MH17: Có “dấu hiệu rõ ràng” ông Putin chấp thuận cung cấp tên lửa cho lực lượng ly khai
Một nhóm điều tra viên quốc tế cho biết có “những dấu hiệu rõ ràng” cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn việc cung cấp tên lửa cho lực lượng ly khai đã bắn hạ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines ở miền đông Ukraine vào năm 2014.
Tuy nhiên, các thành viên của Đội điều tra chung (JIT) ở Hà Lan cho biết họ không có đủ bằng chứng để truy tố thêm bất kỳ nghi phạm nào và đình chỉ cuộc điều tra kéo dài 8 năm rưỡi về thảm kịch. Là nguyên thủ quốc gia, ông Putin cũng có quyền miễn trừ.
MH17 đã bị bắn hạ bởi một tên lửa của Nga phóng từ miền đông Ukraine khi nó đang trên đường đến Kuala Lumpur từ Amsterdam vào ngày 17 tháng 7 năm 2014. Tất cả 298 người trên chiếc Boeing 777 đều thiệt mạng.
Nga phủ nhận liên quan đến vụ việc và từ chối hợp tác với cuộc điều tra quốc tế.
Công tố viên Hà Lan Digna van Boetzelaer cho biết: “Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy một quyết định ở cấp tổng thống, của Tổng thống Putin, cung cấp… hệ thống tên lửa Buk TELAR”.
Các nhà điều tra đã xác nhận rằng tên lửa Buk đã hạ chiếc máy bay Malaysia đang bay ở độ cao 33.000 feet (10km).
Bà nói trong một cuộc họp báo ở The Hague: “Mặc dù chúng tôi nói về những dấu hiệu chắc chắn, nhưng vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn cao về bằng chứng đầy đủ và thuyết phục.”
Thông báo được đưa ra chưa đầy ba tháng sau khi một tòa án Hà Lan kết án hai người Nga và một người Ukraine vì tội giết người trong thảm họa. Ba người đàn ông – Igor Girkin và Sergei Dubinsky người Nga và Leonid Kharchenko người Ukraine – đã không xuất hiện tại phiên tòa.
Khoảng 196 người trong số những người thiệt mạng trong vụ tai nạn là người Hà Lan và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng trong khi quyết định đình chỉ cuộc điều tra của JIT là một “sự thất vọng cay đắng”, chính phủ Hà Lan sẽ “tiếp tục yêu cầu Liên bang Nga chịu trách nhiệm” .
Australia, quê hương của 38 hành khách, cũng cam kết sẽ làm như vậy.
Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong và Tổng chưởng lý Mark Dreyfus cho biết Nga đã nhiều lần cố gắng cản trở cuộc điều tra.
“Cuộc xâm lược bất hợp pháp và vô đạo đức của Nga vào Ukraine và sự thiếu hợp tác của họ với cuộc điều tra đã khiến những nỗ lực điều tra đang diễn ra và việc thu thập bằng chứng là không thể vào thời điểm này,” các quan chức nói trong một tuyên bố chung hôm thứ Năm.
Họ nói thêm rằng Australia sẽ “bắt Nga phải chịu trách nhiệm về vai trò của mình trong vụ bắn rơi máy bay dân sự”.
Nga đã lên án phán quyết của tòa án năm ngoái kết tội ba người đàn ông là “tai tiếng” và có động cơ chính trị.
Tuy nhiên, JIT – bao gồm Hà Lan, Malaysia, Úc, Bỉ và Ukraine – cho biết chuỗi mệnh lệnh rất rõ ràng.
Gia đình các nạn nhân cho biết họ thất vọng trước quyết định tạm dừng điều tra.
Chính phủ Hà Lan và Ukraine đang kiện Nga tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu trong khi chính phủ Hà Lan và Australia cũng đã bắt đầu các thủ tục tố tụng tại Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.
Những phát hiện được tiết lộ hôm thứ Tư có khả năng củng cố vụ việc tại tòa án nhân quyền và cũng có thể được sử dụng bởi các công tố viên tại Tòa án Hình sự Quốc tế, những người đang điều tra các tội ác chiến tranh có thể xảy ra ở Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ly khai.
Ngân Hà
G7 cân nhắc trừng phạt công ty Trung Quốc hỗ trợ quân đội Nga
Một số nguồn thạo tin cho hay, nhóm G7 đang thảo luận về việc có nên trừng phạt các công ty ở Trung Quốc, Iran và Triều Tiên mà họ tin rằng đang cung cấp cho Nga các bộ phận và công nghệ phục vụ mục đích quân sự hay không.
Mục tiêu của các nước G7 là phối hợp soạn thảo một gói trừng phạt mới trước ngày 24/2, thời điểm đánh dấu một năm cuộc tấn công của Nga vào nước láng giềng Ukraine.
Bloomberg dẫn một số nguồn tin thân cận cho biết, các cuộc thảo luận vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu và hành động của mỗi quốc gia G7 có thể không giống nhau. Các công ty có thể bị trừng phạt hiện vẫn đang được xác định.
Về cơ bản, bất kỳ hành động nào của G7 cũng đều phản ánh nỗ lực của G7 nhằm làm gián đoạn nguồn cung linh kiện phục vụ mục đích quân sự của Nga từ các nước thứ ba, vốn không tham gia các gói trừng phạt sau khi cuộc chiến tại Ukraine diễn ra. G7 ngày càng quan ngại về việc, nhiều công ty có thể đang giúp Nga lách các lệnh trừng phạt.
Trước đó, Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại với Trung Quốc về các thiết bị phi sát thương mà nước này cung cấp cho Nga. Ngoại trưởng Antony Blinken dự kiến sẽ đề cập đến vấn đề này trong chuyến đi tới Bắc Kinh sắp tới. Chuyến công du này bị hoãn lại sau khi Mỹ phát hiện và bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc.
Đáng lưu ý, Trung Quốc từng nhiều lần đã phản bác lại tuyên bố rằng một số công ty nhà nước của họ có thể đang giúp đỡ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington nên ngừng gửi vũ cho Kyiv khí nếu muốn chấm dứt cuộc xung đột.
Hồi cuối tháng 1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ning khẳng định, Trung Quốc “sẽ không bao giờ đổ thêm dầu vào lửa, càng không lợi dụng cuộc khủng hoảng”.
Các đồng minh của Ukraine đã trừng phạt các công ty Iran bị cáo buộc cung cấp máy bay không người lái cho Nga và hiện đang cân nhắc mở rộng các biện pháp. Họ cũng chỉ trích Triều Tiên cung cấp đạn dược cho Moscow. Dù vậy, cả Iran và Triều Tiên đều phủ nhận đã hỗ trợ Nga trong cuộc chiến.
Một số quốc gia G7 tin rằng, các công ty Trung Quốc đang bán các linh kiện công nghệ, chẳng hạn như vi mạch, mang lại cho Nga nhiều lợi ích về mặt quân sự.
G7 cũng đang thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm bịt kín các lỗ hổng mà Nga có thể khai thác trong những gói trừng phạt trước. Họ có thể đang nhắm đến các thiết bị có khả năng đi qua những nước như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.
Nhật Minh (Theo SCMP, Bloomberg)
Nhà lập pháp Mỹ muốn loại bỏ tất cả hàng hóa Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng quốc phòng
Dân biểu Đảng Cộng hòa Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cam kết sẽ loại bỏ toàn bộ hàng hóa và nguyên vật liệu của Trung Quốc khỏi các chuỗi cung ứng quốc phòng của Hoa Kỳ.
Dân biểu Rogers tuyên bố, ông sẽ dẫn đầu nỗ lực của ủy ban trong việc loại bỏ các hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc trong phiên điều trần ngày 8/2 về chủ đề an ninh cơ sở công nghiệp quốc phòng.
Ông Rogers cho biết: “Mối lo ngại lớn nhất của tôi về cơ sở công nghiệp quốc phòng là chúng ta tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn nguyên liệu thô.”
“Tôi sẽ không dừng lại cho đến khi chúng ta loại bỏ hoàn toàn hàng hóa và nguyên vật liệu của Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng quốc phòng.”
Ông Rogers nhận định, Trung Quốc cộng sản vẫn kiểm soát quá nhiều phần trong các chuỗi cung ứng để trang bị cho quân đội Mỹ và để tiến hành các hoạt động an ninh.
Ông chỉ ra việc Hoa Kỳ tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc về khoáng sản đất hiếm và chip bán dẫn cấp thấp. Đồng thời ông cho rằng, sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc đối với các nguồn cung cấp như vậy cần phải bị xóa bỏ.
Dân biểu Rogers cảnh báo: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nhiều chuỗi cung cấp nguyên vật liệu của chúng ta, bao gồm các loại khoáng sản quan trọng và chất bán dẫn. Chúng ta sẽ không bao giờ thắng thế trong cuộc xung đột với Trung Quốc nếu họ là nguồn cung cấp quân sự cho chúng ta.”
Hoa Kỳ phải chuyển đổi sự phụ thuộc
Thành viên cấp cao của ủy ban, Dân biểu Đảng Dân chủ Adam Smith, cho hay việc Trung Quốc tiếp tục cung cấp nguyên vật liệu cho các chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ là do sự đầu tư vô trách nhiệm của các tập đoàn Hoa Kỳ vốn tìm cách kiếm lợi nhuận dễ dàng.
Dân biểu Smith giải thích: “Bắt đầu khoảng cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000, Trung Quốc đã trở thành điểm đến dễ dàng của các công ty toàn cầu.”
“Đó là nơi người ta đến để sản xuất hàng hóa. Thị trường rộng lớn, không có khó khăn nào về chi phí lao động, chắc chắn không có các quy định về môi trường. Nó rẻ, nó dễ dàng, đó là lựa chọn tối ưu nhất.”
Cuối cùng, ông Smith cảnh báo, mối quan hệ đan xen phức tạp giữa các công ty Hoa Kỳ và công ty Trung Quốc sẽ không dễ dàng xóa bỏ, cũng như không thể thay thế hoàn toàn chúng chỉ bằng sức mạnh sản xuất của Mỹ.
Ông đề xuất, Hoa Kỳ cần phải tìm đến các đồng minh và đối tác của mình để tạo ra các thỏa thuận và các chuỗi cung ứng mới.
Ủy ban quân vụ cũng nghe ý kiến của ông Eric Fanning, hiện là Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Hàng không vũ trụ và trước đây từng là bộ trưởng Lục quân Mỹ.
Ông Fanning cảnh báo, Hoa Kỳ đang thực hiện một việc tốt là kéo các chuỗi cung ứng quốc phòng của mình khỏi tầm kiểm soát của Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ vẫn phải đối mặt với rắc rối đặc biệt trong việc xử lý khoáng sản đất hiếm.
Theo ông Fanning, mặc dù Hoa Kỳ có thể tìm nguồn khoáng sản từ nơi khác, nhưng gần như tất cả cơ sở hạ tầng để chế biến các khoáng sản thành nguyên vật liệu hữu dụng vẫn đang ở Trung Quốc.
Giống như Dân biểu Smith, ông Fanning cũng cho rằng tình trạng này xảy ra là do các chính sách và ưu đãi chồng chéo của Hoa Kỳ trong nhiều năm ủng hộ việc tìm nguồn nguyên vật liệu tại Trung Quốc.
Gia Huy (theo The Epoch Times)
VĐV Ukraina: Nếu Nga dự Olympic, huy chương họ đoạt là ‘huy chương vấy máu’
Ở diễn biến khác, hãng tin Reuters cho hay Võ sĩ quyền Anh người Ukraina, Oleksandr Usyk đã kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cấm các vận động viên Nga tham gia Thế vận hội, nói rằng bất kỳ huy chương nào họ giành được ở Paris vào năm tới là những chiếc huy chương bị vấy máu.
Ukraina đe dọa tẩy chay Thế vận hội do IOC sẵn sàng cho phép các vận động viên từ Nga và đồng minh thân cận Belarus trở lại thi đấu quốc tế ở Thế vận hội 2024, mặc dù với tư cách là các vận động viên trung lập không dưới màu cờ hoặc quốc ca của một nước nào.
Các vận động viên Nga đã thi đấu với tư cách trung lập trong ba kỳ Thế vận hội vừa qua do bị phạt vì vụ gian lận doping được nhà nước hậu thuẫn, nhưng Ukraina hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với việc cấm các vận động viên Nga và Belarus tham gia Thế vận hội Paris.
Trong bức thư gửi tới Chủ tịch IOC Thomas Bach, vận động viên Oleksandr Usyk viết: “Tôi là một vận động viên người Ukraina. Tôi đã giành huy chương vàng Olympic môn quyền anh vào năm 2012. Tôi hiện là nhà vô địch hạng nặng thế giới”.
“Quý vị muốn cho phép các vận động viên Nga thi đấu tại Thế vận hội. Các lực lượng vũ trang Nga đã xâm chiếm đất nước chúng tôi và giết hại thường dân”.
Bức thư nhấn mạnh: “Quân đội Nga đang giết các vận động viên và huấn luyện viên Ukraina và phá hủy các sân thể thao cũng như nhà thi đấu. Những tấm huy chương mà các vận động viên Nga sẽ giành được là huy chương đẫm máu, chết chóc và nước mắt”.
Hiện các nhà tổ chức Olympic Paris 2024 cho biết họ sẽ tuân theo quyết định của IOC về việc các vận động viên Nga và Belarus tham gia Thế vận hội, sau khi Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy thúc giục cơ quan quản lý cấm vận động viên hai nước này tham gia.
Cho đến nay Nga phủ nhận có hành động tàn bạo ở Ukraina và nói rằng những nỗ lực cấm các vận động viên của họ tham gia các môn thể thao quốc tế “chắc chắn sẽ thất bại”.
Liên Thành