức hơn 3 triệu đồng VN).
Đối mặt với mức tiêu thụ thấp, Trung Quốc chỉ còn một cách cũ để tăng GDP, đó là đầu tư. Trước đây, các khoản đầu tư này chủ yếu tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản. Nhưng với sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản và dư thừa cơ sở hạ tầng, Trung Quốc hiện đang chuyển trọng tâm của những khoản đầu tư đó sang các ngành công nghệ cao, kỹ thuật số và năng lượng mới. Nhưng sự chuyển đổi này sẽ cần thời gian và công nghệ phương Tây để thực hiện.
Thật không may, căng thẳng hiện nay giữa phương Tây và Trung Quốc có thể dẫn đến lệnh cấm vận công nghệ cần thiết của các nước phương Tây và sự suy giảm đầu tư nước ngoài, cả hai điều này sẽ cản trở nghiêm trọng sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần các nước phương Tây hỗ trợ xuất khẩu sản xuất của mình, so với đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản, xuất khẩu sản xuất có thể kiếm được tiền nhanh và đạt được lợi nhuận đáng kể.
Tóm lại, suy thoái kinh tế gần đây của Trung Quốc đã khiến ông Tập Cận Bình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại thị trường xuất khẩu. Hơn nữa xuất khẩu sản xuất là huyết mạch của nền kinh tế Trung Quốc, đó là lý do tại sao ông Tập một lần nữa phát tín hiệu cởi mở trong bối cảnh nhu cầu trong nước trì trệ.