Di sản

Đặng Duy Hưng


Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện cứ ngỡ như cổ tích có sự mầu nhiệm của Tiên Bụt làm phép!

Sơn sanh ra trong nhà thương thí từ người mẹ không chồng mất mấy ngày sau đó. Mười ba năm sau đó thằng bé được chuyển từ nhà mồ côi này đến cô nhi viện khác. Cuối cùng Sơn chạy trốn ra trường đời đi theo đám trẻ cùng lứa, cùng số phận đánh giày, và học thói cướp giật, ăn trộm.
Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi cho bản thân mình sẽ làm gì nếu biết ngày mai đôi mắt không còn nhìn thấy nữa! Bạn sẽ ngắm mặt trời buổi sáng vừa lên lâu hơn, hay nhìn dòng sông quê hương lặng lẽ mỗi khi chiều xuống, và hát khi sóng biển đổ vào bờ hay in sâu những khuôn mặt nụ cười người thân yêu nhất vào trong tâm trí của mình.

Có ai biết được chữ ‘ngờ’! Đến năm mười chín tuổi, một viên đạn xuyên qua đầu khi Sơn tham gia đánh cắp đồ viện trợ của quân đội Mỹ. Lúc tỉnh dậy, Sơn mới biết đôi mắt mình bị mù. Kể từ đó Sơn không còn hy vọng thấy những thế giới xung quanh. Sơn giận ông Trời sao không để nó chết cho rồi! Phải chăng Sơn có nợ từ kiếp trước vẫn chưa trả hết? Dù sao Sơn cũng còn may bởi bị mù nên chuyện tù tội chính quyền không ngó tới.

Sau đó Sơn gặp Vân, người phụ nữ đến thăm Sơn hàng ngày. Chắc các bạn đang nghĩ đến chuyện thần tiên tình yêu kỳ diệu. Hai con người gặp nhau lần đầu tiếng sét ái tình làm đám cưới nghèo trong ngôi nhà tranh lý tưởng.

Tuy nhiên, câu chuyện không như các bạn nghĩ đâu! Vân là bà y tá lớn tuổi không chồng con, khó tính, hay gắt gỏng, còn lời nói thì bốp chát.

Bà thường xuyên trách Sơn lười biếng không chịu đứng lên tập đi bộ. Bà hay hét lên khi Sơn than thở đã trở thành người vô dụng:
“Chỉ có người hèn nhát mới thật sự vô dụng thôi.”

Rồi một ngày bà thật sự nổi giận: “Cái thứ như cậu xã hội này chẳng ai thừa nhận dù có chết vẫn không ai tiếc nuối.”

Từ đó bà không nói nữa mà chỉ làm trọn nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, Sơn lại mang ý nghĩ khác! Sơn quyết định phải làm lại cuộc đời để chứng minh cho ‘mụ già té giếng’ Vân biết Sơn có thể làm bất cứ điều gì nếu Sơn muốn!

Sau ba tháng nằm trong bệnh viện, Sơn được chuyển qua nơi khác. Nếu Sơn đọc được cái bảng đề “Trại cho những người vô gia cư” chắc chắn Sơn sẽ tủi thân lắm vì đây là nơi dành cho những con người khốn khổ chết cũng không được mà sống cũng không xong!

Sơn trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ bởi ai ai cũng muốn biết chuyện một người về từ cõi chết. Ít nhất điều đó cũng làm cho Sơn vui lên một tý khi kể câu chuyện rùng rợn của đời mình.

Thời gian tạm trú chỉ quy định được sáu tháng trước khi Sơn bị đẩy ra chảo lửa của cuộc đời. Nhưng điều kỳ diệu đã xẩy đến. Mãi đến mấy năm sau Sơn mới biết bà Vân đứng sau bóng tối giúp đỡ Sơn công việc làm tại nơi đây. Sơn được nhận làm phụ tá giúp đỡ khuyên nhủ về giúp người ổn định tinh thần.Thường thường chúng ta ít tin vào điều kỳ diệu nhưng điều đó thật sự theo Sơn suốt cuộc đời! Cứ ngỡ bị mù sẽ không còn nước mắt, nhưng thực tế thì không phải vậy, bởi vì Sơn đã khóc khi nhận phần lương đầu tiên.

Sơn tận tình làm việc giúp đỡ nơi ăn, chốn ở cho những người mới đến. Giúp người chuyển đổi hướng đi cuộc đời thì không ai có thể sánh bằng Sơn! Châm ngôn của Sơn là: “Tuy bạn mù nhưng bạn vẫn có thể thấy những gì người khác không nhìn được.”

Cuộc đời Sơn hoàn toàn biến đổi quay 180o. Viên đạn không chỉ cướp mất thị giác mà còn xóa đi quá khứ đen tối đầy bạo lực. Và rồi tình yêu chân thành cuối cùng cũng đến vào một ngày Sơn đang đi chợ. Châu, tên người con gái với hoàn cảnh cũng tang thương không khác cô gái cùng tên trong tác phẩm “Trần thị Diễm Châu” của Duyên Anh.

Châu mồ côi cha mẹ. Khi lên 12 tuổi, Châu phải ra thành phố sống với người cô ruột. Ba năm sau nàng bị chồng của cô Châu tấn công tình dục đến chửa hoang. Châu bị cô ruột đuổi ra khỏi nhà với tội “dụ dỗ chồng.” Châu lang thang đi làm bất cứ công việc gì để sống sau khi bào thai bị “sẩy.” Mười tám tuổi, Châu bắt đầu vào làm gái nhảy trong những quán Bar ngoại kiều. Một đêm bị khách dùng bạo lực hiếp dâm nên nàng lỡ tay dùng dao đâm chết. Tòa kêu án bảy năm nhưng nhờ có thành tích tốt nên sau năm năm, Châu được ra khám. Châu may mắn có bà luật sư thiện nguyện giúp đỡ nên nàng mở một tiệm nhỏ bán bún.

Châu lên tiếng: “Anh muốn loại trái cây gì em sẽ lựa trái tươi nhất cho.”

Giọng nói ‘thanh thoát truyền cảm nhất trong đời’ của Châu đã làm trái tim Sơn rung động tiếng yêu lần đầu!

Từ phút giây đó hai đứa tìm mọi cách gặp nhau từ quán cà phê đến bữa ăn tối góc đường. Một năm sau đó họ làm một đám cưới nhỏ. Lần đầu tiên Sơn dọn về căn nhà trong hẻm, gia tài của hai đứa gộp lại chỉ có ba đứa con, hai gái một trai với đời sống bình thường bởi tiền bạc họ thường dung để giúp đỡ kẻ khốn cùng hơn.

Nếu ai hỏi họ: “Từ trước đến giờ họ đã giúp bao nhiêu người?” thì câu trả lời vẫn luôn luôn là “hai linh hồn cứu vãn lẫn nhau.”

Bất cứ lúc nào dành dụm được chút tiền, họ đều du lịch và Châu là đôi mắt của chồng. Nhìn cô tả chân cảnh vật chung quanh ai cũng thấy họ hạnh phúc đến nhường nào!

Và câu hỏi từ phía đầu truyện được đặt ra một lần nữa. “Nếu bạn bị mất thị giác ngày mai, bạn sẽ làm gì hôm nay?”

Nếu đó là tôi, điều đầu tiên tôi muốn làm là gặp người cảnh sát đã bắn Sơn. Cám ơn người ấy khi làm nhiệm vụ đã vô tình chuyển đổi một cuộc đời từ vũng đầm lầy đi lên. Tôi muốn gặp bà Vân quỳ xuống ôm chân bà cám ơn tình thương yêu giúp đỡ không điều kiện của bà.

Thế nên, đừng đánh giá con người lúc khởi đầu mà hãy phán xét khi họ đến đích, bởi vì trong chúng ta cũng có di sản để lại cho đời sau. Bà Châu là di sản của Sơn; hai cô con gái cũng là di sản của Sơn, và người con trai, tôi, là di sản của cha tôi mà ít ai nghĩ sẽ có như hôm nay.
Cha tôi sanh ra lớn lên trong bóng tối hắc ám cho đến ngày ông ấy bị mù. Bắt đầu từ hôm đó, nhờ vào Chúa Phật hay một lý do mầu nhiệm nào đó ông đã tìm được ánh sáng dẫn lối ra.

Đặng Duy Hưng
Mùa xuân 2023

Related posts