Tin thế giới sáng thứ Bảy: Bà Marianne Williamson xác nhận việc tranh cử tổng thống

Bà Marianne Williamson xác nhận việc tranh cử tổng thống

Bà Marianne Williamson xác nhận việc tranh cử tổng thống
Tác giả ứng cử viên tổng thống Đảng Dân Chủ Marianne Williamson nói chuyện trong Diễn đàn Dịch vụ Công năm 2020 do Liên đoàn Nhân viên Tiểu bang, Quận, và Thành phố Hoa Kỳ (AFSCME) tổ chức tại UNLV ở Las Vegas, Nevada, vào ngày 03/08/2019. (Ảnh: Ethan Miller/Getty Images )

Hôm thứ Năm (23/02), bà Marianne Williamson, nhà hoạt động cấp tiến và là tác giả của nhiều cuốn sách tự lực (self-help book), đã trở thành ứng cử viên Đảng Dân Chủ đầu tiên tham gia cuộc đua tổng thống năm 2024.

“Tôi sẽ không tranh cử tổng thống nếu tôi không tin rằng mình có thể góp phần khai thác tính nhạy cảm của tập thể mà tôi cảm thấy là hy vọng lớn nhất của chúng ta vào thời điểm này,” bà Williamson nói với Medill News Service trong một cuộc phỏng vấn độc quyền được công bố hôm thứ Năm.

Nhân vật ngoại đạo về chính trị này có thể sẽ phải đối mặt với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Ông Biden dự kiến ​​sẽ tuyên bố cuộc tranh cử của mình trong vài tuần tới. Chưa có ứng cử viên Đảng Dân Chủ nào khác chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống.

Trong một tuyên bố hôm 19/02, bà Williamson đã ám chỉ rằng bà sẽ đưa ra một “thông báo quan trọng,” có thể đề cập đến cuộc tranh cử tổng thống của bà, vào ngày 04/03. Nhưng thông báo hôm thứ Năm của bà dường như cho thấy rằng bà đã quyết định hành động sớm hơn.

Cũng trong tuyên bố này, bà đã liệt kê ra ba động lực “đã thúc đẩy [bà] khám phá khả năng tranh cử tổng thống của Đảng Dân Chủ vào năm 2024.”

Bà nói, “Tôi được thúc đẩy bởi: một cam kết tuân theo các nguyên lý về tự do được tán thành trong Tuyên ngôn Độc lập và Diễn văn Gettysburg; một nhận thức về sự chuyển hướng của Đảng Dân Chủ khỏi đảng của Tổng thống Franklin Roosevelt; và những bất công kinh tế mà hàng triệu người Mỹ phải chịu đựng do ảnh hưởng của đồng tiền doanh nghiệp đối với hệ thống chính trị của chúng ta.”

Bà Williamson, tác giả của 14 cuốn sách, đã bắt đầu một cuộc chạy đua đường dài cho vị trí tổng tư lệnh hồi tháng 01/2020 với thông điệp, “biến tình yêu thành một lực lượng chính trị,” và rời cuộc đua này với thông điệp “tình yêu sẽ thắng thế” sau khi nhận ra rằng bà sẽ không thu thập được đủ phiếu bầu. Bà đã ủng hộ ứng cử viên tổng thống khi đó là ông Bernie Sanders tại một buổi tập hợp vào tháng 02/2020.

Trong lần tranh cử năm 2020, bà đã đề nghị “sáu trụ cột cho một mùa tu sửa đạo đức,” bao gồm “nghị trình về công lý kinh tế,” thành lập một “Bộ Trẻ em và Thanh niên,” thành lập một “Bộ Hòa bình,” đồng thời bồi thường cho “con cháu của những nô lệ Mỹ,” và một chương trình chăm sóc sức khỏe toàn cầu mà bà gọi là một “hệ thống theo loại hình Y tế Dành Cho Tất cả (Medicare-for-All).”

Một phần chính trong nền tảng năm 2024 của bà Williamson có thể sẽ bao gồm những lời chỉ trích nặng nề về “kinh tế nhỏ giọt” (trickle-down), hoặc các chính sách kinh tế được cho là mang lại lợi ích không công bằng cho người giàu.

“Nền kinh tế nhỏ giọt là một thảm họa đối với đất nước này. Nó đã phá hủy hoàn toàn tầng lớp trung lưu của Mỹ,” bà nói trong một tuyên bố hôm 20/02 trên Twitter. “Đảng Dân Chủ sẽ không chiến thắng dựa trên thông điệp rằng chúng tôi có thể giúp mọi người sống sót sau thảm họa này. Chúng tôi sẽ thắng bằng cách nói rằng chúng tôi sẽ kết thúc nó.”

Trong cùng bài đăng đó, bà đã đưa ra một danh sách các dịch vụ xã hội mà bà nghĩ nên là một phần của một “nền dân chủ tiên tiến.”

Bà viết, “Chăm sóc sức khỏe toàn cầu, các trường cao đẳng và đại học miễn học phí của tiểu bang, một mức lương đủ sống được bảo đảm, dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn phí, chế độ nghỉ thai sản và nghỉ sinh con được hưởng lương cũng như chế độ ốm đau được bảo đảm — giống như ở mọi nền dân chủ tiên tiến khác! — sẽ bắt đầu đi đúng hướng.”

Trong một bài đăng khác trên Twitter, bà Williamson cho biết bà xác định mình là một “thành viên Đảng Dân Chủ FDR” — có liên quan đến cựu Tổng thống Đảng Dân Chủ Franklin D. Roosevelt — và Wall Street đang “sở hữu” cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ.

“Thành viên Đảng Dân Chủ FDR làm việc không hối lỗi và không nao núng trong việc trợ giúp người dân lao động Hoa Kỳ,” bà viết hôm 22/02. “Nhưng ngày nay chúng tôi chỉ là một phần của Đảng Dân Chủ, vì cánh nghiệp đoàn của đảng này chỉ nhằm mục đích khiến mọi người cảm thấy tốt hơn — nhưng chỉ trong chừng mực tổ chức này không thách thức việc tối đa hóa lợi nhuận cho các nhà tài trợ chính của công ty họ.”

Bà nói thêm: “Wall Street rõ ràng vẫn sở hữu cả hai đảng lớn — và trong khi Đảng Cộng Hòa chắc chắn còn tệ hơn nhiều, thì đó không thể là mãi cái cớ của chúng ta được.”

Năm 2019, bà Williamson đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ những người ủng hộ các quy định bắt buộc chích ngừa khi bà nói rằng vấn đề về quy định bắt buộc chích ngừa “không khác gì cuộc tranh luận về phá thai” theo quan điểm của bà.

“Chính phủ Hoa Kỳ không nói với bất kỳ công dân nào, trong cuốn sách của tôi, họ phải làm gì với cơ thể của họ hoặc con của họ,” bà Williamson nói tại một sự kiện ngày 08/06 ở New Hampshire, theo một bài đăng trên Twitter từ một phóng viên của NBC.

Sau đó, bà đã xin lỗi trong một tuyên bố trên Twitter và nói rằng những lời bình luận của bà khiến bà tỏ ra nghi ngờ về “hiệu lực có thể cứu lấy mạng sống của vaccine” và rằng bà đã “nói sai.”

Thanh Tâm biên dịch

Mỹ xác nhận từng hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ để ngăn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP qua Getty Images)

Đáp lại nguồn tin tình báo cho biết Tổng thống Nga Vladmir Putin đã cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine vào mùa xuân năm ngoái, chính quyền ông Biden đã hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác để đồng loạt phản đối nhằm ngăn cản ông Putin “bấm nút hạt nhân”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken xác nhận hôm thứ Năm (23/2).

Trao đổi với Tổng biên tập Tạp chí Atlantic Jeffrey Goldberg, ông Blinken cho biết, vào mùa xuân năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ hành động “thiếu lý trí” vì đã nhận được thông tin tình báo từ Moscow cho thấy ông Putin “đang cân nhắc việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật” ở Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ cho biết, động thái leo thang của ông Putin được châm ngòi bởi một cuộc phản công thành công của Ukraine trước đó.

Cuộc phản công năm ngoái đã chứng kiến Ukraine trục xuất quân đội Nga khỏi các khu vực trọng yếu phía bắc xung quanh thủ đô Kyiv, đẩy họ về phía đông và buộc lực lượng Nga phải tập hợp lại.

Nhiều cường quốc trên thế giới cũng đưa ra các tuyên bố công khai vào thời điểm đó, bày tỏ lo ngại về những hành động tiếp theo của ông Putin.

Vào tháng 4/2022, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã kêu gọi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov “kiềm chế”, và nói rằng thế giới đang phải đối mặt với mối đe dọa “thực sự” về chiến tranh hạt nhân. “Không ai muốn chứng kiến Thế chiến III nổ ra”, ông Uông Văn Bân cảnh báo.

Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu và cảnh báo rằng Nga không nên sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Không bên nào nên sử dụng giải pháp hạt nhân vì triển vọng sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí phóng xạ đi ngược lại các nguyên lý cơ bản của loài người”, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố vào tháng 10/2022.

Ngoại trưởng Blinken cho rằng những động thái này xuất phát từ chiến dịch gây ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

“Chúng tôi đã kêu gọi các quốc gia khác – những quốc gia có sức ảnh hưởng nhiều hơn một chút với Nga như Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác, như Ấn Độ – hãy trực tiếp nói chuyện với ông [Putin] và bày tỏ sự phản đối dứt khoát của họ đối với bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào. Chúng tôi biết rằng họ đã truyền tải những thông điệp đó và tôi nghĩ điều đó đã phát huy tác dụng”.

Những lo ngại về việc Nga vượt qua lằn ranh đỏ đã bùng lên, sau khi một cuộc điều tra của tình báo Na Uy cho thấy các tàu nổi của Hạm đội Phương Bắc của Moscow có thể mang theo vũ khí hạt nhân.

“Phần trọng tâm của tiềm năng hạt nhân nằm trên các tàu ngầm và tàu nổi của Hạm đội phương Bắc. Vũ khí hạt nhân chiến thuật trở thành mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng trong một số tình huống tác chiến có thể dính líu đến các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, theo báo cáo của Na Uy.

Tàu sân bay duy nhất của Nga và soái hạm của Hạm đội phương Bắc đã rời cảng vào sáng sớm thứ Tư (22/2). Con tàu đã không được triển khai kể từ năm 2016.

Tình báo Litva từ năm ngoái đã chứng thực các tuyên bố của Na Uy, nói rằng Nga sở hữu năng lực hạt nhân ở khu vực Baltic.

Trao đổi với tờ Newsweek, Cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cho biết, Ukraine sẽ tiến hành cuộc phản công thứ hai sớm nhất là vào tháng 4.

Quân đội Ukraine sẽ sớm được trang bị xe tăng chiến đấu M1 Abrams và Leopard 2 từ nhiều nhà tài trợ châu Âu, tên lửa đất đối không từ Hoa Kỳ và xe bộ binh bọc thép từ cả hai châu lục. Ông Gerashchenko cho biết, Ukraine sẽ phản công ngay khi nhận được số vũ khí trên.

Bất chấp căng thẳng leo thang, chính quyền ông Biden vẫn cam kết cung cấp vũ khí cho Kyiv.

“Tôi xin nói rõ: chúng tôi đang hỗ trợ người Ukraine trong cuộc chiến do Nga khơi mào”, bà Sabrina Singh, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc, nói với The Epoch Times hôm thứ Tư (22/2).

“Chính quyền ông Biden đã cam kết [sẽ sát cánh] với Ukraine cho đến chừng nào còn có thể, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”, bà khẳng định

Trong một bài phát biểu tại Ba Lan hôm thứ Ba (21/2), Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định rằng, “Ông Putin không còn nghi ngờ sức mạnh của liên minh của chúng ta”, đề cập đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Mỹ nhắc lại rằng chính quyền của ông sẵn sàng tài trợ cho một cuộc xung đột kéo dài.

“Chúng tôi sẽ không bỏ rơi Ukraine. NATO sẽ không bị chia rẽ, và chúng tôi sẽ không mệt mỏi”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Iraq cho phép giao dịch với Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ trong bối cảnh rời xa đồng USD

Iraq cho phép giao dịch với Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ trong bối cảnh rời xa đồng USD
Một tờ tiền nhân dân tệ của Trung Quốc trong một bức ảnh chụp. (Ảnh: Thomas Trắng/Reuters)

Lần đầu tiên, ngân hàng trung ương Iraq dự trù cho phép giao dịch thương mại với Trung Quốc được thanh toán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD, như một phần trong nỗ lực giảm áp lực đối với đồng dinar đang mất giá.

The National đưa tin, trong một tuyên bố trên trang web của mình, ngân hàng này cho biết biện pháp này sẽ giúp “ổn định tỷ giá hối đoái.”

Theo kế hoạch này, ngân hàng trung ương có thể tăng số dư của các ngân hàng Iraq có tài khoản với các ngân hàng Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ.

Ông Mudhir Salih, cố vấn kinh tế của chính phủ Iraq, nói với Reuters, tuy nhiên, lựa chọn này đa phần sẽ phụ thuộc vào quy mô dự trữ nhân dân tệ của ngân hàng trung ương.

Tuyên bố cho biết, một lựa chọn khác là tăng số dư bằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc của các ngân hàng Iraq thông qua các tài khoản của ngân hàng trung ương cho người thụ hưởng cuối cùng, với tài khoản dự trữ USD của ngân hàng trung ương này tại JP Morgan và Ngân hàng Phát triển Singapore.

Ông Salih đã giải thích rằng hai ngân hàng này sẽ chuyển đổi USD sang nhân dân tệ và thanh toán cho người thụ hưởng cuối cùng ở Trung Quốc.

Tuyên bố này cho biết, thông báo mới nhất là “sự bổ sung cho những gì đã được công bố trong gói các cơ sở đầu tiên do ngân hàng trung ương Iraq cung cấp để ổn định tỷ giá hối đoái.”

Cố vấn kinh tế của chính phủ, ông Mudhir Salih, nói với Reuters: “Đây là lần đầu tiên hàng nhập cảng từ Trung Quốc được tài trợ bằng đồng nhân dân tệ, vì hàng nhập cảng của Iraq từ Trung Quốc đã từng chỉ được tài trợ bằng đồng USD.”

Đồng Dinar rơi lao dốc

Theo China Daily, tổng giá trị thương mại song phương giữa Trung Quốc và Iraq đã vượt quá 24.8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022.

Kế hoạch mới này sẽ bao gồm hoạt động nhập cảng của khu vực tư nhân chứ không phải thương mại dầu mỏ ở Iraq.

Thông báo mới nhất được đưa ra hôm 07/02 sau khi chính phủ Iraq đã thông qua việc định giá lại tiền tệ để củng cố đồng dinar so với đồng USD, đặt tỷ giá hối đoái ở mức 1,300 dinar đổi một USD, giảm [giá trị đồng USD] so với tỷ giá trước đó là 1,460 dinar Iraq đổi một USD.

Hành động định lại tỷ giá này xảy ra khi đồng tiền của Iraq giảm hơn 10% giá trị trong những tháng gần đây sau khi Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York năm ngoái bắt đầu thực thi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các giao dịch bằng USD của các ngân hàng thương mại Iraq trong một nỗ lực dập tắt hành vi rửa tiền và chuyển USD từ Iraq đến các quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Iran và Syria.

Theo Al-Monitor, dưới những sự kiểm soát chặt chẽ hơn đó, được khai triển hồi tháng 11/2022, các ngân hàng thương mại Iraq đã phải tuân thủ theo một số tiêu chí của hệ thống chuyển tiền toàn cầu SWIFT để tiếp cận được dự trữ ngoại hối của họ.

Các ngân hàng Iraq có số tiền ước tính 100 tỷ USD được giữ tại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Số tiền này đã được lưu giữ ở đó kể từ khi Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq năm 2003, đánh dấu mức cao nhất mọi thời đại.

Ông Tamkeen Abd Sarhan al-Hasnawi, chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Mosul và phó chủ tịch thứ nhất của Liên đoàn Ngân hàng Tư nhân Iraq, nói với hãng tin AP rằng ước tính 80% đồng dollar được bán thông qua một quy trình được gọi là “đấu giá” – thông qua đó ngân hàng trung ương của Iraq yêu cầu đồng dollar từ Fed và sau đó bán cho các ngân hàng thương mại và các nhà giao dịch theo tỷ giá hối đoái chính thức – đã đi đến các nước láng giềng.

Các quốc gia tránh xa các giao dịch bằng USD

Theo báo cáo, các quy tắc chặt chẽ hơn này đã khiến khoảng 80% yêu cầu chuyển ngân đến các ngân hàng Iraq bị chặn lại do nghi ngờ hoặc lo ngại về điểm đến cuối cùng của các giao dịch chuyển tiền này và do đó đã khiến đồng tiền của Iraq giảm giá mạnh.

Việc phá giá hiện tại cũng gây ra các cuộc biểu tình rộng khắp trong bối cảnh lo ngại về những khó khăn kinh tế tiếp theo và lạm phát tăng vọt.

Một phái đoàn cao cấp của Iraq do Bộ trưởng Ngoại giao Fuad Hussein dẫn đầu đã đến thăm Hoa Thịnh Đốn để thảo luận về việc nới lỏng các biện pháp liên quan đến USD tại các ngân hàng Iraq.

Trong một cuộc họp báo chung với ông Hussein hôm 09/02, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng Hoa Thịnh Đốn và Baghdad có một “thỏa thuận khuôn khổ chiến lược,” đồng thời nói thêm rằng chính phủ hiện đang “tập trung vào phương diện kinh tế của thỏa thuận đó và công việc mà Hoa Kỳ và Iraq chúng ta có thể làm cùng nhau để tiếp tục củng cố nền kinh tế của Iraq, sự hội nhập, và tái hòa nhập của Iraq trong khu vực, theo những cách tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc sống của người dân Iraq và các công dân Iraq.”

Một số quốc gia đã bắt đầu tránh xa đồng USD khi giao dịch với Trung Quốc trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Đầu tháng Hai, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Trung ương Brazil để thiết lập các thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng đồng nhân dân tệ tại quốc gia này, tương tự như các thỏa thuận đã ký trong những tháng gần đây với Pakistan, Kazakhstan, và Lào.

Katabella Roberts

Vân Du biên dịch

Related posts