World Bank: Kinh tế toàn cầu ‘nguy hiểm cận kề’ với suy thoái
Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 khoảng 1,7%, có thể tiến đến một cuộc suy thoái ‘nguy hiểm’ bởi sự đi xuống của hầu hết các nền kinh tế lớn như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc,… Giá cả tăng (lạm phát), lãi suất ở mức cao, bất ổn địa chính trị là một số yếu tố được cho là tiếp tục ảnh hưởng chính trong năm nay.
Theo World Bank, năm 2023 có thể là năm tăng trưởng thấp thứ 3 trong vòng 30 năm, xếp sau hai cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020.
Nền kinh tế toàn cầu sẽ tiến gần đến một cuộc suy thoái một cách ‘nguy hiểm’ trong năm nay, dẫn đầu bởi sự tăng trưởng yếu hơn ở tất cả các nền kinh tế hàng đầu thế giới: Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Trong một báo cáo thường niên, Ngân hàng Thế giới cho biết họ đã cắt giảm gần một nửa dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, xuống chỉ còn 1,7%, so với dự báo trước đó là 3%.
Ngân hàng Thế giới đã dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 0,5%, sự suy yếu này có thể sẽ gây ra một cơn gió ngược khác cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, ngoài giá cao và lãi suất vay đắt hơn.
Mỹ cũng sẽ vẫn dễ bị gián đoạn chuỗi cung ứng hơn nữa nếu COVID-19 tiếp tục gia tăng hoặc cuộc chiến của Nga ở Ukraine trở nên tồi tệ hơn.
Và châu Âu, từ lâu đã là một nhà xuất khẩu lớn sang Trung Quốc, có thể sẽ phải chịu đựng một nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý rằng lãi suất tăng ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu sẽ thu hút vốn đầu tư từ các nước nghèo hơn, do đó tước đi đầu tư quan trọng trong nước của họ.
Đồng thời, báo cáo cho biết những mức lãi suất cao đó sẽ làm chậm tăng trưởng ở các nước phát triển vào thời điểm Nga xâm lược Ukraine.
“Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm tăng thêm chi phí mới”, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết.
“Triển vọng đặc biệt tàn khốc đối với nhiều nền kinh tế nghèo nhất, nơi việc giảm nghèo đã dừng lại và khả năng tiếp cận điện, phân bón, thực phẩm và vốn có thể sẽ vẫn bị hạn chế trong một thời gian dài”, theo ông Malpass.
Báo cáo được đưa ra sau một dự báo ảm đạm tương tự một tuần trước đó từ Kristina Georgieva, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Bà Georgieva ước tính trên kênh tin tức CBS’s của Mỹ, Face the Nation, rằng một phần ba thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
“Đối với hầu hết nền kinh tế thế giới, đây sẽ là một năm khó khăn, khó khăn hơn năm chúng ta bỏ lại phía sau”, theo bà Georgieva.
Các nhà kinh tế tại JPMorgan đang dự đoán tăng trưởng chậm trong năm nay đối với các nền kinh tế tiên tiến và thế giới nói chung, nhưng họ không mong đợi một cuộc suy thoái toàn cầu.
Tháng trước, ngân hàng JPMorgan đã dự đoán rằng lạm phát chậm lại sẽ củng cố khả năng chi tiêu và tăng trưởng của người tiêu dùng ở Mỹ và các nơi khác.
Trọng Minh, theo AFP
The Washington Post: Ảnh vệ tinh tiết lộ tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc
Hôm 9/1 The Washington Post đưa tin độc quyền, dựa trên hình ảnh vệ tinh của 6 thành phố Trung Quốc cùng video trực tiếp đăng trên mạng xã hội và lời kể của nhân chứng cho thấy, số người chết vì COVID-19 ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với con số do nhà chức trách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố. Điều này làm sâu sắc thêm nghi ngờ về độ tin cậy của Bắc Kinh trong việc công khai thông tin dịch bệnh.
