Khí cầu do thám của Trung Quốc: Các nhà chức trách Montana giải quyết tin đồn về ‘vụ nổ lớn’
Các quan chức Montana đã đưa ra một tuyên bố cho biết các bản tin về một “vụ nổ lớn” xảy ra trên bầu trời gần nơi phát hiện một khinh khí cầu do thám Trung Quốc là không chính xác, sau khi một video dường như cho thấy một số vụ nổ trên bầu trời Billings và những gì có thể là những mảnh vụn rơi xuống đất lan truyền trên mạng xã hội.
Hai vụ nổ và một vệt khói trên bầu trời Billings Montana, nơi khinh khí cầu đó đã bay qua khu vực này, đã được camera ghi lại hôm thứ Sáu (03/02).
Cô Dolly Moore, người đã quay và chia sẻ video đó trên Twitter, cho biết cô nhìn thấy một phản lực cơ lao đi “quá nhanh” và sau đó là các tiếng nổ kèm theo.
Đoạn video này đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và được một số mạng truyền hình cáp đăng lại, làm dấy lên suy đoán liệu quân đội Hoa Kỳ có bắn hạ khí cầu do thám này hay không, như một số quan chức đương nhiệm và cựu quan chức nổi tiếng đã kêu gọi.
Trong một lần xuất hiện trên chương trình Tucker Carlson Tonight, Thống đốc Montana Greg Gianforte cho biết ông vừa được thông báo về một sự kiện dường như là một vụ nổ và các nhà chức trách đang “theo dõi tình hình” và sẽ cập nhật khi có thêm thông tin.
Ban đầu, thành phố Billings đưa ra một tuyên bố trên Twitter nói rằng họ đã biết về video đó cũng như các tuyên bố về một “vụ nổ lớn” trên bầu trời Billings nhưng không có vụ tai nạn phi cơ nào được ghi lại trên radar và không có đội cứu hộ khẩn cấp nào được gọi đến để ứng phó với bất kỳ vụ tai nạn nào.
Trong một tuyên bố tiếp theo, thành phố Billings cho biết ông Gianforte và Sở Dịch vụ Khẩn cấp Montana đã xác nhận không có vụ nổ nào bên trong hoặc xung quanh Billings, Montana.
“Họ biết về video này và không thể chứng minh được video đó,” tuyên bố trên cho biết.
Các quan chức Ngũ Giác Đài, những người đã gọi sự hiện diện của khinh khí cầu này — trên không phận Hoa Kỳ ở độ cao khoảng 60,000 feet (khoảng 18.3 km) — là “sự vi phạm rõ ràng” chủ quyền của Hoa Kỳ, đã nói rằng rất có thể họ sẽ không bắn hạ khí cầu này do nguy cơ các mảnh vỡ rơi xuống các khu vực dân sự.
Hôm 02/02, một quan chức quốc phòng cao cấp nói với các phóng viên rằng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và các lãnh đạo quốc phòng hàng đầu khác đã gặp nhau hôm 01/02 để thảo luận về hướng hành động thích hợp liên quan đến khinh khí cầu này.
Quan chức này cho biết nhóm lãnh đạo quốc phòng đã đưa ra một “khuyến nghị mạnh mẽ” là không nên bắn hạ khí cầu “do rủi ro đối với sự an toàn và an ninh của những người trên mặt đất từ trường mảnh vỡ có thể phát sinh.”
“Các trường hợp về loại hoạt động khinh khí cầu này đã được quan sát thấy trước đây trong vài năm qua,” quan chức này nói, đồng thời cho biết thêm rằng Hoa Kỳ đã theo dõi khí cầu này “trong một thời gian.”
“Tình huống này đã xảy ra một số lần khác trong vài năm qua, kể cả trước thời của chính phủ này.”
Hôm 03/02, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Chuẩn tướng Không quân Pat Ryder, cho biết khinh khí cầu này có thể vẫn sẽ lưu lại Hoa Kỳ trong nhiều ngày.
Trung Quốc cho biết vật thể này không nhằm mục đích do thám Hoa Kỳ.
“Đó là một khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là về khí tượng,” một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) cho biết.
