Tại triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới (CES) được tổ chức tại Mỹ trong 4 ngày, Samsung Electronics lần đầu tiên trưng bày các sản phẩm mới của mình không phải tại triển lãm mà tại một khách sạn gần đó để ngăn bị sao chép.
Các chuyên gia chỉ ra rằng điều này cho thấy sự khoan dung của Samsung đối với hành vi sao chép của ĐCSTQ đã đạt đến giới hạn, và các công ty tiên tiến toàn cầu sẽ tăng cường cảnh giác với ĐCSTQ trong tương lai.
Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) lớn nhất trong 3 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát được tổ chức tại Las Vegas, Mỹ, từ ngày 5 đến ngày 8/1. Theo Hiệp hội Công nghệ Người tiêu dùng (CTA), đơn vị tổ chức CES, hơn 3.000 doanh nghiệp từ 173 quốc gia đã tham gia triển lãm. Số lượng công ty Hàn Quốc tham gia là 550, chỉ đứng sau Mỹ (hơn 1.500 công ty tham gia).
Trong số các nhà triển lãm toàn cầu, Samsung Electronics đã mở gian hàng triển lãm lớn nhất. Tuy nhiên, hình thức của Gian hàng Điện tử Samsung năm nay khác hẳn những năm trước.
Trong phòng triển lãm chính của mình, Samsung đã tập trung vào giới thiệu việc kết nối các sản phẩm của Samsung Electronics và các thiết bị khác nhau để tạo thuận lợi cho cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên lại không thấy TV và thiết bị gia dụng mới ra mắt hàng năm. Những sản phẩm mới này được trưng bày tại khách sạn gần hội chợ.
Theo truyền thông Hàn Quốc Chosun Ilbo, sản phẩm chính TV Micro LED của Samsung Electronics đã được bố trí trong phòng triển lãm riêng của một khách sạn cách địa điểm khoảng 4 km và nó chỉ được trưng bày cho khách hàng và phương tiện truyền thông địa phương.
TV Micro LED được tạo ra bằng cách nhúng dày đặc hàng triệu đèn LED siêu nhỏ (đi-ốt phát sáng) cấp micron (㎛, 1 phần triệu mét) có khả năng tự phát sáng. Chất lượng hình ảnh đứng đầu các TV Samsung, nhưng đắt tiền. Lần này, Samsung đưa ra 7 kích cỡ TV Micro LED từ 50 đến 140 inch, trước đây chỉ có 3 kích cỡ.
Chosun Ilbo cho biết, quyết định rút một sản phẩm chính như vậy của Samsung khỏi địa điểm chính là “thực sự hiếm thấy”.
Một người của Samsung giải thích với giới truyền thông rằng điều này là “để ngăn công nghệ bị đánh cắp”, “Không có gì lạ với tình huống những người từ Trung Quốc và các công ty cạnh tranh khác đến phòng trưng bày để đo độ dày của TV mới nhất, thậm chí còn đo nhiệt độ của màn hình, và sau đó tung ra các sản phẩm giả”.
Hôm 6/1, ông Lee Ji-yong, giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Keimyung (Hàn Quốc), nói với Epoch Times rằng: “Các công ty Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đang sao chép một cách cực kỳ trắng trợn các sản phẩm của người khác, và kết quả là Samsung đã phải chịu rất nhiều thiệt hại. Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng, nếu không thì vì sao Samsung có thể thực hiện các biện pháp như vậy?!”
Ông nói rằng điều đó cho thấy lần này Samsung đã “tỉnh ngộ” và “sự nhẫn nại đối với ĐCSTQ đã đạt đến giới hạn”.
Ông phân tích, “Điều này cho thấy các công ty có công nghệ tiên tiến nhất sẽ cảnh giác hơn với Trung Quốc (ĐCSTQ) trong tương lai. Giờ Samsung đã làm như thế này, dựa vào điều này, các công ty tiên tiến trên thế giới có thể bắt chước cách làm này.”
Ông cũng nói rằng xét về lâu dài, thì điều này “có chỗ tốt cho Trung Quốc”. Vì nếu cứ mãi sao chép công nghệ của người khác, không sáng tạo thì chỉ có thể đi theo người khác. Tuy nhiên, Samsung không cho các công ty Trung Quốc cơ hội sao chép và các công ty Trung Quốc chỉ có thể dựa vào sự phát triển của chính họ, tự phát triển công nghệ của riêng họ. Điều này có lợi cho sự phát triển của các công ty Trung Quốc.
Hàng Trung Quốc sao chép của công ty Hàn Quốc lại tràn vào thị trường
Theo kênh Korea Economic Daily, tại triển lãm CES này, nhân viên của LG Electronics đã đến thăm gian hàng của công ty thiết bị gia dụng Trung Quốc TCL Technology, và phát hiện một chiếc máy chăm sóc quần áo rất giống với máy LG styler của LG Electronics. Hơn nữa, thiết kế của máy giặt và máy sấy bên cạnh máy chăm sóc quần áo, lại khiến người ta liên tưởng đến bộ máy giặt và máy sấy BESPOKE của Samsung.
Ngoài ra, Korea Economic Daily còn cho biết tình trạng tương tự cũng xảy ra tại gian hàng của hãng thiết bị gia dụng Trung Quốc Hisense. Sản phẩm TV (M1) trên gian hàng Hisense có thể được sử dụng làm thư viện khung ảnh để xem các bức tranh nổi tiếng là sản phẩm mới bắt chước sản phẩm “chế độ thư viện” TV do Samsung và LG ra mắt vài năm trước.
Theo dữ liệu của tổ chức nghiên cứu thị trường Omdia dựa trên quý 3 năm ngoái, về doanh số bán TV toàn cầu, Samsung Electronics đứng đầu với 20,2% thị phần và LG Electronics chiếm 12,0% đứng vị trí thứ hai, TCL và Hisense đứng thứ ba và thứ tư với thị phần lần lượt là 11,7% và 10,1%.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, tại triển lãm CES năm nay, sức mạnh của các công ty Trung Quốc không còn lớn như trước. Điều này là do xung đột ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như tác động của dịch bệnh, các công ty thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, Vivo và OPPO đã không tham gia.
Theo đơn vị tổ chức CES, chỉ có khoảng 480 nhà triển lãm Trung Quốc tham gia triển lãm, chiếm 15% tổng số nhà triển lãm. Trước khi dịch bệnh bùng phát, các công ty Trung Quốc chiếm hơn 1/3 triển lãm.
Theo Hoan Tâm, Epoch Times