Hoa Kỳ và Papua New Guinea (PNG) chuẩn bị đàm phán một thỏa thuận hợp tác quốc phòng ngay sau khi quốc gia Nam Thái Bình Dương nhất trí với một thỏa thuận an ninh sâu rộng với nước láng giềng Úc.
Papua New Guinea sẽ cử một phái đoàn đến hòn đảo Honolulu vào tháng 2 tới đây để tổ chức một hội đàm cấp cao. Tuy nhiên, thỏa thuận này được cho là sẽ hoàn tất vào giữa năm nay.
Trong một cuộc phỏng vấn với Công ty Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) ở Sydney. Ngoại trưởng Papua New Guinea Justin Tkatchenko, cho biết, thỏa thuận này sẽ cung cấp khuôn khổ cho các chương trình chung trong tương lai, đồng thời tăng cường cam kết giữa hai nước.
Ông nói, “Họ cũng sẽ đóng góp vào khoản đầu tư của Mỹ trong việc xây dựng năng lực của lực lượng phòng vệ PNG trong lĩnh vực huấn luyện, cơ sở hạ tầng và các hạng mục khác liên quan đến quốc phòng”.
“Về cơ bản, mọi thứ đã sẵn sàng. Điều quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng pháp lý – đảm bảo bảo vệ chủ quyền của chúng tôi, cũng như đảm bảo rằng chúng tôi bắt tay vào làm mọi thứ ngay từ đầu chứ không phải bỏ dở giữa chừng”.
Bộ trưởng cũng tuyên bố rằng, Papua New Guinea không có kế hoạch để các tàu chiến của Hoa Kỳ đóng quân tại Papua New Guinea. Ông nhấn mạnh rằng, thỏa thuận này đơn thuần chỉ tập trung vào vấn đề huấn luyện lực lượng quốc phòng.
Ông cho hay, đây sẽ là một thỏa thuận quan trọng để đảm bảo rằng, lực lượng quốc phòng của hai nước cùng làm việc với nhau ở hiện tại và trong tương lai vì an ninh của khu vực Thái Bình Dương và khu vực xung quanh Papua New Guinea.
Khôi phục cam kết của Mỹ với các quốc đảo Thái Bình Dương
Việc khôi phục cam kết của Mỹ với các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra sau khi cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tuyên bố vào hồi năm 2018 rằng, Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Papua New Guinea và Úc trong sáng kiến chung của họ tại Căn cứ Hải quân Lombrum trên Đảo Manus.
Tuy nhiên, phản ứng ban đầu mờ nhạt, cùng với đại dịch bùng phát, đã làm suy yếu mối quan hệ Mỹ – Papua New Guinea.
Tuy nhiên, Papua New Guinea coi khuôn khổ chiến lược can dự Thái Bình Dương mới của chính quyền ông Biden là một bước đổi mới quan trọng trong các mối quan hệ.
Theo một tuyên bố của Nhà Trắng, Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương (pdf) nhằm giúp tăng cường cam kết và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời hỗ trợ các lợi ích an ninh quốc gia.
“Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương, với quê hương bao gồm Khối thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana, đảo Guam, Samoa thuộc Mỹ và Hawai’i”, tài liệu của Nhà Trắng nêu rõ.
“Sự thịnh vượng và an ninh của Hoa Kỳ phụ thuộc vào việc duy trì tự do và cởi mở của khu vực Thái Bình Dương”.
Chiến lược này cũng ghi nhận các hoạt động leo thang của chính quyền Trung Quốc trong khu vực.
“Áp lực và sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc… có nguy cơ làm suy yếu hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực, và nói rộng ra là của Hoa Kỳ”, tuyên bố nêu rõ.
Trong một bài báo cho Viện Hòa bình Hoa Kỳ vào năm 2022, ông C. Steven McGann, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Cộng hòa Fiji, Nauru, Kiribati, Vương quốc Tonga và Tuvalu, đã gọi các sáng kiến quốc phòng mới là đầy hứa hẹn.
Ông nói: “Hoa Kỳ có khả năng điều chỉnh nhanh chóng cách tiếp cận ngoại giao của mình để kết hợp các mối quan hệ đối tác công – tư năng động và sáng tạo”.
“Kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực của khu vực tư nhân và phi chính phủ phải được sử dụng trong khi Hoa Kỳ tìm kiếm một khuôn khổ để củng cố sự ổn định khu vực và củng cố vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương”.
Cuộc tranh giành quyền lực trong khu vực
Thông tin về Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ – Papua New Guinea được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon.
Theo các trang của bản dự thảo hiệp ước bị rò rỉ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ có quyền điều động cảnh sát, quân đội, vũ khí và thậm chí cả tàu hải quân để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn ở Quần đảo Solomon” – với sự đồng thuận của Quần đảo Solomon.
Nếu được thực hiện ở mức độ đầy đủ, thỏa thuận khung sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài Biển Đông và vào khu vực Nam Thái Bình Dương. Như vậy, động thái này có khả năng cắt đứt các tuyến đường hàng hải và đường hàng không nối Hoa Kỳ với các đồng minh Úc và New Zealand.
Quần đảo Solomon có một vị thế chiến lược ở Thái Bình Dương, cách Úc chưa đầy 1,200 dặm (hơn 1,900 km).
Cựu lãnh đạo hoạt động thông tin và tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, ông James Fannell, trước đây đã nói với The Epoch Times rằng, Thỏa thuận Quần đảo Trung Quốc – Solomon sẽ gây dựng một chỗ đứng vững chắc cho chính quyền Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.
Ông Fannell gần đây đã nói với chương trình “China Insider” của Epoch TV rằng: “Lần đầu tiên, Trung Quốc sẽ có khả năng vận hành đầy đủ các tàu quân sự và tàu chiến từ bên trong Biển Đông”.
Cả Trung Quốc và quần đảo Solomon đều bác bỏ thông tin cho rằng hòn đảo này sẽ cho phép Bắc Kinh đóng quân ở quần đảo Solomon theo sau hiệp ước trên. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Fanell, thỏa thuận này sẽ cho phép quân đội Trung Quốc dừng chân ở Solomon trong trường hợp cần tiếp nhiên liệu và tái trang bị vũ khí quân sự. Ông cho rằng đây mới chỉ là “sự khởi đầu của một loại căn cứ”.
Xét đến địa thế chiến lược của hòn đảo ở khu vực Nam Thái Bình Dương, bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc trên quần đảo Solomon cũng đều có lợi cho Bắc Kinh dưới kịch bản xâm lược Đài Loan bằng cách cản trở khả năng đáp trả của Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực này, ông Fannell nói.
Trung Quốc coi Đài Loan tự trị là một phần lãnh thổ của mình và tuyên bố sẽ thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết.
Ông nói: “Nếu Trung Quốc có thể thiết lập một chuỗi các căn cứ … như một thanh sắt đi qua khu vực Nam Thái Bình Dương, thì nó sẽ tách Úc, New Zealand, khỏi Hoa Kỳ, đồng thời sẽ tách khỏi Úc, khỏi Nhật Bản”.
Với một kịch bản như vậy, nhà cầm quyền Trung Quốc cuối cùng sẽ có thể phá vỡ mạng lưới đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cụ thể là Nhật Bản, Úc, và New Zealand, đồng thời bành trướng sự ảnh hưởng của riêng họ ở đó, theo ông Fannell.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch