Quang Nhật
Mục tiêu tiêu hao sức mạnh quân sự và tài chính của Mỹ ở Nga – Ukraine dường như đang thúc đẩy Trung Quốc hỗ trợ Nga nhiều hơn; thò một chân cáo để khuấy cho “vũng bùn” Nga – Ukraine thêm đục. Bắc Kinh đã giương cung, lần này một mũi tên nhắm vào 3 mục tiêu lớn…
Nhiệm vụ bí mật của ông Vương Nghị
Trong dịp kỷ niệm 1 năm ngày Nga chính thức đưa quân vượt biên giới tấn công vào lãnh thổ Ukraine (24/2/2022), nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh, Uỷ viên Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Nghị đã tới thăm Moscow.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị có bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) ở Munich, miền nam nước Đức, vào ngày 18/2/2023. (Ảnh: Odd Andersen/AFP/Getty Images)
Ngày 21/2/2023, ông Vương Nghị đã gặp gỡ quan chức an ninh Nga Patrushev tại Moscow. Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), hai bên được cho là sẽ thảo luận về cách chấm dứt cuộc chiến kéo dài suốt 1 năm qua ở Ukraine.
Theo truyền thông Nga, ông Vương Nghị cho biết trong cuộc hội đàm rằng quan hệ Trung-Nga rất vững chắc và ông Patrushev nói rằng hai bên sẽ tăng cường phối hợp và hợp tác hiệu quả để chống lại “thái độ thù địch”, “đòn trừng phạt” của phương Tây đối với Nga và Trung Quốc.
Reuters đưa tin ông Patrushev nói với ông Vương Nghị rằng Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga và hai nước phải đoàn kết chống lại phương Tây. “Tôi muốn xác nhận rằng chúng tôi tiếp tục ủng hộ Bắc Kinh ở Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông”, ông Patrushev nói.
Khuấy vũng bùn chiến tranh Nga – Ukraine
Nga là một trong bốn điểm dừng chân của ông Vương Nghị trong chuyến công du thăm châu Âu lần này. Trước đó, khi tham dự Diễn đàn An ninh Munich, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ sớm đưa ra lập trường về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó có việc yêu cầu các nước phương Tây ngừng gửi vũ khí cho Ukraine, nhưng đề xuất của ông đã bị các nước phương Tây nghi ngờ rộng rãi.
Chỉ một ngày sau chuyến viếng thăm của ông Vương Nghị tới Nga, ngày 22/2/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận rằng ông Tập Cận Bình sẽ tới thăm Nga trong vài tháng tới.
“Chúng tôi mong đợi chuyến thăm của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tới Nga, chúng tôi đã nhất trí về chuyến thăm này”, ông Putin nói trong cuộc họp. Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 04/02/2022. (Ảnh: Alexei Druzhinin/Sputnik/AFP qua Getty Images)
“Mọi việc đang tiến triển và phát triển [rất thuận lợi]. Chúng ta đang vươn tới những giới hạn mới”, nhà lãnh đạo Nga khẳng định.
Chuyến công du tới Nga của ông Tập sẽ đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ năm 2019. Trước đó, hai nguyên thủ quốc gia cũng đã có cuộc gặp mặt trực tiếp tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022 tại Thế vận hội Mùa đông 2022.
Tại đây, Nga và Trung Quốc đã nhất trí về một mối quan hệ đối tác “không giới hạn” trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine.
Sau đó, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp thứ hai tại một hội nghị an ninh ở Uzbekistan vào tháng 9 năm ngoái. Tại hội nghị, lãnh đạo Nga và Trung Quốc đều tuyên bố sẽ thúc đẩy một trật tự thế giới mới, đa cực để đối đầu với Hoa Kỳ và trật tự quốc tế tự do.
Cái gọi là “trật tự đa cực” là một trong những điểm thảo luận được ông Vương Nghị đưa ra trong cuộc gặp với ông Putin hôm 22/2, và có thể báo hiệu về nội dung mà ông Tập và ông Putin sẽ thảo luận trong cuộc gặp sắp tới.
Chuyến công du của ông Vương Nghị và sau đó ít lâu sẽ là ông Tập Cận Bình tới Nga trong bối cảnh Nga đang kéo dài và tăng cường hoả lực trên đất nước Ukraine khiến Mỹ và giới chức châu Âu phản ứng mạnh mẽ.
Các cảnh cáo của phương tây về việc Trung Quốc có thể hỗ trợ toàn diện cho Nga, bao gồm cả vũ khí, như “đổ thêm dầu vào lửa” khuấy thêm vũng nước đục ở nơi này. Liên minh Nga – Trung giúp cho Nga có thêm tài lực, vật lực để tăng cường chiến tranh. Đổi lại, Nga giúp Trung Quốc che giấu các tội ác nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, cuộc đàn áp đẫm máu các nhóm người có đức tin (Thiên Chúa Giáo, Pháp Luân Công,..).
Thế giới đa cực trở thành cụm từ yêu thích của Trung Quốc và Nga. Sự hợp tác này của họ thực sự có thể phân mỏng quyền lực chính trị hiện tại, tạo ra một thế lực chính trị – kinh tế mới cạnh tranh với Mỹ và phương Tây.
Phản ứng chuyến viếng thăm của ông Vương Nghị tới Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố tại cuộc họp báo ngay sau đó vào ngày 22/2 rằng Trung Quốc sẽ không thoát khỏi các biện pháp trừng phạt nếu nước này cố gắng cung cấp vũ khí cho cuộc xâm lược của Nga.
Tổng thống Joe Biden (phải) đi cạnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong chuyến thăm Kyiv, Ukraine, vào ngày 20/2/2023. (Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP/Getty Images)
“Chúng tôi đã nói rõ với Trung Quốc rằng, nước này sẽ đối mặt với hậu quả nếu họ cung cấp hỗ trợ vũ khí sát thương [cho Nga]”, ông Price cho biết. “Chúng tôi đã nói rất rõ rằng chúng tôi sẽ không ngần ngại nhắm mục tiêu vào các thực thể hoặc cá nhân Trung Quốc vi phạm các lệnh trừng phạt này”, ông Price nhấn mạnh.
Hoa Kỳ và các đồng minh của họ từ lâu đã lo ngại rằng sự hỗ trợ kinh tế và ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dành cho Nga có thể chuyển thành hỗ trợ quân sự toàn diện.
Như một lời đe doạ gửi tới Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Joe Biden thậm chí còn đang cân nhắc giải mật thông tin về việc Trung Quốc cung cấp thêm vũ khí, hoả lực cho Nga trong cuộc xâm lược của họ tại Ukraine.
Ngư ông đắc lợi
Vào ngày 19/2, nhà bình luận của New York Times và người đoạt giải Pulitzer Thomas Friedman là khách mời trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” của NBC, ông cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể đẩy xung đột Nga-Ukraine thành một “cuộc chiến tranh thế giới thực sự”.
Đề cập đến quan hệ Trung-Nga, nhà báo Friedman nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước hết, họ muốn chiến tranh kéo dài vì nó khiến Hoa Kỳ bị trói buộc. Và Hoa Kỳ đang tiêu hao hết vũ khí, dự trữ chế tài quân sự ở cuộc chiến này”.
Một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine sẽ khiến Mỹ và đồng minh tiêu hao thêm tiền bạc, vũ khí trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang hiện diện nhãn tiền. Việc này có thể thúc đẩy mâu thuẫn chính trị – xã hội tại các nền kinh tế này.
Trung Quốc chính là muốn điều đó. Khi thế giới ngoài biên giới của Trung Quốc hỗn loạn, Trung Quốc dễ dàng điều hướng dư luận trong nước tới các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội mà tạm thời quên đi các khủng hoảng trong lòng đất nước này.
Thậm chí, một cuộc chiến tranh hạt nhân, nếu nổ ra bên ngoài biên giới Trung Quốc, cũng sẽ giúp Bắc Kinh rất nhiều trong việc bán vũ khí, tuyên truyền về nỗi thống khổ của nhân dân các nước khác, nơi không có sự “che trở” của ĐCSTQ; từ đó tiếp tục phát triển các học thuyết mù mờ về vai trò lãnh đạo không thể thiếu của ĐCSTQ với nhân dân Trung Quốc, vai trò mang lại hoà bình và ổn định của thể chế này với quốc gia, dân tộc và thế giới.
Thực tế, Trung Quốc đang rất suy yếu và hỗn loạn. Tăng trưởng sụt giảm mạnh nhất trong 40 năm, tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục đang thúc đẩy bất mãn trong lòng đất nước. Chỉ vài tháng qua, liên tiếp các cuộc cách mạng ‘giấy trắng’, tới phong trào bất tuân pháo hoa trong đêm giao thừa. Thậm chí, người già còn tập hợp và biểu tình hết sức quy củ chống lại chính quyền địa phương vì cắt giảm tới 70% bảo hiểm y tế của họ. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nổ bong bóng giá BĐS đang lan tới an ninh tài chính quốc gia.
Trung Quốc cần thời gian và không gian để dẹp yên tất cả mớ bòng bong này. Và cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine là một cái cớ tuyệt vời.
Ngoài ra, bằng cách ủng hộ toàn diện cho Nga trong cuộc chiến này, Trung Quốc tiếp tục mua được dầu, lương thực, phân bón, hàng hoá đầu vào sản xuất giá rẻ từ Nga. Trung Quốc cũng bán được nhiều vũ khí cho Nga và các nền kinh tế nhỏ khác trên toàn cầu khi thế giới trở nên bất an hơn.
Ủng hộ một cuộc chiến không chỉ làm suy yếu kẻ địch số một của mình là Mỹ và đồng minh, còn tạo thêm tiền bạc cho nền kinh tế trong khi chuyển dời chú ý các cuộc khủng hoảng kinh tế – chính trị – đức tin trong nước sang chiến trường Nga – Ukraine. Có thể nói, Bắc Kinh đã giương cung, mũi tên lần này chỉ có một nhưng bắn trúng ít nhất 3 mục tiêu chiến lược lớn.
Bất lợi không ít
Tờ Wall Street Journal cũng đưa tin rằng lập trường mới của Bắc Kinh một phần là để đối phó với sự mất lòng tin ngày càng tăng của phương Tây đối với Trung Quốc, cũng như áp lực địa chính trị xung quanh an ninh và công nghệ.
Bắc Kinh lo ngại rằng nếu Nga phải chịu thêm những thất bại hoặc thất bại lớn trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, thì Nga, một đối tác quan trọng trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng của Trung Quốc với phương Tây, có thể bị suy yếu đáng kể.
Theo bài báo này, cách tiếp cận mới của ông Tập Cận Bình sẽ là phép thử đối với quan hệ Trung-Nga. Nếu Tập không gây áp lực đáng kể lên Putin, thậm chí ủng hộ ông Putin thì ông Tập sẽ làm tổn hại thêm mối quan hệ của Trung Quốc với các nước châu Âu.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, nhìn bề ngoài, Trung Quốc và Nga dường như đang xích lại gần nhau hơn. Vấn đề là ĐCSTQ càng xích lại gần Nga thì càng gặp sự phản đối mạnh mẽ hơn từ Mỹ và EU. Mối quan hệ của Trung Quốc với phương Tây sẽ càng xấu đi. Về mục tiêu chiến lược của ĐCSTQ là chinh phục Đài Loan trong tương lai, diễn biến tình hình hiện tại thực sự khá bất lợi cho ĐCSTQ.
Ngoài ra, vì các lợi ích của mình tại Trung Quốc, phương Tây vẫn e dè trong việc trừng phạt nền kinh tế này, thậm chí lờ đi các vấn đề tội ác nhân quyền trầm trọng của ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, việc Nga kéo dài chiến tranh nhờ sự giúp đỡ lớn hơn từ Trung Quốc (nếu có) sẽ là giọt nước tràn ly. Phương Tây chắc chắn phải hành động trừng phạt Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể đứng vững trước các đòn trừng phạt kinh tế khi nền kinh tế này rất phụ thuộc vào xuất khẩu và hiện đang rất suy yếu không?
Quang Nhật