Anh: Đình công y tế lớn nhất từ trước đến nay do tranh chấp tiền lương kéo dài
Nước Anh hiện đang phải đối mặt với cuộc đình công lớn nhất từ trước đến nay. Hàng chục nghìn y tá và nhân viên cứu thương đình công trong cuộc tranh chấp ngày càng leo thang với chính phủ về tiền lương. Tình trạng này gây ra sự gián đoạn hơn nữa cho hệ thống y tế vốn đã căng thẳng của xứ sở sương mù.
Các y tá và nhân viên cứu thương đã tiến hành cuộc đình công riêng rẽ kể từ cuối năm ngoái, nhưng hôm 6/2, cả hai đã tham gia cuộc đình công chung, phần lớn diễn ra ở Anh, khiến nó trở thành cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử 75 năm của Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS).
Ngoài ra, Ông Stephen Powis, bác sĩ hàng đầu của Anh, tiết lộ, các bác sĩ điều trị ở Anh sẽ tham gia đình công vào thứ Năm tuần này (9/2). Động thái này có lẽ sẽ là hành động gây gián đoạn nhất cho hệ thống Y tế Anh cho đến nay.
Các nhân viên y tế đang yêu cầu tăng lương do tình trạng lạm phát tồi tệ nhất ở Anh trong bốn thập kỷ. Tuy nhiên, chính phủ Anh cho biết, điều đó không thể thực hiện được bởi vì nó sẽ khiến giá cả tăng nhiều hơn, dẫn đến lãi suất và các khoản thanh toán thế chấp tăng cao hơn nữa.
Khoảng 500.000 nhân viên, nhiều người trong số đó làm việc trong khu vực công, đã tham gia đình công kể từ mùa hè năm ngoái. Điều này đã gây thêm áp lực cho Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong việc giải quyết tranh chấp và hạn chế sự gián đoạn đối với các dịch vụ công cộng như đường sắt và trường học.
Bộ trưởng Y tế Anh Steve Barclay kêu gọi người dân tiếp tục sử dụng các dịch vụ khẩn cấp và tham gia các cuộc hẹn khám bệnh trừ khi chúng bị hủy. Tuy nhiên ông cảnh báo, sẽ có sự gián đoạn trong các dịch vụ này.
Trong một thông báo, ông lưu ý: “Mặc dù đã có các biện pháp dự phòng, nhưng các cuộc đình công của các công đoàn cứu thương và điều dưỡng trong tuần này chắc chắn sẽ gây ra sự chậm trễ hơn nữa cho các bệnh nhân vốn đã phải chờ đợi lâu hơn vì sự tồn đọng do COVID.”
“Tôi đã tổ chức các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với các công đoàn về tiền lương và khả năng thanh toán, đồng thời tiếp tục thúc giục họ ngừng đình công.”
Hôm 5/2, cô Sharon Graham, lãnh đạo của công đoàn Unite, nhấn mạnh với đài BBC rằng cô muốn Thủ tướng Sunak tham gia bàn đàm phán, đồng thời chỉ trích chính phủ Anh nói dối về các nhân viên cứu thương.
Cô cáo buộc: “Chính phủ này đang đặt các sinh mệnh vào tình thế nguy hiểm.”
Các y tá bỏ việc
NHS, trong lịch sử là niềm tự hào của hầu hết người Anh, đang chịu áp lực nặng nề với hàng triệu bệnh nhân trong danh sách chờ phẫu thuật và hàng nghìn bệnh nhân mỗi tháng không được chăm sóc khẩn cấp kịp thời.
Công đoàn y tá ở Anh RCN cho biết, một thập kỷ lương thấp đã góp phần khiến hàng chục nghìn y tá rời bỏ nghề, chỉ riêng năm ngoái đã có 25.000 y tá Anh rời bỏ công việc. Tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng này đã ảnh hưởng đến việc chăm sóc bệnh nhân.
RCN ban đầu yêu cầu tăng lương 5% so với mức lạm phát, nhưng sau đó cho biết họ có thể giảm yêu cầu “một nửa” để nhượng bộ chính phủ. Tuy nhiên, cả hai bên đã không đạt được thỏa thuận sau nhiều tuần đàm phán.
Trong khi đó, hàng nghìn nhân viên cứu thương do các công đoàn GMB và Unite đại diện cũng chuẩn bị đình công vào ngày 6/2 để tranh chấp tiền lương của chính họ.
Cả hai công đoàn đều thông báo thêm vài ngày đình công để gây sức ép lên chính phủ.
Không phải tất cả nhân viên cứu thương sẽ đình công cùng một lúc, do đó các cuộc gọi khẩn cấp vẫn sẽ được đáp ứng.
Tại xứ Wales, các y tá và một số nhân viên cứu thương đã hủy bỏ cuộc đình công đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 6/2 khi họ xem xét các đề xuất trả lương của chính phủ xứ Wales.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài TalkTV vào tuần trước, Thủ tướng Sunak lưu ý, ông “rất muốn tăng lương nhiều cho các y tá” nhưng chính phủ phải đối mặt với những sự lựa chọn khó khăn và chính phủ đang tài trợ cho NHS trong những lĩnh vực khác như cung cấp thiết bị y tế và xe cứu thương.
Gia Huy (Theo Reuters)
Ông Trump tuyên bố sẽ tiến hành cuộc trấn áp ‘rất lớn’ đối với ‘hàng ngàn’ gián điệp Trung Quốc ở Mỹ
Hôm thứ Sáu (3/2), cựu Tổng thống Donald Trump cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có ‘hàng ngàn’ gián điệp đang hoạt động tại Hoa Kỳ. Ông tuyên bố sẽ tiến hành trấn áp mạnh mẽ những gián điệp này nếu ông đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024.
Ông Trump đã đưa ra nhận xét trên trong một tuyên bố qua video vào hôm 3/2. Đoạn video được công bố trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tràn ngập tin tức về việc một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua không phận Hoa Kỳ. Theo đó, khí cầu này đã bay ngang qua một khu vực của tiểu bang Montana – nơi đặt các bãi phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Hoa Kỳ.
“Thậm chí, họ hiếm khi đề cập đến việc Trung Quốc cài cắm hàng nghìn gián điệp đang hoạt động tại Hoa Kỳ, trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính, học thuật, công nghệ, truyền thông và có khả năng, thậm chí [len lỏi] cả vào chính phủ. Điều này quả thực rất đáng buồn”, ông Trump nói.
Một số trường hợp gần đây chứng minh rằng hoạt động gián điệp của ĐCSTQ đang diễn ra tại Hoa Kỳ và cũng nằm trong tầm ngắm của cơ quan thực thi pháp luật.
Trong ba trường hợp riêng biệt về âm mưu thúc đẩy bất hợp pháp lợi ích của Trung Quốc ở Mỹ, Bộ Tư pháp (DOJ) gần đây đã công bố các cáo buộc đối với 13 cá nhân, bao gồm cả các quan chức tình báo Trung Quốc bị tình nghi.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã triển khai Sáng kiến Trung Quốc, dẫn đến việc truy tố hàng chục gián điệp bị tình nghi. Vào thời điểm đó, Bộ Tư pháp tuyên bố (pdf) rằng, sáng kiến này nhằm mục đích phá vỡ chiến lược “đánh cắp, sao chép và thay thế” của chính quyền Trung Quốc thông qua “hành vi trộm cắp trắng trợn và có hệ thống” các tài sản trí tuệ của Mỹ.
Nhân dịp kỷ niệm hai năm ra mắt sáng kiến này, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết, văn phòng của ông sẽ mở một vụ điều tra phản gián mới liên quan đến Trung Quốc theo tần suất “cứ gần như sau mỗi 10 giờ”.
Sáng kiến Trung Quốc đã bị giải tán dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, mà DOJ cho biết, sau khi xem xét thì đây “không phải là cách tiếp cận đúng đắn”. Ngoài ra, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Matthew Olsen cho biết chương trình này “thúc đẩy một câu chuyện về sự không khoan dung và thiên vị”.
Công cuộc bắt giữ gián điệp sẽ được mở rộng đáng kể’
Trong bài phát biểu qua video của mình, ông Trump nhấn mạnh lập trường cứng rắn trong công cuộc bắt giữ gián điệp và hứa sẽ xử lý mạnh tay hoạt động gián điệp của Trung Quốc bên trong lãnh thổ Hoa Kỳ nếu ông tái đắc cử Tổng thống vào năm 2024.
“Với tư cách là Tổng thống, tôi đã thực hiện hành động cứng rắn nhất so với bất kỳ chính quyền nào để ngăn Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp tại Hoa Kỳ. Và khi tôi trở lại Nhà Trắng, những nỗ lực đó sẽ được mở rộng rất, rất nhiều”, ông Trump tuyên bố.
“Thay vì truy lùng các đảng viên Cộng hòa, FBI và Bộ Tư pháp đã được cải tổ sẽ truy lùng các gián điệp Trung Quốc. Chúng tôi sẽ thành lập các liên minh mới với các doanh nghiệp và trường đại học để cung cấp cho họ những công cụ cần thiết để tự vệ khỏi các mối đe dọa nội bộ”, ông Trump tiếp tục.
Ông cũng tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ “áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt thị thực và hạn chế đi lại nào cần thiết để ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp cận các bí mật của Mỹ theo yêu cầu và luật pháp của Hoa Kỳ”.
Ông Trump cũng đề cập đến vấn đề các đồn cảnh sát mật của ĐCSTQ hoạt động trên đất Mỹ. Theo The Epoch Times, ĐCSTQ có hơn 100 đồn cảnh sát trải rộng trên 53 quốc gia.
“FBI thậm chí gần đây đã thừa nhận rằng Trung Quốc điều hành một lực lượng cảnh sát bí mật trên đất Mỹ. Quý vị cảm thấy thế nào về lực lượng đó? Áp đặt bàn tay sắt của ĐCSTQ”, ông Trump nói.
Safeguard Defenders, một tổ chức phi lợi nhuận, đã công bố bản cập nhật ngày 5/12 về những phát hiện từ cuộc điều tra trước đó (được công bố vào tháng 10/2022), các đồn cảnh sát này đã được ĐCSTQ sử dụng để thực hiện một chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia bất hợp pháp.
“Hãy nghĩ về sự cai trị của ĐCSTQ đối với công dân Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Chỉ nghĩ về điều đó. Chúng ta sẽ ngăn chặn điều đó và chúng ta sẽ đóng cửa [các đồn cảnh sát này]”.
Đồn cảnh sát bí mật ở hải ngoại của ĐCSTQ
Safeguard Defenders đã phát hiện ra 48 đồn cảnh sát mới ở hải ngoại có liên hệ với ĐCSTQ, bao gồm hai đồn cảnh sát bí mật chưa từng được biết đến trước đây ở Los Angeles và Thành phố New York.
Báo cáo của Safeguard Defenders cho thấy, 4 đồn cảnh sát riêng biệt ở Trung Quốc đã giúp tạo ra các cơ sở mà chính quyền bắt đầu thành lập vào năm 2016. Các sở cảnh sát ở New York và Los Angeles được thành lập vào năm 2018 và được giám sát bởi Văn phòng Công an Ôn Châu, nằm ở phía đông tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc.
Các đồn cảnh sát này được cho là được tạo ra để hỗ trợ người nhập cư Trung Quốc ở hải ngoại nhằm thực hiện các nhiệm vụ thường do lãnh sự quán xử lý, chẳng hạn như gia hạn giấy phép lái xe và gia hạn thị thực.
Tuy nhiên, các đồn cảnh sát này được liên kết với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của ĐCSTQ, một cơ quan hoạt động nhằm thúc đẩy lợi ích của chính quyền nước này ở hải ngoại bằng cách tuyên truyền, tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng ở hải ngoại, đàn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ cho ĐCSTQ.
Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết, ĐCSTQ đang vi phạm chủ quyền của Hoa Kỳ thông qua việc thành lập các đồn cảnh sát bí mật trên đất Mỹ.
“Tôi rất lo ngại về vấn đề này”, ông Wray nói trong phiên điều trần ngày 17/11 của Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ Thượng viện Mỹ (U.S Senate Committee on Homeland Security and Governmental Affairs). “Chúng tôi nhận thức được sự tồn tại của các trạm này”, ông cho hay.
“Chúng tôi phải rất cẩn trọng khi thảo luận về các cuộc điều tra cụ thể. Nhưng tôi cho rằng, việc cảnh sát Trung Quốc cố gắng thiết lập các [đồn cảnh sát bí mật] mà không có sự phối hợp là rất thái quá, đặc biệt là ở New York. Điều đó đã vi phạm chủ quyền và phá vỡ các quy trình hợp tác thực thi pháp luật và tư pháp tiêu chuẩn của Mỹ”.
Ông Wray không bình luận trực tiếp về tính hợp pháp của những đồn cảnh sát như vậy. Tuy nhiên, ông xác định chúng là một phần trong chiến dịch đàn áp của chính quyền ĐCSTQ. Hoa Kỳ và 13 quốc gia khác đã mở các cuộc điều tra về các đồn cảnh sát này và Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra nhiều cáo buộc chống lại những đặc vụ bất hợp pháp của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ.
Theo The Epoch Times
Thanh Hải biên dịch
Vũ Hán: Cảnh sát đàn áp dã man người biểu tình phản đối xây dựng nhà máy xử lý chất thải
Khi biết chính quyền địa phương sẽ xây dựng một nhà máy xử lý rác thải lớn trong khu dân cư, hàng trăm người dân đã tập trung trước văn phòng chính quyền quận địa phương vào ngày 3/2 tại đảo Tàng Lũng, quận Giang Hạ, thành phố Vũ Hán để phản đối. Nhiều cảnh sát sau đó đã đàn áp dã man một số người dân địa phương.
Đám đông đã tập trung trước tòa nhà văn phòng chính quyền địa phương và hô vang các khẩu hiệu phản đối. Trong video, nhiều cảnh sát mặc thường phục được nhìn thấy đang bảo vệ bên trong và bên ngoài tòa nhà văn phòng.
Trong một video khác, một người biểu tình đang bị một nhóm cảnh sát cưỡng chế, bê lên và đưa đi.
Một người dân tham gia cuộc biểu tình đã trả lời phỏng vấn tờ Da Ji Yuan. Ông cho rằng nhà máy xử lý rác thải lớn mà chính quyền sắp xây dựng có vị trí quá gần khu dân cư đông đúc, khiến người dân địa phương lo ngại về ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe.
Ông nói thêm, nhà máy này có diện tích dự tính là hơn 25.000 mét vuông, nằm trên đảo Tàng Lũng. Đáng chú ý, đảo này có mật độ dân cư rất cao, có nhiều trường học, trường đại học, nhà trẻ, công viên, v.v.
Tạ Linh