Huyền Anh
Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán gần 20 bệ phóng của Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) cùng nhiều loại vũ khí và thiết bị liên quan khác trị giá khoảng 10 tỷ USD cho đồng minh NATO là Ba Lan.
Xem nhanh
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về thương vụ sắp tới này vào thứ Ba (7/2). Tuy nhiên, thương vụ này vẫn cần có sự chấp thuận của các nhà lập pháp.
Ba Lan, quốc gia giáp với Ukraine, đã yêu cầu mua một số vũ khí từ Mỹ. Cụ thể, gói vũ khí trên gồm: 18 bệ phóng của Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS), 45 tên lửa thuộc Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) có tầm bắn 297 km và hơn 1.000 tên lửa thuộc Hệ thống Tên lửa Dẫn đường Phóng loạt (GMLRS).
Các bệ phóng HIMARS đã đóng một vai trò then chốt trong việc hỗ trợ Ukraine chống trả quân Nga. Nó cho phép Kyiv phá hủy các kho đạn dược cũng như các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Nga với độ chính xác cao.
Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, các hệ thống kỹ thuật tiên tiến này có thể mang theo 6 gói tên lửa GMLRS hoặc một Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (Army Tactical Missile System – ATACMS).
Vũ khí sẽ ‘cải thiện an ninh’ của Ba Lan
Ukraine từng nhiều lần yêu cầu Mỹ gửi tên lửa ATACMS nhưng đã bị nước này từ chối. Nếu không có sự chấp thuận của Hoa Kỳ, thì Ba Lan sẽ không thể chuyển bất kỳ ATACMS nào cho Ukraine.
Ngoài ra, gói này còn có tên lửa tầm ngắn giá rẻ, thiết bị liên lạc và hỗ trợ, phụ tùng thay thế và sửa chữa, bộ thử nghiệm, pin, máy tính xách tay, thiết bị và huấn luyện binh sĩ, dịch vụ nhân viên hậu cần và kỹ thuật của nhà thầu và chính phủ Hoa Kỳ, cũng như các yếu tố hỗ trợ chương trình và hậu cần khác.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Thương vụ được đề xuất sẽ hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại và mục tiêu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách cải thiện an ninh của một Đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lực lượng đảm bảo ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở châu Âu”.
Thương vụ này cũng sẽ giúp Ba Lan đạt được “các mục tiêu quân sự là nâng cao năng lực đồng thời tăng cường hơn nữa khả năng tương tác với Mỹ và các đồng minh khác”, Lầu Năm Góc cho biết.
“Ba Lan dự định sử dụng các thiết bị và dịch vụ quốc phòng này để hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, tăng cường năng lực phòng thủ trong nước cũng như ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực. Ba Lan sẽ không gặp khó khăn gì trong việc trang bị thiết bị này cho lực lượng vũ trang của mình”, tuyên bố cho hay.
Lockheed Martin, nhà sản xuất bệ phóng tên lửa HIMARS, cũng sẽ là nhà thầu chính cho thương vụ này.
Ba Lan tăng ngân sách quốc phòng
Theo Lầu Năm Góc, thương vụ được đề xuất sẽ không có tác động xấu đến khả năng sẵn sàng phòng thủ của Hoa Kỳ, cũng như không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản ở Ba Lan.
Thương vụ mới nhất diễn ra sau khi Ba Lan đặt mua 20 HIMARS, bao gồm 18 bệ phóng tên lửa chiến đấu và hai bệ phóng huấn luyện từ Hoa Kỳ vào năm 2019. Mỹ dự kiến sẽ giao hàng vào năm 2023.
Ngoài ra, Ba Lan đã đặt mua thêm 500 bệ phóng HIMARS từ Mỹ vào tháng 5/2022, nhưng Lockheed Martin cho biết họ chỉ có thể cung cấp khoảng 200 bệ phóng, theo truyền thông Ba Lan.
Ba Lan đã tăng chi tiêu quân sự trong năm qua khi cuộc chiến ở nước láng giềng Ukraine sắp tròn một năm.
Theo tờ The Defense Post, tính riêng trong năm 2022, Ba Lan đã chi 2,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lĩnh vực quốc phòng, đứng thứ thứ ba trong số các quốc gia thành viên NATO. Ba Lan gia nhập NATO vào năm 1999.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hồi tháng 1 thông báo, nước này sẽ tăng ngân sách quốc phòng năm nay lên 4% GDP để nâng cấp quân đội. Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng xung đột Nga – Ukraine sẽ tiếp tục leo thang.
Hôm 30/1, ông Morawiecki nói với các phóng viên rằng: “Cuộc chiến ở Ukraine buộc chúng tôi phải trang bị vũ khí nhanh hơn nữa. Đó là lý do tại sao năm nay chúng tôi sẽ thực hiện một nỗ lực chưa từng có: chi 4% GDP để nâng cấp quân đội Ba Lan”.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch