Liên Thành
Khi dấu mốc 1 năm Nga xâm lược Ukraina tới gần, Hội nghị An ninh Munich kéo dài ba ngày đã được khai mạc vào hôm 17/2 tại Đức. Tổng thống Ukraina Zelensky đã có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị qua cầu truyền hình. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, đại diện của Nga và Iran không được mời tham dự cuộc họp.
Vấn đề cốt lõi của cuộc họp này là vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraina từ các nước phương Tây, nhưng sự hỗ trợ bí mật của ĐCSTQ cho Nga cũng đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Theo báo cáo tổng hợp của các phương tiện truyền thông nước ngoài, Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59 đã có hơn 100 quốc gia cử đại diện cấp cao tham dự, bao gồm hơn 40 nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ, và hơn 100 quan chức cấp bộ, nhưng chính phủ Nga không được mời, đây là lần đầu tiên sau hơn hai thập niên.
Chủ tọa cuộc họp, cựu đại sứ Đức tại Liên Hợp Quốc Christoph Heusgen, giải thích rằng điều này là do chính phủ Putin không được phép sử dụng Hội nghị An ninh Munich để thúc đẩy việc quảng bá cho điện Kremlin. Ông Heusgen nói rằng: “Chiến tranh Nga – Ukraina đã phá hủy nền văn minh nhân loại, vì vậy Putin và chính phủ của ông ta không được phép sử dụng hội nghị này để thúc đẩy các chính sách của Matxcova”.
Ông Heusgen gần đây đã kêu gọi nước Nga không có Putin. Ông nói rằng cộng đồng quốc tế hiện đang cô lập Nga vì cuộc chiến Nga-Ukraina, và đó cũng là vì ông Putin đã đưa ra mọi quyết định ở quốc gia đó.
Nếu Nga muốn khôi phục quan hệ ngoại giao với Đức, nước Nga cần phải “phi Putin hóa”, Ông Heusgen nói rằng: “điều này chỉ có thể đạt được sau khi một chính phủ mới ở Nga xuất hiện và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu tại lễ khai mạc, tiếp theo là Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Trọng tâm của cuộc họp là cuộc chiến Nga – Ukraina, đã kéo dài một năm, và thảo luận về vấn đề các nước phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraina.
Mặc dù ĐCSTQ tuyên bố tuân thủ các nguyên tắc toàn vẹn chủ quyền và bất khả xâm phạm lãnh thổ, nhưng cho đến nay chính phủ này vẫn chưa lên án cuộc chiến tranh xâm lược của ông Putin. Do đó, Thủ tướng Anh Sunak đã tuyên bố trong một cuộc họp hôm 17/2 rằng, ĐCSTQ phải có trách nhiệm trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraina.
Ông Sunak cho biết quan điểm của Vương quốc Anh về cuộc xâm lược Ukraina của Nga rất rõ ràng: Nga phải bị cô lập hoàn toàn khỏi cộng đồng quốc tế do đã phát động chiến tranh. Do đó, chính phủ Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, quốc gia ủng hộ Nga trong cuộc chiến, một tuần sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraina. Ông Sunak bày tỏ lo ngại về thái độ của ĐCSTQ về vấn đề này, và kêu gọi chính phủ Trung Quốc phải “chịu trách nhiệm” tại cuộc họp nhóm.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, khi Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa có buổi nói chuyện trực tiếp với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Vương Nghị, vào chiều ngày 18/2, ông cũng thúc giục ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về vấn đề chiến tranh Nga – Ukraina.
Cựu đại sứ Ukraina tại Đức, Andriy Melnyk, người đã trở thành thứ trưởng ngoại giao Ukraina vào tháng 11 năm 2022, vào cuối tháng 1 năm nay cho biết rằng lập trường của ĐCSTQ về cuộc chiến tranh Nga – Ukraina không phải là trung lập.
Ông tin rằng, ĐCSTQ có những e ngại về cuộc chiến Nga – Ukraina, nhưng chính phủ Ukraina hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ quay sang ủng hộ Ukraina, chưa kể Ukraina đã cung cấp cho ĐCSTQ nhiều loại vũ khí tiên tiến của Liên Xô.