Công ty chip nhận tài trợ của Mỹ bị cấm mở rộng sản xuất tại TQ trong 10 năm

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. (Nguồn ảnh: Kenneth C.Zirkel/Wikipedia/CC BY-SA 4.0)

Theo quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ, các nhà sản xuất chip phải đồng ý không mở rộng năng lực sản xuất ở Trung Quốc trong 10 năm nếu họ muốn nhận được tài trợ từ quỹ liên bang trị giá 39 tỷ USD. Quỹ liên bang này nhằm mục đích xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn hàng đầu của Mỹ để đối kháng với Trung Quốc.

Vào thứ Ba (28/2), Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra một kế hoạch chính sách công nghiệp mang tính bước ngoặt nhằm đối kháng với Trung Quốc, đồng thời đưa ra lời kêu gọi các công ty có kế hoạch xin tài trợ từ Đạo luật Khoa học và Chips được Quốc hội thông qua vào năm ngoái.

Chương trình do Bộ Thương mại công bố sẽ bắt đầu nhận đơn xin trợ cấp sản xuất trị giá 39 tỷ USD vào cuối tháng 6, bên cạnh đó cũng sẽ cung cấp khoản tín dụng thuế đầu tư 25% để xây dựng các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỷ USD.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nhấn mạnh rằng các biện pháp bảo vệ sẽ được áp dụng để đảm bảo rằng kế hoạch quỹ này không bị lạm dụng.

Bà Raimondo cho biết: “Những người nhận trợ cấp sẽ được yêu cầu ký một thỏa thuận hạn chế việc mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn của họ ở quốc gia liên quan trong 10 năm sau khi nhận được tiền.”

Bà nói thêm rằng các công ty nhận tài trợ cũng bị cấm “cố ý tham gia vào bất kỳ hoạt động nghiên cứu chung hoặc cấp phép công nghệ nào liên quan đến các công nghệ hoặc sản phẩm nhạy cảm với các thực thể nước ngoài có liên quan.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, bà Raimondo nói: “Như tất cả chúng ta đều biết, chúng ta đang ở trong một cuộc cạnh tranh mang tính toàn cầu – cuộc cạnh tranh toàn cầu rất khốc liệt với Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ). Công nghệ là chìa khóa của cuộc cạnh tranh này.”

“Hiện tại, chúng ta quá phụ thuộc vào chip tiên tiến của Đài Loan. Vì vậy, một phần lớn trong chiến lược của chúng ta để trở thành người dẫn đầu toàn cầu là đầu tư vào Mỹ: Đầu tư vào con người của chúng ta, đầu tư vào khả năng đổi mới của chúng ta để vượt xa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới,” bà nói với CNN.

Quốc hội Mỹ năm ngoái đã thông qua Đạo luật Khoa học và Chip, nhằm mục đích tạo ra một ngành công nghiệp bản địa có khả năng sản xuất hàng loạt chất bán dẫn tiên tiến. Ngoài các biện pháp giúp đỡ các công ty Mỹ, Bộ Thương mại cũng đã thực hiện các bước để làm chậm sự phát triển của ngành sản xuất chip của Trung Quốc, bao gồm việc thực hiện các quy định kiểm soát xuất khẩu toàn diện vào tháng 10 năm ngoái, điều này sẽ khiến Bắc Kinh khó có được chip tiên tiến, để tiếp tục ngăn chặn ĐCSTQ sử dụng chip tiên tiến nhằm mở rộng quân sự và thiết bị giám sát.

Bà Raimondo cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 6/9/2022 rằng các công ty và doanh nghiệp công nghệ Mỹ nhận tài trợ từ Đạo luật Khoa học và Chip trị giá 280 tỷ USD sẽ bị cấm nhà máy và cơ sở liên quan đến “công nghệ tiên tiến” tại Trung Quốc trong vòng 10 năm.

Khi Bộ Thương mại khởi động nộp đơn xin trợ cấp hàng chục tỷ đô la cho chip vào thứ Ba, bà Raimondo cho biết, hy vọng người hiểu “rất rõ ràng” rằng chương trình này là “một biện pháp an ninh quốc gia”.

Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Thương mại đang yêu cầu mỗi công ty muốn nhận một phần trong số 39 tỷ đô la tài trợ trực tiếp cho sản xuất chất bán dẫn, phải thuyết minh rõ về cách họ sẽ xây dựng một lực lượng lao động lành nghề và đa dạng, bao gồm cả việc hợp tác với các trường trung học và cao đẳng cộng đồng, v.v.

Các công ty xin tài trợ sẽ cần phát triển một chiến lược và cam kết đào tạo lực lượng lao động của họ, đồng thời phối hợp với các cơ quan giáo dục và cộng đồng khác để đạt được các mục tiêu về lực lượng lao động.

Bà Raimondo cho biết, công ty cũng phải đồng ý với các hạn chế khác, bao gồm cấm sử dụng tiền để mua lại cổ phần hoặc trả cổ tức.

Bà nói: “Tôi cũng muốn làm rõ rằng số tiền này không thể được sử dụng để mua lại cổ phần. Đây là để đầu tư vào an ninh quốc gia của chúng ta, không cho phép các công ty này sử dụng tiền của chúng ta để tăng lợi nhuận.”

Bà nói thêm rằng các công ty xin hơn 150 triệu đô la cũng phải vạch ra trước về cách họ sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng cho nhân viên của mình, một động thái nhằm đáp lại những lo ngại rằng Mỹ không có đủ nhân tài để đảm bảo thực thi Đạo luật CHIP.

“Đó là một bài toán. Chúng ta cần nhiều lao động hơn. Hiện tại chúng ta không có dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng và đó là yếu tố quan trọng nhất khiến mọi người, đặc biệt là phụ nữ, không thể tham gia lực lượng lao động,” bà Raimondo nói.

Theo Hạ Vũ, Epoch Times

Related posts