Mỹ chính thức kết luận rằng Nga đã phạm ‘tội ác chống lại loài người’ trong cuộc chiến tại Ukraine, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố tại Hội nghị an ninh Munich diễn ra tại Đức vào hôm thứ Bảy (18/2).
Theo bà Kamala Harris, các bằng chứng do Bộ Ngoại giao Mỹ kiểm tra cho thấy “không còn nghi ngờ gì nữa”, các lực lượng Nga đã thực hiện các hành động tàn bạo.
Phó Tổng thống Mỹ đưa ra tuyên bố trên vào ngày 18/2 tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức. Tại hội nghị, bà đã liệt kê một số hoạt động được cho là do quân đội Nga thực hiện trong cuộc xâm lược Ukraine kéo dài gần một năm mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Bà Harris tuyên bố: “Những người lính Nga đã thực hiện một cuộc tấn công có hệ thống và rộng khắp nhằm vào dân thường – những hành động tàn ác như giết người, tra tấn, cưỡng bức và trục xuất”. Bà cũng đề cập đến “những vụ giết người, đánh đập và điện giật theo kiểu hành quyết”.
Kể từ khi chính quyền ông Biden xác định rằng quân đội Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine vào tháng 3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phân tích các bằng chứng mới để xác định xem liệu các hành động của Moscow có phù hợp với định nghĩa khắt khe hơn về “tội ác chống lại loài người” hay không.
“Trong trường hợp hành động của Nga ở Ukraine, chúng tôi đã phân tích các bằng chứng, chúng tôi hiểu rõ các tiêu chuẩn pháp lý và không còn nghi ngờ gì nữa. Đây là những tội ác chống lại loài người”, Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh. (Từ trái sang) Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lắng nghe trong phần hỏi đáp tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) 2023 vào ngày 18/2/2023 tại Munich, Đức. (Ảnh: Johannes Simon/Getty Images)
Mỹ: Nga đã thực hiện ‘những tội ác nghiêm trọng nhất’
Việc xác định “tội ác chống lại loài người” được đưa ra cụ thể trong trường hợp các cuộc tấn công chống lại con người được thực hiện một cách có hệ thống và rộng khắp. Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, quyết định như vậy chỉ được đưa ra đối với “những tội nghiêm trọng nhất”.
Hôm 18/2, Ngoại trưởng Blinken đã đưa ra một tuyên bố lặp lại những nhận xét của bà Harris, nhấn mạnh rằng Bộ Ngoại giao đã tiến hành “phân tích cẩn thận luật pháp và các bằng chứng sẵn có” các hoạt động của lực lượng Nga ở Ukraine đáp ứng tiêu chí của “tội ác chống lại loài người”.
Theo tuyên bố của ông, đánh giá của Bộ Ngoại giao cho thấy rằng các lực lượng Nga đã phạm tội “giết người theo kiểu hành quyết đàn ông, phụ nữ và trẻ em Ukraine; tra tấn thường dân bị giam giữ thông qua đánh đập, giật điện và hành quyết giả; cưỡng bức; và cùng với các quan chức Nga khác, đã trục xuất hàng trăm nghìn thường dân Ukraine sang Nga, bao gồm cả trẻ em bị buộc phải rời xa gia đình”.
Ông Blinken tiếp tục nói rằng những tội ác như vậy không phải là ngẫu nhiên hay tự phát, mà là “một phần trong cuộc tấn công quy mô lớn của Điện Kremlin nhằm vào dân thường Ukraine”.
Tại hội nghị, bà Harris tuyên bố rằng thủ phạm của những hành động tàn bạo đó “sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Bài phát biểu của bà được đưa ra khi các nhà lãnh đạo phương Tây tập trung tại Munich để đánh giá cuộc chiến tranh vũ trang đẫm máu nhất đã bao trùm châu Âu kể từ Thế chiến II.
Tại thời điểm xuất bản bài viết này, Nga đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào để phản ứng lại bản án “tội ác chống lại loài người” của chính phủ Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov họp báo sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ukraine tại Antalya, ngày 10/3/2022, 15 ngày sau khi Nga tiến hành ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ vào Ukraine. (Ảnh: Ozan Kose/Getty Images)
Điện Kremlin cáo buộc Kyiv phạm ‘tội ác chống lại loài người’
Tuy nhiên, vào tháng 3/2022, Đại sứ quán Nga tại Vương quốc Anh đã cáo buộc quân đội Ukraine phạm “tội ác chiến tranh” và “tội ác chống lại loài người” ở miền đông Ukraine. Moscow cáo buộc buộc Kyiv đã “tiêu diệt” dân thường ở các khu vực gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk.
Trong một tuyên bố hôm 18/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Mỹ và các đồng minh của họ đang tiến hành một “cuộc chiến hỗn hợp toàn diện” chống lại Nga mà Washington đã lên kế hoạch từ lâu, sử dụng “những phần tử cực đoan người Ukraine làm đòn tấn công”.
Ông Lavrov cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang cố gắng đánh bại Nga trên chiến trường, phá hủy nền kinh tế của nước này thông qua các biện pháp trừng phạt, cô lập nước này trên trường quốc tế và biến Nga thành một “quốc gia bất hảo”.
Ông cũng cáo buộc các cường quốc phương Tây “bị ám ảnh bởi nỗ lực điên cuồng nhằm khôi phục trật tự thế giới đơn cực theo chủ nghĩa thực dân mới” bằng cách bóp nghẹt sự tái xuất của Nga với tư cách là một nhân tố chính trên vũ đài toàn cầu.
Nga từ lâu đã tuyên bố rằng Mỹ can thiệp vào Ukraine để biến nước này thành một bức tường thành của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở biên giới Nga và rằng các hành động của Moscow chống lại Kyiv cấu thành một hình thức tấn công phủ đầu để tự vệ nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa quân sự đang gia tăng.
Điện Kremlin cũng cáo buộc những nước phương Tây ủng hộ Ukraine kích động leo thang xung đột vũ trang mà “chắc chắn” sẽ dẫn đến “một số lượng lớn thương vong và sự hủy diệt quy mô lớn”.
Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, hàng triệu người phải di tản và nền kinh tế thế giới đã phải gánh chịu hậu quả của cuộc giao tranh kéo dài gần một năm. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu khi tham dự Hội nghị An ninh Munich 2023 (MSC), hôm 18/2/2023 tại Munich, Đức. (Ảnh: Johannes Simon/Getty Images)
Ukraine cáo buộc Nga tiến hành ‘chiến tranh diệt chủng’
Bên lề Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã được hỏi ông cảm thấy thế nào về phán quyết của Hoa Kỳ rằng Nga đã phạm “tội ác chống lại loài người” ở Ukraine.
“Nga đã tiến hành một cuộc chiến tranh diệt chủng chống lại người Ukraine vì họ không công nhận quốc tịch của chúng tôi và không tin rằng chúng tôi xứng đáng tồn tại với tư cách là một quốc gia có chủ quyền”, ông trả lời.
“Tất cả những gì phát sinh từ đó là tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và vô số hành động tàn bạo khác do quân đội Nga gây ra trên lãnh thổ Ukraine”.
“Hãy để luật sư phân loại cụ thể hành động nào thuộc về tư cách pháp lý”, ông nói thêm.
Ông Kuleba cũng bày tỏ hy vọng rằng các cường quốc phương Tây sẽ cung cấp cho Kyiv các máy bay chiến đấu mà nước này rất mong muốn.
Phương Tây vẫn do dự trong việc cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine vì lo ngại rằng sự leo thang sẽ lan qua biên giới sang các quốc gia đồng minh của NATO. Điều này có khả năng kích hoạt các điều khoản phòng thủ tập thể trong Điều 5 của liên minh rằng một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một nước thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên của khối.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch