Trước tình hình trong nước hỗn loạn và quan hệ với Mỹ gặp nhiều bất ổn, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại một lần nữa giở thủ đoạn lôi kéo Liên minh châu Âu (EU) về phe mình.
Giữa tháng 2 năm nay, cuộc đối thoại nhân quyền hai năm một lần giữa EU và Trung Quốc đã được nối lại. Hội nghị an ninh Munich cũng diễn ra từ ngày 17 đến 19/02 với Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt.
Đây chỉ là hai trong số nhiều biện pháp mà Bắc Kinh đang thực hiện để thuyết phục EU và toàn bộ châu Âu rằng ĐCSTQ đang thay đổi chính sách đối ngoại, tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn và ổn định hơn với EU; đồng thời Bắc Kinh tin tưởng (một cách giả bộ) rằng EU có thể và nên tự là một thế lực mạnh, cũng như nên cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ. Thực tế là, phái đoàn Trung Quốc đã dành phần lớn thời gian vào việc cáo buộc Hoa Kỳ gây nguy hiểm cho an ninh của châu Âu, đồng thời tìm cách chia rẽ Washington và EU, tất cả đều dưới mỹ từ ủng hộ “quyền tự trị chiến lược” của châu Âu.
Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sự thay đổi chóng mặt như vậy trong chính sách của Trung Quốc đối với châu Âu.
Chính sách đối ngoại của Trung Quốc dường như phụ thuộc vào hai yếu tố chủ chốt. Hai yếu tố này góp phần rất nhiều vào việc định hình chính sách của Trung Quốc đối với châu Âu. Yếu tố thứ nhất là ĐCSTQ cảm thấy như thế nào về vị thế của họ ở Trung Quốc đại lục (vị thế đó có vững chắc hay không), chừng nào họ còn nắm quyền lực. Các cuộc biểu tình, làn sóng suy thoái kinh tế, những bất ổn tại thị trường nội địa, hoặc một sai lầm chính sách nào đó của ông Tập Cận Bình có thể sẽ khiến Bắc Kinh thay đổi giọng điệu của họ theo chiều hướng tốt hơn. Yếu tố thứ hai là mối quan hệ quốc tế, nhất là với Hoa Kỳ. Khi quan hệ với Mỹ trở nên khó khăn, và ở mức độ khó khăn thấp hơn là với Nhật Bản hoặc Úc, thì giọng điệu của ĐCSTQ trong chính sách đối với châu Âu có xu hướng được cải thiện.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là ĐCSTQ thực sự thay đổi chính sách. Đảng chỉ thay đổi cách mà họ trình bày và diễn giải chính sách. Chính sách của ĐCSTQ hiếm khi thay đổi, vì thế giới quan của ĐCSTQ đã được ấn định, không bao giờ thay đổi.
Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến ĐCSTQ chuyển từ giọng điệu hung hăng sang giọng điệu mang sắc thái xoa dịu hơn. Và ắt hẳn đây cũng không phải là lần cuối cùng.
Ngay lúc này, cả hai yếu tố nêu trên đều nghiêng về phương án ĐCSTQ cần tỏ ra nhân nhượng và sử dụng giọng điệu thân thiện. Và mặc dù đến thời điểm này, lẽ ra chúng ta đã có đủ bài học để không phải đặt ra câu hỏi dưới đây, nhưng tôi [tác giả bài viết], với tư cách là một người châu Âu, sợ rằng chúng ta vẫn phải hỏi: Liệu EU có một lần nữa rơi vào bẫy của ĐCSTQ hay không?
Ở trong nước, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp vô vàn khó khăn; việc chấm dứt chính sách zero-COVID đã không mang lại cú hích mà Bắc Kinh mong đợi. Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang chuyển từ lý thuyết/cảnh báo sang tác động thực tế đến tăng trưởng kinh tế hiện tại và tương lai của Trung Quốc. Các biện pháp chống COVID hà khắc đã khiến nhiều cuộc biểu tình nổ ra kêu gọi chống lại ông Tập và ĐCSTQ; nhiều người Trung Quốc giàu có đang mang gia tài nhanh chóng chạy khỏi đất nước; số lượng người Trung Quốc xin tị nạn tăng mạnh – tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy tình hình Trung Quốc vô cùng tồi tệ.
Trên trường quốc tế, mọi thứ cũng không khá hơn là mấy. Gần đây, Hoa Kỳ đã đi đầu trong nỗ lực phản ứng trước việc Trung Quốc thành lập các “trạm dịch vụ” cảnh sát (các đồn cảnh sát) không chính thức, cũng như trước việc ĐCSTQ thực thi chiến dịch “săn cáo” – săn lùng những người bị cáo buộc chạy trốn từ Trung Quốc ra nước ngoài. Mỹ đã ban hành lệnh hạn chế đầu tư vào các công ty thuộc sở hữu bởi hoặc có liên quan đến quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, Hoa Kỳ đang thu hút được nhiều đồng minh cùng tham gia ở tất cả các khía cạnh kể trên và hơn thế nữa; đây có lẽ là mối đe dọa lớn đối với ĐCSTQ.
Những tác động mà ĐCSTQ có thể tạo ra chủ yếu phụ thuộc vào việc Đảng này làm cách nào để khiến một phương Tây vốn bị chia rẽ chống lại nhau; nhưng theo bất kỳ thước đo nào thì ĐCSTQ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi làm như vậy. Cần nhớ rằng, cuộc chiến kinh tế gần như toàn diện chống lại Úc của ĐCSTQ hóa ra là một thất bại lớn, không chỉ làm lộ sự yếu kém của Trung Quốc, mà còn cho chúng ta thấy ngay cả các nước nhỏ cũng ít bị tổn thương trước các mối đe dọa đến từ Trung Quốc hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Litva (còn gọi là Lithuania) và Cộng hòa Séc là những quốc gia dám đi những bước táo bạo làm mất lòng ĐCSTQ — những hành động mà mới chỉ vài năm trước đây từng là điều không tưởng.
Với những điều này, thật dễ hiểu tại sao Trung Quốc phải tiếp tục cố gắng lôi kéo EU – đối tác kinh tế quan trọng nhất của họ cho đến nay. Các cuộc thảo luận về việc tái khởi động Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) đang được xúc tiến. Sau khi từ chối thông qua đối thoại nhân quyền EU – Trung Quốc để hợp tác với EU, người Trung Quốc lại đột nhiên cởi mở, thậm chí rất muốn làm đối thoại đó. Trong một cuộc phỏng vấn với Global Times vào tháng 2, đại sứ Trung Quốc tại Pháp đã thảo luận về triển vọng tăng cường quan hệ EU – Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine và vấn đề Đài Loan leo thang căng thẳng. Tại các cuộc họp riêng giữa hai bên, thật khó để không cho rằng nhiều đề xuất, nhiều thỏa thuận thương mại và các chuyến thăm cấp nhà nước đang được lên kế hoạch.
Tôi có nhận thức tương đối sâu sắc về đối thoại nhân quyền EU – Trung Quốc. Đối thoại này không chỉ khiến ĐCSTQ cải thiện hành xử của họ đối với các tù nhân chính trị, mà còn có thể đã khiến những người dám đứng lên bảo vệ nhân quyền được đối xử tốt hơn. Không nghi ngờ gì nữa, một số người sẽ không còn sống cho đến ngày nay nếu không có cuộc đối thoại nhân quyền EU – Trung Quốc. Đành rằng, tính hữu dụng của cuộc đối thoại đã giảm đi nhiều so với một thập kỷ trước, vì Trung Quốc cảm thấy ít cần phải chú ý đến lời kêu gọi của bất kỳ ai. Dù vậy, đây vẫn là một trong số ít các cuộc đối thoại thể chế mang lại lợi ích trực tiếp và tích cực cho những người dám bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, rõ ràng là ĐCSTQ đang sử dụng cuộc đối thoại này như một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm tái can dự vào EU – điều được thực hiện để khắc phục các vấn đề quốc tế và trong nước hiện tại của Trung Quốc.
Như trước đây, một khi những tình huống đó được xử lý xong, giọng điệu của ĐCSTQ sẽ lại thay đổi, và Đảng này sẽ, như thường lệ, quay trở lại với việc thực thi các hiệp ước bất bình đẳng (CAI là một hiệp ước quan trọng, nhưng là hiệp ước mà không quốc gia nào sẵn lòng tham gia, do tính chất cực kỳ bất bình đẳng của nó); đồng thời bắt đầu tung ra những lời đe dọa bất cứ khi nào EU, hoặc bất kỳ quốc gia thành viên EU nào, dự tính đưa ra một chính sách nào đó mà Trung Quốc không hài lòng. Tất nhiên, tất cả những điều này chỉ là vấn đề về giọng điệu; Bắc Kinh sẽ bằng mọi giá làm những gì họ muốn, nhưng có lẽ với tốc độ chậm hơn.
Toàn bộ sự xoa dịu và nài nỉ của ĐCSTQ chỉ đơn thuần là một bài thực hành về giọng điệu, và thậm chí giọng điệu đó sẽ biến mất khi ông Tập cảm thấy mình có thể quyền kiểm soát tình hình trở lại. Chính EU và rộng hơn là thế giới tự do sẽ phải trả giá nếu dễ dàng bị ĐCSTQ dụ dỗ bằng mưu mẹo.
Hy vọng rằng lần này, các chính trị gia, quan chức và cố vấn của EU sẽ bớt cả tin, bớt gà mờ và bớt ngây thơ hơn so với thập kỷ trước.
Xuân Hoa biên dịch