Phản ứng của Lãnh sự quán Mỹ trước cảnh báo của nhà ngoại giao Trung Quốc về việc vượt qua ‘lằn ranh đỏ’ chính trị

Nathan Amery

Phản ứng của Lãnh sự quán Mỹ trước cảnh báo của nhà ngoại giao Trung Quốc về việc vượt qua ‘lằn ranh đỏ’ chính trị
Trong ảnh là Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hong Kong. (Ảnh: Big Mack/The Epoch Times)

Theo phát ngôn viên của Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong, vào ngày 23/2 vừa qua, Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong Lưu Quang Nguyên (Liu Guangyuan) đã gặp Tổng lãnh sự Mỹ Gregory May, để khiếu nại về những “phát ngôn và hành động thiếu phù hợp liên quan đến tình hình Hong Kong của ông May”.

Ông Lưu đã nêu ra “ba lằn ranh đỏ” của Trung Quốc mà lãnh sự quán Mỹ không nên vượt qua, một là “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc”, hai là “can dự vào tình hình chính trị ở Hong Kong”, và cuối cùng là “vu khống hoặc phá hoại tiềm năng phát triển trong tương lai của Hong Kong”.

Phát ngôn viên của Lãnh sự quán Mỹ chia sẻ với báo giới, tuy cục lãnh sự Mỹ không bình luận về các buổi hội nghị ngoại giao kín, họ cũng sẽ không “ngần ngại công khai và riêng tư bày tỏ sự quan ngại sâu sắc của Hoa Kỳ về tình trạng xói mòn các quyền tự trị ở Hong Kong”.

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Hong Kong đã trở nên căng thẳng kể từ khi chính quyền trung ương Bắc Kinh ban hành Luật An ninh Quốc gia, nhằm đàn áp quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của nhân dân Hong Kong. Để đáp trả động thái này, Hoa Kỳ đã tước đi một số đặc quyền mà trước đó cấp cho Hong Kong, gây khó khăn cho việc xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm của Mỹ sang đặc khu này. Hoa Kỳ cũng đã trừng phạt các quan chức cấp cao của Hong Kong, trong đó bao gồm cả Trưởng đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu (John Lee).

Vào năm 2020, Trưởng đặc khu Lý và 10 quan chức Trung Quốc và Hong Kong khác từng bị cáo buộc “làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong và đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp của nhân dân Hong Kong”, và phải chịu sự trừng phạt của Hoa Kỳ.

Kể từ khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia đối với Hong Kong, nhiều người dân Hong Kong đã cảm thấy bị đe dọa bởi các lằn ranh chính trị mập mờ. Thêm vào đó, tòa án Hong Kong đã huỷ bỏ cơ chế bồi thẩm đoàn, do vậy rất nhiều vụ kiện liên quan đến điều luật nói trên đều được xét xử bởi các thẩm phán do Trưởng đặc khu chỉ định.

Vào ngày 25/1 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong Gregory May tội phá rối và phỉ báng hệ thống pháp luật Hong Kong, sau khi ông May bày tỏ sự quan ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của Luật An ninh Quốc gia đối với pháp quyền của Hong Kong.

Trong buổi hội thảo trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ hồi tháng trước, ông May đã chia sẻ với các đại biểu tham dự cuộc họp mối lo về việc Bắc Kinh “có thể làm suy yếu thêm tính độc lập của hệ thống tư pháp Hong Kong” khi áp đặt Luật An ninh Quốc gia. Ông lo ngại rằng các quyết định của chính quyền Trung Quốc sẽ khiến cho hệ thống luật pháp của Hong Kong “lâm nguy”.

Ông May cũng cho biết thêm, trong hai năm vừa qua, có tới hơn 15.000 công dân Mỹ đã rời Hong Kong và chuyển đến các thành phố khác.

Vào năm 2020, chính quyền Hong Kong đã ban hành Luật An ninh Quốc gia, như một động thái đáp trả phong trào biểu tình chống chính phủ năm 2019 – 2020 của nhân dân Hong Kong. Tuy nhiên, ông May cho rằng đạo luật này sẽ làm tổn hại các quyền tự do ở Hong Kong và cáo buộc chính quyền Hong Kong đàn áp tự do báo chí. Ông chia sẻ thêm, nếu Hong Kong muốn tiếp tục duy trì danh hiệu “trung tâm tài chính quốc tế” của mình, thì đặc khu này cần phải cân nhắc đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và pháp quyền.

Hôm 17/2, Hoa Kỳ đã đề xướng một dự luật đóng cửa các văn phòng kinh tế và văn phòng thương mại của Hong Kong ở Mỹ, để răn đe các hành động phá hoại quyền tự quản của Hong Kong từ phía Bắc Kinh.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch

Related posts