Exclusive: An analysis of satellite images and videos finds a dramatic increase in activity at funeral homes, undermining Chinese claims that less than 40 people died of covid since the “zero covid” restrictions were dropped and infection numbers exploded. https://t.co/0Wv6iJZHwn
— The Washington Post (@washingtonpost) January 9, 2023
Trong một tháng qua, nhà tang lễ Đông Lâm ở Thành Đô đã ngừng tổ chức các lễ truy điệu, theo đó mỗi gia đình chỉ có 2 phút để vĩnh biệt thi hài thân nhân là người quá cố. Một nhà tang lễ ở ngoại ô Bắc Kinh đã nhanh chóng xây dựng một bãi đậu xe mới. Vị trí xếp hàng vào một nhà tang lễ ở Thượng Hải đã bị giới cò dịch vụ tang lễ tận thu tới 300 nhân dân tệ.
Dù vậy, Chính phủ Trung Quốc khẳng định chưa đến 40 người chết vì COVID-19 kể từ ngày 7/12.
Washington Post đưa tin rằng các hình ảnh vệ tinh của 6 thành phố gồm Bắc Kinh, Đường Sơn, Côn Minh, Trình Độ, Nam Kinh và Hồ Châu đã cung cấp bằng chứng rõ ràng về hoạt động tang lễ tăng đột biến so với vài tháng trước và cùng kỳ năm ngoái cũng như so với các nhà tang lễ trên cả nước, bao gồm như số lượng xe tang, hàng dài người dân xếp hàng chờ hỏa táng người thân… Thế nhưng số liệu người tử vong do nhà chức trách của các thành phố này công bố đều ở dạng một con số.
Các hình ảnh khớp với nguồn tin của Washington Post và các bài đăng trên mạng xã hội đã được xác minh.
“Tôi đã làm việc ở đây 6 năm và chưa bao giờ bận rộn như thế này”, một nhân viên lễ tân tại nhà tang lễ Giang Nam ở Trùng Khánh vùng tây nam Trung Quốc mô tả hàng dài xe tang chờ vào nhà trong những ngày gần Giáng sinh. Cô cho hay, “Thùng đông lạnh đã chật kín và toàn bộ 8 lò hỏa táng đều hoạt động 24/24. Điện thoại tôi nhìn chung liên tục đổ chuông”.
Lượng giao thông nhìn từ hình ảnh vệ tinh cũng như các video và ảnh đám đông lớn đang chờ đợi bên trong và bên ngoài nhà tang lễ, cho thấy hoạt động giao thông vượt quá mức được thấy trong các khoảng thời gian tương đương trong năm qua.
Chiếc xe tải đặc biệt thường được sử dụng làm xe tang là một trong những phương tiện dễ nhận ra trong cảnh quay vệ tinh và video được Washington Post xác nhận. Đoạn phim về hàng dài người xếp hàng bên ngoài nhà tang lễ vào ban đêm cho thấy nhiều thành viên trong gia đình đã chờ đợi suốt đêm để sắp xếp cho người quá cố.
Ít nhất 4 nhà tang lễ mà Washington Post liên hệ đã ngừng cung cấp dịch vụ tưởng niệm vì quá tải, họ chỉ cung cấp dịch vụ hỏa táng và lưu trữ hài cốt.
Kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch đến nay, cách chính quyền Trung Quốc tính số người chết vì COVID-19 luôn là vấn đề gây tranh cãi. Kể từ tháng 12 năm ngoái, chỉ những người chết vì suy hô hấp mới được đưa vào thống kê chính thức, bất kể họ có xét nghiệm dương tính với virus hay không. Các quan chức y tế Trung Quốc đã cố gắng trấn an công chúng bằng cách trích dẫn tỷ lệ tử vong thấp (0,1%) của biến thể Omicron. Theo thống kê chính thức của nhà chức trách Trung Quốc, kể từ khi đại dịch bắt đầu đến nay tại Trung Quốc mới có hơn 5.200 người đã chết vì COVID-19.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế dự đoán rằng thực tế hàng ngày số người Trung Quốc Đại Lục chết vì COVID-19 là gần 5.000, đồng thời nhiều mô hình dự đoán rằng vào năm 2023 hơn 1 triệu người ở Trung Quốc sẽ chết vì COVID-19, trong đó người già bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trong 3 năm đại dịch COVID-19 vừa qua, nhà cầm quyền ĐCSTQ thường tự hào về ưu thế thể chế chính trị độc đảng của họ trong cuộc chiến chống lại đại dịch này, nhưng bằng chứng về số người chết theo cấp số nhân được cung cấp bởi hình ảnh vệ tinh nêu trên vạch trần vấn đề tuyên bố của họ.
“Thời kỳ cho đến trước mùa xuân năm 2021 thì ĐCSTQ luôn rất tự hào về các biện pháp kiểm soát COVID-19 của họ, nhưng giờ đây có vẻ như mọi thứ đang sụp đổ, mô hình ứng phó với đại dịch của Trung Quốc đã trở thành trò cười. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo ĐCSTQ mà còn ảnh hưởng đến tính hợp pháp của chính chế độ”, Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho biết.
Bắc Kinh
Ông Tằng Quang (Zeng Guang), cựu nhà dịch tễ trưởng tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, ước tính Bắc Kinh là một trong những thành phố bị thảm họa sớm nhất của làn sóng lây lan COVID-19 này tại Trung Quốc. Theo đó đến cuối tháng 12 Bắc Kinh đã có tới 80% dân số trở lên bị nhiễm virus. Nhiều video cho thấy các bệnh viện ở thủ đô Trung Quốc tràn ngập bệnh nhân, trong đó đa số là người già.
Theo những hình ảnh do Maxar chụp được ngày 24/12 cho thấy, nhà tang lễ ở Thông Châu ngoại ô Bắc Kinh dường như đã xây dựng một bãi đậu xe mới vào khoảng thời gian đó. Kiểm tra các hình ảnh khác do Planet Labs chụp, Washington Post xác định rằng quá trình mở rộng xây dựng này xảy ra vào hoặc sau ngày 22/12. Hai ngày sau, khu vực này của nhà tang lễ đậu hơn 100 xe.
Theo một nguồn tin (hiện đã bị xóa) mà Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh của Trung Quốc công bố, các nhân viên nhà tang lễ đã phải làm việc tăng ca, số trường hợp hỏa táng hàng ngày tăng từ 40 lên 150. Theo ghi nhận của Reuters, trong ngày 21/12, người ta thấy cảnh sát liên tục đến nhà tang lễ để giám sát.
Thượng Hải
Video được quay từ cuối tháng 12 cho thấy cảnh rất đông người bên ngoài hai nhà tang lễ lớn ở trung tâm Thượng Hải.
Một video ban đêm được đăng trên Douyin (phiên bản TikTok tiếng Trung Quốc) vào rạng sáng ngày 28/12 cho thấy, một hàng dài người xếp hàng dài bên ngoài Nhà tang lễ Bảo Hưng. Người đăng tải video lên cho hay người thân và những người làm dịch vụ môi giới tang lễ xếp hàng thay đã xếp hàng chờ hơn 5 tiếng đồng hồ.
Liu nói: “Tôi chưa bao giờ thấy hàng người xếp hàng dài như vậy bên ngoài Bảo Hưng. Các nhà tang lễ lớn của Thượng Hải đã trải qua 18 tháng vắng vẻ, việc xếp hàng dài như vậy chắc chắn là bất thường”.
Đối với anh Shi (27 tuổi) là cư dân Thượng Hải, quá trình tổ chức tang lễ cho người cha (60 tuổi) qua đời vì COVID-19 của anh tại nhà tang lễ Bảo Hưng đặc biệt khó khăn. Cha của anh qua đời tại nhà ngày 21/12, nhưng nhà tang lễ nói rằng sẽ mất 5 ngày để sắp xếp hỏa táng, cho nên trước mắt gia đình phải để thi thể ở nhà.
