Chuyên gia: Đột biến mới thực sự có thể đã xuất hiện tại Trung Quốc
Chuyên gia Ngô Tôn Hữu (Zunyou Wu), nhà dịch tễ học trưởng tại CDC Trung Quốc, đã thừa nhận rằng trong đợt dịch bệnh đang lan rộng hiện nay thực sự có khả năng đã xuất hiện một chủng COVID-19 đột biến mới.
Mặc dù giới chức Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh rằng dịch bệnh có xu hướng giảm liên tục và đã qua đỉnh dịch, nhưng đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) vẫn đang hoành hành tại Trung Quốc. Số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng vọt.
Trong 3 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, chính quyền đã nhiều lần thực thi các biện pháp ngăn chặn cực đoan, gây ra sự bất bình rộng rãi trong công chúng và các thảm họa thứ cấp ở nhiều nơi.
Trước áp lực của dư luận, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chính thức nới lỏng kiểm soát dịch vào đầu tháng 12/2022, mà không có bất kỳ sự chuẩn bị nào. Kết quả là một đợt dịch bệnh mới đã tấn công Trung Quốc.
Các triệu chứng của nhiều bệnh nhân bị nhiễm COVID nghiêm trọng hơn nhiều so với dự kiến, thậm chí còn xuất hiện hiện tượng phổi trắng. Vì vậy, ngoại giới nghi ngờ liệu có phải chủng COVID ban đầu khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2020 xuất hiện trở lại và lây lan khắp nơi.
Tuy nhiên, giới chức của ĐCSTQ đã chính thức phủ nhận điều này. Kênh truyền thông nhà nước “Tân Hoa Xã” đã dẫn lời ông Hứa Văn Ba, Giám đốc Viện Virus thuộc CDC Trung Quốc, tuyên bố rằng không có chủng đột biến mới nào được tìm thấy ở Trung Quốc, và không tìm thấy sự tái tổ hợp của virus biến thể Delta và virus biến thể Omicron.
Ông Hứa Văn Ba cho biết từ đầu đến cuối tháng 12/2022, 31 phân nhóm virus đã xuất hiện ở Trung Quốc, gồm BQ.1, XBB, đều thuộc các chủng virus biến thể Omicron, và không tìm thấy đột biến gen đặc trưng nào. Trong số đó, tỷ lệ kết hợp của các phân nhóm BA.5.2 và BF.7 vượt quá 80% và 7 phân nhóm khác cũng phổ biến.
Truyền thông nhà nước cũng dẫn lời một số “chuyên gia Trung Quốc” bác bỏ tin đồn, chỉ ra rằng “phổi trắng” là một thuật ngữ thông tục phổ biến, và không phải tất cả các triệu chứng của “phổi trắng” đều là do virus viêm phổi Vũ Hán trực tiếp gây ra, cũng như không đồng nghĩa rằng virus ban đầu đã xuất hiện trở lại.
Ngày 8/1, bà Tiêu Nhã Huy, Giám đốc Sở Y tế thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã nhấn mạnh trên chương trình “Tin tức buổi sáng” của Đài truyền hình Trung Ương (CCTV), rằng những bệnh nhân nhẹ sẽ có một số triệu chứng như ho, sốt và viêm họng, nhưng không có triệu chứng viêm phổi.
Bà cũng chỉ ra rằng theo đánh giá từ việc phân loại các trường hợp lâm sàng của Omicron tại Trung Quốc năm 2022, tỷ lệ viêm phổi vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng 8%.
Về vấn đề này, một số cư dân mạng ước tính: “Dựa trên tỷ lệ lây nhiễm 50%, 700 triệu người bị nhiễm thì sẽ có 56 triệu người bị viêm phổi.”
Cũng có cư dân mạng phàn nàn: “Nhiều người mắc COVID đã không đi khám và điều trị, không chụp cắt lớp vi tính (CT), e rằng dữ liệu đã bị đánh giá thấp một cách nghiêm trọng.”
Một người khác mỉa mai nói: “Chẳng phải những người mắc bệnh nhẹ và không có triệu chứng chiếm 99% sao?”
Trước sự nghi ngờ lan rộng của người dân Đại Lục, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia phương Tây đã đề xuất rằng ĐCSTQ nên tăng cường tính minh bạch, và chia sẻ thông tin liên quan đến virus.
Ông Ngô Tôn Hữu, nhà dịch tễ học trưởng tại CDC Trung Quốc, đã trả lời phỏng vấn độc quyền với chương trình “Tin tức CCTV”. Ông thừa nhận rằng trong số các trường hợp nhiễm COVID ở Trung Quốc, quả thực có khả năng đã xuất hiện một chủng đột biến mới, và cần được theo dõi chặt chẽ.
Ông Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong), Giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Trung Quốc, kiêm Giám đốc Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán, cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc đang chuyển từ đại dịch thành dịch mang tính địa phương cục bộ.
Một số địa phương vừa qua đỉnh dịch, và một số địa phương mới bắt đầu tiến đến đỉnh dịch. Việc hạ cấp các biện pháp phòng chống dịch COVID từ “Chủng B và quản lý cấp A” xuống “Chủng B và quản lý cấp B”, là để chuẩn bị cho đại dịch, nghĩa là số người nhiễm COVID sẽ tăng đáng kể.
Hiện ít nhất hơn 10 quốc gia trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, đã áp đặt kiểm soát xuất nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc.
Trung Quốc đã tạm dừng cấp một số thị thực cho du khách Nhật Bản nhằm đáp trả yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với người dân nước này khi nhập cảnh, theo hãng tin Reuters. Trước đó, Trung Quốc đã có động thái tương tự với những du khách Hàn Quốc.
Bà Jennifer Nuzzo, Giám đốc Trung tâm Đại dịch tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, Hoa Kỳ, tin rằng với quy mô và tính minh bạch của đợt bùng phát COVID hiện tại ở Trung Quốc, các quốc gia trên thế giới đều đang căng thẳng thần kinh, và cố gắng làm chậm quá trình xâm nhập của virus.
Bình Minh
Iran phạt một người Bỉ 74 roi và 40 năm tù vì cáo buộc gián điệp
Iran đã kết án phạt một công dân Bỉ phải chịu 74 roi và 40 năm tù vì tội gián điệp, theo truyền thông nhà nước.
Ông Olivier Vandecasteele, một cựu nhân viên cứu trợ người Bỉ 41 tuổi, đã bị cầm tù từ tháng 2 năm ngoái, phải thụ bản án cùng với khoản tiền phạt 1 triệu đô la cho các cáo buộc liên quan đến cáo buộc gián điệp, theo Al Jazeera.
Bản án được đưa ra sau một phiên tòa kín và phán quyết 12,5 năm cho tội hợp tác với các thế lực thù địch nước ngoài; 12 ,5 năm tù cho tội gián điệp; 12,5 năm cho tội rửa tiền và 2,5 năm cho tội buôn lậu tiền tệ. Công dân Bỉ này bị phán quyết cả 4 tội danh, đồng thời bị buộc tội “hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ thù địch chống lại Cộng hòa Hồi giáo.”
Luật Iran quy định, ông Vandecasteele sẽ đủ điều kiện để được trả tự do sau 12,5 năm. Trang web tư pháp cho biết các bản án có thể được kháng cáo.
Theo các nguồn tin, Tehran cho rằng ông Olivier đến Iran dưới sự bảo trợ của “các nỗ lực nhân đạo với mục đích làm gián điệp cho chính phủ thù địch của Hoa Kỳ và phân phát tiền cho các nhóm hoạt động trong lĩnh vực chống an ninh”, Al Jazeera đưa tin. Ông đã kiên quyết bác bỏ các cáo buộc, và phía Bỉ cũng tuyên bố việc giam giữ công dân này là “bất hợp pháp”.
Al Jazeera còn tiết lộ, những người thân của ông Vandecasteele trước đó cho hay, ông đã tuyệt thực trong thời gian bị giam giữ và sức khỏe của ông đang gặp vấn đề.
Năm ngoái, Bỉ đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng cho công dân tránh xa Iran hoặc rời đi càng sớm càng tốt, nhấn mạnh họ có thể phải đối mặt với sự giam giữ tùy tiện.
Mối quan hệ giữa Bỉ và Iran đã trở nên không mấy tốt đẹp những năm gần đây, sau vụ bắt giữ nhà ngoại giao Iran Asadollah Assadi vào năm 2018 vì cáo buộc ấp ủ kế hoạch đánh bom Pháp. Mối quan hệ này càng trở nên tồi tệ do phương Tây lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình làm rung chuyển Iran sau cái chết của cô Mahsa Amini hồi tháng 9 năm ngoái, người đã bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vì “cố ý coi thường các quy định về trang phục”.
Nhiều nhà phê bình, phần lớn từ phương Tây, đã chỉ trích việc Iran thiếu quy trình hợp pháp và cáo buộc quốc gia giàu dầu mỏ này bắt giữ những người nước ngoài như ông Vandecasteele để làm đòn bẩy chống lại phương Tây. Iran đã bác bỏ hoàn toàn những khẳng định đó.
Nhật Minh
Nga cam kết xây dựng quân đội mạnh hơn khi chiến tranh Ukraine kéo dài
Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã cam kết xây dựng kho vũ khí lớn hơn, tăng cường công nghệ hàng không và cải thiện việc sản xuất máy bay không người lái sau một loạt thất bại trên chiến trường ở Ukraine.
Kể từ khi Tổng thống Putin đưa quân vào Ukraine ngày 24 tháng 2, đội quân hùng mạnh một thời của một cựu siêu cường đã nhiều lần chịu tổn thất lớn bởi quân đội Ukraine với sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu.
Cuộc xung đột đã trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao, giết chết và làm bị thương hàng chục nghìn binh sĩ của cả hai bên cũng như thường dân Ukraine. Nó đang tiếp tục diễn ra mà không có hồi kết và cả hai bên đều đang nỗ lực tái vũ trang nhanh nhất có thể.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu nói với các tướng lĩnh hàng đầu rằng để đổi mới quân đội, họ sẽ phải tính đến kinh nghiệm chiến đấu trong cuộc nội chiến ở Syria – nơi Nga can thiệp vào phe của Tổng thống Bashar al-Assad – và ở Ukraine.
“Chúng ta cần liên tục phân tích và hệ thống hóa kinh nghiệm hành động của các nhóm của chúng ta ở Ukraine và Syria, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình đào tạo nhân sự và kế hoạch cung cấp thiết bị quân sự,” ông Shoigu nói.
Ông Shoigu cho biết Nga sẽ tiếp tục phát triển bộ ba hạt nhân gồm tên lửa đạn đạo, tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược vì những vũ khí như vậy là “sự đảm bảo chính cho chủ quyền của đất nước”.
Về vũ khí thông thường, ông Shoigu đã đưa ra một phân tích rất thẳng thắn về những điểm mà Nga cần cải thiện.
Trước đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã chỉ trích ông Shoigu và nhiều lần đặt câu hỏi tại sao Nga thất bại trong việc thiết lập ưu thế trên không ở Ukraine, tại sao các tướng lĩnh hàng đầu lại mắc những sai lầm chiến thuật nghiêm trọng và tại sao binh lính Nga được gửi vào trận chiến mà không có thiết bị phù hợp, thông tin tình báo hay thậm chí là bộ dụng cụ y tế.
Ông Shoigu cho biết Nga sẽ đặc biệt chú ý đến lực lượng không quân, xây dựng khả năng tấn công tổng thể và cải thiện khả năng chỉ huy, liên lạc và huấn luyện.
Nga sẽ “tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng hàng không vũ trụ – cả về máy bay chiến đấu và máy bay ném bom ở những khu vực có các hệ thống phòng không hiện đại đang hoạt động, cũng như về việc cải tiến các phương tiện bay không người lái”.
Ông nói: “Kế hoạch trước mắt của chúng tôi là mở rộng kho vũ khí tấn công hiện đại. “Chúng ta cần cải thiện hệ thống quản lý và thông tin liên lạc.”
Ông Shoigu cũng cho biết các quân ủy, nơi chịu trách nhiệm tuyển quân, cần phải được hiện đại hóa.
Sau khi ông Putin ra lệnh “tổng động viên một phần” vào ngày 21 tháng 9, lần đầu tiên của Nga kể từ Thế chiến thứ hai, khoảng 300.000 binh sĩ bổ sung đã nhập ngũ, mặc dù hàng trăm nghìn người đàn ông Nga đã trốn ra nước ngoài để tránh bị điều động.
Ngân Hà (theo Reuters)
Hạ viện Mỹ thành lập Ủy ban về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc
Hãng tin Reuters đưa tin, hôm thứ Ba (10/1), Hạ viện Hoa Kỳ đã thành lập một Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ – Trung nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Hôm 10/1, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo 365 phiếu thuận và 65 phiếu chống trong việc thành lập Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ – Trung. Ủy ban này sẽ có nhiệm vụ tìm hiểu các vấn đề trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung và đưa ra khuyến nghị về chính sách, theo tờ Reuters.
Tất cả 65 phiếu chống đều đến từ các đảng viên Đảng Dân chủ. Một số nghị sĩ bày tỏ lo ngại về việc hội đồng mới sẽ quá thiên về Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, 146 đảng viên Đảng Dân chủ khác cũng bỏ phiếu ủng hộ.
Nghị sĩ Dân chủ Jim McGovern, đồng chủ tịch của Ủy ban về Trung Quốc của Quốc hội Mỹ (CECC), một nhóm gồm các thành viên và thượng nghị sĩ Hạ viện nghiên cứu chính sách của Trung Quốc, cho biết, ông sẽ bỏ phiếu để thành lập Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ – Trung, bất chấp lo ngại rằng Ủy ban mới có thể mang tính đảng phái.
“Chúng tôi chắc chắn không muốn biến Ủy ban này thành nơi bài xích tâm lý người châu Á”, ông McGovern nói. Ông cũng trích dẫn luận điệu tương tự trong quá khứ của cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump về việc ông gọi đại dịch Covid-19 là “virus Trung Quốc”.
Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy khẳng định rằng, Ủy ban này sẽ không mang tính đảng phái.
“Bạn có lời hứa của tôi và cam kết của tôi. Đây không phải là một ủy ban đảng phái. Đây sẽ là một ủy ban lưỡng đảng,” McCarthy nói trong bài phát biểu kêu gọi Hạ viện ủng hộ dự luật.
“Tôi cam kết đây không phải một Ủy ban đảng phái mà là một Ủy ban lưỡng đảng”.
Ông cho biết, Ủy ban sẽ giải quyết các vấn đề như đưa việc làm từ Trung Quốc trở lại Hoa Kỳ, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và đưa chuỗi cung ứng trở lại đất nước.
Ngoài những vấn đề đó, Ủy ban này được cho là sẽ giải quyết các bất đồng trong mối quan hệ Mỹ – Trung về thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc; áp lực của Trung Quốc đối với Đài Loan và sự minh bạch của Bắc Kinh trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.
Ủy ban mới sẽ do Dân biểu Cộng hòa Mike Gallagher làm chủ tịch.
Thanh Hải tổng hợp
Triệu Lập Kiên bị giáng chức? Nguyên nhân nghi ngờ do bài đăng nhạy cảm của vợ
Triệu Lập Kiên, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã được điều động sang làm Phó vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương.
Theo tờ Joongang, thông tin về việc chuyển công tác của ông Triệu được trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố vào ngày 9/1 vừa qua.
Nhờ phong cách ngoại giao ‘Chiến lang’, Triệu Lập Kiên trở nên nổi tiếng và được yêu mến bởi các tiểu phấn hồng—những fan hâm mộ trực tuyến của ĐCSTQ.
Việc ông Triệu bị cách chức khiến người dân Trung Quốc nghi ngờ rằng có thể liên quan đến những bình luận của vợ ông trên mạng xã hội.
Vào ngày 19 tháng 12 năm 2022, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát nghiêm trọng ở Trung Quốc, Thang Thiên Như, vợ của ông Triệu, đã đăng một thông điệp tuyệt vọng trên Weibo nói rằng cô không thể mua được thuốc hạ sốt.
Sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Sau đó, cô ấy hỏi tại sao với tư cách là vợ của một quan chức cấp cao, cô ấy không thể lấy được thuốc.
Lời phàn nàn của Thang Thiên Như được coi là rất nhạy cảm, vì nó không khác gì việc cô thừa nhận rằng đại dịch ở Trung Quốc đang nghiêm trọng và thuốc men khan hiếm đến mức ngay cả vợ của một quan chức cấp cao của ĐCSTQ cũng không thể mua được.
ĐCSTQ luôn che giấu tình hình dịch COVID-19 kể từ khi nó bùng phát ở Vũ Hán 3 năm trước. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã chỉ ra rằng dữ liệu về COVID-19 do chính quyền Trung Quốc cung cấp là không đầy đủ, đặc biệt là dữ liệu về số ca tử vong vì căn bệnh này.
Mặc dù Thang Thiên Như đã xóa bài đăng và nói rằng một người hàng xóm đã chia sẻ thuốc hạ sốt cho cô, cư dân mạng tin rằng bài đăng nhạy cảm của cô đã xúc phạm các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, và kết quả là chồng cô đã bị giáng chức.
Liên Thành