Tuyên bố trên tiếp tục khẳng định rằng sức gió và “khả năng tự điều khiển hạn chế” của khí cầu đã khiến nó “[đi chệch hướng] xa khỏi lộ trình dự kiến.”
Ngũ Giác Đài không đồng ý với lập trường chính thức của Trung Quốc về khinh khí cầu này.
Hôm 03/02, ông Ryder nói với các phóng viên, “Chúng tôi biết về tuyên bố của PRC. Trên thực tế, chúng tôi biết đó là một khí cầu giám sát.”
Vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp về khí cầu này, với việc thống đốc tiểu bang Montana viết một bức thư cho ông Austin yêu cầu cung cấp thêm thông tin và bày tỏ quan điểm rằng “khí cầu đó đáng lẽ phải được hạ xuống từ lâu rồi.”
Một trong những câu hỏi của ông Gianforte chính là, “Với Căn cứ Không quân Malmstrom và các bãi hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa của Hoa Kỳ ở Montana, Bộ Quốc phòng tin rằng khinh khí cầu do thám của ĐCSTQ đang thu thập thông tin tình báo nào và khinh khí cầu do thám của ĐCSTQ gây ra mối đe dọa gì đối với an ninh quốc gia của chúng ta?”
Một vấn đề khác là Ngũ Giác Đài và chính phủ TT Biden đã thực hiện những hành động gì để hạ khinh khí cầu này và “nếu không có hành động nào, thì lý do là gì?”
Một số nhà lập pháp tiểu bang Montana không đồng tình với quyết định không bắn hạ vật thể này của Ngũ Giác Đài.
Dân biểu Ryan Zinke (Cộng Hòa-Montana) nói với Fox News Digital rằng ông nghĩ rằng “chắc chắn đáng lẽ các lực lượng Hoa Kỳ đã bắn hạ khinh khí cầu này mà không gây nguy hiểm cho thường dân.
“Ví dụ như ở Montana, Quận Petroleum chẳng hạn … là quận có ít dân cư nhất trong nhóm 48 tiểu bang, tôi bảo đảm với quý vị, những công dân tốt của quận Petroleum sẽ thích thú khi khí cầu bị bắn hạ trên quận của họ, và có lẽ sẽ có một hàng người để bắn hạ vật thể đó.”
Thượng nghị sĩ Steve Daines (Cộng Hòa-Montana) cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ, đồng thời cho biết cách Mỹ hành xử với khinh khí cầu Trung Quốc này là một sự sỉ nhục và đáng xấu hổ.
Tom Ozimek là phóng viên cao cấp của The Epoch Times. Ông có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành.
Nhã Đan biên dịch
Canada triệu tập Đại sứ Trung Quốc vì vụ khinh khí cầu gián điệp
Sự cố khinh khí cầu gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ gây chấn động ở Mỹ mà còn khiến Canada bất bình. Hôm thứ Sáu (3/2) phía Canada cho biết họ đã triệu Đại sứ Tùng Bồi Vũ (Cong Peiwu) của Trung Quốc về vụ việc.
Theo Global News của Canada, các nguồn tin cho biết khinh khí cầu giám sát của ĐCSTQ đã ở trong không phận Canada một khoảng thời gian.
Lãnh đạo Pierre Poilievre của Đảng Bảo thủ Canada gọi sự cố khinh khí cầu gián điệp là “đáng phẫn nộ”.
Ông nói với các phóng viên ở Ottawa: “Thật đáng phẫn nộ khi một chính phủ nước ngoài thù địch đã đặt một khinh khí cầu do thám trong không phận của chúng ta, khinh khí cầu này tiếp tục quá cảnh vào vùng tây bắc Mỹ, và điều đó rất đáng lo ngại”; “Canada chúng ta không dung thứ cho hoạt động gián điệp của nước ngoài, và chúng ta cần hợp tác với các đối tác ở Mỹ để truy cứu trách nhiệm của nhà cầm quyền Bắc Kinh”.
Global News chỉ ra nhiều chi tiết về vụ việc vẫn chưa rõ ràng, bao gồm cả thời điểm và địa điểm khinh khí cầu đi vào không phận Canada.
Các quan chức Canada chưa công khai cho biết liệu khinh khí cầu do thám Trung Quốc có bay qua không phận Canada hay không, văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand từ chối bình luận.
“Hôm qua Canada đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Canada liên quan đến các tình huống được mô tả trong tuyên bố của Bộ Quốc phòng”, phát ngôn viên Maéva Proteau của Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho biết trong một email gửi tới Global News hôm thứ Sáu.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thông qua nhiều kênh để thể hiện mạnh mẽ quan điểm với nhà chức trách Trung Quốc”, phát ngôn viên Proteau nói.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Canada cho biết tình hình của Canada an toàn, chính phủ liên bang đang thực hiện các bước để bảo vệ không phận của mình, bao gồm cả việc giám sát để đề phòng một sự cố tiềm tàng thứ hai.
CNN đã yêu cầu Canada làm rõ “sự cố tiềm tàng thứ hai”, nhưng Chính phủ Canada phản hồi họ không có thêm thông tin nào để chia sẻ vào thời điểm này.
“Cơ quan tình báo của Canada đang làm việc với đối tác Mỹ và tiếp tục thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ thông tin nhạy cảm của Canada khỏi các mối đe dọa tình báo nước ngoài”, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Canada cho biết vào tối thứ Năm.
Theo Bộ Quốc phòng Canada, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) đang tích cực theo dõi chuyển động của khinh khí cầu. NORAD là cơ quan phụ trách giám sát các mối đe dọa trên không đối với Bắc Mỹ.
Hôm thứ Sáu Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản hồi rằng khinh khí cầu trên bầu trời Mỹ được sử dụng cho nghiên cứu khí tượng và khoa học khác, chúng có tính chất dân sự. Tuy nhiên thực tế cho thấy khả năng cơ động của khinh khí cầu do thám và đang bay về phía trung tâm Hoa Kỳ đã đập thẳng vào mặt tuyên bố trước đó của Trung Quốc rằng khinh khí cầu này chỉ là thiết bị “dân sự” với khả năng “tự lái” còn rất hạn chế và đã đi lạc vào lãnh thổ Hoa Kỳ chỉ vì trôi theo làn gió.
“Chúng tôi biết đây là khinh khí cầu (gián điệp) của Trung Quốc và nó có khả năng cơ động,” Chuẩn tướng Không quân Patrick Ryder nói trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, từ chối cho biết chính xác nó được cung cấp năng lượng như thế nào hoặc ai ở Trung Quốc đang điều khiển đường bay của nó.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm Trung Quốc dự kiến bắt đầu vào thứ Sáu vì sự hiện diện khinh khí cầu Trung Quốc ở không phận Hoa Kỳ, điều mà giới chức Hoa Kỳ gọi là “vi phạm trắng trợn” chủ quyền Hoa Kỳ.
Mộc Vệ
Cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ nóng lên, Bắc Kinh muốn chọc thủng liên minh ‘Mỹ-Nhật-Hà Lan’
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan đã đạt được một liên minh chip, bao gồm thỏa thuận hợp tác về kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Trước tình hình này, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công dư luận, tuyên bố rằng họ “đủ sức để đột phá sự phong tỏa của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan”.
“Đạo luật Khoa học và Chip năm 2022” của Mỹ nhằm nhằm cạnh tranh với Trung Quốc về công nghệ bán dẫn. đồng thời tìm cách hợp tác với Nhật Bản và Hà Lan để kìm hãm chính quyền Bắc Kinh. Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Don Graves đã xác nhận sự tồn tại của các thỏa thuận hợp tác trong việc kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan.
Ba quốc gia này là những nhà sản xuất thiết bị bán dẫn tiên tiến hàng đầu và các biện pháp trừng phạt chung có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc cũng đang trải qua những bất ổn nội bộ khi các biện pháp trừng phạt quốc tế tiếp tục thắt chặt. Vào ngày 30 tháng 1, tờ South China Morning Post của Hồng Kông trích dẫn các nguồn tin và cho biết rằng, hai tháng sau khi bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào “Danh sách Thực thể”, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc YMTC có kế hoạch cắt giảm 10% nhân sự. Ngoại giới cho rằng việc sa thải có liên quan trực tiếp đến chính sách kiểm soát chất bán dẫn của Hoa Kỳ.
Các nhà sản xuất máy tính quốc tế như Dell của Hoa Kỳ cũng đang lên kế hoạch ngừng dần việc sử dụng chip sản xuất tại Trung Quốc. Việc mất đi một lượng lớn người dùng và đơn đặt hàng sẽ dẫn đến sự thu hẹp hơn nữa của thị trường bán dẫn Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh như vậy, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công dư luận.
Phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc “Thời báo hoàn cầu” đã đưa ra một bài báo vào ngày 31 tháng 1, nói rằng: “Cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ đã bước vào giai đoạn quyết liệt. Cái gọi là các biện pháp phong tỏa này sẽ chỉ thúc đẩy quyết tâm phát triển nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc. Cuối cùng nó sẽ vượt qua nút thắt cổ chai kỹ thuật và phá vỡ rào cản của công nghệ phương Tây”.
“Thời báo hoàn cầu” cũng tuyên bố rằng “với sự giúp đỡ của thị trường nội địa khổng lồ, chip Trung Quốc đủ sức vượt qua sự phong tỏa của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan”; “Trung Quốc cuối cùng sẽ học được cách chế tạo những thiết bị sản xuất chất bán dẫn mà không thể nhập khẩu được”.
Hiện tại, các sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực cấp thấp như vật liệu bán dẫn, sản xuất Đĩa bán dẫn, năng lực sản xuất chất bán dẫn cũng chủ yếu tập trung ở các quy trình trên 28 nanomet (nm). Sự khác biệt về trình độ công nghệ dẫn đến nhu cầu nhập khẩu một lượng lớn sản phẩm bán dẫn cao cấp của Trung Quốc, trong đó Bộ xử lý trung tâm (CPU), Bộ phận xử lý đồ họa (GPU), Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên và các lĩnh vực khác hầu như đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tỷ lệ nội địa hóa thiết bị bán dẫn của Trung Quốc chưa đến 20% và hạn ngạch nhập khẩu vào năm 2021 sẽ lên tới 432,5 tỷ USD. Trình độ công nghệ trong nước đã trở thành nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Liên Thành
Danh sách thành viên ủy ban mới về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ-Trung được công bố
Vào thứ Tư (ngày 1 tháng 2), Hakeem Jeffries, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, đã thông báo rằng 11 thành viên của Hạ viện sẽ tham gia Ủy ban về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ-Trung.
Điều này có nghĩa là danh sách đầy đủ các thành viên của ủy ban đã được công bố, bao gồm tổng cộng 24 thành viên Hạ viện, trong đó có 13 thành viên đảng Cộng hòa và 11 thành viên đảng Dân chủ. Đại diện Đảng Cộng hòa Mike Gallagher của tiểu bang Wisconsin giữ vai trò chủ tịch, và Đại diện cấp cao nhất của Đảng Dân chủ là Raja Krishnamoorthi người gốc Ấn Độ đến từ Illinois.
Ông Krishnamoorthi đã đưa ra một tuyên bố sau khi được xếp vào danh sách của ủy ban mới, nói rằng ông rất vinh dự được bổ nhiệm làm thành viên cấp cao của Ủy ban Trung Quốc.
Ông nói rằng: “Chính quyền Trung Quốc đặt ra mối đe dọa kinh tế và an ninh nghiêm trọng đối với nền dân chủ và thịnh vượng ở Mỹ và trên toàn thế giới, thể hiện qua mối đe dọa đối với nền dân chủ ở Đài Loan, việc vũ khí hóa TikTok và hành vi trộm cắp hàng trăm tỷ đô la Sở hữu trí tuệ của Mỹ.”
Trong khi ông Gallagher thì hoan nghênh và mong đợi sự hợp tác sắp tới với Krishnamoorthi. Bởi vì hai người từng làm việc cùng nhau về pháp luật trước đây.
Ông Gallagher nói: “Nỗi sợ hãi lớn nhất của chính quyền Trung Quốc là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa sẽ hợp lực để chống lại ảnh hưởng không tốt của họ và bảo vệ đất nước chúng ta. Chính quyền Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể dễ dàng chia rẽ chúng ta theo đường lối đảng phái. Tôi mong đợi được phát biểu với Nghị sĩ Raja Krishnamoorthi và các đồng nghiệp ở bên kia lối đi để chứng minh rằng chính quyền Trung Quốc đã sai.”
Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn việc thành lập ủy ban này trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 365/65 vào tháng trước. Đây là dự luật Hạ viện đầu tiên vượt qua ranh giới đảng phái.
Đảng Cộng hòa đã công bố danh sách các thành viên Hạ viện tham gia ủy ban này vào tháng 1, với trọng tâm là cấm đầu tư vào Trung Quốc, xác định các lĩnh vực phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, chống trộm cắp tài sản trí tuệ, vạch trần các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc và kiềm chế sự xâm lược của quân đội Trung Quốc.
Khi Đảng Dân chủ công bố danh sách các thành viên của Hạ viện vào ngày 1 tháng 2, họ tuyên bố rằng họ quan ngại về các vấn đề an ninh quốc gia, chính sách kinh tế, dân chủ và nhân quyền do TQ mang tới cho Mỹ, nhưng đồng thời họ cũng hy vọng tránh được những nhận xét làm tổn thương người châu Á, bao gồm cả người Mỹ gốc Hoa.
Tạ Linh
Mỹ, Philippines tái khởi động tuần tra chung ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ và Philippines đã đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông nhằm chống lại nguy cơ leo thang quân sự từ Trung Quốc.
Hai nước đã đình chỉ hoạt động tuần tra hàng hải trong khu vực biển tranh chấp dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte.
Trong chuyến thăm Manila của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, ông và người đồng cấp Philippines Carlito Galvez “đã đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông để giúp giải quyết các thách thức (an ninh)”, tuyên bố cho biết hôm thứ Năm (2/2), theo AFP.
Các quan chức cũng đã công bố một thỏa thuận cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận bốn căn cứ khác trong “khu vực chiến lược” ở quốc gia Đông Nam Á này.
Các thỏa thuận được đưa ra khi hai nước đồng minh tìm cách cải thiện mối quan hệ đã bị rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Duterte, người được coi là có quan điểm ủng hộ Trung Quốc.
Chính quyền mới của ông Ferdinand Marcos rất muốn đảo ngược điều đó.
Sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Đài Loan và việc xây dựng các căn cứ ở Biển Đông đang tranh chấp đã tạo động lực mới cho Washington và Manila để tăng cường quan hệ đối tác của hai bên.
Với vị trí chiến lược của Philippines, sự hợp tác được cho là chìa khóa trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, điều mà một tướng không quân bốn sao của Hoa Kỳ đã cảnh báo có thể xảy ra sớm nhất là vào năm 2025.
Thỏa thuận về tuần tra chung được đưa ra “vào phút cuối” trong cuộc đàm phán quốc phòng hôm thứ Năm giữa ông Austin và ông Galvez, một quan chức cấp cao của Philippines nói với AFP hôm thứ Sáu.
“Có một thỏa thuận chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thảo luận các hướng dẫn về cách thực hiện các cuộc tuần tra chung này”, quan chức này cho biết trong điều kiện giấu tên, theo AFP.
“Sẽ phải có những cuộc thảo luận tiếp theo… (về) chính xác những gì chúng tôi muốn làm, chính xác nơi chúng tôi muốn làm, tần suất, và liệu các tàu hải quân hay cảnh sát biển có tham gia tuần tra hay không,” quan chức này nói thêm.
Ngân Hà (theo AFP)
Đại sứ Đài Loan tại Mỹ: Việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được
Đại sứ Đài Loan tại Hoa Kỳ Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) tuyên bố rằng, quốc đảo này sẽ không dung thứ cho việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng Đài Loan.
Cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến sẽ có chuyến công du tới Trung Quốc trong những tuần tới, đánh dấu chuyến thăm ngoại giao cấp cao nhất của Hoa Kỳ tới Trung Quốc kể từ năm 2018.