Để mong sớm hoàn thành tang lễ cho cha, anh Shi bắt đầu xếp hàng từ 9:00 tối hôm trước, nhưng khi anh đến đã có 50 người xếp hàng, anh đợi cả đêm và cuối cùng nhận được số cho cha anh vào lúc 8:00 sáng hôm sau; vài giờ sau, lễ hỏa táng diễn ra ở một địa điểm khác trong cảnh không thành viên gia đình nào được phép tham dự, sau đó anh Shi được thông báo sẽ được nhận tro cốt của cha trong vòng 1-2 tháng.
“Đó chắc chắn là một cú sốc lớn đối với một gia đình bình thường như chúng tôi”, anh nói. Mặc dù khi còn sống cha của anh đã có kết quả dương tính với COVID-19 nhưng nguyên nhân cái chết được liệt kê là “bệnh nền”.
“Đó chẳng phải là trắng trợn dối trá sao?”, anh hỏi.
Côn Minh
So với những hình ảnh được chụp một năm trước, ngày 5/1 bãi đậu xe bên ngoài nhà tang lễ Côn Minh tỉnh Vân Nam đông đúc bất thường với cảnh xe cộ đậu trên đường gần lối vào.
Ngày 28-29/12 có tài khoản trên Douyin đăng ảnh và video ghi lại tình cảnh đông đúc tại nhà tang lễ này, cảnh quay video được ghi cả vào ban ngày và ban đêm.
Một video khác được đăng ngày 2/1 cho thấy những hàng người nối đuôi nhau đi qua một tòa nhà, người đăng tải miêu tả “Đại dịch COVID-19 năm nay. Rất nhiều người đã xếp hàng cả đêm”.
Huwy-min Lucia Liu, giáo sư nhân chủng học tại Đại học George Mason, cho biết: “Những người chờ đợi bên ngoài nhà tang lễ vào ban đêm không đến dự đám tang với tư cách khách mời. Họ có thể là thành viên gia đình của người quá cố hoặc những người môi giới tang lễ đại diện cho gia đình của người quá cố. Họ đang chờ đợi lễ tưởng niệm và hỏa táng được sắp xếp đầu tiên vào buổi sáng. Bình thường không cần xếp hàng, huống chi là vào ban đêm”.
Hàng loạt cáo phó trên cả nước
Trong tháng qua, nhiều cáo phó đã cho thấy số lượng lớn nhân vật nổi tiếng qua đời, nhiều người trong số họ là chuyên gia, học giả và đảng viên ĐCSTQ, nhưng lý do họ qua đời không được phản ánh trong số liệu thống kê của nhà chức trách. Đáng kể trong đó như cựu quan chức ngoại giao từng giúp đàm phán để Hồng Kông trở lại Trung Quốc, người vợ quan chức này nói rằng ông ta đã bị COVID-19; hay như nhà thiết kế linh vật cho Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008 được thông báo qua đời vì “cảm nặng”.
Một số người Trung Quốc dũng cảm đã lên tiếng phê phán chính quyền không nêu sự thật cho truyền thông nước ngoài, bởi vì bản thân họ chứng kiến xung quanh họ rất nhiều người nhiễm COVID-19 và tử vong cho thấy vượt xa con số chính thức mà nhà chức trách tuyên bố.
Trong một cuộc họp báo vào cuối tháng trước, cố vấn cấp cao Liang Wannian nhóm ứng phó COVID-19 của ĐCSTQ cho biết, nhà chức trách chỉ có thể điều tra những trường hợp tử vong sau khi dịch bệnh hiện tại đã qua. Nhà dịch tễ trưởng Wu Zunyou tại CDC Trung Quốc cho biết, trung tâm phân tích tỷ lệ tử vong vượt mức và sẽ công bố kết quả sau. Tuy nhiên người dân Trung Quốc có thể không bao giờ có được câu trả lời thực sự.
Tiêu Nhiên, Vision Times
WHO kêu gọi du khách đeo khẩu trang khi biến thể Omicron mới lan rộng
Nhiều quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo hôm thứ Ba (10/1), các quốc gia nên xem xét khuyến nghị hành khách đeo khẩu trang trên các chuyến bay đường dài, do sự lây lan nhanh chóng của biến thể phụ Omicron mới nhất của COVID-19 tại Hoa Kỳ.
Các quan chức của WHO và châu Âu cho biết trong một cuộc họp báo, tại châu Âu, biến thể phụ XBB.1.5 được phát hiện với số lượng nhỏ nhưng ngày càng tăng.
Bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao về tình trạng khẩn cấp của WHO tại châu Âu cho rằng, hành khách nên đeo khẩu trang ở những nơi có rủi ro cao như các chuyến bay đường dài. “Khuyến nghị này nên được gửi tới hành cho hành khách đến từ bất kỳ nơi nào có sự lây lan rộng rãi của COVID-19,” bà nhấn mạnh.
Theo các quan chức y tế, XBB.1.5 – biến thể phụ Omicron dễ lây truyền nhất được phát hiện cho đến nay – chiếm 27,6% các trường hợp nhiễm COVID-19 tại Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 7/1.
Hiện vẫn chưa rõ liệu XBB.1.5 có gây ra làn sóng lây nhiễm toàn cầu hay không. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn nhận rằng, các loại vắc-xin hiện tại vẫn đủ mạnh để tiếp tục bảo vệ nhằm tránh khỏi các triệu chứng nghiêm trọng, nhập viện và tử vong.
Bà Smallwood nhận định: “Các quốc gia cần xem xét cơ sở bằng chứng để xét nghiệm trước khi khởi hành” và nếu cần thì “các biện pháp nên được thực hiện theo cách không phân biệt đối xử.”
Điều đó không có nghĩa là WHO khuyến nghị tiến hành xét nghiệm đối với hành khách từ Hoa Kỳ vào giai đoạn này, bà nói thêm.
Các biện pháp có thể được thực hiện bao gồm giám sát bộ gen và nhắm mục tiêu vào hành khách từ các quốc gia khác, miễn sao đảm bảo không chuyển hướng nguồn lực từ các hệ thống giám sát trong nước. Ngoài ra, còn cần giám sát nước thải xung quanh các điểm nhập cảnh như sân bay.
Biến thể mới
XBB.1.5 là một hậu duệ khác của Omicron, biến thể dễ lây lan nhất và hiện đang chiếm ưu thế trên toàn cầu. Nó là một nhánh của XBB, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái, bản thân nó là sự tái tổ hợp của hai biến thể phụ Omicron khác.
Những lo ngại về việc XBB.1.5 gây ra một loạt các ca nhiễm mới ở Mỹ và hơn thế nữa đang gia tăng trong bối cảnh COVID bùng phát ở Trung Quốc, sau khi quốc gia này dỡ bỏ chính sách “zero-COVID” hồi tháng trước.
Theo dữ liệu do WHO báo cáo vào đầu tháng này, một phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho thấy biến thể phụ Omicron BA.5.2 và BF.7 đang chiếm ưu thế trong số các ca bệnh tại nước này.
Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) hôm 10/1 cũng đưa ra các khuyến nghị cho các chuyến bay giữa Trung Quốc và Liên minh Châu Âu. Trong đó có “các biện pháp phi dược phẩm để giảm sự lây lan của virus, chẳng hạn như đeo khẩu trang, xét nghiệm khách du lịch, cũng như giám sát nước thải như một công cụ cảnh báo sớm để phát hiện các biến thể mới.”
Hai cơ quan này còn khuyến nghị, có thể xét nghiệm ngẫu nhiên trong số các hành khách và “tăng cường làm sạch và khử trùng máy bay phục vụ các tuyến này”.
Tuần trước, nhóm Ứng phó Khủng hoảng Chính trị Tích hợp (IPCR) của EU, là cơ quan bao gồm các quan chức từ 27 chính phủ của EU, cũng khuyến nghị tất cả hành khách trên các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc nên đeo khẩu trang và xét nghiệm ngẫu nhiên đối với hành khách đến từ Trung Quốc.
Nhiều nhà khoa học – bao gồm cả từ WHO – cho rằng Trung Quốc có khả năng báo cáo giảm nhẹ mức độ bùng phát dịch bệnh thực sự.
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn một chục quốc gia – bao gồm cả Hoa Kỳ – đang yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc.
Minh Ngọc (Theo Reuters)