Ông Kissinger ủng hộ Ukraine gia nhập NATO

Ông Kissinger xuất hiện trên màn hình tham gia họp từ xa ở Davos 2023. (Nguồn: Shutterstock)

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger xuất hiện trên màn hình tham gia họp từ xa trong ngày đầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos Thụy Sỹ, cho biết bây giờ ông ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO, theo Tạp chí Phố Wall đưa tin 17/1.

Lý do ông thay đổi quan điểm là vì cuộc chiến bây giờ đã diễn biến đến như thế này rồi.

“Trước khi chiến tranh, tôi phản đối Ukraine trở thành thành viên của NATO, vì tôi e điều đó sẽ khởi động chính cái tiến trình mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay.” ông nói. “Nhưng giờ thì tiến trình đã diễn biến đến bước này rồi, thì chủ trương một Ukraine trung lập với điều kiện hiện nay đã không còn ý nghĩa nữa.”

“Tôi tin rằng Ukraine trở thành thành viên của NATO sẽ là một kết thúc thích đáng.”

Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022.

Bình luận của ông Kissinger ở Davos lặp lại những điểm mà ông đã đưa ra trong một bài báo trên tạp chí The Spectator vào tháng trước, trong đó ông kỳ vọng về việc thiết lập một lệnh ngừng bắn dọc theo các tuyến giao giới đã có trước chiến tranh 2/2022.

Ông mô tả đó như là một kế hoạch mà theo đó chiến tranh có thể kết thúc, rằng việc đình chiến như vậy “là kết quả hợp lý của các hành động quân sự nhưng không nhất thiết là kết quả [cuối cùng] của một cuộc đàm phán hòa bình sau này.”

Hiện nay cả Nga và Ukraine đều không có biểu hiện nhiệt tình cho một đàm phán hòa bình. Điều kiện tiên quyết của Moscow cho một cuộc hòa đàm là Ukraine phải công nhận lãnh thổ mà Nga đang chiếm. Trong khi đó Kyiv đòi hỏi quân đội Nga phải từ bỏ bán đảo Crimea mà Nga đã làm chủ gần chục năm nay rồi và phải rút hết quân đội khỏi tất cả các vùng khác.

Theo ông Kissinger, cần có các cuộc đàm phán cho từng thỏa thuận ngắn hạn để “giữ cho cuộc chiến [bảo vệ Ukraine] không biến thành cuộc chiến tấn công Nga,” đồng thời cảnh báo về việc không gây bất ổn bên trong nước Nga, vì cần xét tới kho vũ khí hạt nhân lớn của nước này. Các cuộc đàm phán như thế sẽ đảm bảo Moscow có “cơ hội tái gia nhập hệ thống quốc tế.”

“Tôi tin vào đối thoại với Nga trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn, và chiến tranh sẽ kết thúc khi đạt được ranh giới trước chiến tranh,” ông nói hôm thứ Ba.

“Tôi tin rằng đây là cách để ngăn chặn chiến tranh leo thang khi mà các vấn đề được đặt ra [hôm nay] vượt khỏi phạm vi các vấn đề tồn tại vào thời điểm chiến tranh nổ ra, và khiến chúng [mâu thuẫn mới đó] trở thành nguyên nhân để tiếp tục xung đột quân sự.”

Ông Kissinger, nay đã 99 tuổi, từng là ngoại trưởng Hoa Kỳ (1973-1977) và cố vấn an ninh quốc gia (1969-1975), đóng vai trò chính trong đàm phán chấm dứt chiến tranh Việt Nam, cũng như chính sách Trung Quốc đọ sức với với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

Trong bài “Làm thế nào để tránh tái xuất hiện một chiến tranh lạnh” đăng trên tạp chí The Spectator hôm 17/12/2022 nói trên, ông Kissinger đã đề xuất Nga rút quân và khôi phục ranh giới như trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự ngày 24/2. Các vùng Donetsk, Luhansk và Crimea có thể được mang ra đàm phán sau thỏa thuận ngừng bắn. Ngay sau đó Kyiv đã có phản ứng và Tổng thống Ukraine Volodymyr tái khẳng định rằng Ukraine phải có lại được lãnh thổ như thời điểm tuyên bố độc lập 1991.

Video của Reuters về bài nói chuyện của ông Kissinger:

Thiên Đức

Related posts