“Chúng tôi yêu cầu một môi trường hòa bình, một môi trường không cho phép việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng”, bà Tiêu Mỹ Cầm cho biết khi bình luận về chuyến công du sắp tới đến Trung Quốc của ông Bliken. Bà cho rằng ông Blinken nên đề cập đến những vấn đề này trong chuyến đi sắp tới.
Bà cũng nhấn mạnh rằng, người dân Đài Loan và người dân Mỹ có chung một niềm tin mạnh mẽ vào việc duy trì nền dân chủ tự do.
Hôm 1/2, trong một cuộc phỏng vấn với đài NTD, một cơ quan truyền thông anh em của The Epoch Times, bà Tiêu bày tỏ, “Tôi cho rằng đó là một yếu tố then chốt trong lợi ích chung của chúng ta. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với những người đồng cấp Mỹ về vấn đề này”.
“Chúng tôi cũng hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Đài Loan để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như bảo vệ các giá trị chung của chúng ta”, bà cho biết.
“Đài Loan đóng một vai trò quan trọng, là một lực lượng tích cực trong việc thúc đẩy các giá trị này”, bà Tiêu khẳng định.
Tầm quan trọng của việc bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan
Quan điểm của bà Tiêu cũng tương tự như quan điểm của Chủ tịch Lập pháp viện Đài Loan Du Tích Khôn (You Si-kun). Ông Du hiện đang ở Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các giá trị tự do, dân chủ và tự do tôn giáo ở Washington.
Trong một bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Summit – IRFS), ông Du Tích Khôn đã chỉ trích gay gắt việc Bắc Kinh đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo và mô tả rằng Đài Loan là nền dân chủ duy nhất trong thế giới nói tiếng Hoa.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của đảo quốc này vì Đài Loan nằm ở trung tâm của các tuyến đường biển quốc tế trọng yếu, đồng thời là nhà sản xuất chất bán dẫn trọng yếu của thế giới.
Ông nói: “Vì vậy, việc bảo vệ Đài Loan, đặc biệt là nền dân chủ của hòn đảo là một việc rất quan trọng”.
“Nếu Đài Loan rơi vào phạm vi ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì ngọn hải đăng của nền dân chủ sẽ bị dập tắt. Sau đó, Trung Quốc có thể sẽ xâm chiếm chuỗi đảo thứ nhất và gây ra mối đe dọa cho toàn thế giới”, ông Du Tích Khôn nhận định về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và tham vọng của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương.
Buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những tội ác của mình
Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ hiện đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng tăng trước các vấn đề liên quan tới ĐCSTQ trong chuyến công du Trung Quốc tới đây, đặc biệt là việc giải quyết các hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ này.
Hôm 1/2, một nhóm các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa do Thượng nghị sĩ Marco Rubio dẫn đầu đã gửi một lá thư (pdf) tới Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, nhằm kêu gọi hai vị quan chức này buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những tội ác của mình.
Bức thư nêu rõ những hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với các nhóm thiểu số dân tộc và tôn giáo ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc. Hoa Kỳ đã cáo buộc đây là “hành vi diệt chủng”.
Bức thư nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ phải buộc ĐCSTQ chịu trách nhiệm về “hệ thống giám sát và giam giữ hàng loạt; không cho phép các cá nhân thực hành tôn giáo một cách ôn hòa; sử dụng lao động cưỡng bức; bạo lực tình dục; cưỡng bức phá thai và cưỡng bức triệt sản phụ nữ”.
“Hơn nữa, ĐCSTQ tiếp tục phủ nhận các quyền cơ bản của con người ở các nhóm khác mà chế độ này coi là mối đe dọa, chẳng hạn như người Tây Tạng, Cơ Đốc nhân và các học viên Pháp Luân Công”.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cũng cảnh báo rằng, hai vị quan chức này không nên biến các chuyến thăm của họ thành “chiến công tuyên truyền” cho chính quyền ĐCSTQ.
“Chúng tôi kêu gọi quý vị tận dụng chuyến đi này để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền, các hoạt động thương mại không công bằng và sự gây hấn ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và hơn thế nữa”, bức thư viết.
Bức thư ngụ ý rằng, nếu hai nhà lãnh đạo thực hiện ít hơn những nỗ lực kể trên, đó sẽ là tín hiệu cho thấy sự nhượng bộ [của Mỹ] đối với mối đe dọa lớn nhất của nước này: Trung Quốc.
Quan điểm của bức thư này tương tự như bức thư do Thượng nghị sĩ James Lankford soạn thảo hồi đầu tuần. Trong thư, ông James Lankford đã kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken “phơi bày” những tội ác của ĐCSTQ.
Thượng nghị sĩ James Lankford đã gửi một bức thư (pdf) đến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào ngày 31/01. Bức thư này yêu cầu ông Blinken “lấy việc bảo vệ những người bị áp bức làm trọng tâm” trong chuyến thăm đã được lên kế hoạch của ông tới Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Lankford cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài NTD vào ngày 31/1 rằng, ông buộc phải gửi lá thư này vì lo ngại rằng, mong muốn tăng cường thương mại và đẩy mạnh các chính sách khí hậu của chính quyền ông Biden sẽ làm lu mờ việc gây áp lực buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về các tội ác mà họ đã gây ra.
“Tôi muốn đảm bảo rằng họ sẽ không nói về các cơ hội kinh tế, thương mại và các vấn đề khí hậu mà bỏ qua người dân Trung Quốc và những điều mà người dân nước này vẫn đang phải đối mặt dưới chế độ này, từ ngày này qua ngày khác”.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch
Ukraina tuyên bố đánh chìm 5 tàu Nga chở đội trinh sát trong 24 giờ
Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Ukraine tuyên bố rằng, ít nhất 5 tàu hạng nhẹ của Nga chở các đội trinh sát và phá hoại đã bị quân đội Ukraine phá hủy trong hơn 24 giờ.
Theo Jerusalem Post, các tàu bị đánh chìm tại các chuỗi đảo ở đồng bằng sông Dnepr, nơi nó đổ ra Biển Đen. Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết vụ việc xảy ra hôm 31/1.
Tháng 11, các lực lượng Nga đã rút về bờ đông của sông Dnepr – con sông dài nhất Ukrainevà chảy qua một số thành phố lớn.
Ukrinform đưa tin rằng Nga đã tăng cường hoạt động của các đội phá hoại và do thám trong khu vực. Trước đó, Ukraine cũng thông báo pháo binh nước này đã đánh chìm một tàu chiến Nga trong cùng khu vực vào ngày 10/1/ Mặc dù không rõ con tàu thuộc loại nào vào thời điểm bị chìm, nhưng một bức ảnh hồng ngoại kèm theo thông báo cho thấy tàu bị đánh chìm dường như là một chiếc tàu tuần tra. Trước khi chìm nó đã bốc cháy.
Tuy nhiên, sau các báo cáo về vụ đánh chìm 5 tàu hạng nhẹ của Nga, Bộ Quốc phòng Ukraine đã không cập nhật số liệu thống kê các tàu Nga bị họ phá hủy, có lẽ vì những tàu này quá nhỏ hoặc chưa được xác nhận.
Tổng cộng 18 tàu chiến và các tàu khác của Nga đã bị quân đội Ukraine phá hủy kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 23/2.
Theo Hải quân Ukraine, hôm thứ Ba 31/1 có 12 tàu Nga ở Biển Đen án ngữ ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ba trong số các tàu Nga được trang bị tên lửa đất đối đất Kalibr mà Hạm đội Biển Đen thường sử dụng để bắn phá các vị trí của Ukraine.
Ukraine hiện có lực lượng hải quân thông thường rất mỏng sau khi phần lớn lực lượng này đã bị phá hủy hoặc thu giữ sau khi Nga giành quyền kiểm soát Sevastopol vào năm 2014. Tuy nhiên, hải quân Ukraine đã thách thức các nỗ lực của Nga nhằm chiếm ưu thế hoàn toàn về hải quân ở Biển Đen bằng việc sử dụng tên lửa chống hạm và máy bay không người lái hải quân.
Điều đó khiến Hạm đội Nga phải cảnh giác khi tiến gần đến bờ biển Ukraine, và trong những tháng gần đây phải giảm sự hiện diện của các tàu tên lửa.
Tạ Linh