Tin thế giới trưa Chủ Nhật: Chính quyền Giang Tô cướp mỏ của dân, đánh người dân bất tỉnh

Sau vụ mất tích bí ẩn nam sinh Hồ Hâm Vũ, hơn chục thiếu niên cũng mất tích khắp Trung Quốc

Nhiều học sinh ở Trung Quốc mất tích bí ẩn. (ảnh: NTD).

Theo hãng truyền thông tiếng Trung Xin Tang Ren, trường hợp mất tích bí ẩn của Hồ Hâm Vũ đã thu hút sự chú ý của không chỉ Trung Quốc mà cả thế giới bên ngoài. Vụ án này cũng đưa ra ánh sáng sự mất tích của nhiều thiếu niên khác từ nhiều nơi ở Đại lục.

Gần đây, nhiều video đã được đăng trên ứng dụng Douyin, phiên bản Trung Quốc của Tiktok.

Ít nhất một chục thanh thiếu niên đã mất tích ở các tỉnh và thành phố của Trung Quốc vào tháng Giêng. Một số được cho là đã tự ý rời khỏi nhà mà không có liên lạc, trong khi một số khác được cho là đã mất liên lạc sau khi rời nhà để đi đá bóng. Một nữ sinh trung học phổ thông được thông báo mất tích trong giờ ra chơi của lớp học buổi tối.

Dư Tử Tuyên, một cô gái 14 tuổi ở thôn Yujia, thị trấn Legang, thành phố Lạc Bình, tỉnh Giang Tây được thông báo là đã mất tích vào ngày 14 tháng 1.

Cô đến từ cùng một tỉnh với Hồ Hâm Vũ, nam học sinh 15 tuổi mất tích ba tháng rúng động Trung Quốc. Dư Tử Tuyên được cho là đã rời khỏi nhà lúc 11:30 tối và biến mất.

Hài Trương Tử Hám, một cô gái 15 tuổi ở tỉnh Hà Bắc, đã biến mất vào ngày 28 tháng 1. Có rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên mất tích, theo báo cáo của hãng truyền thông tiếng Trung Xin Tang Ren, chúng có độ tuổi từ 10 đến 18 tuổi, bao gồm cả nam và nữ.

Theo Đài Á châu Tự do (RFA), hơn chục trường hợp học sinh cấp 2 mất tích bí ẩn xảy ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc chỉ trong vòng một tháng, từ tháng 10 đến tháng 11 năm ngoái.

Lâm Thịnh Lương, người theo dõi các vụ bắt nạt học đường Trung Quốc 1 thời gian dài, nói với đài RFA rằng anh nhận được thông báo về những người mất tích ở các trường học Trung Quốc mỗi ngày. Anh thấy rằng gần đây có nhiều trường hợp mất tích đặc biệt. 

Theo anh Lâm, việc chính phủ Trung Quốc chấp thuận hoạt động cấy ghép nội tạng đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Ví dụ, Hoàng Khiết Phu, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, đã nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ trở thành tổ chức ghép tạng lớn nhất thế giới.

Hơn nữa, mọi người chỉ có thể suy đoán về những lý do có thể xảy ra vì chính phủ Trung Quốc luôn giữ bí mật về những trường hợp như vậy.

Tạ Linh

Cảnh sát Ấn Độ trấn áp nạn tảo hôn, bắt giữ hơn 1.800 đàn ông

Cảnh sát ở bang Assam đã bắt giữ hơn 1.800 người đàn ông vì kết hôn hoặc dàn xếp hôn nhân với các cô gái chưa đủ tuổi vị thành niên. Thủ hiến bang miền đông Ấn Độ hôm thứ Sáu (3/2) cho biết đây là khởi đầu của việc trấn áp kéo dài đối với tập tục này.

Ông Himanta Biswa Sarma cho biết, cảnh sát đã bắt đầu các vụ bắt giữ vào tối thứ Năm, đối với cả những người giúp đăng ký các cuộc hôn nhân như vậy ở các đền thờ và nhà thờ Hồi giáo.

Ông nói: “Tảo hôn là nguyên nhân chính đằng sau việc mang thai ở trẻ em, từ đó gây ra tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh cao.”

Hôn nhân dưới 18 tuổi là bất hợp pháp ở Ấn Độ, nhưng luật này thường bị phớt lờ một cách công khai.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng Ấn Độ có số lượng cô dâu trẻ em lớn nhất thế giới với khoảng 223 triệu người. Gần 1,5 triệu bé gái vị thành niên kết hôn ở tại Ấn Độ mỗi năm, cơ quan nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF cho biết trong một báo cáo năm 2020.

Ông Sarma nói: “Từ người Hồi giáo đến người theo đạo Hindu, Kitô hữu, … những người đàn ông thuộc mọi tín ngưỡng và mọi cộng đồng đã bị bắt vì tội ác xã hội ghê tởm này”.

Ông cho biết thêm, chính phủ bang Assam đã xác nhận truy tố các trường hợp liên quan đến tảo hôn đối với 4.004 người.

Nhật Minh (theo Reuters)

Quân đội Trung Quốc tiếp tục mất thêm 3 tướng lĩnh trong đại dịch

Ảnh minh hoạ.

Trung tướng Trần Khởi Trí là cựu hiệu trưởng của Đại học Công nghệ Quốc phòng. Mặc dù ông Trần đã qua đời vào ngày 24 tháng 12, nhưng cái chết của ông chỉ được thông báo hơn một tháng sau đó, vào ngày 2 tháng 2 bởi Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân của ĐCSTQ.

Ông Trần Khải Trí, một đảng viên ĐCSTQ, đã được chế độ giao cho nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội. Ông qua đời ở tỉnh Sơn Đông, hưởng thọ 91 tuổi.

Hai ngày sau cái chết của ông Trần, Thiếu tướng Trương Nham, cựu phó tư lệnh Hạm đội phương Bắc, cũng qua đời ở tỉnh Sơn Đông, hưởng thọ 80 tuổi.

Vào ngày 13 tháng 1, Trung tướng Lý Cảnh, một trong những tướng “diều hâu” của ĐCSTQ, đã qua đời.

Ngoài ra, hàng loạt cựu tướng lĩnh và quan chức Bộ Quốc phòng khác của ĐCSTQ đã tử vong trong đợt bùng phát COVID lần này.

Vào ngày 30 tháng 1, Lê Giới Thọ, cựu phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quân khu Nam Kinh, cũng đã qua đời.

Quách Thủ Nhất, một quan chức cấp cao khác của quân đội Trung Quốc, cũng đã qua đời vào ngày 25 tháng 1. Ông Quách là đảng viên ĐCSTQ, ông từng giữ các chức vụ cao tại Trường Đại học Quân y Không quân, như trưởng khoa giảng dạy và nghiên cứu.

Tờ Apollo News đã liệt kê hàng chục quan chức quân đội của ĐCSTQ đã qua đời gần đây. Hầu hết những người này đều qua đời sau ngày 30 tháng 11, sau khi cựu tổng bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân qua đời.

Tạ Linh

Giám đốc CIA: Không nên đánh giá thấp tham vọng của ông Tập đối với Đài Loan

Giám đốc CIA William Burns. (Ảnh: UNHCR / Jean-Marc Ferré / Flickr)

Hôm thứ Năm (2/2), Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho biết không nên đánh giá thấp tham vọng của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đối với Đài Loan. Ông cũng đề cập vấn đề ông Tập có thể cảnh giác vì thực trạng quân đội Nga ở Ukraine.

Ông Burns cho hay, Mỹ “dựa trên thông tin tình báo” biết rằng ông Tập Cận Bình đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị sẵn sàng vào năm 2027 xâm chiếm Đài Loan.

“Bây giờ, điều đó không có nghĩa là ông ấy quyết định xâm lược vào năm 2027 hay một thời điểm nào đó khác, nhưng đó là một lời nhắc nhở rằng mối quan tâm và tham vọng của ông ta là nghiêm túc”, ông Burns cho hay tại một sự kiện ở Đại học Georgetown bang Washington hôm thứ Năm (2/2).

“Đánh giá của chúng tôi tại CIA là không đánh giá thấp tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với Đài Loan”, ông nói.

Trước đó vào ngày 27/1, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Cơ động Lực lượng Không quân Mỹ (AMC) là Tướng Mike Minihan đã dự đoán trong một bản ghi nhớ cho cấp dưới của mình rằng ĐCSTQ có thể gây chiến với Mỹ sau 2 năm nữa. “Tôi hy vọng mình đã sai, linh cảm mách bảo tôi rằng sẽ có chiến tranh vào năm 2025”, ông Minihan nói.

Bản ghi nhớ cũng cho biết rằng vì cả Đài Loan và Mỹ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2024 nên thời điểm đó Mỹ sẽ bị “phân tâm”, tạo cơ hội cho ĐCSTQ hành động đối với Đài Loan. Vì thế ông Minihan đã nêu rõ các mục tiêu sẵn sàng của mình, bao gồm việc củng cố “lực lượng liên hợp sẵn sàng ứng chiến và giành chiến thắng trong chuỗi đảo đầu tiên”.
Quan hệ Trung-Nga có giới hạn nhưng không thể đánh giá thấp

Ông William Burns nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể “ngạc nhiên và bất an” trước quân đội Nga và các hệ thống vũ khí của họ ở Ukraine, đồng thời cố gắng học hỏi từ “thành tích rất kém” đó (của Nga).

Trước thềm cuộc xâm lược Ukraine của quân đội Nga vào tháng 2 năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã ký kết quan hệ đối tác “không hạn chế”; sau khi chiến tranh bùng nổ, quan hệ của Nga với phương Tây gần như bị cắt đứt và quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nga theo đó nhanh chóng tiến triển.

Việc Nga xâm lược Ukraine cũng khiến phương Tây lo ngại hơn về khả năng ĐCSTQ có hành động tương tự tại Đài Loan.

ĐCSTQ đã không lên án các hành động của Nga đối với Ukraine, nhưng cũng đã cẩn thận không cung cấp hỗ trợ vật chất trực tiếp khiến nước này phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.

“Tôi nghĩ sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp cam kết chung đối với mối quan hệ đối tác (Trung Quốc-Nga), nhưng điều này không phải là một tình bạn hoàn toàn không có giới hạn”, ông Burns nói.
Cạnh tranh với ĐCSTQ là trên toàn cầu

Hôm thứ Năm (2/2), Lầu Năm Góc cho biết có khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã bay trên không phận nước Mỹ. Vụ việc này không thấy ông Burns đề cập, nhưng gọi Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất” mà hiện nay Mỹ phải đối mặt.

“Sự cạnh tranh với Trung Quốc (ĐCSTQ) là độc nhất về quy mô, gần như ở mọi lĩnh vực, không chỉ quân sự và ý thức hệ, mà cả kinh tế, công nghệ, mọi thứ từ không gian mạng đến không gian vật lý. Thực tế (cạnh tranh) là ở tầm toàn cầu và có thể khốc liệt hơn so với cạnh tranh với Liên Xô cũ trước đây”, ông nói.

Giám đốc CIA William Burns cũng cho biết 6 tháng tới sẽ “rất quan trọng” đối với Ukraine, nơi Moscow đã đạt được những thành tựu gia tăng trong những tuần gần đây. Ông cũng đề cập tình hình nội bộ Iran ngày càng xáo trộn nhờ tinh thần dũng cảm của phụ nữ Iran.

Theo Hạ Vũ, Epoch Times

Bắc Kinh nói Mỹ lấy cớ vụ khinh khí cầu để bôi nhọ Trung Quốc

Hôm thứ Bảy (4/2), Bắc Kinh cho biết việc các phương tiện truyền thông và chính trị gia Hoa Kỳ tận dụng dụng cáo buộc rằng Trung Quốc thả khinh khí cầu gián điệp là nhằm bôi nhọ Trung Quốc.

Vụ khinh khí cầu đã khiến Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Sáu hủy bỏ chuyến công du hiếm hoi tới Bắc Kinh.

Ngay trước khi quyết định hủy bỏ chuyến thăm, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố “lấy làm tiếc” và đổ lỗi cho gió đã đẩy cái mà họ gọi là khí cầu dân sự vào không phận Hoa Kỳ.

Vào thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố khác đề cập đến thông báo của ông Blinken.

“Trung Quốc … chưa bao giờ vi phạm lãnh thổ và không phận của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào,” tuyên bố nói.

“Một số chính trị gia và phương tiện truyền thông ở Hoa Kỳ đã sử dụng sự cố (khinh khí cầu) như một cái cớ để tấn công và bôi nhọ Trung Quốc.”

Tuyên bố nói thêm rằng vụ việc là một “tai nạn bất khả kháng” và Trung Quốc “luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế cũng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia”.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Sáu tuyên bố rằng báo cáo về khinh khí cầu bị nghi là gián điệp của Trung Quốc được phát hiện trên không phận Hoa Kỳ là một “thuyết âm mưu.”

“Thuyết âm mưu về một khinh khí cầu do thám bay qua Montana, nơi đặt một trong ba bãi phóng tên lửa hạt nhân nội địa của Mỹ, đã thu hút sự chú ý rộng rãi ở Mỹ, mặc dù bức ảnh họ chụp không rõ ràng và không có dấu hiệu nào liên kết nó với Trung Quốc cả,” bài báo đăng trên China Daily viết.

Khinh khí cầu bị nghi ngờ được tìm thấy lơ lửng trên Montana, sau khi bay qua Quần đảo Aleutian của Alaska và Canada. Các quan chức Hoa Kỳ hôm thứ Năm nói rằng họ tin tưởng rằng “khí cầu giám sát tầm cao” này đến từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng khinh khí cầu là một “khí cầu” dân sự được sử dụng chủ yếu cho nghiên cứu khí tượng, đồng thời nói thêm rằng gió đã thổi khí cầu ra khỏi đường đi “đã được lên kế hoạch”.

“Phía Trung Quốc lấy làm tiếc về việc khí cầu vô tình đi vào không phận Hoa Kỳ vì lý do bất khả kháng,” Bộ này cho biết trong một tuyên bố.

Khinh khí cầu được cho là đã bay lượn trên không phận Hoa Kỳ trong vài ngày, nhưng Lầu Năm Góc đã quyết định không bắn hạ nó, với lý do lo ngại về an toàn cho những người dưới mặt đất. Khinh khí cầu đã được Bộ chỉ huy phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) theo dõi.

Đã có những suy đoán cho rằng Trung Quốc có thể đã cố gắng quan sát các hầm chứa tên lửa ở Montana, nơi có Căn cứ Không quân Malmstrom, một trong ba căn cứ của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ duy trì và vận hành tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III. Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng họ không có ý định vi phạm không phận của Mỹ.

Hôm thứ Sáu, cây viết Zhang Zhouxiang của China Daily cho biết tuyến đường ngắn nhất giữa Bắc Kinh và Montana dài hơn 9.000 km, “khiến không thể kiểm soát chính xác chuyến bay của khinh khí cầu này.” Ngoài ra, khinh khí cầu giám sát được sử dụng làm công nghệ quân sự đã lỗi thời, có từ thế kỷ 20, ông Zhouxiang viết.

“Những người bịa đặt lời nói dối về khí cầu rõ ràng đang cố gắng miêu tả Trung Quốc theo hai cách trái ngược nhau, cả hai cách đều thiếu không thiện ý; họ rất muốn mô tả Trung Quốc như một kẻ thù đến nỗi họ từ bỏ mọi lý lẽ trong quá trình này, vạch trần sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức chung của họ ở mức độ cao nhất,” bài báo trên China Daily viết.

Lê Vy

Chính quyền Giang Tô cướp mỏ của dân, đánh người dân bất tỉnh

Nhiều dân làng bị cảnh sát đánh bất tỉnh.

Vào ngày 31 tháng 1, một cuộc đụng độ giữa dân làng và lực lượng cảnh sát đã nổ ra ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Đoạn video cho thấy một nhóm lớn cảnh sát an ninh tập trung trên cánh đồng và tấn công dân làng. Một người ngoài cuộc được nhìn thấy đang cầm điện thoại để ghi lại hiện trường, nhưng cảnh sát đã đến và tịch thu điện thoại của anh ta.

Theo tài khoản Twitter “China News JayPro”, chính quyền Giang Tô tuyên bố họ đã phát hiện ra một mỏ thạch anh ở làng An Doanh. Các nhà chức trách đã gửi một máy xúc đến hiện trường và đào khu vực này lên. Dân làng cho biết mỏ thạch anh đã được phát hiện từ 8 năm trước. Vào thời điểm đó, nhiều người dân đã đào mỏ, nhưng chính quyền sau đó đã cấm họ làm như vậy.

Vì vậy khi máy xúc hoạt động, nhiều người dân đã ra sức ngăn cản. Chính quyền địa phương sau đó đã điều động cảnh sát đến để trấn áp, nhiều dân làng đã bị đánh đập đến bất tỉnh. Đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một người phụ nữ lớn tuổi đang nằm bất tỉnh trên mặt đất.

Tài khoản Twitter cũng giải thích lý do dân làng làm như vậy. Đó là bởi vì các hoạt động khai thác mỏ sẽ phá hủy mùa màng và các nguồn nước gần đó. Người này nói thêm: “Chính quyền địa phương ở làng An Doanh, huyện Đông Hải, Liên Vân Cảng, Giang Tô, lấy cớ đào hồ chứa nước, nhưng thực chất là đào thạch anh để biển thủ tài sản của người dân, hủy hoại đất đai và gây ô nhiễm môi trường. Phá dỡ nhà người ta rồi nói nhà dân gây ô nhiễm môi trường, bọn họ đang làm gì vậy?”.

Liên Thành

Quân đội Trung Quốc mua chuỳ gai để đấu với ai?

Một cây chùy do Quân đội Giải phóng Nhân dân chế tạo đặc biệt cho cuộc xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Một trang web của chính phủ Trung Quốc gần đây đã đưa ra thông báo về việc mua chùy gai. Đó là một trang web mua sắm quân sự của Trung Quốc. Sau khi bị  một người dùng Twitter đăng tải, nó đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng.

Theo một bức ảnh được đăng tải bởi tài khoản Twitter “Phương Châu Tử (Fang Zhouzi)” ngày 1/2, đó là thông báo mua chùy gai do trang web mua sắm của quân đội Trung Quốc đưa ra vào ngày 30 tháng 1, thời gian mua bán là ngày 4 và 5 tháng 2, giao dịch sẽ được bán qua email. 

Tờ Newtalk dẫn lời một số cư dân mạng bình luận:

 “Đây có phải là quyết định được đưa ra sau khi xem bộ phim Mãn Giang Hồng (Full River Red) không?”

 “Hẳn sau này sẽ có người kế vị Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (Boxer Rebellion)”

Trong khi một số người nghi ngờ rằng: “Nó được sử dụng để đối phó với điêu dân hay với quân Ấn Độ? Rõ ràng (chùy gai) là thích hợp với đối phó bách tính.”

Tạ Linh

Chủ tịch Thượng viện Nga: Nếu Ukraina tỏ ý chân thành, Nga sẽ sẵn sàng đàm phán

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Matviyenko hôm thứ Tư (ngày 1/2) cho biết, Nga sẵn sàng đàm phán về tình hình ở Ukraine nếu phía Ukraine có thể thể hiện sự chân thành. (ảnh: Aboluowang).

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (thượng viện Nga) – Valentina Ivanovna Matviyenko hôm thứ 1/2 cho biết, Nga sẵn sàng đàm phán về tình hình ở Ukraina nếu phía Ukraina thể hiện ra sự chân thành.

Bà Matviyenko cho rằng lập trường của Nga rõ ràng, rành mạch và minh bạch, Nga sẵn sàng đàm phán không cần điều kiện tiên quyết, khác với việc Ukraina cố gắng đề xuất điều kiện tiên quyết cho việc đàm phán, nhưng Nga hiện không thấy thiện chí đàm phán chân thành của Ukraina.

Bà Matviyenko cũng chỉ trích việc Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraina, đặc biệt là vũ khí mang tính tấn công, động thái như vậy hoàn toàn không phải là lời kêu gọi hòa bình. Bà nói rằng nếu Mỹ  nguyện ý, sẽ có thể khiến Ukraina ngồi vào bàn đàm phán trong vòng một ngày, nhưng Hoa Kỳ không quan tâm đến việc chấm dứt xung đột, mà muốn xung đột sẽ leo thang và kéo dài. Hoa Kỳ đang cố gắng tiếp tục kiềm chế sự phát triển của Nga, và Làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng châu Âu hoàn toàn phụ thuộc vào tổ hợp công nghiệp-quân sự và năng lượng của Mỹ.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov  cũng cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện không có kế hoạch đàm phán với Tổng thống Mỹ Joe Biden; và đối với Nga, mục tiêu chính hiện nay là tiếp tục các hoạt động quân sự đặc biệt và hoàn thành các nhiệm vụ được tổng thống giao.

Liên Thành

Binh sĩ Wagner được lính Ukraina mô tả như những xác sống, khiến họ phải đổi AK-47 liên tục

Quân nhân Ukraine đào hào gần Bakhmut, nơi diễn ra cuộc giao tranh tiêu hao với các chiến binh Wagner. (ảnh: AFP).

Các binh sĩ Ukraine đã so sánh những tân binh của Wagner với những thây ma, mô tả những cựu tù nhân bị đánh thuốc mê trèo qua xác đồng đội của họ trong hết đợt tấn công tàn bạo này đến đợt tấn công tàn bạo khác.

Daily Mail cho biết, công ty quân sự tư nhân của Điện Kremlin đã củng cố quân số bằng cách trao cho những tội phạm bị bỏ tù ở Nga một hợp đồng chiến tranh kéo dài 6 tháng, với sự hứa hẹn về một tự do khi kết thúc nghĩa vụ nếu họ sống sót sau cuộc tấn công kinh hoàng.

Các binh sĩ Ukraine Andriy và Borisych, phát biểu từ thành phố Bakhmut bị bao vây, cho biết họ đã chiến đấu với hàng trăm chiến binh Wagner trong nhiều tuần trong một cuộc xung đột tiêu hao.

Andriy nói với CNN rằng: “Họ đang trèo lên trên xác của những người bạn của họ, giẫm lên họ”.

Anh ấy nói rằng súng trường AK-47 của họ trở nên quá nóng do bắn liên tục nên họ phải thay đổi chúng liên tục. 

Người chiến binh nói thêm: “Xạ thủ súng máy của chúng tôi gần như phát điên lên khi đang bắn vào họ. Và anh ấy nói, ‘Tôi biết tôi đã bắn anh ta, nhưng anh ta không ngã.’ Và rồi sau một thời gian, có thể do bị chẩy nhiều máu nên anh ta ngã xuống”.

Khi lực lượng Wagner tiến về phía trước, họ đào hố cá nhân trong khi được hỗ trợ bởi pháo binh để củng cố lãnh thổ của mình.

Một cựu chỉ huy của Wagner đã trốn sang Na Uy thậm chí đã xin lỗi về những điều khủng khiếp đã xảy ra ở Ukraine.

Andrei Medvedev, người đã chạy trốn bằng cách băng qua biên giới Nga-Na Uy vào ngày 13 tháng 1, nói rằng mình đã chứng kiến ​​cảnh sát hại và ngược đãi các tù nhân Nga do lực lượng dân quân sát thủ của Yevgeny Prigozhin tuyển mộ. 

Anh nói rằng mình đã chạy trốn qua biên giới phía Bắc, trèo qua hàng rào dây thép gai và trốn tránh một đội tuần tra biên giới với chó nghiệp vụ, anh cũng đã nghe thấy lính canh nổ súng khi anh đang chạy qua một khu rừng và qua con sông đóng băng ngăn cách hai nước.

Người đàn ông 26 tuổi hiện đang xin tị nạn ở Na Uy.

“Nhiều người coi tôi là một tên vô lại, một tên tội phạm, một kẻ giết người”, Medvedev nói trong một cuộc phỏng vấn. “Đầu tiên, phải lặp lại nhiều lần rằng tôi muốn xin lỗi và mặc dù tôi không biết nó sẽ được đón nhận như thế nào, nhưng tôi muốn nói rằng tôi xin lỗi.

“Tôi muốn giải thích rằng tôi không phải là loại người đó. Vâng, tôi đã phục vụ trong Wagner. Có một số khoảnh khắc (trong câu chuyện của tôi) mà mọi người không thích, rằng tôi đã tham gia cùng họ, nhưng không ai sinh ra đã thông minh cả”.

Medvedev cho biết anh muốn nói ra kinh nghiệm của mình trong chiến tranh để ‘thủ phạm bị trừng phạt’ vì tội ác của họ ở Ukraine.

“Tôi đã quyết định công khai chống lại nó, để giúp bảo đảm rằng thủ phạm bị trừng phạt trong một số trường hợp nhất định và tôi sẽ cố gắng đóng góp, ít nhất là một phần nhỏ”.

Medvedev cho biết anh gia nhập Wagner vào tháng 7 năm 2022 theo hợp đồng 4 tháng và trong thời gian đó anh đã chứng kiến ​​hai người không muốn chiến đấu bị bắn trước mặt những tù nhân mới được tuyển dụng.

“Điều đáng sợ nhất là gì? Là nhận ra rằng có những người tự coi mình là đồng bào của bạn, và họ có thể đến và giết bạn ngay lập tức, hoặc theo lệnh của ai đó’, anh nói.

“Người của chính bạn. Đó có lẽ là điều đáng sợ nhất”.

Prigozhin, một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trước đây đã nói rằng Medvedev từng làm việc trong đơn vị Wagner của Na Uy và đã ‘ngược đãi các tù nhân’.

“Cẩn thận, hắn rất nguy hiểm,” Prigozhin nói.

Tạ Linh

Related posts