Chính phủ Trung Quốc đã vội vàng hủy bỏ chính sách zero-COVID vào tháng 12 năm ngoái dẫn đến dịch bệnh lan nhanh khắp Trung Quốc. Các bệnh viện và nhà sản xuất dược phẩm đã không chuẩn bị cho sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm. Nhiều người đang phải vật lộn để mua thuốc kháng virus ở nước ngoài như Paxlovid của Pfizer.
Nhiều người ở Trung Quốc đang tìm đến các loại thuốc kháng virus như Paxlovid của Pfizer, Lagevrio (còn được gọi là Molnupiravir) của Merck, những loại thuốc này được sử dụng không lâu sau khi bệnh nhân bị nhiễm bệnh, và đã được chứng minh là ức chế khả năng sinh sản của virus..
Những loại thuốc này phát huy tác dụng trong việc cứu sống những người dân dễ bị tổn thương trên khắp thế giới, bao gồm cả người già và những người mắc các bệnh nền chưa được tiêm vắc-xin). Thông qua việc ngăn chặn xuất hiện triệu chứng nặng, thuốc chống virus còn có thể giúp giảm nhẹ áp lực cho hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe. Cùng với việc virus lây lan nhanh chóng, các bệnh viện ở nhiều nơi của Trung Quốc phải hoạt động hết công suất.
“Đây là một tình huống vô cùng tuyệt vọng”
Hôm 13/1 CNN đưa tin vào cuối tháng trước, Jo Wang, một nhà tổ chức sự kiện ở Bắc Kinh, khi chứng kiến các thành viên trong gia đình cô lần lượt nhiễm COVID-19 đã nhắm đến một mục tiêu duy nhất: Tìm ra thuốc kháng virus để bảo vệ ông nội lớn tuổi của mình.
Sau 3 ngày cố gắng mà không mua được một hộp Paxlovid trên sàn thương mại điện tử, cô đã may mắn có được thuốc được điều trị vào ngày thứ tư, nhưng lòng cô vẫn nặng trĩu khi nhớ lại trải nghiệm bất lực trong khoảng thời gian tìm mua thuốc.
“Lúc đó tâm trạng tôi thực sự rất không tốt … Bạn không biết rằng phải mất bao nhiêu ngày để có được loại thuốc này, hoàn toàn không biết ẩn số, và bạn không biết rằng người nhà bạn có thể kiên trì chờ thuốc được bao lâu,” cô nói đồng thời nhấn mạnh rằng cô lo lắng nếu đợi đến khi ông nội 92 tuổi đổ bệnh rồi mới đi tìm thuốc thì đã quá muộn. Những loại thuốc này hiệu quả nhất ở giai đoạn đầu của bệnh.
Cô nói: “Đây là một tình huống vô cùng tuyệt vọng”.
Khi làn sóng virus COVID-19 quét qua Trung Quốc, nó đã thúc đẩy nhu cầu thuốc điều trị – đặc biệt là đối với người Trung Quốc lớn tuổi. Wang không phải là người Trung Quốc duy nhất đổ xô đi mua thuốc do phương Tây sản xuất.
Trong những tuần gần đây, nhiều người Trung Quốc đã chuyển sang thị trường chợ đen, tiểu thương tuyên bố bán các loại thuốc điều trị COVID-19, bao gồm các loại thuốc Paxlovid của Pfizer và Molnupiravir của Merck từ nhập khẩu trái phép, thuốc sao chép do Ấn Độ sản xuất, cho đến hàng thật nhưng với giá gần gấp 8 lần giá thị trường.
Theo AFP đưa tin, bất chấp rủi ro, thị trường chợ đen vẫn là giải pháp cuối cùng cho những người như Xiao, một quản trị viên kinh doanh, người có ông nội bị bệnh vào tháng 12 năm ngoái.
Xiao (25 tuổi): “không biết phải làm sao” khi Paxlovid được rao bán trực tuyến với giá 18.000 nhân dân tệ. Cô mua không nổi, vài ngày sau ông nội cô qua đời, cô trở nên “tuyệt vọng và bất lực”.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, Allen Tian, một nhân viên ngân hàng 40 tuổi ở Bắc Kinh cho biết vào tuần trước rằng công ty của ông đã mua Paxlovid làm quà tặng cho khách hàng, giá của số lượng thuốc cho mỗi một liệu trình trên thị trường chợ đen có giá lên đến 5.500 USD.
Nguyên nhân thực sự dẫn đến tình trạng thiếu thuốc
Vào tháng 2/2022, Bắc Kinh đã phê duyệt thuốc điều trị khẩn cấp Paxlovid của Pfizer. Đây là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển. Nhưng khi Trung Quốc vội vàng dỡ bỏ lệnh phong tỏa, chính quyền đã không nhập khẩu đủ Paxlovid để ứng phó với sự gia tăng số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh.
“Lý do thực sự của tất cả tình trạng thiếu (thuốc) này, thực tế chính là do chính sách của Trung Quốc (ĐCSTQ) đột ngột thay đổi từ zero-COVID, chuyển sang để cho toàn bộ người dân đều dương tính,” ông Dai Tinglong, giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, người vẫn luôn theo dõi chuỗi cung ứng y tế, nói với tờ WSJ.
Tại hội nghị chăm sóc sức khỏe J.P. Morgan ở San Francisco diễn ra vào thứ Hai (ngày 9/1), giám đốc điều hành của Pfizer, ông Albert Bourla cho biết rằng Pfizer đã vận chuyển hàng ngàn liệu trình Paxlovid đến Trung Quốc vào năm ngoái. Ông nói, công ty đã tăng con số đó lên hàng triệu trong những tuần gần đây, bởi vì nhu cầu cũng tăng mạnh cùng với việc ca bệnh tăng mạnh, mọi người cũng sẽ tìm mua loại thuốc này ở khắp nơi.
Ông cho biết, Pfizer hiện dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất thuốc tại Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, sau khi Chính phủ Bắc Kinh)đẩy nhanh phê duyệt và các đối tác địa phương tăng cường công suất.
Thuốc của Merck đã được các cơ quan quản lý phê duyệt để sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc vào tháng trước, đồng thời sẽ được phân phối và sản xuất tại Trung Quốc bởi nhà sản xuất dược phẩm nhà nước Sinopharm. Một quản lý cấp cao của Sinopharm cho biết vào hôm thứ Tư (ngày 11/1) rằng thuốc Lagevrio sẽ được bán tại Trung Quốc vào thứ Sáu. Công ty Merck cũng cho biết trên tài khoản WeChat của mình vào thứ Tư rằng họ sẽ có hành động pháp lý đối với một số nhà sản xuất cung cấp các phiên bản thuốc COVID trái phép.
WSJ đưa tin, dù vậy vẫn sẽ mất thời gian để sản xuất đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
Bà Julie Swann, một chuyên gia về chuỗi cung ứng và lây truyền bệnh tại Đại học bang North Carolina, nói với tờ WSJ rằng số ca nhiễm tăng đột biến có nghĩa là “gần như không thể dự đoán nhu cầu về thuốc kháng virus ở Trung Quốc sẽ thay đổi như thế nào chỉ sau một đêm”. “Nếu bạn muốn đáp ứng nhu cầu rất cao, thì bạn phải lên kế hoạch trước, thường là vài tháng.”
Đàm phán về thuốc Paxlovid gặp trở ngại
Vào Chủ nhật tuần trước (ngày 8/1), Cục An ninh Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết thỏa thuận tạm thời để đưa Paxlovid vào Danh sách Thuốc Bảo hiểm Y tế Quốc gia sẽ hết hạn vào cuối tháng Ba. Thuốc Lagevrio của Merck cũng được đưa vào danh mục bảo hiểm cho đến cuối tháng Ba. Điều đó có thể có nghĩa là sau ngày 31/3, Paxlovid sẽ chỉ có thể cung cấp cho những người có khả năng chi trả 100% mức giá thực tế (giá khi không có bảo hiểm y tế).
WSJ đưa tin, nguồn tin cho biết theo thỏa thuận tạm thời, Pfizer đã giảm giá Paxlovid gần 1/5 vào tháng 12 từ 336 USD cho liệu trình 5 ngày xuống còn 276 USD.
Hôm thứ Hai (ngày 9/1), Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla cho biết rằng mức giá mà Bắc Kinh muốn trả là “dưới mức thấp nhất của mức giá trung bình” – tức thấp hơn 60% đến 70% so với mức mà các nước thu nhập cao phải trả – và “chúng tôi đã không đồng ý”.
Ông Bourla cho biết Bắc Kinh đã tìm kiếm mức giá mà Pfizer đưa ra cho các nước thu nhập thấp. Ông nói: “Họ là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Tôi không nghĩ họ nên trả thấp hơn El Salvador (một quốc gia tại Trung Mỹ).”
Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập quốc dân (GNI) của Trung Quốc vào năm 2021 gần gấp 3 lần so với El Salvador.
Trong suốt đại dịch COVID, các cơ quan quản lý Trung Quốc phần lớn đã lựa chọn các loại thuốc sản xuất trong nước để chống lại virus – Bắc Kinh vẫn chưa phê duyệt vắc-xin COVID-19 của nước ngoài. ĐCSTQ đã phê duyệt hai phương pháp điều trị khác cho cái gọi là điều trị COVID-19 – thuốc truyền thống Trung Quốc (Trung y) Thanh Phế Bài Độc và thuốc kháng virus nội địa Azvudine. Tuy nhiên, thuốc Azvudine có dữ liệu hạn chế về hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng.
Người Trung Quốc nghi ngờ quyết định của ĐCSTQ
Cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích ĐCSTQ sau khi Paxlovid không được đưa vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế của Trung Quốc.
“Thật khó để nói liệu mạng sống của mọi người có đáng giá 2.000 nhân dân tệ trong mắt họ hay không, nhưng ít nhất thì cũng không đáng để trả cao hơn một quốc gia Nam Mỹ nhỏ bé”, một cư dân mạng đăng trên Weibo.
Có cư dân mạng chỉ trích ĐCSTQ đã tiêu tốn rất nhiều nguồn tài chính cho chính sách zero-COVID trong 3 năm qua. Một cư dân mạng đã viết trên Weibo: “Số tiền chi cho xét nghiệm axit nucleic trong 3 năm đủ để mọi người trong nước mua một hộp [thuốc Paxlovid].”
Một cư dân mạng khác viết: “Vắc-xin mRNA miễn phí cũng không muốn, đắt tiền ư?” Đầu năm nay, Liên minh châu Âu đã lên kế hoạch cung cấp vắc-xin COVID-19 miễn phí cho Trung Quốc để giúp Bắc Kinh kiểm soát đợt bùng phát quy mô lớn, nhưng đề xuất này đã bị ĐCSTQ từ chối.
Nói chung, việc định giá thuốc của Pfizer chủ yếu dựa trên tình hình kinh tế của mỗi quốc gia. Tại Mỹ, Paxlovid do Chính phủ Mỹ mua, giá khoảng 530 USD cho một liệu trình. Reuters báo cáo rằng Pfizer đã cho phép 35 nhà sản xuất thuốc trên toàn thế giới sản xuất một phiên bản Paxlovid rẻ hơn, để cung cấp thuốc cho 95 quốc gia nghèo hơn.
Trong một tuyên bố riêng với CNN, Pfizer từ chối bình luận về bảng báo giá của mình, nhưng cho biết công ty “sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) và tất cả các bên liên quan để đảm bảo cung cấp đủ Paxlovid ở Trung Quốc”, đồng thời tiếp tục “tập trung đáp ứng nhu cầu điều trị COVID-19 của bệnh nhân Trung Quốc.”
Nhưng đối với những người đang phải vật lộn với vấn đề cấp bách là làm thế nào để có được thuốc cho bản thân và gia đình, như Wang ở Bắc Kinh, có cảm giác rằng hệ thống này hiện không hoạt động.
“Thật tàn nhẫn… Dù chúng tôi cảm thấy thế nào, chúng tôi cũng không thể làm gì được. Mọi nỗ lực hay kỳ vọng của bạn sẽ không khiến tình hình tốt hơn”, Wang nói.
Theo Financial Times, ít nhất 14 tỉnh và thành phố ở Trung Quốc đã ngừng điều trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm bệnh, khiến người dân lo ngại về nợ y tế và lây nhiễm gia tăng.
Theo Hạ Vũ, Epoch Times