Huyền Anh
Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) đã kết thúc ngày 4/2 tại Jakarta (thủ đô của Indonesia), các Bộ trưởng Ngoại giao Đông Nam Á tuyên bố sẽ hoàn tất đàm phán với Trung Quốc về một hiệp ước được đề xuất nhằm ngăn chặn xung đột tại các khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông.
Trong phiên họp cuối cùng của cuộc họp kéo dài hai ngày, các Bộ trưởng Ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng nhất trí thống nhất về cách tiếp cận để thực hiện thỏa thuận năm bước được đưa ra vào năm 2021 giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, nhằm tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ của đất nước này.
Nhiều năm qua, Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN (gồm 4 bên tranh chấp chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ ở Biển Đông) đã tổ chức các cuộc đàm phán lẻ tẻ về một “Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông” (Code of Conduct – COC). Đây là một tập hợp các tiêu chuẩn và quy tắc khu vực nhằm ngăn ngừa xung đột ở vùng biển tranh chấp.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết Indonesia, nước chủ tịch ASEAN năm nay, sẵn sàng tổ chức thêm các vòng đàm phán về hiệp định được đề xuất, vòng đầu tiên sẽ được tổ chức vào tháng 3. Bà cho biết các thành viên ASEAN cam kết hoàn tất các cuộc đàm phán “càng sớm càng tốt”.
“Các thành viên cũng cam kết thúc đẩy việc thực hiện tuyên bố ứng xử”, bà Marsudi nói thêm.
Ngoại trưởng Indonesia không giải thích chi tiết, nhưng chính quyền Trung Quốc trước đây đã cáo buộc Washington can thiệp vào cái mà họ gọi là tranh chấp ở châu Á. Nhằm thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, Hoa Kỳ đã triển khai các tàu và máy bay phản lực để tuần tra vùng biển này. Hơn nữa, Mỹ thường xuyên bày tỏ lo ngại về các hành động gây hấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm cả việc xây dựng các đảo và bố trí vũ khí ở đó, bao gồm cả tên lửa đất đối không.
Ông Sidharto Suryodipuro, người đứng đầu bộ phận Hợp tác ASEAN của Bộ Ngoại giao Indonesia, nói với các phóng viên ở Jakarta rằng các nước thành viên ASEAN sẽ thúc đẩy đàm phán trong năm nay và khám phá các cách tiếp cận mới.
“Tất cả chúng tôi đều nhất trí rằng cần phải thực thi hiệu quả theo luật pháp quốc tế và bộ quy tắc ứng xử phải đáp ứng các tiêu chí này”, ông Suryodipuro nói, đồng thời cho biết thêm rằng, Indonesia sẽ lôi kéo thêm nhiều quốc gia khác ngoài Trung Quốc tham gia vào quá trình đàm phán.
“Đây là một giai đoạn thăm dò. Chúng tôi không biết nó sẽ diễn ra dưới hình thức nào, nhưng như quý vị đã biết, đàm phán là một quá trình quan trọng mà chúng tôi dự định sẽ tăng cường”, ông giải thích.
ĐCSTQ đã bị chỉ trích dữ dội vì quân sự hóa tuyến đường thủy chiến lược, nhưng chính quyền nước này vẫn khẳng định rằng, họ có quyền xây dựng trên phần lãnh thổ của mình và sẵn sàng bảo vệ chúng bằng mọi giá.
Việt Nam, một trong 4 quốc gia của ASEAN có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, đã lên tiếng phản đối việc ĐCSTQ biến 7 rạn san hô đang tranh chấp thành đảo nhân tạo, trong đó có 3 đảo có đường băng, giờ giống như các thành phố nhỏ được trang bị hệ thống vũ khí.
Hai thành viên ASEAN là Campuchia và Lào (cũng là đồng minh của Trung Quốc) đã phản đối việc dùng luận điệu gay gắt chống lại Bắc Kinh trong các tranh chấp.
Indonesia không phải là một trong những chính phủ thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nhưng nước này cũng bày tỏ quan ngại sau khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một phần vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở khu vực phía bắc quần đảo Natuna.
Rìa của vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia chồng lấn với “đường chín đoạn” – vốn được ĐCSTQ đơn phương tuyên bố phân định các yêu sách của nước này ở Biển Đông.
Đề cập đến vấn đề Miến Điện (còn được gọi là Myanmar) trong một cuộc họp báo hôm 4/2, bà Marsudi cho hay, các Ngoại trưởng ASEAN đã nhắc lại yêu cầu cấp thiết đối với chính quyền quân sự của Myanmar là phải thực hiện bản Đồng thuận 5 điểm, vì điều này là “rất quan trọng đối với ASEAN”.
Hôm thứ Sáu (3/2), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN kêu gọi các nhà cầm quyền quân sự của Myanmar giảm thiểu bạo lực và đảm bảo cung cấp hỗ trợ nhân đạo kịp thời và không bịị cản trở để mở đường cho một cuộc đối thoại quốc gia nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Myanmar cũng là một thành viên của ASEAN. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao của nước này đã bị cấm tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thường niên do đất nước của ông không thực hiện được bản Đồng thuận 5 điểm.
Bà Marsudi cho biết, các Ngoại trưởng ASEAN nhất trí rằng, đối thoại toàn diện chính là “chìa khóa để tìm ra một giải pháp hòa bình cho tình hình ở Myanmar”, đồng thời, việc giảm thiểu bạo lực và đảm bảo cung cấp hỗ trợ nhân đạo kịp thời là “điều tối quan trọng để xây dựng lòng tin và sự tự tin”.
Bà cho biết, sự thiếu tiến bộ ở Myanmar đã “kiểm tra uy tín của chúng tôi” với tư cách là một nhóm, đồng thời nói thêm rằng, những nỗ lực hướng tới hòa bình của ASEAN sẽ được phối hợp với nỗ lực của các quốc gia khác và Liên Hợp Quốc.
Trong bản Đồng thuận 5 điểm, nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar hứa sẽ cho phép một đặc phái viên của ASEAN gặp gỡ nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi và những người khác để thúc đẩy đối thoại nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng do quân đội lên nắm quyền cách đây hai năm.
Tuy nhiên, vì Myanmar từ chối cho phép một đặc phái viên ASEAN gặp bà Suu Kyi vào năm ngoái, do đó, lãnh đạo quân sự của Myanmar Min Aung Hlaing mới bị cấm tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 năm ngoái.
Bà Dinna Prapto Raharja, một nhà phân tích quan hệ quốc tế từ Synergy Policies, một tổ chức tư vấn độc lập, cho biết: “Công chúng nên kỳ vọng rằng Indonesia sẽ thổi một luồng gió mới vào việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ngày càng tồi tệ ở Myanmar”.
Bà nói: “Do sự phân tán quyền lực ở Myanmar ngày càng trầm trọng cho nên việc quản lý bạo lực trở nên khó khăn hơn”.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch