Bảo Nguyên
Khi Mỹ đang hướng sự chú ý tới công nghệ sinh học và năng lượng sạch ở cấp an ninh quốc gia, các lĩnh vực này của Trung Quốc đối mặt với một tương lai không chắc chắn và nguy cơ bị Mỹ trừng phạt. Giống với lĩnh vực chip bán dẫn, triển vọng của những ngành này sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự tách rời công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo chủ tịch một tập đoàn công nghệ cao tại Nhật Bản, các ngành công nghệ sinh học và năng lượng sạch của Trung Quốc có thể là mục tiêu trừng phạt tiếp theo của Mỹ.
Vị chủ tịch, người vì lý do an ninh chỉ muốn được xác định là Desen, nói với The Epoch Times vào ngày 05/01 rằng những lĩnh vực như vậy có thể sẽ phải đối mặt với sự suy thoái sau những thiệt hại nặng nề của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Ông Desen cho biết những lĩnh vực này sẽ trở nên trì trệ khi sự tách rời công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn.
Ông nói, trong quá trình này, các doanh nghiệp Trung Quốc trong các lĩnh vực này sẽ mất đi cơ sở để họ học hỏi và bắt chước.
Ông nói, sự tách rời kinh tế rộng lớn hơn cũng đang đẩy nhanh dòng vốn quốc tế chảy ra khỏi Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng điều này sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế.
Việc tách rời khỏi Mỹ sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc vì chúng sẽ mất thị trường chính. Ví dụ, các nhà máy sản xuất pin năng lượng mới [năng lượng mới: không phải năng lượng hóa thạch] sẽ cần phải giảm công suất sản xuất.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đứng trước nguy cơ phải duy trì sự tồn tại và có thể bị thôn tính. Ông Desen cho biết các doanh nghiệp lớn sẽ mất động lực mở rộng sản xuất. Một kỹ thuật viên xử lý các mẫu trong phòng thí nghiệm tại công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Coyote, trước khi thử nghiệm nó trong Flash 20, một cỗ máy được phát triển để thử nghiệm nhanh virus corona COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 27/09/2020. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)
Dấu hiệu
Trung Quốc chiếm một phần lớn thị trường toàn cầu về năng lượng sạch và phương tiện sử dụng nguồn năng lượng mới.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố rằng sản lượng và doanh số bán xe năng lượng mới của Trung Quốc đã đứng đầu thế giới kể từ năm 2015. Ông Cui Dongshu, tổng thư ký Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc (CPCA), cho biết vào tháng 08/2022 rằng “Trung Quốc về cơ bản đã đạt được mục tiêu vượt qua thế giới về các phương tiện năng lượng mới”, theo CCTV.
Tuy nhiên, theo ông Desen, triển vọng về năng lượng sạch và phương tiện sử dụng năng lượng mới ở Trung Quốc có thể không đầy hứa hẹn như vậy.
Các dây chuyền thiết kế chip của Trung Quốc đã bùng nổ trước khi bị Mỹ trừng phạt. Ví dụ, năm 2018, nhà máy chip Hisilicon của Huawei đứng thứ 5 trong danh sách 10 công ty thiết kế mạch tích hợp (IC) hàng đầu thế giới, nhưng sau khi Huawei được đưa vào Danh sách thực thể của Mỹ vào năm 2019, Intel, Qualcomm và Xilinx đã cắt hợp đồng với Huawei, và Hisilicon đã rơi khỏi top 10 cùng với sự sụt giảm trong sản xuất.
Bắt đầu từ năm 2022, chính quyền Biden của Mỹ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Do đó, tốc độ tăng trưởng về số lượng các công ty thiết kế chất bán dẫn của Trung Quốc đã chậm lại.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, vào ngày 16/09/2022, đã nêu lên những lo ngại về công nghệ sinh học và năng lượng sạch.
Ông Sullivan cho biết ba lĩnh vực công nghệ sẽ trở nên đặc biệt quan trọng trong thập kỷ tới. Ba lĩnh vực công nghệ này là các công nghệ liên quan đến điện toán, bao gồm vi điện tử, hệ thống thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo; tiếp theo là công nghệ sinh học và chế tạo sinh học; và cuối cùng là công nghệ năng lượng sạch.
Ông Desen tin rằng đây có thể là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang hướng sự chú ý vào các công nghệ cao cấp về công nghệ sinh học và năng lượng sạch ở cấp độ an ninh quốc gia, bên cạnh công nghệ bán dẫn. Công nhân kiểm tra các bộ phận máy tính xách tay trong một nhà máy ở khu Hangyong Auto Industrial Park, thành phố Lục An, tỉnh An Huy của Trung Quốc, vào ngày 19/11/2018. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Lệnh cấm trong ngành chip
Vào ngày 07/10/2022, chính phủ Mỹ đã công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu, không chỉ cấm các công ty Mỹ xuất khẩu chip và công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc mà còn cấm cung cấp cho Trung Quốc một số chip bán dẫn nhất định được sản xuất bằng thiết bị và dụng cụ của Mỹ, bất kể nguồn gốc của chúng ở Mỹ.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được coi là sự thay đổi chính sách lớn nhất trong xuất khẩu công nghệ của Mỹ hướng tới Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kể từ những năm 1990 và được coi là biện pháp kiểm soát xuất khẩu toàn diện và nghiêm ngặt nhất.
Ông Wei Shaojun, Chủ tịch chi nhánh thiết kế vi mạch của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc, cho biết trong một bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về thiết kế mạch tích hợp vào ngày 26/12/2022 rằng các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc “ngày càng nghiêm trọng hơn” và rằng “đối mặt với môi trường bên ngoài khắc nghiệt, không nên lạc quan một cách mù quáng rằng bản thân có thể làm được bất cứ điều gì”.
Ông Wei là một nhân vật hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc và là giáo sư tại Khoa Điện tử Vi mô và Nano tại Đại học Thanh Hoa, nơi ông đã tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ thiết kế vi mạch từ lâu.
Ngoài ra, vào ngày 15/12/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 36 công ty công nghệ và tổ chức có liên kết với ĐCSTQ vào danh sách đen, bao gồm cả Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE), một công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp in thạch bản của Trung Quốc.
Liên quan đến tình trạng hiện tại của việc tách rời công nghệ Mỹ-Trung và tác động của nó đối với tương lai, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Đại học Bắc Kinh đã công bố một báo cáo nghiên cứu vào ngày 31/01/2022 trên trang web chính thức của mình, kết luận rằng việc tách rời sẽ dẫn đến tổn thất cho cả hai bên. Tuy nhiên, báo cáo nói thêm rằng tổn thất của Trung Quốc sẽ lớn hơn đáng kể so với tổn thất của Mỹ và Trung Quốc có thể bị mắc kẹt trong một số hoạt động phát triển công nghệ quan trọng, khiến nước này khó có thể vượt qua.
Báo cáo chỉ được đưa lên mạng vài ngày cho đến khi bị gỡ bỏ, theo thông tin của VOA ngày 04/02/2022.
“Lập trường dòng chính của Mỹ sẽ trở nên cứng rắn hơn đối với Trung Quốc khi họ nhận ra rằng ĐCSTQ, một khi nó phát triển mạnh về kinh tế, sẽ trở thành một quả bom hẹn giờ trong vấn đề eo biển Đài Loan và là mối đe dọa ngày càng tăng đối với phần còn lại của thế giới”, ông Desen cho biết, nhắc đến nỗ lực của ĐCSTQ nhằm khiến đất nước rời xa các giá trị phổ quát.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch