Ngày 26/2, các nhà chức trách Ý cho biết đã có ít nhất 59 người thiệt mạng, trong đó có 12 trẻ em, khi chiếc tàu bằng gỗ chở người di cư đến châu Âu va vào đá và bị đắm gần bờ biển miền nam nước này.
Cảnh sát Ý cho biết con tàu chở người di cư khởi hành từ cảng Izmir phía tây Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 4 ngày trước và được phát hiện cách bờ biển Ý khoảng 74 km vào cuối ngày thứ 25/2 bởi một chiếc máy bay do cơ quan biên giới Liên minh châu Âu Frontex điều hành, theo hãng tin Reuters.
Vào thời điểm đó, cảnh sát cho biết các tàu tuần tra đã được cử đến để chặn con tàu này, tuy nhiên do thời tiết khắc nghiệt nên nó buộc phải quay trở lại cảng. Chính quyền Ý sau đó đã huy động các đơn vị tìm kiếm dọc theo bờ biển.
Con tàu khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ và chở những người từ Afghanistan, Iran và một số quốc gia khác, đã chìm trong vùng biển động trước bình minh gần Steccato di Cutro, một khu nghỉ mát bên bờ biển ở bờ biển phía đông của Calabria. 59 người di cư, trong đó có một em bé nhỏ, đã thiệt mạng sau khi chiếc thuyền chở quá tải bị chìm vào sáng sớm ngày 26/2/2023 trong vùng biển đầy bão tố ngoài khơi vùng Calabria, miền nam nước Ý. (Ảnh: Stringer/Ansa/AFP/Getty Images)
Tuy nhiên tới sáng sớm ngày 26/2 do va phải đá, tàu đã bị đắm trong vùng biển động gần Steccato di Cutro, một khu nghỉ mát bên bờ biển ở bờ biển phía đông của Calabria, Ý. Trên tàu có khoảng 150 tới 200 người và chủ yếu chở người di cư từ các quốc gia Trung Đông như Afghanistan và Iran.
Ngoài ra theo Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Piantedosi, một trong những quan chức đã tới hiện trường, khoảng 20 tới 30 người có khả năng vẫn đang mất tích.
Vụ việc này khơi lại một cuộc tranh luận về vấn đề di cư ở châu Âu và Ý, nơi các điều luật di cư cứng rắn của chính phủ mới được bầu gần đây đang vấp phải sự phản đối từ Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức khác.
Tuy nhiên, điều may mắn là có 81 người sống sót sau vụ đắm tàu, trong đó có 20 người phải nhập viện và một người được chăm sóc đặc biệt, theo ông Manuela Curra, một quan chức chính quyền tỉnh, nói với tờ Reuters.
Cảnh sát hải quan Guardia di Finanza cho biết một người sống sót đã bị bắt vì tội buôn người di cư.
Theo hãng tin Reuters, trích dẫn hãng thông tấn ANSA, các nhà chức trách tìm kiếm được một em bé chỉ vài tháng tuổi nằm trong số những người dạt vào bãi biển. Trong khi đó theo miêu tả của bác sĩ cấp cứu Laura De Paoli, đội cứu hộ tìm thấy nhiều xác chết nổi khắp nơi khi tới hiện trường đắm tàu. Tuy đã cứu được 2 người đàn ông trong số đó nhưng đứa trẻ 7 tuổi mà họ bế đã tử vong.
“Khi chúng tôi đến điểm đắm tàu, chúng tôi thấy thi thể nổi lềnh bềnh khắp nơi và chúng tôi đã cứu được hai người đàn ông đang bế một đứa trẻ. Đáng buồn thay, đứa trẻ đã qua đời”, bà nói với hãng tin ANSA.
Giọng nghẹn ngào vì xúc động, Thị trưởng vùng Cutro là Antonio Ceraso thậm chí đã mô tả khung cảnh này với kênh tin tức SkyTG24 là “một cảnh tượng mà bạn sẽ không bao giờ muốn thấy trong đời” và “một cảnh tượng khủng khiếp sẽ ám ảnh bạn tới suốt cuộc đời”. Chiếc thuyền gỗ chỉ còn là những mảnh vụn. (Ảnh: Stringer/Ansa/AFP/Getty Images)
Đống đổ nát của chiếc thuyền buồm bằng gỗ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nằm rải rác trải dài trên bãi biển rộng lớn.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cùng bày tỏ sự đau buồn sâu sắc đối với những cái chết này, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ những kẻ buôn người kiếm lời khi mang đến cho người di cư “viễn cảnh hão huyền về một hành trình an toàn”.
Bà cho biết chính phủ Ý cam kết ngăn chặn các cuộc di cư đi kèm với những thảm kịch đáng buồn này và sẽ tiếp tục làm điều tương tự. Vì vậy, bà kêu gọi sự hợp tác tối đa từ các quốc gia nơi người di cư khởi hành cũng như nơi người di cư sinh sống.
Trên thực tế, chính quyền thủ tướng Meloni cũng chỉ trích việc các tổ chức từ thiện về người di cư khuyến khích họ thực hiện những hành trình nguy hiểm trên biển và đôi khi hợp tác với những kẻ buôn người.
Đáp lại, nhiều tổ chức từ thiện đã bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc trên.
“Việc ngăn chặn và cản trở các NGO (tổ chức phi chính phủ) sẽ chỉ dẫn tới một tác động chính là cái chết của những người thuộc các cộng đồng dễ bị tổn thương”, tổ chức cứu hộ người di cư Tây Ban Nha Open Arms đã đăng trên Twitter để phản ứng với vụ đắm tàu hôm 26/2.
Người đứng đầu Giáo hội Công giáo Ý, Đức Hồng y Matteo Zuppi, đã kêu gọi EU nối lại sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ ở Địa Trung Hải, như một phần của “phản ứng mang tính cấu trúc, chia sẻ và nhân đạo” đối với cuộc khủng hoảng di cư.
Đồng quan điểm với Đức Hồng y, phát ngôn của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi trên Twitter về việc tăng cường các hoạt động cứu hộ ở Địa Trung Hải.
Theo ông, chính quyền cần mở “các kênh di cư thường xuyên hơn” đến châu Âu và hành động để giải quyết những điều được ông gọi là nguyên nhân thúc đẩy mọi người vượt biển.
Ý là một trong những điểm đổ bộ chính của những người di cư cố gắng vào châu Âu bằng đường biển, với nhiều người tìm cách đi tiếp đến các quốc gia Bắc Âu giàu có hơn. Nhưng để làm được như vậy, họ phải dũng cảm vượt qua con đường di cư nguy hiểm nhất thế giới.
Kể từ 2014, Dự án Người di cư mất tích của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp tử vong và mất tích ở trung tâm Địa Trung Hải. Riêng trong năm 2023, con số ghi nhận được là hơn 220 người đã chết hoặc mất tích.
Theo hãng tin BBC, Cựu Bộ trưởng Kinh tế Ý Carlo Calenda tuyên bố rằng những người gặp nạn trên biển nên được giải cứu “bằng bất cứ giá nào”, nhưng “các tuyến đường nhập cư bất hợp pháp phải bị đóng lại”.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula van der Leyen cho biết bà “vô cùng đau buồn” trước vụ việc, đồng thời nói thêm rằng “sự thiệt mạng của những người di cư vô tội là một thảm kịch”.
Bà cho biết, điều quan trọng là phải “tăng gấp đôi nỗ lực” để đạt được tiến bộ trong việc cải cách các quy tắc tị nạn của EU nhằm giải quyết những thách thức liên quan đến việc di cư đến châu Âu.
Theo bà Regina Catrambone, người đứng đầu Trạm Viện trợ người di cư ngoài khơi (MOAS), tổ chức phi lợi nhuận chuyên tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn ở Địa Trung Hải, các nước châu Âu phải hợp tác với nhau để hỗ trợ những người gặp khó khăn.
Bà cũng kêu gọi chấm dứt “tầm nhìn thiển cận” rằng các quốc gia gần gũi hơn với Châu Phi và Trung Đông nên đi đầu trong việc giải quyết vấn đề.
Bà nói: “Vẫn chưa có sự gắn kết giữa các quốc gia châu Âu trong việc tích cực phối hợp cùng nhau để giúp đỡ những người gặp khó khăn”, bà nói, đồng thời kêu gọi các chính phủ hợp tác để cải thiện các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn và phát triển các tuyến đường an toàn và hợp pháp hơn.
Thanh Hải tổng hợp