Lý Ngôn
Vài tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine, Bắc Kinh và Moscow đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác “không giới hạn” – động thái khiến phương Tây lo ngại. Nhưng sau một năm cuộc chiến cho thấy, dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có ủng hộ Nga hay cố gắng giữ khoảng cách nhất định với Nga trong một số trường hợp thì các động thái đều là do vấn đề lợi ích.
Đầu năm 2022, ông Tập Cận Bình và ông Putin đã gặp nhau ở Bắc Kinh và tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác “hợp tác không giới hạn” để thách thức Mỹ. Vài tuần sau, ông Putin phát động cuộc chiến quân sự xâm lược Ukraine, vì vậy đã bị phương Tây áp đặt những biện pháp trừng phạt. Khi đó Đại sứ của ĐCSTQ tại Mỹ là ông Tần Cương đã vội vàng làm rõ rằng mối quan hệ Trung – Nga “là còn giới hạn”.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối công khai lên án cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga, thay vào đó cáo buộc Mỹ khiêu khích Nga bằng cách thúc đẩy mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc chiến Nga – Ukraine vào ngày 24/2, Reuters đã phân tích rằng cuộc chiến đã đặt ra nhiều thách thức đối với tình hữu nghị Trung – Nga.
ĐCSTQ ủng hộ Nga về mặt ngoại giao
Sau khi chiến tranh Nga xâm lược Ukraine bùng nổ, Bắc Kinh đã bao che cho Moscow trong mọi khía cạnh ngoại giao và không cho rằng Nga “xâm lược”, thay vào đó luôn hưởng ứng tuyên bố của Điện Kremlin: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi cuộc chiến ở Ukraine là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm bảo vệ an ninh của chính nước Nga.
Trong bài phát biểu về Tình trạng Liên bang hôm thứ Ba (21/2), ông Putin nhắc lại rằng Nga đang chiến đấu để tồn tại và phương Tây là thủ phạm chính châm ngòi chiến tranh. Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang ở thăm Ba Lan, trả lời rằng phương Tây không tìm cách kiểm soát hay phá hủy nước Nga: “Phương Tây không có âm mưu tấn công Nga như lời hôm nay ông Putin nói”.
Trong bối cảnh quân Nga thất bại trong chiến tranh xâm lược thì ĐCSTQ đã không ngừng kêu gọi “hòa bình”, nhưng lãnh đạo Tập Cận Bình của họ luôn đứng về phía ông Putin và chống lại áp lực của phương Tây đối với một Moscow đang bị cô lập.
Tại Hội nghị An ninh Munich hôm Chủ nhật (19/2), nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị của ĐCSTQ đã bảo vệ quan hệ Trung – Nga, nói rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép Mỹ chi phối mối quan hệ giữa hai nước. Hôm thứ Ba (21/2) Ngoại trưởng đương nhiệm Tần Cương của ĐCSTQ công khai nói rằng “một số nước” đang “đổ thêm dầu vào lửa” cuộc chiến Ukraine.
Tuyên bố của ông Tần Cương y như việc ông Putin cáo buộc phương Tây châm ngòi và duy trì ngọn lửa chiến tranh trong bài phát biểu về Tình trạng Liên bang ngày hôm đó.
ĐCSTQ ủng hộ Nga có điều kiện
Nhiều phân tích cho rằng việc ĐCSTQ ủng hộ Nga đã làm trầm trọng thêm căng thẳng với phương Tây và là trở ngại cho nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây bất hòa giữa Liên minh châu Âu và Mỹ.
“Trung Quốc (ĐCSTQ) đang làm điều đó vì lợi ích của chính họ, vậy thôi”, ông Alexander Gabuev, một thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói rằng Nga càng yếu thì càng phù hợp cho lợi ích của ĐCSTQ .
Với nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ Mỹ, châu Âu và các đồng minh của Mỹ kể từ khi xâm lược Ukraine, nhà chức trách Nga đang ngày càng chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc (đặc biệt quan trọng là dầu mỏ).
Trong khi đó, ĐCSTQ đã lợi dụng các ưu đãi giảm giá do Nga đưa ra để mua dầu của Nga với số lượng lớn.
Theo dữ liệu của Refinitiv (nhà cung cấp toàn cầu về cơ sở hạ tầng và dữ liệu thị trường tài chính), tính từ khi Nga xâm lược Ukraine cho đến tháng 12 năm ngoái, giá trị nhập khẩu dầu thô trung bình hàng ngày của Trung Quốc từ Nga đã tăng khoảng 45%.
Tờ Financial Times đưa tin, thay vì lên án hành động xâm lược của Nga thì ĐCSTQ lại sử dụng Nga như lá bài nhằm ứng phó xu thế cạnh tranh ngày càng tăng với Mỹ.
Lấy cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông làm ví dụ. ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực này và lo ngại về sự hiện diện an ninh ngày càng tăng của Mỹ – nước cam kết duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do cởi mở. Do đó việc ĐCSTQ luôn lên án NATO “bành trướng” ở sườn phía đông (nơi Nga xem là vườn sau của Nga) cũng nhất quán cho họ chống lại các hoạt động của Mỹ xung quanh Biển Đông.
Quan hệ đối tác Trung-Nga ‘có giới hạn’
ĐCSTQ đã luôn tránh cung cấp hỗ trợ cho Nga (đặc biệt là về vũ khí), vì điều đó có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Vào cuối tuần trước Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các nhà lãnh đạo EU một lần nữa cảnh báo Trung Quốc rằng nước này sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.
Nếu ĐCSTQ hỗ trợ Nga vũ khí, sẽ không chỉ có thể khiến cuộc chiến Nga – Ukraine leo thang thành cuộc chiến giữa liên minh Trung Quốc – Nga và liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu, còn khiến Bắc Kinh sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt thứ cấp từ phương Tây mà bản thân họ đang nỗ lực hạn chế.
Về ngôn luận, Bắc Kinh cũng đã tìm cách giữ khoảng cách với Moscow, đồng thời thúc giục ông Putin không sử dụng vũ khí hạt nhân. Lý do: Một là để tránh trong mối quan hệ với phương Tây đi đến mức không thể cứu vãn; hai là có thể ngăn chặn xung đột Nga – Ukraine đi đến mức chiến tranh hạt nhân mà ĐCSTQ không được hưởng lợi.
Vào dịp tròn năm cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, ĐCSTQ sẽ công bố một kế hoạch hòa bình cho Ukraine, khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cảnh giác với ý định đó. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay: “Trung Quốc đã không lên án cuộc chiến xâm lược này… Kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh ‘khá mơ hồ’, hòa bình sẽ chỉ xảy ra nếu Nga tôn trọng chủ quyền của Ukraine”.
Chiến tranh Nga – Ukraine và vấn đề Đài Loan
Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối việc liên kết cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine với những ý đồ của họ đang thúc đẩy “thống nhất” Đài Loan dân chủ.
Trong một tuyên bố vào thứ Ba (21/2) có vẻ ám chỉ rõ ràng đến Mỹ, Ngoại trưởng Tần Cương của ĐCSTQ đã kêu gọi “một số nước chấm dứt cường điệu ‘Hôm nay là Ukraine, ngày mai là Đài Loan’”.
Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine cũng đã nâng cao cảnh giác của phương Tây với ĐCSTQ trong vấn đề Đài Loan. Cả NATO và Mỹ đều cảnh báo rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) coi kết quả của cuộc chiến Nga – Ukraine là một trong những yếu tố để đánh giá khả năng xảy ra chiến tranh eo biển Đài Loan.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần nói về tầm quan trọng của việc không để Nga chiến thắng trong cuộc chiến xâm lược Ukraine: “Chúng tôi cũng biết rằng Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ xem Nga phải trả giá hay nhận lại những gì cho hành động xâm lược của Nga”.
Euan Graham, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies) có trụ sở tại Singapore, cho biết một cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan sẽ phức tạp hơn nhiều so với xâm lược của Nga vào Ukraine, hãng tin AP đưa tin. Ông nhấn mạnh: “Sự kém cỏi của Nga trên chiến trường Ukraine đã khiến bất kỳ lãnh đạo quân sự hay chính trị cấp cao nào của Trung Quốc (ĐCSTQ) phải tạm dừng cho các cuộc phiêu lưu quy mô lớn hơn ở Đài Loan”.
Reuters dẫn nhận định cùng quan điểm của nhà nghiên cứu Yun Sun tại Trung tâm Stimson (một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận, phi đảng phái nhằm tăng cường hòa bình và an ninh quốc tế): “Kết quả và cái giá phải trả của cuộc chiến đã cho Trung Quốc (ĐCSTQ) thấy rằng xâm lược Đài Loan có thể không phải là hành động khôn ngoan. Do đó khả năng để Bắc Kinh xâm lược Đài Loan đã nhỏ hơn”.
Theo Lý Ngôn, Epoch Times