Tin thế giới sáng thứ Bảy: Liên Hợp Quốc báo động về cách đối xử của Trung Quốc đối với 1 triệu trẻ em Tây Tạng

Bong bóng nợ nguy cơ vỡ, bất động sản èo uột đe dọa kinh tế Trung Quốc

Liên Thành

Ảnh minh hoạ.

Trong khi Quốc hội Mỹ đang tranh luận về mức trần nợ liên bang, thì những tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng nhà đất tại Trung Quốc vẫn đang thu hút sự chú ý.

Lĩnh vực bất động sản là một trụ cột tăng trưởng quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng GDP của Trung Quốc, nhưng ngành này cũng đòi hỏi số tiền vay nợ lớn.

Vào ngày 3 tháng 1, một đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, còn gọi là LGFV, ở tỉnh Quý Châu đã gây chú ý cho quốc tế. Đơn vị này tuyên bố sẽ hoãn việc trả k á 15,6 tỷ nhân dân tệ (tức 2,3 tỷ đôla) trong 20 năm theo kế hoạch tái cơ cấu nợ đã được thỏa thuận các ngân hàng chủ nợ.

Các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của Trung Quốc đang mắc nợ chồng chất.

Tình hình nợ nần đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh và thành phố nghèo hơn. Khoản nợ của các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của Trung Quốc ước tính lên đến khoảng 60 nghìn tỷ nhân dân tệ, nhưng rất khó để biết có bao nhiêu khoản nợ là nợ ngầm.

Trong khi đó, các khoản vay ngoài ngân sách của các chính quyền địa phương chủ yếu xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, và chúng cũng đóng góp vào số nợ ngầm của Trung Quốc.

Nhìn chung, số nợ của khu vực phi tài chính của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 52 nghìn tỷ đôla vào năm 2022, tương đương với tỷ lệ 295% GDP.

Số nợ của khu vực doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ của Trung Quốc, tương đương với khoảng 128% GDP tính đến quý II/2022, đó là không tính các khoản nợ của các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Tháng trước, chính quyền trung ương Trung Quốc cho biết họ sẽ không bảo lãnh cho bất kỳ địa phương nào không trả được nợ. Tuy nhiên, họ đã tìm cách giảm nợ cho nền kinh tế trong nhiều năm qua, và cố gắng ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước.

Ban đầu, chính quyền Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ do các doanh nghiệp Trung Quốc hạn chế vay thêm do phải đối mặt với áp lực từ dịch Covid.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại ra chính sách “3 lằn ranh đỏ” nhắm vào các công ty bất động sản có tỷ lệ vay nợ quá mức. Chính sách này đã nhanh chóng đẩy thị trường bất động sản vào một cuộc khủng hoảng khi rất nhiều doanh nghiệp bị cấm tiếp cận các khoản vay mới.

Evergrande, công ty bất động sản lớn nhất và mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc với khoản nợ lên tới hơn 300 tỷ đôla, đã bị vỡ nợ và buộc phải tái cơ cấu.

Tỷ phú Hui Ka-yan, nhà sáng lập của Evergande, đã mất tới hơn 90% tài sản của mình. Ông buộc bán tài sản cá nhân và máy bay tư nhân để trả nợ cho công ty.

Lĩnh vực bất động sản đình trệ đồng nghĩa với việc doanh số bán đất sụt giảm, theo đó làm giảm nguồn thu của các chính quyền địa phương.

Trong khi đó, các chính quyền địa phương lại đang phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề do chính sách zero-Covid hà khắc gây ra. Kết quả là các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương bắt đầu mua đất ráo riết vào năm 2022 để hỗ trợ nguồn thu cho các tỉnh, thành.

Rất nhiều giao dịch mua đất diễn ra ở các thành phố cấp hai hoặc cấp ba, nơi thị trường bất động sản hoạt động yếu hơn, khiến nhiều người lo ngại sẽ làm gia tăng rủi ro.

Ngay cả chính quyền trung ương Trung Quốc cũng nhận ra thực tiễn đó, và sau đó đã cấm các tổ chức được chính phủ hậu thuẫn cấp vốn cho việc mua đất vào tháng 10/2022. Kết quả là một huyết mạch của lĩnh vực bất động sản bị chặn lại.

Trong khi đó, do các công ty bất động sản phải đối mặt với tình trạng thiếu tiền trầm trọng, ngày càng xuất hiện nhiều dự án nhà ở dang dở, khiến những người mua nhà tức giận, tẩy chay việc thanh toán các khoản vay mua nhà thế chấp. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra, gây lo ngại cho chính quyền.

Chỉ vài tuần trước khi Trung Quốc hủy bỏ chính sách zero-Covid, các cơ quan quản lý đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ thị trường bất động sản. Kế hoạch đó bao gồm việc hỗ trợ tín dụng cho các công ty bất động sản đang nợ nần chồng chất, kéo dài thời gian đáo hạn của các khoản vay hiện tại, và dường như đảo ngược quy tắc “3 lằn ranh đỏ”.

Rốt cuộc, chiến dịch giảm đòn bẩy tài chính và quyết tâm thoát khỏi mô hình dựa vào vay nợ để phát triển của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã gây tổn hại quá nhiều đối với nền kinh tế.

Những nỗ lực hiện nay nhằm đảm bảo việc hoàn thành và bàn giao các dự án nhà ở đang dở dang sẽ giúp trấn an một số người mua nhà tiềm năng. Tuy nhiên, Trung Quốc đang thấy khó khăn hơn để vực dậy niềm tin của thị trường trong dài hạn, vì đất nước này còn xuất hiện một số vấn đề khác.

Năm 2022 là năm đầu tiên kể từ những năm 1960 Trung Quốc chính thức công bố dân số bị giảm. Dân số giảm đồng nghĩa với việc nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục yếu đi. Ngoài ra, nhu cầu về không gian sống ở các thành phố – đặc biệt là các thành phố cấp thấp hơn – đã không còn lớn như trước.

Hơn nữa, dân số già hóa cũng sẽ làm tăng gánh nặng chi tiêu của chính quyền địa phương cho phúc lợi trong bối cảnh thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng.

Còn nhìn ở quy mô toàn cầu, nhiều nước phát triển đang tìm cách đa dạng hóa thị trường cung ứng của họ, sau khi Trung Quốc liên tục thực hiện các biện pháp phong tỏa do đại dịch Covid, vốn gây ra bất ổn nguy hiểm cho nền kinh tế này.

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp vẫn đang vật lộn với sự thay đổi chính sách của Trung Quốc, và nước này có lẽ sẽ mất nhiều thời gian để vực dậy niềm tin dù mới đây đã bỏ chính sách zero-Covid.

Nhiều người có thể đang đưa ra lập luận rằng các điều kiện chín muồi cho sự sụp đổ nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc đang đến, vì bong bóng nợ bị vỡ, và lĩnh vực bất động sản ốm yếu sẽ còn kéo dài.

Năm 2023 sẽ đánh dấu một kỷ lục mới về việc các khoản nợ của chính quyền địa phương đến hạn.

Và với hơn 40% trái phiếu chính quyền địa phương đáo hạn trong 5 năm tới, các tỉnh và thành phố sẽ phải đối mặt với tình trạng siết nợ mà ngay cả khi khắc phục được, sẽ tái diễn nếu không có cải cách nghiêm túc.

Và ngay cả khi Trung Quốc sống sót qua làn sóng nợ nần này, các công ty bất động sản vẫn có khả năng quay trở lại thói quen cũ là vay nợ chồng chất để đầu tư, dẫn đến tình hình tài chính không bền vững; còn chính quyền các địa phương lại sẽ vẫn dựa vào việc bán đất để có nguồn thu, và chính quyền trung ương lại phải nhúng tay vào xử lý, tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Liên Hợp Quốc báo động về cách đối xử của Trung Quốc đối với 1 triệu trẻ em Tây Tạng

Một nhóm các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng họ đang rất quan ngại về chính sách “đồng hóa cưỡng bức” kéo dài nhiều năm của Trung Quốc đối với trẻ em Tây tạng khi ĐCSTQ gửi gần 1 triệu em đến các trường nội trú để giáo dục bắt buộc theo chương trình Hán hóa.

Ba chuyên gia về quyền của Liên Hợp Quốc cho hay, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đồng hóa người dân Tây Tạng “về mặt văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ” bằng cách đưa trẻ em vào một hệ thống trường học nội trú, nơi chúng không được học một cách thực chất về ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa của chính mình.

“Chúng tôi rất băn khoăn rằng trong những năm gần đây, hệ thống trường nội trú dành cho trẻ em Tây Tạng dường như hoạt động như một chương trình quy mô lớn bắt buộc nhằm đồng hóa người Tây Tạng vào nền văn hóa đa số của người Hán, trái với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế,” các báo cáo viên đặc biệt của Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc cho biết.

Theo phát hiện của họ, phần lớn trẻ em ở Khu tự trị Tây Tạng phía tây nam Trung Quốc được đưa vào các trường nội trú, so với mức trung bình toàn quốc là khoảng 20% học sinh ở các khu vực khác của đất nước. Điều này đạt được thông qua việc đóng cửa các trường học nông thôn ở những khu vực có người Tây Tạng sinh sống, buộc trẻ phải học ở những ngôi trường xa xôi.

Các chuyên gia cho biết trẻ em Tây Tạng được giáo dục trong một môi trường “xây dựng dựa trên nền văn hóa đa số của người Hán, với nội dung sách giáo khoa hầu như chỉ phản ánh kinh nghiệm sống của học sinh người Hán”. “Trẻ em dân tộc thiểu số Tây Tạng buộc phải hoàn thành chương trình giảng dạy ‘giáo dục bắt buộc’ bằng tiếng Quan thoại mà không được tiếp cận với việc học tập phù hợp với truyền thống hoặc văn hóa.”

“Kết quả là, trẻ em Tây Tạng đang mất đi khả năng tiếp thu ngôn ngữ mẹ đẻ và khả năng giao tiếp dễ dàng với cha mẹ và ông bà bằng tiếng Tây Tạng, điều này góp phần vào sự đồng hóa và xói mòn bản sắc của chúng,” họ nói.

Fernand de Varennes, Farida Shaheed và Alexandra Xanthaki, báo cáo viên đặc biệt lần lượt về các vấn đề thiểu số, giáo dục và quyền văn hóa, cho biết họ lo ngại rằng chính sách được thực thi “thông qua một loạt hành động đàn áp chống lại các tổ chức giáo dục, tôn giáo và ngôn ngữ Tây Tạng.”

Mao Ning, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã “bỏ qua sự thật” và “ủng hộ những lời dối trá và tin đồn nhằm bôi xấu và làm mất uy tín của Trung Quốc.”

Bà Mao phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ Tư rằng các chuyên gia nên “ngừng chính trị hóa và công cụ hóa các vấn đề nhân quyền, đồng thời ngừng phục vụ các mưu đồ chính trị của một số quốc gia nhằm đàn áp và kiềm chế Trung Quốc bằng cách lạm dụng nền tảng của Liên Hợp Quốc.”

Vào tháng 8 năm 2022, các quan chức Trung Quốc cũng phản ứng tương tự khi một chuyên gia của Liên Hợp Quốc kết luận người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại thông qua các chương trình đào tạo và làm việc bắt buộc của nhà nước.

Xuân Lan

Related posts