Lời hứa không quên

Đặng Duy Hưng

Ai ai trong chúng ta cũng có những kỷ niệm đẹp ghi đậm vào trong ký ức, dù có muốn quên cũng không được! Tôi biết định nghĩa ‘tình bạn’ như thế nào đây? Bọn tôi, ba thằng nhập học chung với nhau khi bước vào lớp 9. Một tuần sau đó mới biết cả ba đều sinh cùng ngày 6 tháng 9. Ba thằng con trai khác biệt nhau đủ thứ nhưng đến với nhau trở thành ba con ếch giống nhau không ai phân biệt được.

Mike, thằng bé có tâm hồn cổ hủ giỏi về việc sắp xếp và phân công trong chuyện học cho đến chuyện chơi đùa. Vì vậy, khi đi cắm trại hay cuối tuần đi lên đồi vào rừng chơi, cả nhóm không bao giờ phải lo thiếu thốn một thứ gì cả. Mike là con nhà giàu nhất trong thành phố này! Mike luôn mặc những bộ quần áo mới nhưng màu sắc thì bình thường như các bạn bè khác.

Ken thân thể to cao khỏe mạnh ít nói nhưng đừng ai đụng chạm vào một đứa trong nhóm. Ken giỏi nghề tay trái có thể sửa chữa xe đạp, xe máy hay vật dụng trong nhà. Ba mẹ Ken có cửa hàng tạp hóa bán đủ thứ từ cái đinh búa kềm đến sơn quét nhà…

Và tôi là Hùng, người cuối cùng trong nhóm. Hùng là thằng mít tỵ nạn bất đắc dĩ theo cha qua đây theo diện H.O. Cái gì Hùng cũng bình thường từ học hành đến tài chính gia đình. Nếu không may mắn quen với Mike và Ken chắc chẳng ai để ý đến thằng tôi. Tôi thuộc loại học sinh ngồi trong lớp học mà gần đến Tết Congo mới được mọi người biết tên.

Thế mà ba thằng lại thân nhau nhờ một điều kỳ diệu xảy ra vào một ngày chủ nhật sinh nhật ba đứa năm 15 tuổi. Sáng sớm đó ba thằng tổ chức đi vào rừng leo núi chơi ở tiểu bang Washington. Tiểu bang này núi sông rừng dày đặc đi cả đời cũng không biết hết. Đoạn đường này ba đứa đi qua khá nhiều lần. Mỗi lần đi lại tiếp tục đi sâu cao hơn lên ngọn đổi cao. Và ngày lịch sử đó ba đứa lên gần tận đỉnh. Đứng bên cây phong già lá xanh phủ đầy ngạc nhiên nhìn xuống thấy nhà của cả ba như con kiến, từ trường học cho đến cửa hàng tạp hóa của ba mẹ Ken. Ba thằng nghéo tay lên lời thề thốt sinh nhật hàng năm sẽ về đây làm tiệc. Lời hứa tuổi học trò thơ ngây giữ được 3 năm là hạnh phúc lắm rồi.

Năm 18 tuổi Mike được nhận vào đại học Stanford học Y khoa như gia đình mong đợi. Ken thì theo tiếng gọi của con tim vào quân ngũ gia nhập biệt đội đặc nhiệm đánh đấm khắp nơi trên thế giới. Gia đình Ken cũng dọn về Seattle để gần gủi với ông bà nội tuổi già sức yếu.
Chỉ còn tôi là bám trụ ở thị trấn H. này học không nổi để vào đại học. Tôi học hỏi Ken một ít kiến thức về sửa chữa nên mở tiệm vừa sửa xe hơi vừa bán đồ phụ tùng.

Lời hứa ngày nào biết rất khó giữ được nên bọn tôi sửa lại là hứa cùng nhau gặp lại lúc 30 tuổi khi cả ba đã bước vào tuổi trưởng thành.

Thời gian thắm thoát trôi qua. Mới đó mà cả ba đều bước vào tuổi 30. Còn một tuần nữa đến ngày họp mặt như đã hẹn. Tôi nôn nao như ngồi trên lửa. Thời đại bây giờ, đứa nào cũng bận rộn, ở xa nên dù có gọi điện thoại cũng mấy khi tiếp chuyện.

Tháng trước, tôi may mắn nói chuyện điện thoại với Ken. Hai đứa nói chuyện cả tiếng đồng hồ y như tình nhân lâu ngày không gặp. Ken ít nói về đời lính phong sương, chỉ hy vọng sang năm rời quân ngũ về lấy vợ.

Tôi tâm sự: “Hy vọng ngày đó ba tụi mình sẽ gặp nhau như ngày xưa cũ.”

Ken trấn an: “Mày đừng lo mau già. Bốn tháng trước Mike gọi điện thoại nói chuyện với tao là nó sẽ sắp xếp tất cả. Tao đang đóng quân tại Pendleton nam Cali sẽ lái xe ghé ngang San Francisco bốc nó đang nghỉ phép, ghé thăm gia đình rồi cùng đi lên gặp mày.”

Và ngày đó cuối cùng cũng đến! Có một chuyện tôi giấu kín Ken và Mike là suốt bao năm qua, cứ hai tuần một lần tôi đem đồ gỗ lên chỗ này, cẩn thận đóng một cái chòi gỗ nhỏ nhưng chắc chắn. Tôi muốn hai đứa trợn mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy công trình kiến trúc của tôi.

Nhưng khi gặp nhau, hóa ra tôi là đứa bị sốc ngạc nhiên nhất. Nhìn cái hũ trên tay của Ken tôi hiểu liền nhưng nó vẫn giải thích: “Mike bị tai nạn xe hơi mất mấy tuần trước và gia đình làm mai táng hỏa thiêu chỉ dành cho thân nhân ruột thịt trong gia đình. Mộng ước của nó nếu lỡ mất sớm vẫn giữ lời hứa hẹn năm nào đem tro cốt về nơi chốn cũ cùng với tụi mình.”

Những điều xảy ra trên cuộc đời này không ai đoán trước được. Ken là đứa dễ “đi” nhất sau hai lần qua Irag, một lần A Phú Hãn. Hóa ra ông Trời lại bắt cái thằng cả đời cái gì cũng muốn sắp xếp đâu vào đó!

Chiều hôm đó ‘ba’ thằng đứng nhìn hoàng hôn mặt trời từ từ đi xuống thật đẹp. Tụi tôi chưa bao giờ được chứng kiến cảnh này bởi ngày xưa còn nhỏ sợ về nhà trễ. Ken choàng qua vai tôi, tay ôm chặt hũ cốt thầm nói: “Mike ơi! Năm tới vẫn về lại chỗ này nhé!”

Đặng Duy Hưng

Related posts