Hà Nội: Bắt 2 Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-21D
Mở rộng sai phạm ngành đăng kiểm, 2 Phó Giám đốc và 1 cán bộ thuộc Trung tâm đăng kiểm 29-21D bị bắt.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) vừa ra quyết định tạm giữ hình sự 3 người tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-21D (ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức) để điều tra về hành vi Nhận hối lộ và Giả mạo trong công tác.
3 người bị bắt có 2 Phó giám đốc và 1 nhân viên Trung tâm. Họ gồm: Hoàng Ngọc Quý (SN 1987, Phó giám đốc), Nguyễn Văn Định (SN 1992, Phó giám đốc) và Trần Văn Doanh (SN 1996, nhân viên) – cả 3 cùng ở huyện Hải Hậu (Nam Định).
Qua điều tra, công an xác định sai phạm tại trung tâm này có sự móc nối, ký khống giấy tờ giữa trung tâm và một số đơn vị thi công, cải tạo, nghiệm thu phương tiện, gây ra nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, cháy nổ các phương tiện cơ giới.
Cụ thể, khi đến trung tâm đăng kiểm để đăng ký xe ô tô và làm thủ tục cải tạo (hoán cải) mà chưa có các loại giấy tờ theo quy định như biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo; văn bản đề nghị nghiệm thu chất lượng xe cơ giới cải tạo… chủ phương tiện sẽ đưa cho Nguyễn Văn Định khoảng 1 triệu đồng.
Sau khi nhận tiền, Định sẽ nhận hồ sơ từ chủ xe và ký khống vào mục ghi “Cán bộ kỹ thuật” trong “Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo”, và mục “Đại diện đơn vị thi công” trong “Biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo”.
Bên cạnh đó, đăng kiểm viên thông đồng với đơn vị thiết kế xe cơ giới cải tạo để đơn vị này ký khống trước phần “Đại diện đơn vị thi công” để trống giấy trắng ở phần trên, sao cho vừa nội dung của “Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo” rồi in chèn thông tin chủ xe và phương tiện đến đăng kiểm. Bằng cách này, các bị can đã hợp thức hóa các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của phương tiện “hoán cải” .
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng còn làm rõ hành vi nhận hối lộ của Trần Văn Doanh xác định là người trực tiếp nhận chỉ đạo thu tiền cao hơn thực tế của các xe ô tô “hoán cải” đến đăng ký.
Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Phạm Toàn
Thái Nguyên: Giết hổ nấu cao, nguyên chủ tịch phường bị phạt 36 tháng tù
Chủ tịch phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cùng 2 đồng phạm bị xét xử vì xẻ thịt hổ để nấu cao.
Ngày 1/3, TAND TP. Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Ngô Văn Quân (SN 1971, trú tại phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) về hành vi “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm a khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015.
Ông Quân nguyên là Chủ tịch UBND phường Tiên Phong nhiệm kỳ 2021-2026.
Hai đồng phạm tham gia hỗ trợ bị cáo Quân xẻ thịt hổ nấu cao cũng bị xét xử gồm: Nguyễn Văn Nam (SN 1995, trú tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) và Nguyễn Văn Thắng (SN 1980, trú tại TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).
Trước đó, vào tháng 1/2022, Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp cùng Công an thị xã Phổ Yên bắt quả tang hộ gia đình ông Quân đang giết mổ 1 cá thể hổ để nấu cao.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện nhiều tang vật liên quan gồm: 1 cá thể hổ đông lạnh, 1 xương đầu hổ, 2 bộ da hổ, 4 chi hổ, 16 túi thịt hổ, 1 đầu sơn dương đông lạnh. Khám xét nơi ở của ông Quân, công an tiếp tục phát hiện 1.578 gói cao thành phẩm, 21 lọ thủy tinh đựng mật gấu.
Thời điểm phát hiện, vụ án đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận bởi ông Quân là chủ tịch phường. Ông Quân từng là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tiên Phong nhiệm kỳ 2016-2021 và đã được bầu tái cử giữ chức danh Chủ tịch UBND phường Tiên Phong nhiệm kỳ 2021-2026.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Quân mức án 36 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Bị cáo Nam bị phạt 15 tháng tù treo (thử thách 30 tháng) và bị cáo Thắng bị phạt 12 tháng tù treo (thử thách 24 tháng) cùng về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Bảo Khánh
Đà Nẵng: Gây ra hàng loạt sai phạm, kế toán trưởng Trường mầm non bị phạt 19 năm tù
Kế toán một trường mầm non ở Đà Nẵng bị cáo buộc lập “khống” hồ sơ để tham ô tài sản. Nhằm đối phó với đoàn kiểm tra và che giấu sai phạm, kế toán này còn giả chữ ký của chủ tài khoản, làm giả con dấu của kho bạc.
Ngày 28/2, TAND TP. Đà Nẵng xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Vân Kiều (SN 1987, trú tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) – nguyên kế toán Trường mầm non Hoa Ngọc Lan về các tội “Tham ô tài sản”; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Đồng phạm trong vụ án còn có 4 người bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” gồm:
– Trương Thị Thanh Vân (SN 1971, trú tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) – nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai;
– Trịnh Thị Thu Tâm (SN 1966, trú tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) – nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Ngọc Lan;
– Trần Thị Thúy Hoa (SN 1963, trú tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) – nguyên thủ quỹ Trường mầm non Hoa Ngọc Lan;
– Nguyễn Thị Duy Hoàng (SN 1987, trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) – nguyên văn thư, thủ quỹ Trường mầm non Hoa Ngọc Lan.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 8/2017 đến tháng 6/2019, bà Kiều với chức vụ là kế toán trưởng của trường đã lập “khống”, giả chữ ký của chủ tài khoản rồi đưa chủ tài khoản ký trên giấy ủy nhiệm chi, giấy rút dự toán ngân sách với nội dung mua văn phòng phẩm, đồ dùng, trang thiết bị phục vụ dạy học và bán trú.
Đồng thời, bà Kiều lập, nâng “khống” tiền lương bán trú, thứ 7 của mình trên bảng lương ủy nhiệm chi (lương gấp từ 20 – 30 lần lương thực tế) cho hiệu trưởng ký hoặc giả chữ ký hiệu trưởng để chuyển tiền từ kho bạc, ngân hàng vào tài khoản cá nhân rồi chiếm đoạt tiền.
Tổng số tiền bà Kiều chiếm đoạt là trên 939 triệu đồng.
Để đối phó với đoàn kiểm tra và che giấu hành vi, bà Kiều đã giả chữ ký của chủ tài khoản Trương Thị Thanh Vân trên 5 bảng xác nhận số dư tài khoản, làm giả 1 phiếu chi, 1 giấy nộp tiền vào tài khoản với nội dung: Nộp tiền học sinh bán trú tháng 12/2017, tiền học vẽ, tiếng Anh, aerobic tháng 12/2017, số tiền 115.330.000 đồng, làm giả con dấu của Kho bạc Nhà nước quận Cẩm Lệ trên giấy nộp tiền bỏ vào hồ sơ kế toán.
Cơ quan tố tụng xác định bà Hoa và bà Hoàng (thủ quỹ của trường) đã thiếu trách nhiệm, không theo dõi, quản lý biên lai thu tiền bán trú, không cập nhật kịp thời các khoản thu vào sổ tiền mặt của trường; để cho người không có trách nhiệm thu tiền bán trú, lấy tiền bán trú cho người khác mượn. Việc bàn giao tiền sau khi thu không rõ ràng dẫn đến làm thất thoát tiền của trường, với tổng số tiền hơn 570 triệu đồng.
Đối với 2 hiệu trưởng là bà Vân và bà Tâm, là chủ tài khoản của trường đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, đối chiếu trước khi ký chứng từ, không kiểm tra, giám sát việc thu, nộp tiền bán trú, để các cá nhân không có trách nhiệm tự ý thu tiền bán trú, không nộp tiền vào kho bạc dẫn đến làm thất thoát tiền của nhà trường với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Trong đó, bà Vân bị xác định đã làm thất thoát số tiền hơn 1 tỷ đồng và bà Tâm bị xác định làm thất thoát số tiền gần 500 triệu đồng.
Sự việc trên làm ảnh hưởng đến tiền lương bán trú của các giáo viên, dẫn đến việc trường nợ tiền các đơn vị cung ứng thực phẩm, hàng hóa phục vụ việc giảng dạy và học tập.
Tại tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
TAND TP. Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Vân Kiều mức án 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và 3 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức”; “Sử dụng con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức”. Tổng hợp hình phạt bị cáo Kiều phải chấp hành là 19 năm tù.
Tòa cũng tuyên phạt 4 đồng phạm cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” gồm:
– Trương Thị Thanh Vân nhận mức án 24 tháng cải tạo không giam giữ;
– Trịnh Thị Thu Tâm nhận mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ;
– Trần Thị Thúy Hoa và Nguyễn Thị Duy Hoàng cùng mức án 9 tháng cải tạo không giam giữ.
Thạch Lam
Năm 2022: Thừa Thiên – Huế để ‘mất’ hơn 72ha rừng tự nhiên
Giới chức Thừa Thiên – Huế cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rừng bị giảm là do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Ngày 1/3, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết tỉnh vừa có quyết định công bố về hiện trạng rừng 1 năm qua.
Theo đó, năm 2022, tỉnh có 305.560 ha diện tích đất có rừng. Trong đó, rừng tự nhiên có 205.602ha; rừng trồng đã thành rừng có 77.148ha; diện tích đã trồng chưa thành rừng có 22.809ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 57,15%.
Đáng chú ý, năm 2022, diện tích rừng tự nhiên giảm là 72,16ha.
Theo giới chức tỉnh, nguyên nhân diện tích rừng giảm chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích 43,34ha (huyện Phú Lộc 41,05ha; huyện Phong Điền 2,29ha).
Cùng với đó, nguyên nhân rừng bị giảm còn do sạt lở với diện tích 22,81ha (huyện Phong Điền 10,13ha; huyện A Lưới 6,96ha; huyện Nam Đông 2,71ha) và do phá rừng trái pháp luật, lấn chiếm rừng có 6,01ha (huyện Nam Đông 3,24ha; huyện Phú Lộc 0,09ha; huyện A Lưới 2,65ha; huyện Phú Vang 0,03ha).
Mỗi năm Việt Nam suy giảm khoảng 2.500ha rừng
Theo Cổng thông tin điện tử của Hội nông dân Việt Nam, năm 2021, Việt Nam trồng được 277.830ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%.
Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800ha, trong đó, rừng bị cháy khoảng 13.700ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm Việt Nam suy giảm khoảng 2.500ha rừng.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2021, cả nước phát hiện 2.653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, giảm 13% so với năm 2020. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.229ha, tăng 527ha.
Khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật.
Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2019, tổng diện tích có rừng của khu vực này là gần 2,6 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 45,9%. Trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tịch thu 9.898m3 gỗ các loại.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang tác động, làm mất một diện tích rừng rất lớn do bị cháy, sạt lở rừng ven biển. Chỉ riêng ở Cà Mau 10 năm qua đã mất gần 5.000ha rừng phòng hộ ven biển. Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, giai đoạn 2011-2020, tỉnh này mất khoảng 4.950ha rừng ven biển.
Việt Nam hiện có khoảng 200.000ha rừng ngập mặn. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác, chặt phá rừng vẫn còn diễn ra. Ngoài ra, những cơn gió, bão, sóng biển cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn.
Hoàng Minh